Khởi động 2022 với chế độ ăn cân bằng nội tiết tố
Ngày nay, nhiều người bắt đầu tìm kiếm các chế độ ăn phù hợp để có thể giảm cân, giúp đẹp da, tinh thần thoải mái cũng như giảm thiểu các vấn đề về sức khỏe. Trong số đó, chế độ ăn cân bằng nội tiết tố, hay còn gọi là hormone diet, lại trở thành một cái tên đáng chú ý.
Nội tiết tố tuy là những sự thay đổi tinh vi bên trong cơ thể nhưng vẫn có thể được điều chỉnh thông qua những gì chúng ta nạp vào. Và một khi bạn cân bằng được chúng, cơ thể sẽ nhận thấy sự thay đổi rõ rệt.
Vậy chế độ ăn cân bằng nội tiết tố là gì, và liệu việc theo đuổi chế độ này có rối rắm như cái tên của nó hay không? Hãy cùng tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé.
Chế độ ăn cân bằng nội tiết tố (Hormone diet) là gì?
Chế độ ăn cân bằng nội tiết tố vốn xuất phát từ cuốn sách The Hormone Diet của tiến sĩ Natasha Turner. Cô cho biết chế độ ăn này sẽ tập trung vào các yếu tố trong quá trình sinh hoạt gây ra tình trạng rối loạn nội tiết tố.
Chế độ ăn kéo dài trong 6 tuần với 3 giai đoạn chính. Các quá trình được thiết kế kết hợp việc ăn uống, tập luyện, thải độc (detox) cũng như nạp thêm các thực phẩm chức năng. Nhờ vậy, ngoài cân bằng nội tiết tố, nó cũng giúp bạn giảm cân cũng như hạn chế các vấn đề về sức khỏe khác.
Chế độ ăn này còn có tên gọi là “Glyci-Med”. Bởi nó là sự kết hợp giữa các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp (low glycemic index) với chế độ ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải.
Vai trò của chế độ ăn cân bằng nội tiết tố đối với sức khỏe?
Tiến sĩ Priya Sumithran cho biết trong cơ thể có các hormone đến từ mỡ. Chúng gửi tín hiệu đến cho não để thông báo về mức năng lượng đang dự trữ. Từ đó, não bộ sẽ điều chỉnh sự thèm ăn cũng như đường đi của năng lượng để đảm bảo cân bằng lượng mỡ dự trữ trong cơ thể.
Các loại hormone như insulin, cortisol hay hormone sinh dục sẽ dễ bị tác động xấu nếu bạn có một chế độ ăn kém chất lượng. Chẳng hạn với tình trạng kháng insulin, lượng đường trong máu sẽ tăng dẫn đến bệnh béo phì hay cao huyết áp,.. Lượng cortisol tăng sẽ khiến cơ thể bị tăng cân và gặp các vấn đề về lo âu,..
Việc rối loạn hormone sinh dục như testosterone và estrogen cũng gây ra các tình trạng về tăng cân, nổi mụn hay thay đổi tình trạng thất thường,..
Chế độ ăn không lành mạnh gồm các món chiên xào, thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều carbohydrates xấu như bánh kẹo hay các thức uống có đường. Vậy nên để giảm lượng insulin hay cortisol, bạn cần đến chế độ ăn có nhiều carbohydrate tốt, vốn thường có trong thực vật giàu chất xơ, vitamin,..
Ưu điểm và nhược điểm của chế độ ăn cân bằng nội tiết tố
Ưu điểm
Mary Wirtz, một chuyên gia dinh dưỡng cho biết phần lớn thức ăn có trong chế độ ăn cân bằng nội tiết tố vốn dựa vào thực đơn ăn kiêng kiểu Địa Trung Hải. Vậy nên, bạn sẽ được hấp thu thêm nhiều chất xơ và ít chất béo bão hoà hơn.
Các nguyên liệu tiêu biểu trong chế độ này bao gồm đậu, các loại hạt, trái cây, rau củ, protein nạc và dầu thực vật. Đây là những loại thực phẩm đã được nghiên cứu kĩ càng và cho thấy có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Bên cạnh đó, chế độ ăn này có sự phối hợp với những yếu tố tác động đến hormone như giấc ngủ hay việc cấp nước,.. Theo Jana Mowrer, một chuyên gia dinh dưỡng, những điều chỉnh trong sinh hoạt kể trên sẽ phát huy tác dụng của hormone và giúp bạn giảm cân thành công.
Marisa Chaela - một huấn luyện viên thể hình và chủ kênh YouTube MissFitAndNerdy đã thử nghiệm chế độ ăn cân bằng nội tiết tố. Cô tiết lộ rằng nó còn giúp cải thiện hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) cho nữ giới cũng như giảm mụn.
Nhược điểm
Trong cuốn sách The Hormone Diet, tiến sĩ Tuner cho biết nếu theo bạn kiên trì theo đuổi chế độ ăn cân bằng nội tiết tố thì có thể giảm đến 12lbs (tương đương 5,44 kg) trong 2 tuần đầu tiên. Tuy nhiên, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), mức độ giảm cân hợp lí chỉ nên từ 1-2 pounds (tương đương 0,5-0,9kg) một tuần.
Việc giảm cân quá nhanh sẽ dễ dẫn đến hiệu ứng “yoyo”. Bạn có thể giảm được nhiều ký trong thời gian đầu, nhưng lại rất khó để duy trì bởi cơ thể sẽ lập tức tăng cân ngay sau khi bạn ngừng ăn kiêng. Vòng lặp giảm cân - tăng cân cứ thế tiếp diễn.
Tiến sĩ Robert Naughton cho rằng, phần lớn thành công trong việc giảm cân của chế độ ăn này đến từ sự cắt giảm lượng calories nạp vào, hơn là thiết lập lại sự cân bằng của nội tiết tố.
Ngoài ra, chế độ ăn chưa thể giải quyết những vấn đề mất cân bằng nội tiết tố gây ra bởi các bệnh lý nghiêm trọng như tiểu đường hay cường giáp. Chế độ ăn này đúng là có giúp ích nhưng chỉ như bước hỗ trợ, không phải cách chữa. Vậy nên để điều trị các loại bệnh này, bạn cần sự can thiệp của các giải pháp y tế và bác sĩ.
Quy trình thực hiện chế độ ăn cân bằng nội tiết tố ?
Bất kì ai cũng có thể theo đuổi chế độ ăn cân bằng nội tiết tố. Thông thường, chế độ ăn này được chia thành ba giai đoạn. Mục đích là điều chỉnh lại các loại thức ăn có tác động mạnh mẽ đến nội tiết của cơ thể.
Giai đoạn 1 gồm hai tuần thải độc. Trong thời gian này, bạn không được ăn các loại thực phẩm có chứa gluten, sữa bò, đường, thịt đỏ, cồn hay caffeine,... Bên cạnh đó, bạn cần bổ sung thêm trái cây, rau củ, gia cầm, cá, trứng, sữa thực vật cũng như các thực phẩm chức năng và men vi sinh.
Tiếp tục giai đoạn 2, bạn có thể thêm vào khẩu phần ăn những món đã kiêng ở hai tuần trước. Ở giai đoạn này, bạn đặc biệt cần tránh các loại cá chứa lượng thuỷ ngân cao (như cá thu, cá ngừ,...), thịt và cà phê không phải hữu cơ hay hoa quả sấy khô. Tiếp tục kiêng các chất làm ngọt nhân tạo, ngũ cốc tinh chế cũng như các loại thực phẩm được chế biến sẵn.
Đến giai đoạn cuối, bạn vẫn duy trì chế độ ăn như ở giai đoạn 2. Đồng thời bổ sung thêm việc luyện tập thể chất, bao gồm các bài tập cardio và tăng sức mạnh cơ bắp (chẳng hạn như nâng tạ).
Kết
Trước khi bạn chuyển sang chế độ ăn kiêng có tác dụng "sửa chữa" nội tiết tố, hãy thử quan sát lại lối sống của mình trước đã. Theo chuyên gia dinh dưỡng Jana Mowrer: “Hầu hết mọi người không bị mất cân bằng hormone; họ bị mất cân bằng về lối sống.”
Nếu cảm thấy theo đuổi những chế độ ăn cân bằng nội tiết là chi li, khắt khe thì bạn có thể điều chỉnh trước các hoạt động hằng ngày như giấc ngủ, thời gian ăn uống, kiểm soát tâm trạng,...