Daterview - Đi hẹn hò hay đi phỏng vấn xin việc?
Đã bao giờ bạn rơi vào tình huống bị hỏi dồn dập trong buổi hẹn đầu chưa?
1. Daterview là gì?
Daterview / ‘deɪtərvjuː / (danh từ) là một buổi hẹn mà đối phương tung ra hàng loạt câu hỏi như đi phỏng vấn ứng viên. Những câu hỏi thường xoay quanh chủ đề nghiêm túc và riêng tư như thu nhập, mối quan hệ cũ, dự định con cái trong tương lai…
2. Nguồn gốc của Daterview?
Cách đây gần 2 thập kỷ, daterview từng được hiểu rất khác so với hiện tại. Năm 2004, tác giả Greg Churchma ra mắt cuốn sách có tên Daterviewing. Cuốn sách chỉ ra những nét tương đồng giữa hẹn hò và phỏng vấn, từ đó hướng dẫn nhà tuyển dụng vượt qua các thiên kiến làm lu mờ phán đoán và tăng khả năng “chốt đơn” ứng viên thích hợp.
Ngày nay, daterview lại được dùng như một thuật ngữ hẹn hò của giới trẻ, mang sắc thái tiêu cực, châm biếm hơn.
3. Daterview phổ biến như nào?
Kể từ năm ngoái, daterview bắt đầu gia nhập vào từ điển hẹn hò thịnh hành của các Gen Z và millennial. Một trong những nhân tố chính giúp daterview phổ biến là nhờ ứng dụng hẹn hò.
Hiện tượng “phỏng vấn” rất thường gặp trên dating app. Đã bao giờ bạn gặp trường hợp, khi bạn mới nói chuyện với ai đó được 15 phút, những câu hỏi như “bạn làm ở công ty nào?”, “sống cùng ai?”, “bạn tìm gì trên Tinder?” dồn dập bay đến chưa?
Tại Việt Nam, dù cộng đồng mạng chưa dùng thuật ngữ này rộng rãi, những tình huống hẹn-hò-như-phỏng-vấn vẫn luôn nhận được nhiều sự chú ý.
Thực tế, không phải lúc nào một buổi hẹn cũng diễn ra êm đềm, đôi khi cả hai sẽ không tránh khỏi việc bị bí chủ đề, tạo cơ hội để những khoảng lặng khó xử ập đến. Lúc này, đối phương buộc phải liên tục hỏi gì đó để cuộc nói chuyện tiếp diễn. Nếu không khéo léo, nguy cơ buổi hẹn đầu biến thành một buổi phỏng vấn là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Đối với trường hợp các đôi quen biết qua mạng, cuộc gặp mặt đầu là cơ hội để đánh giá sự đáng tin và thành thật của người kia. Vì thế, họ nóng lòng hỏi về thông tin của đối phương để đề phòng rủi ro.
Nên hỏi gì cho hợp tình hợp lý?
Theo các nhà tâm lý học, trong buổi hẹn đầu, hãy né các câu hỏi về mối quan hệ cũ, lý do độc thân, tiền lương, hay dự định nghiêm túc về mối quan hệ như kết hôn, sinh con. Lý do là vì chúng có thể gợi lại ký ức khó chịu, khiến đối phương cảm thấy như bị tra khảo và phán xét. (huffpost.com)
Tuy nhiên, nếu bạn lỡ hỏi hơi nhiều, bạn có thể ghi điểm bằng cách lắng nghe thấu cảm câu trả lời, bởi bản năng của con người là muốn được lắng nghe, thái độ này của bạn sẽ khiến đối phương thấy thoải mái và mở lòng hơn.
Hơn nữa, thay vì hỏi, bạn có thể bắt đầu buổi hẹn bằng một câu chuyện thú vị của bản thân. Chúng sẽ khéo léo nói lên tính cách, cảm xúc, và quan điểm của bạn, hơn là những màn Q&A khô khan.
Khi bạn cảm thấy cả hai đã đủ thân mật để nói về chủ đề riêng tư hơn, hãy thăm dò mức độ sẵn sàng chia sẻ của đối phương, rồi sau đó mới bắt đầu hỏi chuyện với thái độ khích lệ, cởi mở.
Chủ đề nói chuyện không quyết định tất cả
Tin vui là chủ đề nói chuyện không quyết định bạn và đối phương có “match nhau” hay không. Nghiên cứu chỉ ra các cặp đôi hẹn hò tốc độ có nhiều khả năng muốn gặp lại nhau hơn nếu họ có phong cách ngôn ngữ “hợp cạ” (The Guardian).
Ngoài ra, những cử chỉ thân mật, mùi hương cơ thể, và quan trọng nhất là sự chân thành của đối phương cũng góp một phần vào sự thành công của buổi hẹn đầu.
4. Cách dùng daterview?
Tiếng Anh
A: Will you see him again after the first date?
B: Definitely no. That daterview freaked me out.
Tiếng Việt
A: Cậu có gặp lại anh ấy sau buổi hẹn đầu không?
B: Chắc chắn là không rồi. Tớ hãi kiểu hẹn hò như phỏng vấn xin việc đó lắm.