Con hơn cha là nhà có upward mobility

Những yếu tố nào tác động đến việc "đổi đời" của một người?
Hà Phạm
Nguồn: Ruffa Jane Reyes/Unsplash

Nguồn: Ruffa Jane Reyes/Unsplash

1. Upward mobility là gì?

Trong xã hội học, upward mobility (danh từ) là sự dịch chuyển xã hội theo chiều hướng đi lên. Nghĩa là một cá nhân hoặc tập thể ban đầu ở địa vị, giai tầng xã hội này sau đó đạt được địa vị, giai tầng xã hội khác cao hơn.

Những tấm gương học sinh nghèo vượt khó rồi sau này thành ông chủ, bà chủ là một ví dụ của upward mobility.

2. Những yếu tố thúc đẩy upward mobility?

Theo báo cáo của tổ chức Oxfam Vietnam, những khía cạnh của dịch chuyển xã hội được nhiều người dân Việt Nam quan tâm gồm: thu nhập, nghề nghiệp, giáo dục, sức khỏe, điều kiện sống (hạ tầng cơ sở, văn hóa, thông tin) và tiếng nói trong gia đình, cộng đồng. Trong đó, các vấn đề thu nhập, nghề nghiệp là các yếu tố cơ bản.

Cũng từ báo cáo này, những yếu tố thúc đẩy upward mobility được tập trung ở các mảng sau:

  • Trình độ học vấn: đây là yếu tố hàng đầu trong các yếu tố, vừa giúp tăng khả năng dịch chuyển xã hội tiến bộ, vừa trì hoãn nguy cơ dịch chuyển đi xuống (downward mobility) của các cá nhân, tập thể.

Khảo sát cho thấy trong giai đoạn 2010 - 2014, 23% chủ hộ gia đình tốt nghiệp sau THPT đã chuyển dịch từ nhóm 40% thu nhập thấp nhất lên các nhóm thu nhập cao hơn.

  • Hoàn cảnh gia đình và bối cảnh cộng đồng: trình độ học vấn của con cái bị ảnh hưởng lớn từ bố mẹ.

Cụ thể là trong số những gia đình có cha mẹ chưa tốt nghiệp tiểu học năm 2014, tỷ lệ con cái của họ đạt trình độ học vấn THPT và Cao đẳng - Đại học chỉ đạt lần lượt là 15.5% và 2.2%.

Trong khi đó, ở những gia đình có cha mẹ đã tốt nghiệp Cao đẳng - Đại học, có đến 47.5% con của họ đạt được trình độ học vấn tương đương.

  • Năng lực đa dạng hóa sinh kế và tận dụng điểm mạnh tại chỗ: di chuyển làm ăn xa là một cách tăng thu nhập ngắn hạn với những địa bàn ít cơ hội việc làm tại chỗ.

Song lý tưởng nhất vẫn là địa phương tận dụng và phát triển được thế mạnh ngay tại nơi cư trú. Đây là yếu tố có ý nghĩa quan trọng vì nó làm giảm lãng phí tài nguyên và hạn chế chảy máu chất xám.

3. Những rào cản đối với upward mobility?

Từ lâu, bất bình đẳng đã là một rào cản lớn của tiến bộ xã hội. Trong phạm vi sự nghiệp của người lao động, bất bình đẳng ảnh hưởng đến quỹ đạo thăng tiến trên nhiều phương diện. Một số ví dụ cụ thể như sau:

  • Mức độ tiếp cận giáo dục tăng nhưng nấc thang nghề nghiệp vẫn có sự phân hóa giai tầng: dù tỷ lệ dân số có trình độ Đại học trở lên tại Việt Nam đã tăng hơn 2 lần từ năm 2009 đến năm 2019) nhưng phân hóa giai tầng vẫn cản trở ở mức đáng kể.

Với những học sinh - sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, lựa chọn nghề nghiệp, phương án dự phòng rủi ro và tâm lý tự tin của họ thường bị thu hẹp hơn.

  • Chênh lệch thu nhập giữa giới tính: tại Việt Nam, đến nay, nữ giới vẫn đang có mức thu nhập trung bình thấp hơn nam giới; mặt khác, họ lại chiếm đa số trong những việc làm dễ bị tổn thương.

Bà Valentina Barcucci, chuyên gia của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết: “Bất bình đẳng đối với phụ nữ về chất lượng việc làm và phát triển nghề nghiệp cũng bắt nguồn từ trách nhiệm kép mà họ phải gánh vác”.

4. Các từ liên quan đến upward mobility

Sticky floors (danh từ): hiện tượng các tầng lớp thu nhập thấp khó có khả năng dịch chuyển lên tầng lớp xã hội cao hơn.

Sticky ceilings (danh từ): hiện tượng ngược lại với sticky floors, nghĩa là các tầng lớp thu nhập cao ít dịch chuyển xã hội đi xuống. Lý do là bối cảnh gia đình có trình độ học vấn cao. Trụ cột gia đình (ví dụ bố mẹ) chủ yếu ở các cấp quản lý trở lên.

Horizontal mobility (danh từ): sự dịch chuyển xã hội theo chiều ngang, nghĩa là một cá nhân có thể thay đổi vị trí, vai trò của mình trong xã hội nhưng giai tầng xã hội thì không khác đi. Ví dụ: chuyển việc qua công ty khác nhưng vẫn làm chức vụ tương đương công ty cũ.

Inter-generational mobility (danh từ): sự dịch chuyển xã hội liên thế hệ. Ví dụ: phụ huynh là công nhân, nhưng con cái lại có cơ hội làm những nghề nghiệp ở cấp bậc cao hơn như bác sĩ, kỹ sư,...

5. Đọc thêm về những chủ đề liên quan đến upward mobility tại Vietcetera

Con nhà giàu vs. Con nhà nghèo: Phân tích từ góc độ giáo dục

Không so sánh người xấu, kẻ tốt khi nhắc đến "giàu", "nghèo", bài viết này cùng bạn phân tích sự khác biệt về lựa chọn trong giáo dục để thay đổi cuộc sống và có thể là dịch chuyển lên địa vị kinh tế - xã hội cao hơn.

Những tấm ảnh gia đình - Chứng nhân cho sự đổi thay của xã hội

Những bức ảnh gia đình có thể kể cho bạn nghe vô số câu chuyện về cuộc sống xã hội tại thời điểm họ đang sống. Thông qua đó, ta có thể quan sát được sự khác biệt trong cấu trúc xã hội qua từng thời kỳ, ở từng quốc gia.

Việt Nam - Một gia đình trung lưu bứt phá bẫy thu nhập trung bình

Nếu ví mỗi quốc gia như là một gia đình, thì Việt Nam chỉ vừa mới vừa thoát khỏi danh sách hộ có thu nhập thấp vào năm 2009, với mức GNI per capital $1010. Mười năm sau, vào 2019, mức thu nhập trung bình của Việt Nam tăng trưởng tới $2540. Chúng ta đã trở thành một gia đình trung lưu.

Wealthy guilt - Giàu không có tội, nhưng vì sao vẫn cảm thấy có lỗi?

Sinh sống tại Việt Nam vào thời điểm dịch bệnh đang căng thẳng nhất, bạn có thể đôi lúc cảm thấy bồn chồn và có phần xấu hổ khi chứng kiến tình hình hiện tại. Bài viết thuộc chuyên mục Bóc Term sẽ giúp bạn hiểu hơn về khái niệm "wealthy guilt".


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục