“Con người, Vinh quang và Cuộc sống sau Chiến tranh”: Triển lãm với tác phẩm từ 24 nghệ sĩ Việt
Được xây dựng thành hai phần, triển lãm tập trung vào quá khứ và hiện tại, đồng thời phỏng đoán tương lai của các hình thức nghệ thuật tại Việt Nam.
Lĩnh vực nghệ thuật thị giác (visual art) đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch. Bảo tàng đóng cửa (hoặc hạn chế hoạt động) và các triển lãm liên tục bị hoãn dời. Điều này lấy đi của các nghệ sĩ cơ hội phô bày tác phẩm của mình, cũng như cản trở công chúng trải nghiệm nghệ thuật bằng cách rảo bước qua từng tác phẩm.
Nhưng tại Việt Nam, chính phủ hiện đã kiểm soát được các ca dương tính với COVID-19 và thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này cũng giúp giới nghệ sĩ nhanh chóng quay lại sàn nghệ thuật.
Triển lãm “Con người, Vinh quang và Cuộc sống sau Chiến tranh” bao gồm các bức phác thảo, tác phẩm điêu khắc, sắp đặt như “Chiếc Ghế Trống” hay “Trôi trong Đêm đen”. Buổi ra mắt có sự góp mặt của các học sinh, giáo viên nghệ thuật cùng người yêu nghệ thuật trong và ngoài nước. Tất cả đều rất háo hức được ngắm nhìn những khía cạnh của chiến tranh Việt Nam, thể hiện qua lăng kính của người làm sáng tạo.
Dưới sự giám tuyển của Gridthiya Gaweewong và các học sinh tại trường Renaissance và trường EMASI tại hai cơ sở Nam Long và Vạn Phúc, mục tiêu của dự án là dùng các phương tiện và quy trình giám tuyển, tổ chức triển lãm để giáo dục và khuyến khích các học sinh tham dự. Trên hết, dự án mong muốn nâng cao sự trân trọng của công chúng với nghệ thuật và các trải nghiệm thị giác nói chung.
Quỳnh Nguyễn, nhà sáng lập của Nguyễn Art Foundation, đã bày tỏ sự biết ơn đến các nghệ sĩ và nhà sưu tập có mặt tại buổi ra mắt. Sự kiện còn có sự tham gia của các nhà ngoại giao, nhà thẩm mỹ và đại diện từ các khu vực tư nhân.
Cùng với chồng mình là Tuyền Nguyễn, Quỳnh chia sẻ rằng việc được giới thiệu và lan toả nghệ thuật Việt Nam đến các thế hệ trẻ là việc làm rất quan trọng. Và đây là cách mà họ thể hiện, dưới tư cách là những nhà giáo dục, cũng như người yêu nghệ thuật.
Được xây dựng thành hai phần, “Con người, Vinh quang và Cuộc sống sau Chiến tranh” tập trung vào quá khứ và hiện tại, đồng thời phỏng đoán tương lai của các hình thức nghệ thuật tại Việt Nam.
Giám tuyển của triển lãm, hiện đang sinh sống tại Bangkok và là đương giám đốc nghệ thuật của Trung tâm Nghệ thuật Jim Thompson tại Thái Lan, đã gửi lời cảm ơn từ xa đến các đội ngũ đã đóng góp vào sự thành công của sự kiện này. Cô cũng tuyên dương các học sinh đã thể hiện sự quan tâm và tham gia vào dự án cùng mình.
“Tên của triển lãm lấy cảm hứng từ các học sinh và đại diện cho những tấm lòng thành của thế hệ trẻ đối với lịch sử chính trị - xã hội,” cô chia sẻ. “Các bức ký hoạ về chiến tranh, cuộc sống trong thời chiến và những khung cảnh được trưng bày tương phản cùng những tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại phản ánh những ký ức trừu tượng và có phần xa cách của họ về chiến tranh và những dư âm của nó. Đồng thời, dự án tìm hiểu về cách mọi người vượt qua và tiếp tục cuộc sống của mình sau khi chiến tranh kết thúc.”
Một số tác phẩm nổi bật bao gồm “Chiếc Ghế Trống" — tác phẩm sắp đặt và video thực hiện bởi Bàng Nhất Linh, “Trôi trong Đêm đen” — tác phẩm sắp đặt và nhiếp ảnh thực hiện bởi Đỉnh Q. Lê. Và “AK-47 vs. M16” thực hiện bởi The Propeller Group — tác phẩm nắm bắt những mảnh vỡ trong khoảnh khắc va chạm giữa hai đầu đạn AK-47 và M16, được lưu trữ trong một khối đạn đạo, và thể hiện qua hình thức điêu khắc và phim tư liệu.
Diễn ra song song tại hai cơ sở EMASI Nam Long và Vạn Phúc đến hết năm nay, phần 1 có sự tham gia của các nghệ sĩ: Bàng Nhất Linh, Chu Thảo, Đỉnh Q. Lê, Laurent Weyl, Lê Quý Tông, Nguyễn Huy An, Nguyễn Quốc Chánh, Phạm Thanh Tâm, The Propeller Group, Trâm Carin Lương, Trương Công Tùng, Võ An Khánh và Vương Duy Khoái.
Phần 2 diễn ra tại cơ sở Vạn Phúc, với sự tham gia của: Bùi Duy Khánh, Cian Duggan, Doãn Hoàng Lâm, Đỗ Thị Ninh, Hà Ninh Phạm, Lê Quốc Thành, Lê Quý Tông, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Văn Cường, Phạm Thanh Tâm, Thảo Nguyên Phan, Trương Hiếu và Tuýp Trần.
Triển lãm sẽ diễn ra từ ngày 26 tháng 3 đến ngày 17 tháng 12, từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều vào các ngày trong tuần.
“Tôi cũng muốn điều tương tự cho nước mình”
Trong buổi đón tiếp của triển lãm, Quỳnh chia sẻ với các khách mời câu chuyện khởi nguồn của dự án.
“Có nhiều người hỏi tôi đã bắt đầu hành trình của mình thế nào. Thật ra, mọi thứ đến với tôi khá tự nhiên. 30 năm trước khi còn là sinh viên, tôi được phác hoạ chân dung bởi một danh hoạ Việt Nam nổi tiếng, và cũng là cha của người bạn cùng lớp. Bức chân dung ấy cũng là tác phẩm đầu tiên trong bộ sưu tập của mình.”
Kể từ lúc đó, đi đến đâu, Quỳnh sưu tầm tranh đến đó.
Vào năm 2010, cô muốn làm gì đó với đam mê của mình. Với sự quyết tâm giới thiệu nghệ thuật Việt Nam đến cộng đồng tại Houston, Texas, Quỳnh tổ chức và khởi động International Modern Art Gallery (Tạm dịch: Phòng tranh Nghệ thuật Quốc tế Hiện đại) nhằm giới thiệu các tác phẩm Việt Nam đến với nhóm khán giả tại Mỹ.
Quỳnh học hỏi từ The Menil Collection, một bảo tàng nghệ thuật được thành lập bởi John và Dominique de Menil. “Họ cung cấp các chương trình học bổng nhằm thu hút, giáo dục và truyền cảm hứng đến cộng đồng ở khắp nơi. Họ cũng xây dựng nhiều không gian nghệ thuật và nhà chung của nghệ sĩ. Và tôi tự nhủ một ngày nào đó, tôi muốn thấy điều tương tự ở nước mình.”
Và Quỳnh đã làm được! Năm 2018, Quỳnh thành lập Nguyễn Art Foundation, dưới sự dẫn dắt của Thanh Hà. Đây không chỉ là niềm tự hào của gia đình họ Nguyễn, mà còn là của cả cộng đồng nghệ thuật tại Việt Nam.
Tuyền cũng chia sẻ, đây là quỹ nghệ thuật tập trung vào ba nhóm chính: các nghệ sĩ, những nhà sưu tập và khán giả của họ.
Thông qua các phát kiến, họ muốn hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ Việt Nam tiềm năng đạt được những tiêu chuẩn nghệ thuật quốc tế, từ đó phát triển bền vững và nhận được nhiều tiếng tăm hơn.
Thông qua các sáng kiến của mình, họ muốn hỗ trợ và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ tiềm năng của Việt Nam làm việc và đạt được tiêu chuẩn toàn cầu và tầm cỡ quốc tế, sau đó trở nên bền vững hơn và được tiếp xúc nhiều hơn.
“Con người là lĩnh vực đáng đầu tư nhất.” Tuyền luôn ghi nhớ nhận định này trong suốt nhiều năm qua. “Đừng nhắm đến các mục tiêu ngắn hạn và quy mô nhỏ; hãy hướng đến các mục tiêu dài hạn và quy mô lớn. Khi đầu tư vào nghệ thuật, chúng ta không thể kỳ vọng kết quả trong thời đại của mình, thậm chí là trong gia đình. Kết quả của nghệ thuật đi xa và trải dài hơn như thế.”
Anh liên hệ tới những nhà sưu tập kiêm mạnh thường quân, với hy vọng nhận được nhiều sự chung sức từ các tổ chức và cá nhân hơn nhằm thúc đẩy thị trường nghệ thuật Việt Nam.
“Quan trọng nhất vẫn là công chúng,” anh nói thêm. Thực tế, đa số người Việt Nam chưa thật sự am hiểu về nghệ thuật. Thậm chí, có những người còn không hề quan tâm.
“Có những nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật không có tệp khán giả để trưng bày. Đó là một điều đáng lo.”
Thật may mắn là trường học của họ đã và đang giáo dục thế hệ người Việt tiếp theo biết cách trân trọng và tương tác cùng nghệ thuật một cách tích cực, từ đó dưỡng dục một tình yêu dành cho nghệ thuật. Như vậy, các nghệ sĩ và tác phẩm nghệ thuật sẽ tiếp cận cộng đồng tốt hơn.
Gia đình họ Nguyễn, thông qua Nguyễn Art Foundation, mong muốn có thêm nhiều sự kiện công khai tương tự, với hy vọng số lượng nghệ sĩ và khán giả của họ ngày càng đông hơn.
Bài viết được chuyển ngữ bởi Tài Thy.