Để việc tặng quà Tết không là gánh nặng

Với nhiều người, tặng quà Tết giống một nghĩa vụ hơn là hành động sẻ chia. Trên thực tế, có những cách khác nhau để cả người tặng lẫn người nhận tìm thấy niềm vui trong món quà và trong việc tặng quà.
Sơn Hoàng
Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Trà Nhữ @averagetea_ cho Vietcetera

Mỗi mùa Tết là một mùa lễ đoàn viên và sẻ chia. Nhưng Tết đến cũng là lúc người Việt phải thực hiện những trách nhiệm ngày lễ mà nhiều khi dễ khiến người ta nản lòng. Có người ngại dọn nhà. Có người ngại nấu cỗ, làm cơm. Và với một số người, chuyện tặng quà Tết là cơn đau đầu không dứt từ năm này qua tháng khác.

Vô vàn trắc trở có thể nảy sinh trong một công việc tưởng như đơn giản này: tặng cái gì, tặng ra sao, tặng vào thời điểm nào, chúc câu gì cho “ngầu” khi tặng quà,... Liệu có cách nào để những món quà chúng ta tặng nhau ngày Tết thực sự lan tỏa và chia sẻ niềm vui lễ hội, chứ không chỉ là một trách nhiệm mà ta làm cho xong?

Tặng quà Tết: Nghĩa vụ văn hóa hay lựa chọn sẻ chia

Đối với nhiều người, việc tặng quà bất kể dịp nào đều mang dáng dấp nghĩa vụ. Họ làm vậy vì hoàn cảnh, tình huống yêu cầu phải “có qua có lại mới toại lòng nhau,” chứ không thực sự tới từ sự quan tâm hay việc xây dựng sự kết nối giữa người trao và người nhận.

Trên thực tế, những món quà là trung gian kết nối cá nhân và cộng đồng. Tặng quà không chỉ là sự trao đi và nhận lại thông thường, mà có khả năng xây dựng mối quan hệ giữa người với người cũng như giữa các cộng đồng với nhau. Nó làm ta cảm thấy mình có sự liên quan với người ta tặng quà, hoặc nhận quà từ ta.

Việc tặng quà ngày Tết có một lớp ý nghĩa khác, bởi Tết là ngày lễ của sự đoàn tụ và sự sẻ chia. Trong những ngày này, sự trao đi giúp nhân rộng không khí lễ hội, lan tỏa tình cảm giữa người với người dịp năm hết, Tết đến. Niềm vui ngày Tết nhờ thế mà chảy trôi từ ta sang những người ta yêu quý.

Lớp ý nghĩa này luôn hiện diện, dù cho có sự khác biệt giữa thói quen tặng quà giữa cha mẹ, ông bà chúng ta và những người trẻ hiện đại. Nếu như thế hệ trước quan tâm nhiều hơn tới cảm giác của người nhận quà, thì người trẻ coi món quà là cơ hội thể hiện cá tính của bản thân, tức chú trọng cảm giác của người trao quà.

Dù thuộc “trường phái” nào trong hai kiểu tặng quà kể trên, thì điều đầu tiên ta nên cân nhắc là liệu món quà có phù hợp với người nhận và bối cảnh ngày lễ không. Một khi đã hiểu ý nghĩa của việc trao quà ngày Tết và sự phù hợp của món quà, ta có thể cởi bỏ tâm lý, ngừng coi đó là một nhiệm vụ và chú trọng hơn vào việc sẻ chia niềm vui thông qua sự chia sẻ và sự trao đi.

Đừng tặng giỏ quà Tết cho tất cả mọi người!

Bên cạnh rào cản tâm lý, lý do khiến việc tặng quà Tết trở thành gánh nặng là việc chọn quà không phù hợp, khiến cho công đoạn trao và nhận sau đó trở nên khó khăn và ngượng ngùng. Một sai lầm lớn của nhiều người là tặng giỏ quà Tết cho mọi đối tượng, mặc dù không phải ai cũng thích nhận món quà này.

Tất nhiên, ta phải công nhận ưu điểm của giỏ quà Tết: nó tiện. Ra bất cứ một cửa hàng tạp hóa hay siêu thị vào dịp lễ, ta sẽ thấy nhiều loại giỏ quà to nhỏ khác nhau bày la liệt trên nhiều kệ hàng. Nhưng sự đa dạng này không đồng nghĩa với việc đây là một món quà phù hợp với tất cả mọi người.

Thông thường, nhà sản xuất sẽ để một vật phẩm đắt tiền ở vị trí trang trọng, bắt mắt trên giỏ quà, và xung quanh là những món đồ nhỏ hơn với chất lượng trung bình vốn không quá được ưa chuộng. Do vậy, việc mua và tặng giỏ quà Tết thường tạo cảm giác “bia kèm lạc” cho cả người mua quà lẫn người nhận món quà đó.

Điều này không có nghĩa là những giỏ quà Tết hoàn toàn vô ích. Với vẻ ngoài bắt mắt, chúng có thể phù hợp cho việc dâng hương, cúng bái trong ngày lễ. Nhưng về cơ bản, phần quà cần được chọn lựa cẩn thận dựa theo người mà ta có ý định tặng.

Ta nên cá nhân hóa từng món quà sao cho chúng tương ứng với sở thích của người nhận hay với kỷ niệm chung giữa bạn và họ. Nếu thực hiện được điều này, món quà sẽ mang nhiều ý nghĩa hơn, và có khả năng gắn kết, chia sẻ niềm vui nhiều hơn.

Ở đây có lẽ cần phải nhắc lại một điều ai cũng biết: giá trị của một món quà không nằm ở giá tiền, mà ở thành ý của người trao quà. Chính tấm lòng của ta và thông điệp mà món quà chuyên chở mới ghi điểm trong mắt đối phương.

Của cho không bằng cách cho

Dù cho món quà có ý nghĩa tới đâu và thành ý của ta có tốt thế nào, thì việc tặng quà Tết vẫn có thể “xôi hỏng bỏng không” nếu ta chọn sai thời điểm và cách thức trao quà. Vì vậy nên khi tặng quà, ta cần cân nhắc đối tượng và bối cảnh xung quanh, cũng như những yêu cầu và tiêu chuẩn về mặt văn hóa trong hành động biếu tặng.

Thử tưởng tượng, bạn tới nhà người thân hay bạn bè để trao quà Tết khi cả gia đình họ đang cắm cúi dọn nhà, tất bật chuẩn bị cúng lễ. Thời gian eo hẹp của mùa lễ hội khiến gia chủ không thực sự có thời gian đón nhận tấm lòng của khách, và người khách không tìm thấy thời điểm để thể hiện tình cảm của mình.

Chính vì thế, hãy cố gắng lựa chọn thời điểm thích hợp bằng cách liên lạc với người ta muốn tặng quà để hẹn lịch. Hãy đảm bảo rằng cả ta lẫn người nhận đều có thời gian để ngồi xuống, nói chuyện, hỏi thăm nhau trước và sau khi trao quà, và hãy đừng trao quà theo kiểu “chớp nhoáng” cho xong.

Đặc biệt, nếu phải nhận trách nhiệm tặng quà cho ông bà, cho những người đứng tuổi trong gia đình, hay là tặng quà để thực hiện trọng trách trong gia tộc vào dịp lễ, hãy thể hiện rằng thành ý trong món quà không chỉ là của bạn, mà là của cả gia đình.

Để việc tặng quà thêm phần ý nghĩa, ta có thể chuẩn bị những chiếc thiệp nho nhỏ để ghi lời chúc hay lời ta muốn nhắn gửi tới người nhận. Nhiều khi chính những tấm thiệp xinh xắn chứa chan tình cảm mới là thứ khiến cho đối phương cảm động. Theo thời gian, người nhận có thể quên món quà ngày hôm ấy là gì, nhưng sẽ còn nhớ những lời hay ý đẹp mà ta trao nhau.

Cuối cùng, chúng ta nên nhớ rằng Tết là khoảng thời gian của sự sẻ chia, không chỉ với những người ta thương yêu, mà với cả những cá nhân kém may mắn. Đó là những người lao động mất việc làm do đại sa thải, những cô cậu bé không được tới trường vì đời sống lam lũ, hay những người lang thang cơ nhỡ phải vạ vật trên các vỉa hè hay lề đường.

Việc trao quà và sẻ chia với những mảnh đời khó khăn sẽ khiến cho mùa Tết thêm phần ý nghĩa. Tết tròn đầy đôi khi chỉ là việc trao đúng thứ cho đúng người cần giúp. Nhờ đó, niềm hạnh phúc sẽ lan tỏa từ ta tới muôn người.

Vượt một hành trình dài, chuyến xe Home Love đã mang một mùa Tết tròn vẹn đến với các em bé tại Khao Mang, Mù Cang Chải. Home Love - dự án ra đời từ sự sẻ chia, là một trong những hoạt động chính trong hành trình vì cộng đồng của công ty Tài chính số Home Credit tại Việt Nam. Tết 2023, hãy cùng Home Credit lan tỏa yêu thương, và tựu chung một mùa Tết tròn Tết vui tại đây nhé!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục