Đi giữa trời rực rỡ: Không đơn thuần là câu chuyện tình của Chải và Pu
Đi giữa trời rực rỡ vừa lên sóng trên VTV đã lập tức gây sốt cộng đồng mạng. Đã từ rất lâu kể từ phim Mẹ chồng nàng dâu, VTV mới có tác phẩm được chú ý nhiều đến vậy.
Vẫn là mô tuýp hoàng tử - lọ lem quen thuộc với người xem, với sự dẫn dắt của hai diễn viên trẻ - Thu Hà Ceri trong vai Pu, và Long Vũ trong vai Chải. Lần này, hai nhân vật chính vẫn sẽ vượt qua rào cản về chênh lệch giai cấp, nhưng đặt trong bối cảnh vùng cao, nơi còn tồn đọng những phong tục, tập quán thời xưa.
Phim cũng cho khán giả đại chúng một góc nhìn khác về Việt Nam đương thời, không chỉ có tiến bộ về công nghệ, kinh tế, mà vẫn còn đó những vấn nạn về tảo hôn hay bất bình đẳng trong gia đình.
Tảo hôn là vấn nạn nhức nhối
Đi giữa trời rực rỡ là bộ phim kể về chuyện tình giữa Pu (người con gái dân tộc Dao xinh xắn, thông minh với ước mơ được theo đuổi ngành y dược) và Chải (con trai của gia đình giàu nhất trong bản). Pu muốn lên thành phố học Đại học nhưng do hoàn cảnh khó khăn, cô bị bố ép lấy chồng và sinh con.
Bố của cô do nợ gia đình Chải số tiền quá lớn nên ông đã ký khế ước bán Pu cho gia đình giàu có. Phim là hành trình Pu buộc phải đối diện giữa những hoài bão của bản thân cùng lúc với hiện thực cuộc sống khắc nghiệt.
Là người hiếm hoi thi đỗ đại học trong bản, nhưng thay vì nhận được những lời chúc mừng, cô gái trẻ phải đối diện với ánh nhìn hà khắc, cổ hủ của hàng xóm xung quanh, thậm chí là chính cha mình.
Khác với cuộc sống tự do, phóng khoáng nơi thành phố hiện đại, ở nơi Pu sống, một bức ảnh chụp chung với người khác giới cũng bị quy chụp là ngoại tình, những người muốn theo đuổi tri thức bị chì chiết là tham vọng viển vông, những cô bé có cá tính mạnh mẽ, có lập trường riêng như Pu bị đánh giá là xấc láo, cho ăn học chỉ phí tiền.
Dù tên bộ phim là Đi giữa trời rực rỡ, nhưng có lẽ hai đứa trẻ Chải và Pu sẽ phải vượt lên hiện thực tăm tối, mông lung để bảo vệ tình yêu, và quan trọng hơn hết là hoài bão, ước mơ của chính mình.
Bạo lực gia đình, phân biệt giới tính
Thực chất, bộ phim chỉ đang tái hiện lại thực trạng bạo lực trên cơ sở giới đang hiện hữu ở vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở miền núi.
Theo số liệu từ Điều tra Quốc gia về bạo lực với phụ nữ Việt Nam năm 2019, ⅔ phụ nữ dân tộc Nùng bị bạo lực thể xác và tình dục, hơn một nửa phụ nữ Mông bị tước quyền tự do ngôn luận và phần lớn phụ nữ Dao bị bạo hình về mặt kinh tế, không được nắm giữ tài chính trong gia đình.
Trong Đi giữa trời rực rỡ, Pu phải chung sống với người cha nghiện rượu, hay đánh đập mẹ và các con. Ông áp đặt quan điểm của mình lên người khác một cách hà khắc, dù nó rất phiến diện và cổ hủ. Mỗi khi rượu say hay nghi ngờ vợ làm việc gì không phải, ông cũng không ngần ngại động tay động chân và coi đó là việc đương nhiên.
Ngoài ra, với quan niệm truyền thống coi trọng con trai hơn con gái, nên ở bản làng của Pu, mọi ưu tiên từ học hành cho đến vấn đề kinh tế và phân công lao động, phụ nữ đều chịu thiệt thòi, không có quyền ra quyết định. Hầu hết trẻ em nữ phải nghỉ học ở nhà để thực hiện các “thiên chức” của phụ nữ, đó là làm vợ, làm mẹ, cam chịu bị bạo lực gia đình.
Tính nam độc hại này hiện lên rõ nhất không chỉ ở nhân vật bố của Pu, mà còn ở bố của Chải - người luôn miệng ép cô phải cưới con trai mình để trả nợ.
Chải luôn miệng nói Pu sẽ không bao giờ ra khỏi bản được, cuộc sống của Pu sẽ thuộc về anh… và thậm chí, khi Pu nhận được giấy báo nhập học, Chải đã không ngần ngại ăn cắp nó rồi đốt đi, phá nát mọi hy vọng Pu đang có.
Câu chuyện tiềm năng nhưng gây nhiều tranh cãi
Có thể nói, Đi giữa trời rực rỡ có nhiều mới lạ so với các bộ phim khác phát sóng trên VTV. Phim đặt câu chuyện trong bối cảnh vùng cao – nơi có thiên nhiên xanh mát, núi rừng hùng vĩ, phô diễn được những nét đẹp vừa hoang sơ lại vừa yên bình.
Ở đó, ta thấy cuộc sống của những cô bé, cậu bé người Dao hồn nhiên và chất phác. Họ lớn lên cùng thiên nhiên, đất trời, nhưng cũng có những phong tục tập quán rất riêng, khác biệt với những đứa trẻ sống tại thành phố lớn hiện đại.
Tuy nhiên, trong những tập vừa phát sóng, Đi giữa trời rực rỡ vẫn có những chi tiết mang tính cường điệu, đôi khi hơi phi lý nếu xét trong bối cảnh cuộc sống của những người dân tộc vùng cao.
Bà Dương Thị Thanh - cộng tác viên của Viện nghiên cứu người Dao quốc tế, thuộc Đại học Kanagawa, Nhật Bản - chia sẻ trên báo chí rằng phim có nhiều sai lệch, như việc người Dao chỉ mặc lễ phục trong những dịp đặc biệt như ma chay, cưới hỏi hoặc các nghi lễ đời người.
Ngoài ra, người Dao là một dân tộc tiến bộ và văn minh, có một cộng đồng kết nối rất mạnh trên thế giới chứ không lạc hậu và cổ hủ như cách phim đang áp đặt.
Bộ phim dự kiến kéo dài 110 tập và hiện chỉ mới phát sóng 10 tập. Hành trình của Pu và Chải còn nhiều thách thức ở phía trước, cũng như còn thời gian để phim khắc phục các vấn đề của mình, mang đến câu chuyện trọn vẹn, sâu sắc hơn về cuộc sống của những người dân tộc trẻ tuổi.
Nhìn chung, dù có mô tuýp dễ đoán và tồn đọng nhiều tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận Đi giữa trời rực rỡ đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh, tính cách của hai nhân vật chính. Bên cạnh những màn tương tác ngọt ngào nhưng không hề sến sẩm, đáp ứng được thị hiếu của những khán giả trẻ, Chải và Pu cũng cho ra lò hàng loạt chiếc meme đi vào lòng người xem.