David Attenborough: A Life On Our Planet — "Cuối cùng, thiên nhiên vẫn chiến thắng"
David Attenborough: A Life On Our Planet thuật lại những trải nghiệm và kiến thức của Attenborough để đưa ra kiến giải sâu sắc về biến đổi khí hậu và những thảm họa do thay đổi thời tiết cực đoan gây ra.
David Attenborough là một nhà nghiên cứu thế giới tự nhiên, nhà làm phim tài liệu khoa học người Anh có sức ảnh hưởng bậc nhất thế giới. Với niềm đam mê cho thiên nhiên từ khi còn bé, David nhanh chóng đắm mình vào những nghiên cứu và nội dung tài liệu về hoang dã.
Trong thời điểm thập niên 50, 60 — bất kỳ nơi nào ông đặt chân đến cũng có dấu ấn của sự hoang dã, biển duyên hải lấp lánh, những cánh rừng bạt ngàn, vùng đồng cỏ mênh mông. Ông nói rằng đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời và của thế hệ ông.
Trong bộ phim tài liệu chân dung David Attenborough: A Life On Our Planet, thay vì nói về mình, ông lại dùng những trải nghiệm và kiến thức cá nhân để đưa ra kiến giải sâu sắc về biến đổi khí hậu và những thảm họa do thay đổi thời tiết cực đoan gây ra.
Bộ phim sử dụng những tư liệu footage đen trắng từ lúc ông mới bắt đầu nghiên cứu thế giới hoang dã cho đến những hình ảnh hiện tại, khi ông đã bước sang tuổi 94.
Và như những bộ phim tài liệu khác mà ông dẫn chuyện, tính giải pháp và "tầm nhìn về tương lai" vẫn là thứ đáng giá hơn cả.
Bản "tuyên bố nhân chứng" về hành tinh
Mở đầu bộ phim tài liệu, ngài David Attenborough xuất hiện tại thành phố Chernobyl đổ nát và bị bỏ hoang tại Ukraine. Ông bắt đầu giọng dẫn chuyện minh triết mà ấm áp, hệt như cách ông từng thực hiện trong nhiều loạt phim tài liệu xuất sắc trước đây.
“Thành phố này từng là nhà của gần 50.000 người, có đầy đủ tiện nghi cho cuộc sống của người dân. Nhưng đột nhiên, vào ngày 26/4/1986, họ không còn ở đây nữa. Nhà máy hạt nhân Chernobyl ở gần đó đã phát nổ, và trong vòng chưa đầy 48 giờ, cả thành phố đã sơ tán. Từ đó, không một ai ở đây nữa.”
Vụ nổ hạt nhân này là kết quả tồi tệ của sự sai lầm do con người gây ra. Nó gây ra thảm họa môi trường ảnh hưởng khắp châu Âu. Nhiều người coi đó là sự kiện tốn kém nhất trong lịch sử loài người. Nhưng Chernobyl chỉ là một trong nhiều sự kiện.
Bi kịch thực sự của thời đại này vẫn đang tiếp diễn khắp toàn cầu, nhưng hiếm ai để ý tới. Đó là sự thiệt hại lớn về đa dạng sinh học nơi hoang dã trên khắp hành tinh.
“Thế giới sinh vật là một kỳ quan độc đáo và ngoạn mục. Hàng tỷ cá thể của hàng triệu loài động thực vật, tỏa sáng trong sự màu mỡ và đa dạng của chúng, tận hưởng ánh sáng mặt trời và dưỡng chất từ đất, sông, biển. Ta hoàn toàn dựa vào cỗ máy hỗ trợ sự sống hoàn hảo này. Còn cỗ máy ấy thì dựa vào đa dạng sinh học để vận hành trơn tru. Nhưng cách con người sống trên hành tinh hiện nay đã khiến đa dạng sinh học dần suy tàn. Thế giới tự nhiên đang tàn úa, bằng chứng ở ngay cạnh ta thôi.”
David Attenborough đã tận mắt chứng kiến sự thay đổi tiêu cực của thế giới tự nhiên suốt cả cuộc đời hoạt động của ông. Và bộ phim tài liệu này là “lời khai nhân chứng” và “tầm nhìn về tương lai” của ông. Là câu chuyện về cách mà con người tạo ra những sai lầm lớn nhất. Và nếu hành động kịp thời, chúng ta vẫn có thể sửa sai.
Bộ phim đưa ra những thay đổi khủng khiếp và những thiệt hại chóng mặt của thế giới tự nhiên, qua các chỉ số hiển thị dân số, mức carbon và tỷ lệ phần trăm vùng hoang dã trong nhiều thập kỷ:
Vào năm 1937, dân số toàn cầu là 2,3 tỷ người; tỷ lệ carbon trong khí quyển là 280 parts/1 triệu (PPM), và vùng hoang dã còn lại là 66%.
Đến năm 2020, sau chưa đầy một thế kỷ, thế giới có 7,8 tỷ người, tỷ lệ carbon trong khí quyển tăng lên 415 PPM, và vùng hoang dã chỉ còn lại 35%.
Công nghệ ra đời làm cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Tốc độ thay đổi ngày càng nhanh. Dường như mọi thứ đều tuyệt vời để chào đón tương lai cho đến khi con người phát hiện có gì đó không ổn. Dân số tăng lên, tỷ lệ carbon trong khí quyển tăng lên trong khi vùng hoang dã bắt đầu bị thu hẹp lại một cách chóng mặt.
Một trong những thay đổi lớn nhất là độ phủ xanh của rừng ngày càng thu hẹp lại.
“Con người có động cơ kép để đốn rừng: người ta hưởng lợi từ gỗ, và sau đó hưởng lợi từ việc canh tác đất đai bị bỏ lại. Đó là lý do mà chúng ta đã đốn hơn 3.000 tỷ cây rừng khắp thế giới. Một nửa rừng nhiệt đới trên thế giới bị đốn sạch. Việc tàn phá rừng ở Borneo đã làm giảm lượng đười ươi xuống còn 2/3, kể từ lần đầu tiên tôi nhìn thấy con đầu tiên hơn 60 năm trước.” – ông đưa ra thực trạng đáng báo động.
Mỗi năm, con người đốn hơn 15 tỷ cây, đánh bắt cạn kiệt nguồn thủy hải sản. Bằng cách xây đập và làm ô nhiễm, khai thác quá mức sông hồ, con người đã giảm thiểu lượng nước ngọt xuống hơn 80%. Con người đang thay thế hoang dã bằng sự thuần hóa. Số động vật sống trong môi trường hoang dã, từ chuột đến cá voi chỉ còn chiếm hơn 4%... Đó là những con số gây giật mình khác mà bộ phim đưa ra.
Không chỉ rừng mà môi trường sống xa xôi nhất, tồn tại ở cực Bắc và Nam của hành tinh cũng đang bị thay đổi tiêu cực do tác động của con người.
Nhiệt độ trung bình hiện nay trên toàn cầu ấm hơn 1 độ C so với lúc ông mới sinh ra. Tốc độ thay đổi này vượt qua bất kỳ tốc độ thay đổi nào trong suốt 10.000 năm qua. Hành tinh của chúng ta đang cạn kiệt băng. Hệ sinh thái nguyên sơ và xa xôi nhất này đang hướng đến thảm họa.
Cuộc tấn công mù quáng của chúng ta trên Trái đất cuối cùng đã thay đổi những quy tắc cơ bản của thế giới sinh vật.
Tầm nhìn về tương lai và những hành động trước khi quá muộn
Một tương lai đầy thảm họa do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu như hạn hán, mưa bão lũ lụt, động đất, cháy rừng… là những điều mà David Attenborough nhìn ra được.
Trong Hội nghị Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu diễn ra tại Pháp năm 2018, David Attenborough từng phát biểu: “Ngay bây giờ, chúng ta đang đối mặt với thảm họa nhân tạo có quy mô toàn cầu. Đó là mối đe dọa lớn nhất của ta trong hàng ngàn năm. Nếu không hành động, sự sụp đổ của nền văn minh nhân loại và sự tuyệt chủng của thế giới tự nhiên sẽ sớm xảy đến thôi.”
Nhưng cuối cùng, như những bộ phim tài liệu tuyệt vời trước đây mà ông từng dẫn, David vẫn hướng đến các giải pháp để thay đổi nhận thức con người.
Trong vòng 20 năm tới, năng lượng tái tạo được xem là nguồn năng lượng chính của thế giới. Morocco là quốc gia đi đầu trong việc xây dựng nguồn năng lượng tái tạo hiện nay.
Một ví dụ tích cực khác: Hơn một thế kỷ trước, ⅔ diện tích Costa Rica được bao phủ bởi rừng. Đến thập niên 80, việc đốn gỗ bừa bãi làm giảm lượng rừng xuống chỉ còn ¼. Chính phủ của nước này đã quyết định tài trợ cho chủ đất trồng lại các loại cây thổ sản. Chỉ trong 25 năm, các cánh rừng đã sống lại, đủ để một lần nữa bao phủ một nửa Costa Rica.
Nếu điều này được thực hiện trên phạm vi toàn cầu thì sẽ đưa đến một thay đổi cực lớn. Bởi các cánh rừng sống lại sẽ hấp thụ đến ⅔ lượng carbon được tạo ra bởi các hoạt động của con người.
Cuối cùng, thiên nhiên vẫn chiến thắng
Và cuối cùng, ông kết luận: “Có một nguyên tắc quan trọng với những điều này: thiên nhiên luôn là đồng minh và là nguồn cảm hứng lớn nhất của con người. Chúng ta chỉ phải làm điều mà thiên nhiên luôn làm. Nó đã tìm ra bí mật cuộc sống từ lâu rồi. Một loài chỉ có thể phát triển mạnh khi mọi thứ xung quanh nó cũng phát triển mạnh.
Nếu chúng ta chăm lo cho thiên nhiên, thiên nhiên sẽ chăm lo lại cho ta. Nếu ta có thể thay đổi cách ta sống trên Trái Đất, một tương lai khác sẽ hiện ra trong tầm mắt. Và chúng ta sẽ học cách để làm việc với thiên nhiên thay vì chống lại nó.”
Minh chứng cho điều kỳ diệu của tự nhiên, phần kết của bộ phim quay lại thành phố Chernobyl ở hiện tại.
30 năm kể từ vụ sơ tán Chernobyl, thiên nhiên lại phủ ngập không gian. Ngày nay, rừng đã mọc lan đến thành phố này, và trở thành nơi trú ẩn cho động vật thuộc loại hiếm ở nơi khác.
“Cuối cùng, thiên nhiên vẫn chiến thắng. Chúng ta đã tiến xa như vậy, là vì chúng ta là loài sinh vật thông minh nhất từng sống trên đời. Nhưng để tiếp tục, ta cần nhiều hơn sự thông minh. Chúng ta cần sự thông thái.
...Tương lai sẽ không đến mức mờ mịt và tăm tối, nếu ta biết cách để bù đắp thiệt hại, để kiểm soát ảnh hưởng của mình, và một lần nữa trở thành giống loài sống hài hòa với thiên nhiên.”
David Attenborough coi bộ phim là “bản tuyên bố nhân chứng” của mình. Và còn ai đáng tin cậy hơn ông khi đưa ra những cảnh báo và tầm nhìn tương lai đó?
“Tôi đã 93 tuổi. Tôi đã sống một cuộc đời phi thường nhất. Và đến tận bây giờ tôi mới hiểu nó phi thường ra sao.”
Cuộc đời phi thường đó, như David nói, là đã may mắn dành cả cuộc đời để khám phá những nơi hoang dã khắp hành tinh, đi đến tận những nơi hiểm hóc nhất trên trái đất, trải nghiệm trực tiếp thế giới sinh vật phong phú và kỳ diệu. Đến mức, ông không thể hình dung cuộc đời của mình theo cách nào khác.
“Cuối cùng, sau một cuộc đời khám phá thế giới sinh vật, tôi chắc chắn một điều: hành động không phải là để cứu hành tinh của chúng ta mà là để bảo vệ chính chúng ta. Sự thật là, dù chúng ta có tồn tại hay không, thế giới tự nhiên vẫn sẽ tái tạo.”