Come out rồi sao? 5 Bài học từ những người đồng tính đã bước ra ánh sáng

Đôi khi bạn không nhận được sự ủng hộ như mong muốn, nhưng điều đó không có nghĩa là người khác đang "chống lại" bạn.

Sơn Đặng
Come out rồi sao? 5 Bài học từ những người đồng tính đã bước ra ánh sáng

Come out rồi sao? 5 Bài học từ những người đồng tính đã bước ra ánh sáng

Khuê*, bạn thân của tôi, come out từ khá sớm, năm cậu 17 tuổi. Cậu come out với bạn bè trước, sau là với gia đình. Cũng khá may mắn khi đa số bạn bè của Khuê đều ủng hộ cậu. Với gia đình thì khó khăn hơn đôi chút: vài năm sau mẹ cậu mới có thể chấp nhận hoàn toàn, mặc dù bà không thể hiện sự ghét bỏ gì đối với con mình.

Come out là một cột mốc ‘không sớm thì muộn’ với những người trong cộng đồng LGBT+, và kết quả sau come out thì muôn hình vạn trạng. Khuê khá may mắn khi đa số mọi người đều có thái độ tích cực. Tuy nhiên, rất nhiều bạn trẻ như Khuê phải chịu sự phản ứng dữ dội từ bạn bè, gia đình và người thân. Một số người thậm chí còn bị kì thị và xúc phạm nặng nề sau khi come out.

Vậy come out có ý nghĩa như thế nào đối với cộng đồng LGBT+? Và sau khi come out, cuộc sống của họ sẽ như thế nào? Dưới đây là 5 điều mà tôi học được từ câu chuyện come out của những người xung quanh mình.

1. Không phải tất cả mọi người đều ủng hộ bạn, và đôi khi họ cũng không hẳn đang “chống lại” bạn

Vì đang là du học sinh nên Khuê phải tiếp xúc nhiều với các du học sinh đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Do ở chung phòng ký túc xá nên không tránh khỏi việc cậu ấy phải come out với họ, kể cả với những người đến từ các quốc gia còn hình sự hóa quan hệ đồng tính.

Khuê chia sẻ, “Ở quê nhà, bạn chung phòng của Khuê được dạy gay có thể bị đi tù và tử hình. Bản thân bạn ấy không hiểu và cũng không ủng hộ cộng đồng LGBT+.”

Tuy nhiên, đôi khi họ không hiểu hoặc không ủng hộ bạn, không có nghĩa là họ đang “chống lại” bạn. Khuê khá ngạc nhiên khi bạn cùng phòng vẫn đối xử tốt với cậu mà không thể hiện bất kì một sự kì thị nào. Cậu bạn này cho biết cậu không đánh giá Khuê qua giới tính mà qua cách hành xử, và công bằng mà nói, Khuê vẫn là một người bạn cùng phòng hết sức dễ chịu!

2. Bạn không nhất thiết phải bắt đầu hẹn hò sau khi come out

Sau khi come out, đôi khi bạn sẽ được hỏi rằng bạn đã có người yêu chưa, đã yêu ai bao giờ chưa… Điều này có thể sẽ khiến bạn cảm thấy áp lực trong việc tìm kiếm một mối quan hệ.

Mạnh, một người bạn gay khác của tôi, chia sẻ rằng: “Áp lực [tìm kiếm một mối quan hệ] sau khi come out chắc là áp lực từ bản thân mình nhiều hơn. Giống như khi mình phải gồng lên để tìm một mối quan hệ cho bằng được, để cho người khác thấy là gay cũng có quyền và có khả năng được hạnh phúc ấy.”

Thực tế là, bạn không nhất thiết phải bắt đầu hẹn hò khi bản thân chưa sẵn sàng. Trải qua áp lực hồi mới come out, giờ Mạnh chỉ muốn có người yêu khi đã đủ điều kiện về mặt tài chính và ổn định tâm lý. “Lúc đó thì mình đã đủ yêu thương chính mình để có thể thu hút được người khác rồi,” Mạnh cho biết thêm.

3. Bạn không nhất thiết phải tự “dán nhãn” bản thân nếu cảm thấy không thoải mái

Come out không chỉ là giữa cộng đồng LGBT+ và thế giới bên ngoài, mà còn là một trải nghiệm của chính những thành viên trong cộng đồng này với nhau. Trong cộng đồng LGBT+ tồn tại rất nhiều các ‘nhãn mác’ để nhận diện các loại đồng tính khác nhau: top, bot, cent, butch, fem…

Tuy những chiếc ‘nhãn’ này có thể giúp ích cho bạn trong quá trình tìm hiểu bản thân, bạn không nhất thiết phải gò ép mình vào một chiếc khuôn nếu cảm thấy không thoải mái.

Mạnh vẫn tự nhận cậu là gay, và không gì hơn. Cậu nói, “Mình thích được trải nghiệm nhiều thứ, và cũng không muốn bó hẹp mình vào một khuôn mẫu nào cả”.

4. Đây không phải là lần cuối cùng bạn come out

Khi nhắc đến come out, người ta thường hay nghĩ tới lần come out đầu tiên. Đúng là lần đầu tiên này là vô cùng quan trọng, vì đa số những người gần gũi nhất với bạn sẽ biết. Tuy nhiên, come out là một việc bạn sẽ phải làm rất nhiều lần trong đời, đặc biệt là khi đi đến một môi trường mới. Nếu bạn không come out, hầu hết mọi người sẽ mặc định là bạn ‘thẳng’.

Sau lần đầu tiên ấy, cả Khuê và Mạnh đã phải come out rất nhiều lần khác nữa: với bạn đại học, với đồng nghiệp, khi tham gia trại hè, đi du học… Mặc dù vậy, việc come out ở những lần sau sẽ luôn dễ dàng hơn so với lần đầu tiên, vốn luôn để lại ấn tượng sâu đậm trong bạn.

5. Bạn không cần thiết phải come out nếu chưa sẵn sàng

Mạnh cho tôi biết cậu come out theo kiểu “ăn chắc mặc bền”. Lớn lên trong khoảng cuối những năm 90s tại Việt Nam, Mạnh không thể come out từ sớm mà phải đợi đến khi có một sự tự lập nhất định. Ngoài ra, cậu cũng đợi xã hội có thêm nhiều ý kiến ủng hộ hơn trước khi quyết định come out.

Điều này không hẳn là bất hợp lý. Theo khảo sát của nhà nghiên cứu John Pachankis và Richard Branstrom, việc che dấu xu hướng tính dục của bản thân tại những nước có mức độ kì thị cao lại mang lại mức độ hài lòng cuộc sống cao hơn so với việc come out. Ngược lại, tại những quốc gia cởi mở hơn với cộng đồng LGBT+, việc come out lại mang đến lợi ích nhiều hơn.

Do vậy, bạn hoàn toàn có thể chưa come out nếu cảm thấy chưa sẵn sàng, hoặc môi trường hiện tại không cho phép. Điều này không làm bạn kém dũng cảm hơn so với những người đã come out khác. Come out là một quyết định mang tính cá nhân, vì thế hãy làm điều gì mà bạn cảm thấy tốt nhất cho bản thân mình.

*Danh tính nhân vật đã được thay đổi để tôn trọng sự riêng tư của họ.

Bài viết này được thực hiện bởi Sơn Đặng.
Hình ảnh được thực hiện bởi Trà Nhữ.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục