Chứng sĩ mới đọc gì trong Báo cáo tài chính?
Với những nhà đầu tư (NĐT) có kinh nghiệm, đọc-hiểu Báo cáo tài chính (BCTC) luôn là một nội dung nghiên cứu quan trọng, cần thiết trước khi đầu tư vào cổ phiếu của một doanh nghiệp.
Tuy nhiên, điều đáng nói là không phải ai - nhất là đối tượng mới làm quen với sân chơi đầu tư tài chính, cũng biết tận dụng thông tin có ích có trong BCTC. Vì vậy, bài viết này sẽ cố gắng cung cấp những thông tin phổ quát nhất về “hướng dẫn sử dụng” BCTC dành cho chứng sĩ mới.
Báo cáo tài chính - Bạn là ai?
Báo cáo tài chính (BCTC) là các báo cáo thể hiện tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo từng thời điểm, thường là theo quý hoặc theo năm.
Hiện nay, có 3 loại báo cáo tài chính phổ biến:
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh: cung cấp thông tin về doanh thu, chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Bảng cân đối kế toán: cung cấp thông tin về tài sản, các khoản nợ, cũng như vốn tự có của doanh nghiệp.
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: nói lên dòng tiền của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp sẽ tạo ra dòng tiền từ 3 hoạt động là kinh doanh, tài chính, hoặc đầu tư.
Những kiến thức cơ bản về BCTC sẽ giúp các chứng sĩ hiểu rõ hơn về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, tiềm năng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Ngoài ra, khi hiểu BCTC của doanh nghiệp, bạn cũng sẽ biết được những yếu tố ảnh hưởng đến việc kinh doanh của từng doanh nghiệp. Nhờ đó, có thể đánh giá ảnh hưởng của những yếu tố ngoại cảnh đến việc kinh doanh của doanh nghiệp trong tương lai như giá xăng tăng, hay thiếu hụt nguồn cung trong chuỗi cung ứng. Đây chính là những kỳ vọng sẽ phản ánh lên giá cổ phiếu.
Vì lý do này, việc đọc và phân tích BCTC thường nhằm 3 mục đích:
- Đánh giá sức khỏe tài chính doanh nghiệp.
- Tìm dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro để tránh xa và tìm dấu hiệu cơ hội để đầu tư.
- Trong đó, “đỉnh cao” của phân tích BCTC là dự báo được dòng tiền, doanh thu, lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp để ra những quyết định đầu cơ thắng lợi lớn.
Đọc gì trong Báo cáo tài chính?
Để hiểu được toàn bộ về BCTC thì sẽ tốn khá nhiều thời gian, nhưng để nắm được các yếu tố cơ bản để đầu tư hiệu quả hơn, bạn chỉ cần nắm một số chỉ số cơ bản sau.
Các chỉ số về hoạt động kinh doanh (Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh)
1. Tăng trưởng doanh thu
Bạn cần xem doanh thu của doanh nghiệp qua từng quý, từng năm xem có tăng trưởng không và tăng trưởng đó đến từ đâu.
Các doanh nghiệp thường ra thông cáo báo chí về kết quả kinh doanh hằng quý hằng năm và việc tăng trưởng doanh thu có thể đến từ việc mở rộng cửa hàng, tăng sản lượng hoặc giá bán. Điều bạn muốn thấy là doanh thu tăng trưởng đều qua hằng năm, và tốc độ tăng trưởng không bị chững lại.
Trong giai đoạn 2021 - đầu 2022, những ai đầu tư vào cổ phiếu của các doanh nghiệp thủy sản, phân bón thì đều đã x2, x3 tài khoản do những doanh nghiệp này có tăng trưởng rất tốt do thiếu hụt nguồn cung, dẫn đến giá bán và sản lượng đều tăng.
2. Cơ cấu chi phí và tăng trưởng lợi nhuận
Ngoài doanh thu, bạn cũng phải xem xét về chi phí sản xuất bán hàng, cũng như chi phí hoạt động của doanh nghiệp (vì chi phí sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp).
Nếu doanh nghiệp có doanh thu tăng trưởng tốt, và chi phí được kiểm soát tốt thì lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ tăng trưởng đều hằng năm.
Còn về chi phí, bạn cần hiểu thêm một chút về đặc thù ngành.
Ví dụ như ngành phân bón năm vừa rồi giá bán tăng gấp 3 lần, trong khi nguyên liệu đầu vào là hóa dầu chỉ tăng 30-50% thì tất nhiên lợi nhuận sẽ tăng đáng kể.
Việc nắm rõ cơ cấu doanh thu và chi phí của doanh nghiệp, sẽ giúp bạn xác định các xu hướng có thể giúp doanh nghiệp có lợi nhuận tốt trong tương lai.
Trong năm 2021 vừa rồi, có rất nhiều nhà đầu tư kiếm lời chỉ từ những phân tích đơn giản về tiềm năng tăng trưởng doanh thu và chi phí (theo tỷ lệ trên BCTC) mà không cần phải phân tích quá sâu vào BCTC, do đó các nhà đầu tư mới có thể bắt đầu từ những yếu tố cơ bản này.
Tài sản và nợ (Bảng cân đối kế toán)
1. Cơ cấu tài sản
Tài sản của doanh nghiệp là của cải giúp tạo ra nguồn doanh thu, và bạn phải xem liệu rằng những tài sản doanh nghiệp đang nắm giữ hiện có tiềm năng sinh lời hay không. Cơ cấu tài sản cũng rất phụ thuộc vào đặc thù doanh nghiệp.
Ví dụ các doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn, nhiều dự án đang tồn kho (triển khai) có triển vọng bán tốt sẽ có tiềm năng tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận tốt trong tương lai. Hay các doanh nghiệp ngành thép có tồn kho lớn, giá rẻ trong năm 2021, được hưởng lợi khi giá thép tăng.
2. Tỷ lệ nợ
Một doanh nghiệp thì sẽ có nhiều loại nợ khác nhau, đối với các chứng sĩ mới, thì các bạn chỉ cần quan tâm đến tổng nợ trên tổng tài sản, hoặc tỷ lệ nợ vay.
Bạn nên so sánh tỷ lệ nợ của doanh nghiệp mình muốn đầu tư với các doanh nghiệp tương tự trong ngành.
Nếu tỷ lệ nợ quá cao so với các doanh nghiệp khác, trong khi công ty không có kế hoạch đầu tư, phát triển kinh doanh, sản xuất mới, thì đó là một dấu hiệu đáng lo ngại. Việc nợ nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp do phải trả lãi, đặc biệt là các ngành có tỷ suất lợi nhuận thấp.
Dòng tiền (báo cáo lưu chuyển tiền tệ)
Điều các bạn muốn thấy, thông thường sẽ là dòng tiền dương từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.
Với phần lớn các doanh nghiệp lớn, có hoạt động kinh doanh ổn định, thì dòng tiền hoạt động kinh doanh sẽ thường là dương - trừ khi họ mở rộng sang các mảng kinh doanh mới.
Nếu như doanh nghiệp không có dòng tiền kinh doanh dương, họ sẽ phải bù vào bằng cách vay mượn (dòng tiền tài chính) hoặc bán tài sản (dòng tiền kinh doanh).
Có nhiều yếu tố để phân tích trong báo cáo lưu chuyển tiền tệ, nhưng với các chứng sĩ mới đầu tư các mã cơ bản, bạn sẽ không phải quá lo lắng về điều này.
Một số lưu ý khác
Nhìn chung, tất cả nội dung kể trên chỉ là những yếu tố cơ bản. Để lọc ra các cổ phiếu tiềm năng, để phân tích BCTC hiệu quả hơn, bạn sẽ phải đào sâu hơn, hiểu rõ hơn bản chất hoạt động kinh doanh và các ghi nhận các chỉ số trên BCTC của doanh nghiệp.
BCTC chỉ thể hiện tình hình kinh doanh của doanh nghiệp ở một thời điểm nhưng giá cổ phiếu lại phản ánh kỳ vọng về tương lai. Bạn phải hiểu được các yếu tố kinh doanh hiện tại và BCTC của doanh nghiệp sẽ phản ánh kỳ vọng về tương lai như thế nào.
Việc đầu tư cổ phiếu không chỉ phụ thuộc vào BCTC, mà còn các yếu tố khác như định giá, rủi ro về ngành, dòng tiền, chính trị, mục tiêu đầu tư của bạn. BCTC đẹp không có nghĩa là giá cổ phiếu sẽ tăng.
Anfin là ứng dụng đầu tư chứng khoán thông minh với mức vốn khởi điểm rất thấp dành cho tất cả mọi người. Với Anfin, bạn có thể giao dịch mua, bán các cổ phiếu và đầu tư vào các Quỹ ETF trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Đặc biệt, với tính năng cho phép giao dịch cổ phiếu phân đoạn, mua cổ phiếu chính xác theo số tiền hoặc số lượng cổ phiếu bạn muốn sở hữu, bạn có thể bắt đầu giao dịch với Anfin chỉ từ 10.000 đồng.
Ngoài ra, App còn có mục cung cấp Kiến thức và cập nhật Tin tức đầu tư, để người dùng có nền tảng kiến thức và thông tin vững chắc, từ đó có thể tự tin ra quyết định giao dịch.Tải app tại App Store và Google Play.