Cảm giác rùng mình khi nghe ASMR đến từ đâu?

Điều gì tạo nên sự dễ chịu của những video ASMR khiến chúng ta dành hàng giờ để đắm chìm trong nó?
Ngọc Hà
Cảm giác rùng mình khi nghe ASMR đến từ đâu?

Nhi Thanh @obanhmis cho Vietcetera

Vốn đã xuất hiện từ lâu trong cộng đồng YouTube, video ASMR lấy bối cảnh yên tĩnh với yếu tố chính là những tiếng thì thầm hoặc âm thanh nhẹ nhàng mô phỏng một hành động nào đó. Chúng ta dễ dàng ngồi xem video ASMR hàng giờ liền vì cảm giác dễ chịu, thư giãn mà nó đem lại.

Vì sao những âm thanh này có thể làm hài lòng các cơ quan khiến não bộ được thư giãn? Nhờ cơ chế nào mà chúng ta có cảm giác rùng mình khi nghe ASMR? 

ASMR là gì?

ASMR (Autonomous Sensory Meridian Response) là phản ứng cực khoái độc lập, chỉ trạng thái rùng mình, thư giãn của con người sau khi tiếp nhận một vài kích thích nhất định. Những kích thích này có thể là một âm thanh êm ái, một hình ảnh lặp đi lặp lại hoặc sự tiếp xúc thân mật.

Trạng thái ASMR thường bắt đầu bằng cảm giác râm ran dễ chịu xuất phát từ đỉnh đầu, đôi khi chạy dọc sống lưng và tứ chi, kèm theo cảm giác thư thái khiến chúng ta dễ rơi vào giấc ngủ. 

Không phải ai cũng có thể trải qua trạng thái ASMR. Tương tự, mỗi người sẽ có phản ứng ASMR dưới sự tác động của các kích thích khác nhau, chẳng hạn như:

  • Tiếng mưa
  • Tiếng nấu ăn 
  • Tiếng lật sách vở
  • Tiếng gõ phím
  • Tiếng thì thầm 
  • Tiếng chải tóc 

Nguyên nhân khiến chúng ta có cảm giác ngứa ngáy khi nghe ASMR?

Sự truyền tải thông tin chéo trong hệ thần kinh

Hệ cảm giác thân thể (somatosensory system) nằm ở thùy đỉnh của não bộ, đóng vai trò trong việc tiếp nhận những thông tin liên quan tới cảm giác (như sự va chạm hoặc đau đớn) từ toàn bộ cơ thể. Từ đó, nó sẽ xử lý những thông tin này để quyết định xem cơ thể nên phản ứng như thế nào trước một kích thích cụ thể. Ví dụ như rụt tay lại khi chạm vào nước sôi. 

Cảm giác ASMR được cho là có liên hệ đến sự trao đổi giữa hệ cảm giác thân thể và vỏ não thính giác (auditory cortex).

Chẳng hạn như khi xem video ASMR mô phỏng hành động ngoáy tai, vỏ não thính giác ghi nhận âm thanh "sột soạt" và đưa thông tin này đến hệ cảm giác thân thể. Tại đây, nó kích hoạt phản ứng của những vùng cơ thể liên quan (như sống lưng) mang lại cảm giác nhột nhạt.

Nhờ vào hệ thần kinh phản chiếu 

Các tế bào thần kinh phản chiếu (mirror neurons) được kích hoạt khi chúng ta quan sát ai đó thực hiện một hành động và mong muốn bắt chước những gì đã thấy.

Tế bào thần kinh phản chiếu này có liên kết với hệ cảm giác thân thể nêu trên và vỏ não vận động (motor cortex). Nhờ vậy, các tế bào thần kinh này tái tạo lại trải nghiệm bạn đã thấy trong tâm trí, đem lại cảm giác như thể bạn đang thực hiện hoặc trải qua hành động ấy. Vì thế, khi xem video ASMR thì thầm, bạn có cảm giác dễ chịu như người khác đang trực tiếp thì thầm vào tai mình vậy.

Tác dụng trị liệu của ASMR?

Theo nghiên cứu của Đại học Sheffield và Manchester Metropolitan, trải qua cảm giác ASMR có nhiều tác dụng trị liệu, cụ thể như:

Ảnh hưởng tích cực lên sức khỏe

Theo một nghiên cứu vào năm 2018, xem video ASMR giảm thiểu dấu hiệu căng thẳng về thể chất lẫn tinh thần bởi nó giúp người nghe thư giãn và đưa nhịp tim về mức ổn định. Nhờ vậy, các mặt khác của đời sống cũng đồng thời được cải thiện, chẳng hạn như chất lượng giấc ngủ.

Bên cạnh đó, ASMR còn có tác dụng giảm đau mãn tính. Trong một nghiên cứu, khoảng một nửa số người ở trạng thái ASMR ghi nhận tình trạng đau mãn tính của mình có tiến triển tích cực.

Cảm giác phấn khởi

Trạng thái ASMR thường đem lại cảm giác tích cực vì khi đó, não bộ tiết ra một số chất hoá học thần kinh (neurochemicals) như dopamine, endorphin, oxytocin hoặc serotonin. Những chất hoá học này giúp đem lại cảm giác phấn khởi. 

Chẳng hạn như dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh khiến con người khao khát và nỗ lực đạt được một mục tiêu nhất định. Nhưng dopamine cũng được kích hoạt khi chúng ta có cảm giác rùng mình khi nghe một đoạn nhạc (hiện tượng "frisson”). Vậy nên khi gặp kích thích ASMR là một đoạn nhạc nào đó, dopamine cũng đồng thời được tiết ra, khiến bạn có cảm giác dễ chịu và thư thái.

Cách kích hoạt ASMR?

Để thử trải nghiệm ASMR, bạn có thể thực hiện một số cách sau:

Tìm kiếm cảm giác kích thích

Mỗi người sẽ có phản ứng ASMR dưới sự tác động của các kích thích khác nhau. Vì vậy, điều quan trọng ở đây là tìm ra được kích thích ASMR phù hợp với bạn.

Hãy để ý đến những cảm giác của bạn khi tiếp xúc với bất cứ sự vật gì. Khi cảm thấy “ngứa ngáy, râm ran” chạy dọc đỉnh đầu đến sống lưng kèm sự dễ chịu nhất định, khả năng cao là bạn đang trải nghiệm ASMR. 

Luyện tập một mình

Hãy tìm một không gian riêng, yên tĩnh và hướng sự tập trung vào cảm xúc của bản thân. Sau đó, dồn sự chú ý vào một bộ phận cơ thể nhất định (cánh tay, gáy, thắt lưng,...) và di chuyển ngón tay ở bộ phận đó.

Xem nhiều video ASMR khác nhau

Sự phát triển các video ASMR trên YouTube vô cùng phong phú và đa dạng trong nhiều lĩnh vực (nấu ăn, trang điểm, massage) đem lại cho bạn nhiều trải nghiệm và hỗ trợ bạn tìm ra được kích thích phù hợp.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục