Nghỉ hưu và ý niệm về một cuộc đời “hoàn tất" | Vietcetera
Billboard banner
Một chút thời gian, một hành trình sức khỏe tuyệt vời đang chờ bạn! 🌸 Tham gia khảo sát nhé!Bắt Đầu

Nghỉ hưu và ý niệm về một cuộc đời “hoàn tất"

Có lẽ ý niệm về nghỉ hưu nên được thay đổi. Nó không còn là “kết bài”, mà bắt đầu một phần đời mới quan trọng của con người – phần đời thứ ba (the third age).

Nghỉ hưu và ý niệm về một cuộc đời “hoàn tất"

Nhân vật Shim Deok-chul trong bộ phim Navillera (Netflix), một cụ ông 70 tuổi quyết tâm theo đuổi niềm đam mê múa ba lê sau khi về hưu. | Nguồn: theqoo

Tôi và các bạn của mình hầu hết đang ở giữa độ tuổi 20. Không hẹn mà gặp, bố mẹ chúng tôi lần lượt... về hưu.

Những người tưởng như đã sống xong phần đời “chính" nhất của mình, thay vì nghỉ ngơi và chơi với con cháu, dường như lại bắt đầu một chặng đường mới. Bố của bạn tôi sau 3 thập kỷ làm thiết kế đồ họa cho một tập đoàn lớn, nay gác Wacom để quay lại khám phá tranh sơn dầu. Mẹ tôi từ chối kinh doanh gia tăng thu nhập, vén tay học làm bánh. Những dự định nghề nghiệp và sở thích bất ngờ hé lộ – những phần tươi trẻ chúng tôi lần đầu thấy ở phụ huynh mình.

Có lẽ, ý niệm về nghỉ hưu đã thay đổi. Như đề xuất của một nghiên cứu được tổng hợp trên New York Times: nghỉ hưu không còn là “kết bài”, nó bắt đầu một phần đời mới quan trọng của con người – phần đời thứ ba (the third age).

Quãng đời sau nghỉ hưu đang trở nên dài hơn

Từ 1950 đến nay, tuổi thọ trung bình của con người tăng từ xấp xỉ 30 đến hơn 72 năm. Sau hai thế kỷ của cải tiến y học và điều kiện sống, chúng ta đang sống lâu hơn gấp đôi tổ tiên của mình.

Năm 1989, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 65,2. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tuổi thọ bình quân quốc gia là 73,6 – cao hơn mức trung bình thế giới. Như vậy, trong 30 năm, tuổi thọ trung bình của người Việt tăng thêm 8,4 năm.

nghỉ hưu 1
Quãng đời sau khi về hưu của con người đang dài hơn, khiến chúng ta tự vấn lại cách quy hoạch cuộc sống như vốn dĩ. | Nguồn: Unsplash

Những số liệu này cho thấy quãng đời sau khi về hưu của con người đang dài hơn bao giờ hết. Nếu may mắn có sức khỏe và khả năng lao động tốt, đây là thời điểm lý tưởng để khám phá những lựa chọn mới.

Theo Forbes, nghỉ hưu lâu đồng nghĩa với việc chúng ta cần dự trù tài chính kỹ càng hơn, thậm chí tái lao động để có thêm thu nhập. Hai thập kỷ nhàn hạ cũng gợi mở những cách tư duy mới mẻ về "tuổi già" – hay chính là phần đời thứ ba của mỗi người.

Người cao tuổi và tình trạng mất kết nối

Sự lạc lõng của người cao tuổi với thế giới hiện đại, với công nghệ và những thay đổi được “cầm trịch” chủ yếu bởi người trẻ, không còn là một điều mới. Tuy nhiên, chúng ta có thể thử nhìn nó dưới những lăng kính khác.

Có lẽ thế giới vốn không được thiết kế dành cho người già. Theo Don Norman – giáo sư, nhà nghiên cứu và cựu kỹ sư thiết kế trải nghiệm người dùng của Apple – thiết kế đương đại rất bất thân thiện với người cao tuổi. Gậy đi bộ trong quá khứ từng duyên dáng và sang trọng, nay được nhìn nhận như một dụng cụ y tế. Giao diện của iPhone đã mất đi tính dễ sử dụng vốn là tôn chỉ thiết kế trong quá khứ, đòi hỏi hướng dẫn sử dụng và trí nhớ người dùng. Các quán ăn phần lớn quá ồn, gây khó khăn đặc biệt cho giao tiếp của người cao tuổi với thính lực suy giảm.

Theo nghiên cứu của Đại học San Diego California, số lượng thiết bị công nghệ sở hữu bởi người cao tuổi đang tăng lên, nhưng họ lại gặp nhiều khó khăn trong việc sử dụng chúng. Công nghệ thường được phát triển mà không có sự tham vấn người dùng trên 65 tuổi ở giai đoạn thiết kế ban đầu, dẫn đến những sản phẩm kém thân thiện.

nghỉ hưu 2
Thế giới có lẽ vẫn chưa bắt kịp với phần dân số lớn tuổi đang ngày một tăng. | Nguồn: Freepik

Ở một phương diện khác, sự mất kết nối cũng là một lựa chọn: chúng ta chỉ lạc lõng khi chúng ta ngừng tham gia. Nhiều người cao tuổi đang hiện diện tích cực trên mạng xã hội, dùng TikTok và nghe Billie Eilish. Họ mang lại góc nhìn và phong cách của riêng mình, thay vì đơn thuần chạy theo trào lưu.

Như vậy, dù thế giới có thể chưa bắt kịp với phần dân số lớn tuổi đang ngày một tăng, cánh cửa vẫn bỏ ngỏ để những người về hưu hòa nhập vào đời sống đương đại. Trên bình diện sức khỏe, văn hóa và kinh tế, không có lý do gì để chúng ta tự động ngắt kết nối khi về hưu. Thay vì "ở ẩn", phần đời thứ ba hứa hẹn một thời điểm bất ngờ để tiếp tục phát triển và khám phá, khi con người đã có cho mình một nền tảng trải nghiệm, kinh nghiệm và tài chính vững vàng.

Có nên từ bỏ cách tư duy nhị nguyên về việc nghỉ hưu?

Quay lại với tác giả của cụm từ “the third age", tiến sĩ tâm lý Ken Dychtwald cho rằng nghỉ hưu không còn là một công tắc tắt - mở. Trước đây, quãng đời sau khi về hưu tương đối ngắn, được coi như thời gian để nghỉ ngơi sau nhiều thập kỷ làm việc vất vả. Khi tuổi thọ tăng, chiến lược về hưu kiểu cũ có thể dẫn đến sự buồn chán và mất phương hướng.

Theo nghiên cứu của ông, những người chọn nghỉ ngơi hoàn toàn bằng cách chơi thể thao, đọc sách, theo đuổi sở thích cá nhân,... sẽ thấy rất hạnh phúc ở thời gian đầu. Tuy nhiên, khi lịch trình này lặp đi lặp lại hàng chục năm, họ sẽ cảm thấy cuộc sống dần mất đi ý nghĩa.

Nếu con người dành rất nhiều công sức để hoạch định tuổi trẻ của mình, thì khoảng thời gian từ 60 đến 90 tuổi trở thành một lãnh địa gần như chưa được khai phá. Theo Dychtwald, cuộc sống hưu trí không nên tập trung vào an dưỡng 24/7. Thay vào đó, đây là lúc để tiếp tục tìm kiếm, khám phá chính mình và cuộc sống.

the intern
Nhân vật Ben trong phim The Intern là trường hợp đã sớm "giác ngộ" được tư tưởng nghỉ hưu không phải là "kết bài" và tận dụng kinh nghiệm của mình để toả sáng.

Có những người tận hưởng khoảng thời gian lao động và sáng tạo trọn vẹn nhất sau 65 tuổi, khi tiền bạc không còn là động lực chính. Colonel Sanders gây dựng KFC ở tuổi 62, một minh chứng khác cho khả năng tái tạo của con người kể cả khi đã tiệm cận 'thất thập'.

Khi phần đời thứ ba trở dài hơn, nó cũng khiến chúng ta tự vấn lại cách quy hoạch cuộc sống như vốn dĩ. Mượn lời bài hát của Y Vân:

"Anh ơi có bao nhiêu, 60 năm cuộc đời

20 năm đầu, sung sướng không bao lâu

20 năm sau, sầu vương cao vời vợi

20 năm cuối là bao."

Nếu 20 năm cuối chưa phải là hết, quãng đời "thứ hai" – kéo dài từ 20 đến 40 tuổi – phải chăng cũng có thể được dãn ra, chậm lại? Chúng ta đang cô đọng chính mình trong tuổi trẻ, dấn thân vào cuộc đua tham công tiếc việc để được về hưu sớm và thực sự làm điều mình yêu thích.

Nếu đã có thêm thời gian, chiến lược này cũng nên được tái định nghĩa. Bởi suy cho cùng, ở bất cứ thời điểm nào chúng ta cũng đều nên sống trọn vẹn nhất cuộc đời mình, chẳng cần đợi đến khi về hưu.