Con đi mẫu giáo - Mẹ cắp sách tới trường
Năm 2016, mình tốt nghiệp đại học với tấm bằng giỏi và bắt đầu đi làm tại một công ty chuyên về xuất nhập khẩu gỗ, đúng chuyên ngành mình học (kinh tế đối ngoại). So với quê mình, đó là một công việc có thu nhập cao và “nắng không tới mặt, mưa không tới đầu,” nên bố mẹ cực kỳ vui mừng.
Nhưng “mê trai” thì chắc đầu thai mới hết, mình đã bỏ công việc ổn định đó để khăn gói sang Mỹ với chồng, khi ấy là kỹ sư phần mềm tại Microsoft.
Vậy mà, vui chưa được bao lâu, mình bắt đầu đau đầu triền miên. Đi khám không ra bệnh. Bác sĩ chỉ nói mình bị “stress”quá.
Mình vốn là một đứa hướng ngoại, luôn tự tin vào bản thân. Nhưng qua đây tình thế xoay chuyển 180 độ. Mình ở nhà một mình, không có bạn bè, tiếng Anh còn kém. Cảm giác như bị tách biệt khỏi xã hội. Cùng lúc đó mình còn phải nghe những lời gièm pha như mình lấy chồng vì muốn sang Mỹ, lấy chồng vì tiền, rồi vô dụng, ở nhà ăn bám. Mỗi một lời nói là một vết dao cứa vào da thịt mình.
Rồi mình có em bé, những lời gièm pha ngày càng nhiều hơn. Họ nói mình trói chân chồng, bằng một đứa con...
Mình rơi vào trầm cảm sau sinh, có những lúc mình đã nghĩ sống khổ thế thì sống làm gì nữa đây! Nhưng thương con, mình lại cố gắng sống qua ngày.
Đến khi con 14 tháng tuổi, đi chưa vững, bò chưa nhanh, mình gạt nước mắt gửi con đến trường. Còn mình, mình tiếp tục con đường học hành ở Bellevue College.
Với một đứa học khá Toán khi còn ở Việt Nam, thi đầu vào Toán đối với mình khá dễ. Nhưng môn Tiếng Anh thì thảm hại. Mình còn không đủ điểm để vào lớp 101 (lớp thấp nhất có tính tín chỉ). Sống tại một môi trường mà mọi người đều nói tiếng Anh lưu loát, với trình độ “Hello, how are you? I am fine, thank you! And you?” mình đến lớp như vịt nghe sấm bên tai. Nhưng vì thế mà bỏ ngang thì hèn lắm!
Thế là ngày nào mình cũng đi học sớm, chọn bàn đầu, điện thoại luôn bật chế độ ghi âm, để về tua chậm nghe lại xem thầy nói cái gì. Mình sống với tâm thế chả còn gì để mất, chả việc gì phải xấu hổ hay ngại ngùng. Trong lớp mình giơ tay khí thế, nhờ thầy giảng đi giảng lại những chỗ mình không hiểu, khiến bọn cùng lớp vô cùng ngán ngẩm.
Nhưng thực sự may mắn, người thầy đầu tiên của mình tại đây vô cùng hiền hậu và kiên nhẫn. Thầy khuyến khích mình hỏi và mình tin nhiều lúc thầy cũng chả hiểu mình hỏi gì. Ngoài học trên lớp, mình cố gắng làm tất cả bài tập về nhà, kể cả những bài không chấm điểm.
Rồi bỗng một ngày mình nhận ra mình hiểu tất cả những gì thầy đang giảng, và mình là đứa được thầy quý nhất lớp. Điểm của mình cũng cao nhất. Vậy là mình vượt qua được sự mặc cảm của bản thân.
Rồi mình bắt đầu LeetCode để đi xin thực tập. Mỗi ngày mình code đều đặn 3-4 bài, có những bài mình code đi code lại nhiều lần chỉ để hiểu tại sao nó lại như thế. Có những bài mình dành cả ngày chỉ để ngồi nhìn xem tại sao nó lại sai, bực đến phát khóc. Nhiều lúc sẽ có cảnh mình, một bà mẹ, vừa ngồi code vừa sụt sùi khóc. Ở cạnh là con còn nhỏ, khóc ré lên chẳng vì lý do gì!
Sau khi học xong năm nhất, mình rải "1 tỷ" đơn xin thực tập. Run rủi chỉ có mỗi Amazon gọi phỏng vấn. Và trong cái rủi có cái xui, mình không đậu.
Đến đầu năm nay, sau 2 năm kể từ thời điểm xin thực tập đó, mình mới tìm được bến đỗ tại Google và vừa kết thúc kỳ thực tập vào tháng 4. Giờ thì mình lại quay trở lại học tiếp. Những môn chuyên ngành thực sự rất khó, nhưng vẫn với tinh thần chẳng việc gì phải sợ, mình vẫn ngồi bàn đầu và hỏi 1 tỷ câu hỏi vì sao.
Mình muốn thông qua những chia sẻ này để cổ vũ những bạn đang mơ hồ về định hướng nghề nghiệp của bản thân, đặc biệt là những bà mẹ đang phải chăm con nhỏ. Đời có mấy khi đâu, chần chừ mãi lại chả bao giờ làm được cái mình muốn làm! Cố lên các bạn nhé!
Câu chuyện được đăng lần đầu tiên tại Page Techie Story: The Untold.