Trà Vẫn Còn Nóng: Cuối năm xem phim Việt, coi Apple và Facebook cãi nhau!
1. 13 triệu like cũng không làm Apple có ‘tick xanh"
Vừa qua, cư dân mạng có dịp nháo nhào bàn luận về chuyện Apple mất “tick xanh". Nhưng thật ra không thể gọi là mất khi Apple chưa bao giờ có dấu tick xác nhận này. Dù ai nói ngả nói nghiêng, Apple vẫn không quên nhiệm vụ tập trung vào sản xuất xe hơi!
Quay lại với cuộc chiến Facebook và Apple, trước giờ hai ông lớn này đã luôn bằng mặt nhưng không bằng lòng! Năm vừa qua, trước hàng loạt các sự kiện liên quan tới ứng dụng lén thu thập dữ liệu người dùng, Apple đã phát triển "App Tracking Transparency". Ứng dụng này sẽ hỏi ý kiến của người dùng về việc cấp quyền cho bên thứ 3 thu thập dữ liệu hay không. Và rõ ràng cỗ máy quảng cáo khổng lồ, Facebook, không mấy vui vì tính năng mới này. Với lý lẽ giúp đỡ các doanh nghiệp nhỏ, Facebook và Apple liên tục khẩu chiến trên các trang quảng cáo của báo chí.
Có thể thấy sức nặng của dữ liệu cá nhân đủ để gây ra những cuộc chiến công nghệ. Câu hỏi quan trọng không phải Apple hay Facebook sẽ dành phần thắng, mà là người tiêu dùng sẽ được hưởng quyền lợi gì từ cuộc chiến này?
2. R.I.P phong trào tẩy chay Facebook (2020-2020)
Mùa hè vừa qua, hơn 200 thương hiệu lớn, nổi bật nhất là Unilever, đồng lòng tẩy chay Facebook. Mục đích của việc này là gây sức ép lên Facebook trong vấn đề xử lý thông tin sai lệch và ngôn từ thù địch.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, 100 khách hàng chi mạnh tay cho tiền quảng cáo nhất cũng chỉ chiếm 6% tổng doanh thu của Facebook. Đó là chưa kể tới một số nhãn hàng chỉ “tạm cai nghiện" trong vòng 1 tháng, sau đó đã quay lại như bình thường.
Như chưa từng có cuộc chia ly, các ông lớn của ngành quảng cáo lại về với mái nhà xưa. Còn Facebook vẫn ung dung tự tại và hầu như chẳng có thay đổi gì nhiều sau cuộc “cách mạng". Vậy mục đích của các hoạt động mang mác Trách nhiệm cho xã hội của nhãn hàng thật ra cũng chỉ là để “làm màu” với người tiêu dùng!
3. Cuối tuần ngồi nhà xem phim Việt!
Dịp Giáng Sinh năm nay, Santa như nghe được tiếng lòng của khán giả yêu nền điện ảnh nước nhà: một loạt 10 tác phẩm điện ảnh tiêu biểu, chuyển thể từ văn học Việt Nam được trình chiếu miễn phí trên nền tảng số VTVGo. Với quà đi kèm là series "review phim" chính hãng!
Đây là dự án mang theo kỳ vọng của nhà đài về sự lan toả của bản sắc văn hoá dân tộc. Đây là yếu tố từng giúp Hàn Quốc từ một “vùng trũng” của điện ảnh thế giới, trở thành một trong những thị trường “nóng” nhất ở châu Á.
Nhưng trước khi mơ đến đấu trường quốc tế, khán giả Việt đang tự hỏi: Đến khi nào những tác phẩm đã sản xuất cách đây vài thập kỷ, thôi chiếm số đông trong danh sách “phim Việt tiêu biểu” ở thị trường nội địa?
4. Xe đạp công cộng xuất hiện, bảo vệ môi trường lên tầm cao mới
Chiều 18/12, Ủy ban nhân dân TP.HCM thông qua việc thử nghiệm đặt các xe đạp công cộng tại một số khu vực ở trung tâm. Không còn những lời hứa hẹn không tên, công cuộc ‘chiến đấu’ vì môi trường tại Việt Nam đã và đang có những bước tiến dài. Việc sử dụng xe đạp công cộng tại Thượng Hải đã giúp giảm bụi mịn và lượng khí thải đáng kể.
Từ giờ khách du lịch có thể “chấp hết” những cung đường ngoằn ngoèo tại Sài Gòn. Không cần nhăn mày nhăn trán mỗi lần phải đi bộ vòng quanh các phố mua sắm. Được tập thể dục, tăng sức đề kháng cho mùa sale bão tố sắp kéo đến. Mà giá chỉ 10,000/giờ, rẻ hơn bất kỳ phòng tập gym nào. Bạn đã sẵn sàng đạp xe chưa?
5. Bạn cần người “chê” Spotify của mình? Để pudding.cool lo!
2020 là một năm tệ, nhưng bạn biết điều gì tệ hơn không? Có thể là danh sách nhạc trong Spotify của bạn đấy!
How Bad Is Your Spotify sử dụng một AI đanh đá để “soi” danh sách nhạc trong Spotify của bạn. Các đánh giá đều mang tông mỉa mai, ‘gây tổn thương’ từ nặng đến nhẹ. AI đang dần trở thành con người, với đủ hỉ nộ ái ố, thậm chí thỏa mãn được sự yêu thích được ‘ngược đãi’ bằng lời nói của người dùng.
How Bad Is Your Spotify là một dự án được thực hiện bởi The Pudding, một dự án kể về những vấn đề được tranh luận bằng hình ảnh, hoặc các tương tác thú vị mà không phải đơn thuần là chữ viết.
Nếu dịp nghỉ lễ này quá êm đềm và bạn cần ‘cảm giác mạnh’, hãy vào trang chủ của dự án, nhấn “Find Out” và bước vào cuộc phiêu lưu nhé!
6. Đẻ con gái giờ quý như vàng
Mới đây, chính sách tại một số địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long quy định, gia đình sinh đủ 2 con một bề là gái (nhà chỉ sinh con gái) sẽ được khen thưởng.
Phần đông ủng hộ, tin rằng nước đi này sẽ tác động đến tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ở Việt Nam, đồng thời lật lại cán cân giới tính đang chênh vênh - 111,5 bé trai/100 bé gái. Số khác nghi ngại, hỗ trợ tiền có thể khuyến khích về mặt kinh tế, nhưng chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề: “Tại sao mọi người thích sinh con trai?”
Dù có hiệu quả hay không, thì trong một quốc gia bị ảnh hưởng bởi tư tưởng Nho giáo như Việt Nam, hướng đi này là một nỗ lực đáng ghi nhận.
Đấu tranh cho quyền lợi của nữ giới có thể là một chặng đường dài. Ngay cả những nước phát triển như Mỹ, phụ nữ vẫn hứng chịu rào cản của định kiến, nhưng, không vì thế mà xã hội thiếu đi những người phụ nữ xuất chúng.
7. Phim về sử Việt: Chiếu Youtube nhưng chất lượng Xi-Nê
Đến thời điểm hiện tại, Bình Ngô Đại Chiến - tập phim mới nhất của dự án Việt Sử Kiêu Hùng - đã cán đổ mọi cột mốc trước đó: 360.000 lượt xem, 28.000 lượt share và hơn 5.000 bình luận sau 24 giờ công chiếu. Phim tập trung tái hiện cuộc tiến công chống quân Minh tại cánh đồng Tốt Động – Chúc Động năm 1426.
Việt Sử Kiêu Hùng là dự án phi lợi nhuận của nhóm Đuốc Mồi, được tạo ra để truyền cảm hứng sử Việt. Các phim nổi bật khác thuộc dự án có thể kể đến ‘Tử chiến thành Đa Bang’, ‘Lý Thường Kiệt’.
Khi ngoài kia vẫn còn một nhóm bạn trẻ chăm chút cho di sản của bậc tiền nhân, và khi thành quả của họ được đón nhận bởi một lượng lớn khán giả trẻ, ta nhận ra, lịch sử dân tộc chưa bao giờ thiếu sức hút. Có lẽ, để truyền cảm hứng yêu sử và thoát khỏi việc dạy học theo lối mòn, các giáo viên nên bắt đầu từ những thước phim hào hùng của dân tộc.