Dám yếu đuối: Cách ta biến tổn thương thành mạnh mẽ phi thường
Vốn dĩ xuất phát mỗi người lớn đều từng là những đứa trẻ vô tư khóc cười, nghĩ gì nói nấy. Song lớn lên, ta va chạm nhiều hơn với cuộc đời và bắt đầu học cách che giấu cảm xúc, sống ít bộc lộ để bảo vệ bản thân. Ta quen nói “Tôi ổn” mỗi khi có ai hỏi mình ổn không, và nói “Không cần” mỗi khi người khác lại gần giúp đỡ.
Lâu dần, đây có thể trở thành hình thức gián tiếp ngược đãi chính mình, khi những nhu cầu được thấu hiểu và xả cảm xúc tiêu cực của bạn bị dồn nén đến đường cùng, thậm chí sắp bùng nổ.
Liệu việc bộc bạch tâm tư, trải lòng và yếu đuối có thực sự đáng sợ? Bài viết này sẽ cho bạn lý do tại sao “yếu đuối” (vulnerability) có thể giúp ta thực sự “mạnh mẽ” từ nội tại, để bạn nhìn thấu bản thân và xây dựng những mối quan hệ lành mạnh hơn.
Vulnerability power: Khi những tổn thương mới khiến ta kiên cường
Bạn đã bao giờ khóc ở rạp phim? Đã bao giờ thừa nhận mình tự ti trước ống kính, hay mình vẫn bất an trước nhan sắc và tài năng của người khác?
Xét theo góc độ Tâm lý, khi chúng ta dám “vạch trần” sự yếu đuối qua những hành động kể trên, ta đã đặt lòng tự tôn (ego) của bản thân vào thế yếu. Lúc này, ta dễ đối mặt với một số phản ứng gây tổn thương từ người khác, như mất hình tượng, bị đánh giá, chê bai, hay thậm chí bị khinh thường vì yếu đuối.
Đây chắc chắn là những trải nghiệm không mấy dễ chịu, nhưng lại là mấu chốt phân biệt người thật sự mạnh mẽ.
Người mạnh mẽ nhất là người dám yếu đuối nhiều nhất?
Tiến sỹ và nhà văn Brené Brown ở Đại học Houston đã dành gần hai thập kỷ nghiên cứu mối liên hệ giữa yếu đuối (vulnerability) và mạnh mẽ (courage). Thú vị thay, kết quả cho thấy những người vững vàng nhất lại là những người dám công khai tổn thương nhiều nhất.
Dám tổn thương không xấu, ngược lại nó giúp chúng ta thoát khỏi những chuẩn mực của xã hội, vạch ra lối đi riêng và vững tâm trước mọi định kiến.
Ngay cả bạn trai cũ của tôi từng rơi nước mắt chỉ vì… tôi nổi cơn thịnh nộ trước mặt cậu ấy. Một số người có thể cười cợt cho rằng con trai khóc trước mặt bạn gái là yếu đuối, là “không đáng mặt nam nhi”. Nhưng cậu bạn tôi thì không mấy quan tâm, và vẫn ung dung thoải mái bất kể người đời đàm tiếu điều gì.
Tôi biết cậu ấy không phải tuýp người hèn nhát và yếu đuối. Khi sau này tôi hỏi cậu “Ổn không” đương lúc cậu đang du học một mình năm COVID-19 và bị phân biệt chủng tộc ở trời Âu, câu trả lời vẫn luôn là “Mình ổn thì mọi thứ đều ổn”. Vài người thô lỗ bước qua đời mình sẽ không thể ảnh hưởng đến mục tiêu lớn lao mình vạch ra phía trước.
Cậu ấy đã làm được điều ít người đàn ông nào làm được là "khóc", và sẽ tiếp tục vượt qua nhiều rào cản siêu tưởng khác trong cuộc sống nhờ bản lĩnh dám bộc lộ bản thân. Tôi tin đó chính là bài học mà yếu đuối tôi luyện cho một người mạnh mẽ.
Vậy thì xét theo góc độ Tâm lý học của Tiến sỹ Brené Brown, đâu là lợi ích của việc dám bộc bạch sự tổn thương?
Dám mở lòng để “được lòng” chính mình
Bạn đã bao giờ trở về nhà sau một ngày xã giao mệt mỏi, buông tay đóng sầm cánh cửa rồi nhẹ nhõm thở phào? Ai cũng có thể là “nạn nhân” trong thế giới gồng mình mạnh mẽ. Thú vị thay, cách duy nhất để thoát khỏi vòng lặp độc hại này chỉ đơn giản là… đừng (cố) mạnh mẽ nữa.
Hãy chấp nhận rằng mình cũng chỉ là con người thôi, và con người thì có quyền được hỉ - nộ - ái - ố. Khi bạn dám cởi mở đối diện với bản thân dù đẹp đẽ hay “xấu xí”, chính bạn là người có được sự bình thản đầu tiên bất kể người ngoài nghĩ gì.
Chia sẻ từ Tiến sỹ Brené Brown, đây là những điều bạn đạt được sau khi bước qua ranh giới “dám tổn thương”:
- Trở nên “bất khả chiến bại”: Bạn không sợ bị từ chối, không ngại bị phán xét từ mọi người, bạn trở nên lăn xả, dũng cảm, và tự tin hơn khi biết rằng mình có khả năng làm chủ mọi thứ.
- Lường trước cách mình phản ứng với mọi việc: Bạn hiểu bản thân và biết cách điều chỉnh phản ứng trước mọi tác động khắc nghiệt nhất từ bên ngoài. Ví dụ như bị xúc phạm trong các cuộc tranh cãi với đồng nghiệp, vẫn biết cách cân bằng để không tự ái.
- Là “bờ vai” cho chính mình dựa vào: Bạn sẵn sàng đón nhận bản thân cả những lúc tồi tệ nhất, học cách tự chữa lành và thoải mái trong chính sự không thoải mái.
- Xây dựng những kết nối sâu sắc hơn với người ngoài: Khi bạn chân thành, sống thật lòng và đối xử thật tâm với người khác, họ sẽ nhận ra, cảm mến và trân quý mối quan hệ với bạn. Từ đó họ muốn giữ bạn ở bên mình và chủ động xây dựng liên kết chặt chẽ với bạn hơn theo thời gian.
Con người là động vật xã hội luôn có nhu cầu được kết nối và khó có thể chịu được cuộc sống đơn thân độc mã. Việc xây dựng những mối quan hệ ý nghĩa, từ đó cũng là một loại “tài năng” với những người dám bày tỏ.
Dám mở lòng để sàng lọc mối quan hệ chất lượng
Bạn chưa thể tháo mặt nạ xuống và “sống thật” vì sợ người khác quay lưng?
Có một sự thật là, những mối quan hệ có điều kiện sẽ thường khá nông cạn, mong manh hay thậm chí độc hại về lâu dài. Như việc bạn tỏ ra mình có tiền để hòa nhập với hội bạn khá giả, càng kéo dài bạn càng mệt mỏi và hao tổn tiền bạc vô lý trong khi các “bạn” kia chẳng mảy may quan tâm.
Quyết định gạt bỏ hình tượng cũ để về với bản chất, ta chấp nhận mất đi một vài mối quan hệ - dù tiếc nuối nhưng đều là những mối quan hệ đáng quên. Sàng lọc được những người ở bên cạnh mình chỉ vì lợi ích, ta sẽ mở đường cho những gương mặt mới, ý nghĩa hơn trong cuộc đời.
Vậy thì ta cần bắt đầu học cách bộc lộ cảm xúc như thế nào, để nâng tầm chất lượng bản thân và các mối quan hệ xung quanh?
5 Cách bộc lộ những cảm xúc khó nói: Bạn có dám thử?
Bước đầu để bạn bóc tách những xúc cảm bị đè nén, chính là dám đối mặt và gọi tên sự yếu đuối của chính mình. 5 biểu hiện dưới đây từ The Verywell Mind sẽ giúp bạn đối chiếu, nhìn nhận và bớt khắt khe với bản thân.
- Thừa nhận những sự thật khó nghe: Thừa nhận mình ghen tỵ với những người đẹp, thừa nhận mình vẫn cô đơn khi sống một mình, sếp chấp nhận mình không rành một kỹ năng phải nhờ nhân viên giúp,...
- Chấp nhận cảm xúc tiêu cực của bản thân: Như việc bạn thất tình, đau khổ, và bạn quyết thả trôi bản thân theo những nỗi đau này một cách tự nhiên không kìm nén, đến khi nào chúng qua đi mới thôi (vì vết thương thật sự sẽ lành theo thời gian!).
- Quyết tâm làm dù biết sẽ bị từ chối: Ứng tuyển cho một công ty lớn thử sức dù khả năng cao sẽ nhận mail “cám ơn”, quyết tỏ tình với crush dù biết tình cảm mình sẽ không được hồi đáp.
- Cởi mở với những thất bại của mình trong quá khứ: Thật lòng chia sẻ mình từng rớt phỏng vấn, bị từ chối tình cảm, khiến bố mẹ thất vọng,... Bất kỳ thất bại nào có khả năng khiến hình ảnh bạn trông “xấu đi”, nhưng đó mới là phiên bản thật của chính bạn.
- Cần sự hỗ trợ về mặt cảm xúc từ người khác: Như thừa nhận mình đang yếu lòng, cần người tâm sự thay vì gồng mình tự xử.
Nếu bạn thấy mình đã từng làm ít nhất 3 trên 5 hành động kể trên, xin chúc mừng vì bạn đã mạnh mẽ sống thật với bản thân hơn phần lớn người trưởng thành ở thời hiện đại. Mặt khác nếu bạn không thể chịu được cảm giác “ngồi trên đống lửa” sau khi bộc lộ điểm yếu, cũng không sao vì ai cũng cần một quá trình đối mặt với sự thật, nhìn thấu những vết sẹo và chữa lành từ bên trong.
Kết
Xung đột giữa yếu đuối bên trong và mạnh mẽ bên ngoài là chuyện không của riêng ai, tùy thuộc vào quan niệm và cách sống mỗi người mà ta có cách xử lý khác nhau mỗi khi cảm xúc bộc phát.
Nếu bạn vẫn mệt mỏi sau chuỗi ngày dài “đóng vai” một ai đó không phải mình, đó là dấu hiệu bạn cần quay đầu nhìn lại xem mình có đang bỏ rơi bất kỳ một nhu cầu cảm xúc nào hay không. Hãy đáp ứng chúng, và trả lời cho mọi suy tư, trăn trở hay tổn thương của bản thân.
Tôn trọng đứa trẻ bên trong mình hơn một chút, cũng là cách bạn tôn trọng phần người của chính mình và bắt đầu sống cuộc đời hạnh phúc hơn.