Hỏi chuyện nước Pháp với Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh

Ông Floreani nói về những cái tên chưa được ca ngợi, tiềm năng của chương trình giáo dục tại Pháp, và tại sao tháng 11 lạ à dịp ăn mừng sự cấp tiến.

Valeria Mertsalova
Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh Feautred Image

Nguồn: Cơ Nguyễn cho Vietcetera

Dù trên định nghĩa là cơ quan công cộng, chức năng của một lãnh sự quán vẫn còn rất mơ hồ. Ngoài phụ trách việc đăng ký kết hôn và hỗ trợ những công dân hải ngoại, liệu họ còn có những hoạt động tối mật nào khác? Đối với ông Vincent Floreani, Tổng lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh, câu trả lời vừa dung dị vừa mang tầm vóc lớn. 

Thực tế, ông Floreani dành phần lớn thời gian để xây dựng hình ảnh nước Pháp và xoá bỏ định kiến về những người đồng hương của mình. Ngoài việc quảng bá ngành công nghiệp nước Pháp, ông còn tìm đến các cơ hội hợp tác với, đặc biệt là các cơ hội đưa thương hiệu Việt tới gần thành công quốc tế. Công việc này trở nên dễ dàng hơn khi hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam có hiệu lực từ tháng trước.

Trước khi đến Việt Nam vào năm 2017 để đại diện nước Pháp tại 22 tỉnh thành miền Nam, ông Floreani đã sống và làm việc tại Chicago, Mỹ với chức vụ Tổng lãnh sự tại 13 bang phía Trung Tây — nơi vẫn còn nhiều quan niệm sai lầm về nước Pháp. Trước sự kinh ngạc của ông, tuy Pháp là quê hương của những công ty khởi nghiệp công nghệ tân tiến nhất thế giới và các trường đại học hàng đầu, đất nước này vẫn chỉ được biết đến là xứ sở của bánh sừng bò và pho mai.

Gặp gỡ Floreani, Vietcetera đã hỏi ông về những cái tên chưa được ca ngợi của nước Pháp, về những tiềm năng của chương trình giảng dạy tại Pháp mà học sinh Việt Nam có thể hưởng lợi, và tìm hiểu tại sao với ông, tháng 11 lại là dịp ăn mừng sự cấp tiến thay vì lễ hội rượu vang Beaujolais Nouveau.

Công việc của một Tổng Lãnh sự Pháp tại Thành phố Hồ Chí Minh đòi hỏi những gì?

Đại sứ quán tại Hà Nội là cơ quan đại diện ngoại giao thường trực, đóng vai trò là đại diện của Chính phủ Pháp ở nước sở tại trong các vấn đề giữa hai nước. Trong khi đó, Tổng Lãnh sự quán Pháp có chức trách địa phương nhiều hơn — cụ thể là thúc đẩy và tạo điều kiện hợp tác giữa Pháp và Việt Nam.

Tôi thấy trọng trách của mình lớn gấp 4 lần, bởi tôi cần tập trung phát triển hợp tác kinh tế, giáo dục, trao đổi văn hoá, và chính quyền. Về mặt kinh tế, chúng tôi giúp các công ty Pháp có chỗ đứng và phát triển trong nước bằng cách thúc đẩy các doanh nghiệp Pháp - Việt và tạo mối liên kết song phương bền chặt của hai nước trong thời gian dài.

Về giáo dục, chúng tôi khuyến khích giao lưu ngôn ngữ cũng như xây dựng quan hệ đối tác giữa các trường đại học nhằm cung cấp các khóa học và chương trình đào tạo chính quy trực tiếp hoặc trực tuyến. Tại Villa Saigon — địa điểm lưu trú của nghệ sĩ và trưng bày nghệ thuật Pháp, chúng tôi tập trung vào việc thúc đẩy mối quan hệ giữa các nghệ sĩ Pháp và Việt Nam.

Và tất nhiên, chúng tôi cũng phụ trách các dịch vụ quen thuộc mà mọi người đều biết, như cấp hộ chiếu và thị thực (40.000 hồ sơ mỗi năm) và hỗ trợ công dân Pháp tại Việt Nam.

Một số dự án lớn mà ông đang thực hiện là gì?

Dự án lớn nhất xoay quanh việc hiệp định thương mại tự do EU - Việt Nam vừa có hiệu lực, xoá thuế đối với 99% tất cả hàng hóa giao dịch giữa hai bên. Trong tương lai, việc kinh doanh sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều: các công ty giờ đây sẽ có thể đầu tư và chào mời các hợp đồng chính phủ, với cơ hội ngang bằng các đối thủ khác tại địa phương. Vì vậy, chúng tôi hiện đang trao đổi với các công ty Pháp và Việt Nam về các vấn đề xuất nhập khẩu.

Một dấu mốc quan trọng khác là việc ra mắt dự án “Goût Français” (gu Pháp) tại Việt Nam nhằm đảm bảo nguồn gốc của thực phẩm, đồ uống và các sản phẩm art-de-vivre (thưởng thức) nhập khẩu. Giờ đây, người tiêu dùng trong nước có thể tự tin chọn mua và tiêu dùng hàng hoá Pháp.

Hơn nữa, tháng 11 là thời điểm mà tôi đặc biệt mong chờ. Trái với suy nghĩ của nhiều người, mặt hàng xuất khẩu trọng yếu của Pháp không phải là pa-tê và bánh Beaujolais, mà là kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Chúng tôi là quốc gia của những nhà cải cách, nhà nghiên cứu và doanh nhân — đây cũng là lý do chúng tôi sẽ ăn mừng vào ngày 13 và 14 tháng 11 tại IDECAF Sài Gòn.

Chúng tôi đang tập hợp các nhà khoa học Pháp và Việt Nam để trao đổi ý tưởng và chia sẻ các nghiên cứu của họ về chủ đề y tế và phát triển bền vững. Chúng tôi cũng sẽ đánh dấu sự dẫn đầu của Pháp trong lĩnh vực kỹ thuật phần mềm và sự tiên phong trong phát triển công nghệ kỹ thuật số. Chúng tôi cũng đi đầu thế giới về sản xuất phim hoạt hoạ, hậu kỳ, hiệu ứng đặc biệt và thực tế ảo. Trong số 10 trường dạy hoạt họa hàng đầu thế giới, có 4 trường là của người Pháp. Despicable Me, một bộ phim về những chú Minion, đã được sản xuất bởi studio Mac Guff của Pháp.

Gần đây, chúng tôi đã phỏng vấn Aurélien Palasse, Giám đốc Điều hành Ubisoft tại Việt Nam, về kế hoạch mở rộng công ty. Theo ông, đâu là lý do khiến hiện nay, nhiều công ty Pháp mở chi nhánh tại Việt Nam?

Tôi đã có cơ hội đến dự lễ khánh thành của studio Ubisoft vào tháng 5; đó là cơ hội tuyệt vời để các sinh viên tốt nghiệp tại Đà Nẵng có thể làm việc với một trong những công ty trò chơi điện tử hàng đầu thế giới.

Để trả lời câu hỏi này, tôi nghĩ điều khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn là sự vượt trội hơn các nước láng giềng về tính ổn định chính trị xã hội và tiềm năng tăng trưởng. Các điều kiện đầu tư rất thuận lợi; và vị trí chiến lược trong khu vực ASEAN khiến Việt Nam trở thành một trung tâm phù hợp cho các hoạt động trong khu vực.

Đối với mạng lưới doanh nghiệp công nghệ French Tech Vietnam, việc tham gia vào thị trường công nghệ cao năng động tại Việt Nam không chỉ là một khoản đầu tư khôn ngoan mà còn là cơ hội chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và thổi làn gió đổi mới của Pháp vào nền kinh tế địa phương.

Hơn nữa, có một thực tế là hai quốc gia có rất nhiều điểm chung. Người Pháp chúng tôi, cũng như người Việt Nam, có tâm hồn ấm áp, sôi nổi, và thích quây quần bên những bàn tiệc lớn. Với những sự tương đồng như thế, chúng tôi bị lôi cuốn bởi lối sống của người Việt. 

Là đại diện của Pháp tại miền Nam Việt Nam, ông có thể chia sẻ với chúng tôi những trải nghiệm của mình về sự giao thoa của 2 nền văn hoá này trong cuộc sống hàng ngày?

Ở mức độ cảm quan thuần túy, bạn sẽ cảm nhận được điều đó trong đời sống hằng ngày: kiến trúc thuộc địa Pháp, các từ tiếng Việt mượn tiếng Pháp (la chemise / áo sơ mi; le fromage / phô mai), hoặc tình yêu bất diệt với cà phê đậm và bánh mì baguette. 

Tôi cũng nhìn thấy sự giao thoa ở các doanh nhân Pháp sống tại Việt Nam — những người quan tâm sâu sắc đến việc quảng bá và bảo vệ các doanh nghiệp trong nước, đồng thời đưa các thương hiệu nội địa này ra thế giới. Những công ty như Le Fruit hay Marou Chocolate là những ví dụ tuyệt vời. Thông qua việc đầu tư vào thương mại công bằng (fair trade), họ tạo điều kiện cho nông dân Việt Nam chuyển đổi sang phát triển bền vững và gìn giữ môi trường. Những sự hợp tác trên lại tạo ra những điều tốt đẹp hơn.

Nhiều độc giả trẻ của chúng tôi bày tỏ sự quan tâm đến việc du học hoặc làm việc tại các công ty Pháp. Họ nên bắt đầu từ đâu?

Pháp có truyền thống lâu đời chào đón sinh viên quốc tế và chúng tôi chắc chắn muốn thấy nhiều bạn trẻ Việt Nam hơn nữa. Đại học tại Pháp rất mạnh về các môn học STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học), với Đại học Paris Saclay đứng số 1 trong Bảng xếp hạng toàn cầu các môn học năm 2020 của Shanghai Ranking — môn Toán học, Đại học Paris (Sorbonne) ở vị trí thứ 3 và Đại học PSL ở vị trí thứ 10.

Đã có nhiều sáng kiến được đưa ra nhằm giúp việc ghi danh vào các cơ sở giáo dục tại Pháp dễ dàng hơn, như quan hệ đối tác giữa các đại học Việt Nam và Pháp. Sinh viên có thể chọn học từ Việt Nam hoặc chuyển đến Pháp trong quá trình học.

Tương tự, các công ty Pháp luôn tìm kiếm những tài năng tuyệt vời và chúng tôi luôn nỗ lực thúc đẩy điều này hết mình bằng cách tổ chức Hội chợ việc làm Pháp - Việt hàng năm với Phòng Thương mại Pháp. Các bạn đang tìm việc có thể tìm thấy nhiều thông tin hữu ích về nước Pháp tại Việt Nam trên trang phap.fr.

Cuối cùng, theo quan điểm của ông, những kỹ năng nào là thiết yếu để thành công trong cuộc sống?

Tôi cho rằng trong thế giới toàn cầu hóa hiện nay, tập trung vào các ngôn ngữ là rất cần thiết. Ở những quốc gia nói tiếng Anh và Tây Ban Nha, việc học ngoại ngữ kém quan trọng hơn vì hai thứ tiếng này được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Tiếng Việt lại không phổ biến đến thế; nên đối với các bạn tìm kiếm cơ hội tại các công ty đa quốc gia hay học tập và làm việc tại nước ngoài, đầu tư vào học tập ngôn ngữ là một việc làm quan trọng.

Học ngôn ngữ sẽ giúp bạn cập nhật các xu hướng toàn cầu, mở ra các cơ hội nghề nghiệp và đưa bạn đến với những ý tưởng, lối tư duy mới. Chưa kể, bạn có thể đi du lịch nước ngoài và thưởng thức điện ảnh nước ngoài một cách độc lập và trọn vẹn hơn. Một trong những nguồn tài liệu tuyệt vời dành cho những người học tiếng Pháp là trung tâm đào tạo của chúng tôi tại IDECAF ở Sài Gòn. Là trung tâm lớn nhất Đông Nam Á, nơi đây còn có các dịch vụ cho thuê sách, truyện tranh và băng đĩa tiếng Pháp.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục