Cuộc sống của bạn đang bế tắc, hãy thử nói chuyện với… chiếc ghế trống

Việc nói chuyện với một chiếc ghế trông có vẻ… tự kỷ, nhưng đây lại một phương pháp trị liệu giúp bạn đối diện với những tổn thương và nỗi bất an khó bày tỏ cho ai khác.
Minh Trang
Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Thử tưởng tượng bạn đang đứng giữa ngã ba đường, nhưng không biết rẽ ở đâu để đi được đến nơi cần đến? Điện thoại hết pin nên không mở được bản đồ, bản thân lại quá hướng nội để hỏi đường những người xung quanh. Những lúc này bạn sẽ làm gì?

Đây là phép ẩn dụ cho những quyết định mang tính sống còn bạn phải đưa ra trong đời: “Mình có nên nhảy việc khi chưa nhận được lương tháng 13?”, “Mình có nên thổ lộ tình cảm với crush?”, “Mình có nên nhắn tin giảng hòa với bạn thân trước?” Những lúc này, nếu dứt khoát làm luôn thì quá rủi ro, còn nếu không làm thì bạn lại lo mình sẽ hối hận.

Nếu không có ai để xin ý kiến, tại sao bạn không thử hỏi… một chiếc ghế trống?

Phương pháp Ghế trống là gì?

Phương pháp Ghế trống (Empty Chair) là phương pháp trị liệu được phát triển bởi nhà trị liệu Fritz Perls. Người tham gia sẽ tưởng tượng có ai đó, hoặc một phiên bản sinh đôi của mình đang ngồi trên một chiếc ghế trống, và trò chuyện với “người” đó.

Phương pháp này giúp người tham gia giải phóng những cảm xúc bị kìm nén, đặc biệt là với những ai đang phải đối mặt với cảm giác tự ti, trầm cảm hay những xung đột nội tâm. Nghiên cứu năm 2020 cho thấy phương pháp Ghế trống giúp người tham gia nhận diện và thấu hiểu những nỗi sợ ẩn giấu, đồng thời xoa dịu phần tự phê bình bên trong mình, từ đó nâng cao lòng tự tôn.

Đối với nhiều người, đây là dịp để nói lời tạm biệt với người đã khuất hoặc những người mà họ không còn cơ hội gặp gỡ. Một thử nghiệm trị liệu đối với những phụ nữ mất chồng hậu chiến tranh đã chứng minh hiệu quả của phương pháp trong việc hỗ trợ họ vượt qua sang chấn do mất mát.

Các bước thực hiện phương pháp Ghế trống

Bước 1: Chuẩn bị bối cảnh

Tạo cho mình một không gian yên tĩnh, thoải mái. Đặt một chiếc ghế trống trước mặt để tượng trưng cho người mà bạn muốn nói chuyện. Chiếc ghế này có thể đại diện cho một ai đó trong cuộc đời bạn, hoặc cho một suy nghĩ nào đó trong mình mà bạn đang cảm thấy mâu thuẫn.

Bước 2: Xác định mục tiêu

Trước khi bắt đầu, hãy nghĩ về điều mà bạn muốn giải quyết. Đó có thể là một mối quan hệ, một cảm xúc, hoặc một khía cạnh nào đó trong bản thân mà bạn cần làm sáng tỏ.

Bước 3: Nhập vai và đối thoại

Hãy tưởng tượng rằng người bạn muốn nói chuyện đang ngồi trên ghế trống. Bắt đầu cuộc trò chuyện với chiếc ghế như thể bạn đang đối diện trực tiếp với họ. Đừng ngần ngại bày tỏ suy nghĩ và cảm xúc của mình.

Chẳng hạn, bạn vừa cãi nhau với bạn thân và cả hai đang chiến tranh lạnh. Bạn muốn giảng hoà nhưng không biết phải bắt đầu từ đâu. Hãy giả vờ như chiếc ghế đối diện là bạn mình và đặt những câu hỏi: "Tụi mình có thể nói chuyện về vấn đề này không?", "X (tên người bạn) đang cảm thấy thế nào?", "Mình có vô tình nói hoặc làm gì khiến X tổn thương không?"

Bước 4: Đổi vai

Khi bạn đã thoải mái với cuộc trò chuyện, hãy chuyển sang ngồi ở ghế trống và nhập vai vào người mà bạn muốn đối diện. Hãy thử trả lời như thể bạn đang ở vị trí của họ.

Bước 5: Tiếp tục đối thoại

Tiếp tục di chuyển qua lại giữa hai chiếc ghế. Mỗi lần bạn nhập vai, hãy bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ cho đến khi bạn cảm thấy đã nói hết những điều cần thiết.

Bước 6: Chiêm nghiệm và nhận thức

Khi kết thúc cuộc đối thoại, hãy dành thời gian để suy ngẫm về những trải nghiệm vừa qua. Hãy tự hỏi: "Mình đã rút ra bài học gì từ cuộc trò chuyện này?" và "Có điều gì mới mà mình chưa từng nghĩ tới không?"

Bước 7: Kết thúc và đúc kết

Cuối cùng, chia sẻ cảm nhận của bạn sau khi thực hiện phương pháp này. Hãy ghi lại những suy nghĩ và cảm xúc mà bạn đã trải qua, cùng với bất kỳ sự thay đổi nào trong cách nhìn nhận vấn đề. Hành động này sẽ giúp bạn tìm ra những con đường mới để phát triển bản thân trong tương lai.

Lưu ý khi thực hiện phương pháp Ghế trống

Khi thực hiện phương pháp Ghế trống, hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để đối diện với những cảm xúc bên trong. Bạn nên chọn một không gian riêng tư và yên tĩnh, nơi bạn có thể thoải mái biểu đạt cảm xúc mà không bị phân tâm. Chấp nhận mọi cảm xúc bạn trải nghiệm trong suốt quá trình, và cho phép bản thân thể hiện chúng mà không sợ bị phán xét.

Lắng nghe bản thân là rất quan trọng; nếu bạn cảm thấy không thoải mái, đừng ngần ngại dừng lại và nghỉ ngơi. Khi thực hiện kỹ thuật này, hãy tự dẫn dắt mình mà không để ai khác ảnh hưởng, đồng thời theo dõi cảm xúc của bản thân và điều chỉnh khi cần thiết.

Cuối cùng, đảm bảo rằng bạn kết thúc cuộc trò chuyện trong trạng thái bình tĩnh và vững vàng. Cố gắng bày tỏ và giải quyết tất cả những cảm xúc mạnh mẽ trong cuộc đối thoại, để bạn có thể rời đi với tinh thần nhẹ nhõm nhất.

5AM là sự kiện âm nhạc đón bình minh đầu tiên tại Việt Nam, được tổ chức lần đầu vào tháng 1/2024 bởi Vietnam Airlines, SpaceSpeakers Group và Vietcetera.

Sau thành công của mùa 1, 5AM trở lại với một phiên bản mới được tổ chức tại Đà Lạt. Lấy cảm hứng từ hành trình Thân – Tâm – Trí, 5AM mùa 2 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm thú vị thông qua các hoạt động thể chất như chạy bộ, thiền và nghe nhạc

Thời gian: 04:30 - 10:30 - 07/12/2024

Địa điểm: Trường Cao Đẳng Đà Lạt - 109 đường Yersin, phường 10, TP. Đà Lạt

Mua vé tại đây.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục