ChatGPT đã đảo lộn thế giới như thế nào?
Tròn một tháng từ thời điểm năm mới, ChatGPT đã “phá đảo thế giới ảo.” Người ta sục sôi vì nó, đua nhau tìm cách trải nghiệm ChatGPT. Không dừng lại ở đó, giới công nghệ đang dự đoán về những bước tiến lớn hơn nữa trong năm 2023 trong địa hạt trí tuệ nhân tạo nói chung và trong những dự án chat-bot-đối-thoại như ChatGPT nói riêng.
Thế nhưng những bước tiến này cũng mang lại những vấn đề mới mà chúng ta chưa từng đối mặt. Sự phát triển của ChatGPT và trước đó là Midjourney hay Lensa đã đặt ra nhiều câu hỏi mang tính đạo đức nghề nghiệp về bản quyền tác phẩm và thẩm quyền của người nói.
Trong khi đó, những trải nghiệm mới nhất của người dùng ChatGPT cho thấy công cụ này đủ sức thay thế nhiều thứ - và nhiều người - trong cuộc sống của chúng ta.
Công nghệ thay đổi buộc con người phải đổi thay theo. Bên cạnh sự hào hứng, sự thích thú, và sự ngưỡng mộ dành cho sản phẩm của công ty OpenAI, nhân loại đang tìm cách thích nghi với nó. Những hiện tượng hay sự kiện nào đang đánh dấu sự phản ứng của từng lĩnh vực, ngành nghề với chú bot này?
1. “Hiệu ứng CNET” và làn sóng sa thải tại các đơn vị truyền thông
CNET “ăn gạch” vì viết bài bằng trí tuệ nhân tạo
Khi năm mới vừa bắt đầu chưa được bao lâu, giới truyền thông tại Mỹ nói riêng và trên thế giới nói chung đổ dồn sự chú ý vào CNET - một trang tin chuyên về công nghệ có trụ sở tại Mỹ. Từ giữa quý IV năm 2022, trang tin này đã bí mật sử dụng trí tuệ nhân tạo để viết bài. Theo đại diện của CNET, các bài viết sản xuất bởi AI vẫn có sự chỉnh sửa và kiểm chứng của các biên tập viên.
Những bài viết sản xuất bởi AI trên trang này có vô vàn lỗi, bao gồm cả lỗi kiến thức, lỗi logic, và lỗi đạo văn. Hệ quả của việc này là CNET phải công khai xin lỗi người đọc, đồng thời rà soát toàn bộ các bài viết của AI và tiến hành chỉnh sửa hàng loạt. Một số bài đăng thậm chí phải thực hiện lại từ đầu.
Tưởng như sự thất bại của CNET sẽ là lời cảnh báo cho các công ty truyền thông về con dao hai lưỡi mang tên trí tuệ nhân tạo, nhưng kết quả thì trái ngược hoàn toàn. Vụ việc trùng với sự bùng nổ của ChatGPT, khiến CNET đang là tấm gương của việc “không nên sử dụng AI” bỗng trở thành một case study “sử dụng AI thế nào cho hiệu quả nhất.”
Nói cách khác, dường như người ta đã nhanh chóng chuyển lý do tẩy chay CNET từ “sử dụng AI” thành “sử dụng AI sai cách.” Đối tượng bị chỉ trích ở đây là người dùng, không phải công cụ.
Đại sa thải: người đi, ai (AI) đến?
Cùng thời điểm với vụ việc này, một loạt các công ty truyền thông phương Tây như Vox, NBC News, BuzzFeed, hay Washington Post thông báo lộ trình cắt giảm nhân công. Đây là sự nối dài của làn sóng sa thải từ năm ngoái, với đại diện tiêu biểu các công ty công nghệ và dịch vụ như Google, Microsoft, Amazon, hay Spotify.
Tất cả các công ty này đưa ra cùng một lý do: khó khăn về mặt tài chính. Tuy nhiên, những con số cho thấy điều này chưa chắc đã chính xác hoàn toàn. Tại thời điểm sa thải, cổ phiếu và tình hình tài chính của hầu hết các đơn vị kể trên đều khá khỏe mạnh. Liệu có tồn tại một lý do khác?
BuzzFeed là đơn vị đầu tiên đưa ra câu trả lời trực tiếp: sa thải nhân viên là vì khó khăn, nhưng cũng vì có trí tuệ nhân tạo. Công ty này thẳng thừng tuyên bố sẽ sử dụng ChatGPT để vận hành một số nội dung trên trang của mình và làm thay công việc của 180 nhân công mới phải nghỉ việc.
Động thái của BuzzFeed cộng hưởng mạnh mẽ với hiệu ứng “công cụ không có lỗi, lỗi tại người dùng” mà CNET vô tình khởi xướng. Đây có thể thực sự là khởi đầu của việc vận dụng trí tuệ nhân tạo vào mục đích sản xuất tin tức và tri thức hàng loạt ở cấp độ công nghiệp.
Về phía các công ty công nghệ như Google và Microsoft, việc sử dụng trí tuệ nhân tạo là một phương án sẵn có. Nên nhớ rằng, ngay sau khi sa thải hơn 10 ngàn người, Microsoft đã rót tiền tỷ vào ChatGPT. Và theo New York Times, tiếng vang của ChatGPT đã thúc đẩy Google tăng tốc các dự án trí tuệ nhân tạo của mình.
Làn sóng đại sa thải của năm 2023 có lẽ sẽ là sự cộng hưởng của cả khó khăn tài chính lẫn sự bành trướng của công nghệ. AI có thể không phải là nguyên nhân, nhưng sẽ là một giải pháp rất tiện lợi cho những ông trùm công nghệ và truyền thông.
2. Lời từ chối nửa vời của giới học thuật với ChatGPT
Từ cuối năm ngoái và đầu năm nay, ChatGPT xuất hiện với tư cách đồng tác giả của một vài bài nghiên cứu trên các tạp chí học thuật. Lộ diện dưới vai trò “tác giả nhân tạo” (artificial author), sản phẩm của OpenAI nối tiếp cuộc đối thoại về bản quyền và về liêm chính học thuật vốn đã rất nóng hổi với Lensa.
Một vài tạp chí khoa học danh tiếng như Springer Nature hay Science đã cập nhật quy định của mình. Theo đó, ChatGPT không đủ tiêu chuẩn để trở thành một tác giả, và thậm chí không được phép sử dụng để viết bài. Một trong các lý do có lẽ là ChatGPT không phải là một tác giả hiện hữu để có thể chịu trách nhiệm cho những “thành tựu nghiên cứu” của nó.
Thế nhưng có một cú “twist”: Hơn một tuần sau lời tuyên bố đanh thép trên, Springer Nature bỗng “quay xe” tuyên bố rằng ChatGPT không là tác giả, nhưng có thể được sử dụng làm công cụ hỗ trợ viết bài với điều kiện tác giả phải có thông báo và ghi chú rõ ràng về việc này.
Sự việc này thể hiện hai điều. Thứ nhất, nó cho ta thấy rằng những ông trùm trong giới xuất bản học thuật như Springer Nature cũng chỉ là những công ty tư bản, và những công ty này thì không từ chối bất cứ cơ hội kiếm tiền nào. Thứ hai, bản thân giới tri thức cũng bối rối không biết phải xử lý và phản ứng thế nào với công cụ viết lách siêu việt này.
Đây cũng chính là vấn đề của ngành giáo dục toàn cầu: có nên tiếp tục giao bài về nhà, yêu cầu viết luận, hay tuyển sinh bằng hình thức viết khi đã có ChatGPT? Phải thay đổi giáo dục thế nào để tận dụng năng lực của công cụ này mà không để nó làm thui chột tri thức và khả năng tư duy của con người?
Đó chính là những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu và nhà giáo dục trên thế giới phải đối mặt. Ta không biết những thay đổi gì sẽ tới trong tương lai, nhưng ta biết chắc một điều: sau ChatGPT, người ta sẽ học kiểu khác, thi kiểu khác, và sản sinh tri thức kiểu khác.
3. Sự xuất hiện của những “người môi giới AI”
Mỗi thay đổi về kỹ thuật, công nghệ đều sản sinh những ngành nghề mới. Sự xuất hiện của kỹ thuật in tạo ra nghề in, từ đó lại tạo ra nghề báo và ngành báo. Internet và mạng xã hội tạo ra nghề KOL. Và ChatGPT tạo ra nghề môi giới AI.
Vậy môi giới AI thì làm gì? Họ là những cầu nối kết nối và hướng dẫn người có nhu cầu sử dụng trí tuệ nhân tạo với AI tương ứng theo nhu cầu. Họ có thể là những người trong giới công nghệ, hoặc đơn giản chỉ là những cá nhân thức thời đón đầu xu thế.
Hãy lấy ví dụ về chính ChatGPT. Trang VnExpress đã phỏng vấn một cá nhân làm nghề môi giới AI. Theo người này, ChatGPT có nhiều bước tạo tài khoản rất lằng nhằng, không phải ai cũng có điều kiện thực hiện. Do đó, người này đứng ra làm trung gian mang cơ hội trải nghiệm tới người có nhu cầu.
Hiện tại, nghề môi giới này chỉ dừng lại ở việc tạo tài khoản. Nhưng tới khi ChatGPT và các công cụ trí tuệ nhân tạo khác phổ biến hơn trên toàn cầu, có lẽ nghề này sẽ phát triển theo các hướng khác nhau như cung cấp các chỉ dẫn và mẹo sử dụng AI, hay là mở các lớp hướng dẫn dùng AI cho từng ngành nghề như truyền thông, marketing,...
Nhìn chung, ChatGPT đã làm thế giới phải trầm trồ trong một khoảng thời gian ngắn, bất kể vì nó tốt hay dở. Chú bot với khả năng giao tiếp gần giống người đánh dấu sự thành công của trí tuệ nhân tạo trong thập kỷ này, nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề cho nhân loại.
Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, hãy nhớ lấy kết luận của hiệu ứng CNET: AI không có lỗi, lỗi tại người dùng.