Điều nguy hiểm khi lãnh đạo chỉ dựa vào tầm nhìn
COVID-19 ập đến khiến chúng ta phải nhìn nhận lại những phẩm chất tiên quyết của một nhà lãnh đạo giỏi. Tầm nhìn không còn là câu trả lời phù hợp.
Thập kỷ mới đón chúng ta bằng một cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng sâu rộng đến tất cả các chính phủ và doanh nghiệp lớn nhỏ. Đây không chỉ là một giai đoạn khó khăn, mà thực sự là một cuộc thanh lọc tàn nhẫn.
Khi đại dịch đi qua, chắc chắn sẽ có người ra đi và người ở lại. Câu hỏi đặt ra lúc này là: ai sẽ đủ vững vàng để trụ lại? Nói cách khác, những nhà lãnh đạo cần có phẩm chất gì để chèo lái con thuyền doanh nghiệp vượt qua giông bão?
Có tầm nhìn – Phẩm chất tiên quyết của nhà lãnh đạo?
Điều gì làm nên một lãnh đạo giỏi?
“Tầm nhìn” là câu trả lời phổ biến nhất của nhiều CEO, quản lý cấp trung, sinh viên thuộc nhiều ngành học đến từ đa dạng các quốc gia.
Họ cho rằng, tầm nhìn là nguồn động lực lớn, giúp truyền cảm hứng và khuyến khích mọi người cùng tiến về phía trước. Một lãnh đạo có tầm nhìn sẽ hiểu rõ về sứ mệnh và định hướng phát triển của công ty. Họ sẽ sử dụng các nguồn lực hiệu quả và giúp nhân viên phát huy tốt tiềm năng của mình.
Tất cả những lý do kể trên đều không sai.
Thế nhưng, đặt vào tình huống hiện tại, liệu có nhà lãnh đạo nào có tầm nhìn về một tương lai tồi tệ như 2020?
Công ty nào ra đời cũng sẽ có tham vọng thâu tóm thị trường, muốn trở thành “top of mind” trong tâm trí khách hàng. Thế nhưng, dù lãnh đạo giỏi đến đâu, sẽ luôn có những yếu tố bất ngờ ảnh hưởng đến tầm nhìn của họ.
Nói cách khác, tầm nhìn cũng chỉ là một lời hứa hẹn về tương lai. Và trong tương lai ấy, mọi sự đều có khả năng thay đổi.
Không kể đến những khủng hoảng toàn cầu như đại dịch, thì những biến chuyển trong công nghệ, nguồn lực, xu hướng thị trường… đều khiến tầm nhìn phải thay đổi. Vậy, tầm nhìn có nên là yếu tố được đặt lên hàng đầu của các nhà lãnh đạo?
Giữa cuộc khủng hoảng chưa biết bao giờ mới chấm dứt, có lẽ chúng ta cần tái thiết lập tư duy về phẩm chất của một nhà lãnh đạo giỏi.
Người tồn tại lúc này không phải là người biết nghĩ lớn và nghĩ xa. Sự tồn tại thuộc về người biết sống trong thực tại, biết tạm gạt những ước mơ màu hồng để ứng biến, nhanh chóng tìm ra định hướng tối ưu trong mọi hoàn cảnh.
Khả năng ứng biến thể hiện qua những điều gì?
Ngày 27/04, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern tuyên bố quốc đảo này chiến thắng đại dịch COVID-19 và bắt đầu dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa, trong khi nhiều nước lớn khác như Mỹ và Ý vẫn chưa hề có dấu hiệu khả quan.
Việt Nam, với 1281 km biên giới đất liền với Trung Quốc, tính đến ngày 07/05 chưa ghi nhận ca tử vong nào và quy định giãn cách xã hội dần được gỡ bỏ.
Quan sát các nhà lãnh đạo của những quốc gia này ứng biến với đại dịch, chúng ta có thể rút ra một vài bài học chung có thể áp dụng với các doanh nghiệp:
1. Hành động khẩn trương, quyết liệt
Khủng hoảng xảy ra bất ngờ, doanh nghiệp nào cũng có cần có sự thay đổi nhiều mặt để thích nghi. Phần lớn doanh nghiệp đều cần tối ưu về mặt chi phí, cắt giảm nhân sự, thay đổi chiến lược bán hàng…
Lúc này, thời gian là yếu tố trọng yếu. Chờ đợi, do dự, trì hoãn, sợ hãi không dám thay đổi đồng nghĩa với thất bại.
Cố Tổng thống Hoa Kỳ Franklin Roosevelt, giữa cuộc Đại Khủng Hoảng năm 1933 đã phát biểu: “Không có một vấn đề nào là nan giải nếu chúng ta đối mặt với nó một cách khôn ngoan và can trường”.
Có rất nhiều cách để giải quyết vấn đề, nhưng ngồi và nói về nó không phải là cách. Chúng ta phải hành động, và hành động thật khẩn trương.
– Ông Franklin Roosevelt tiếp lời.
Nike là một ví dụ đáng chú ý. Bất chấp việc bán lẻ là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề, Nike chứng kiến doanh số bán hàng online trên toàn cầu tăng hơn 30% trong ba tháng đầu năm.
Trước việc nhiều cửa hàng offline phải đóng cửa, Nike đã nhanh chóng chuyển đổi số, mở rộng kênh phân phối và tối ưu hóa các kênh mạng xã hội.
Cụ thể, thay vì phải đi qua các công ty trung gian, Nike tương tác thẳng với người tiêu dùng qua hệ thống thẻ hội viên. Không chỉ bán qua những nhà phân phối độc quyền như trước, Nike bắt đầu kinh doanh trực tiếp với người tiêu dùng hoặc hợp tác với những công ty thương mại điện tử như Amazon, Alibaba để mở rộng kênh phân phối sản phẩm.
2. Giao tiếp thẳng thắn, trung thực
Trong bài phát biểu với toàn quốc về kế hoạch chống dịch ngày 20/03, Thủ tướng New Zealand, bà Ardern đã chia sẻ: “Tôi hiểu rằng tất cả những thay đổi nhanh chóng này tạo ra sự lo lắng và mất phương hướng. Đặc biệt là khi nó khiến chúng ta phải thay đổi cách sống bấy lâu nay”.
Đó là lý do hôm nay tôi sẽ phân tích rõ ràng nhất có thể về những gì bạn sẽ trải qua khi chúng ta tiếp tục cùng nhau chống dịch.
– Bà Adern, thủ tướng New Zealand tiếp lời khi phát biểu trước toàn dân về kế hoạch chống COVID-19.
Sau đó, bà trình bày cụ thể về 4 cấp độ chống dịch, miêu tả chi tiết những việc cần làm và hàng ngày Thủ tướng sẽ họp báo để thông báo rõ tình hình.
Sự minh bạch, rõ ràng này được coi là lý do người dân New Zealand rất đồng lòng chống dịch, hợp tác hoàn toàn với những biện pháp mà chính phủ đề ra.
Áp dụng vào quy mô của một doanh nghiệp, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo trong giai đoạn này là vừa cung cấp sự thật (dù có thể tàn nhẫn) với những thống kê rõ ràng về thách thức doanh nghiệp đang gặp phải; nhưng cũng đồng thời tạo dựng niềm tin, trấn an người lao động bằng việc trình bày những biện pháp, kế hoạch cụ thể để tất cả cùng vượt qua khó khăn.
Tất cả chúng ta ít nhiều đều có sự lo lắng bất an. Hãy nói cả về những lo lắng bất an đó với sự cảm thông. Đừng cố vẽ ra một tương lai tươi sáng nếu như bạn không chắc chắn, cùng đừng chia sẻ với tâm thế tiêu cực bế tắc.
Trong trường hợp xấu là phải sa thải người lao động, cũng hãy giao tiếp bằng sự thành thật, bằng những lý do chính đáng, và luôn cho họ một sự chuẩn bị nhất định trước sự thay đổi.
3. Liên tục học hỏi và thử nghiệm
Khủng hoảng thay đổi và biến động mỗi ngày. Để giữ thế chủ động trong bối cảnh đầy hỗn loạn và mơ hồ này, lãnh đạo cần chấp nhận rằng không có một cuốn cẩm nang đối phó khủng hoảng cụ thể nào cả. Họ cần luôn tập trung vào hiện tại, không lơ là và sẵn sàng ứng phó với hoàn cảnh mới.
Những nhà lãnh đạo can đảm cũng cần hiểu rằng, họ có thể sẽ mắc sai lầm trên từng bước đường của mình, bởi không có ý tưởng hay cách tiếp cận nào là chắc chắn thành công. Điều quan trọng là phải xoay chuyển thật nhanh mỗi khi sai lầm diễn ra, và liên tục học hỏi từ nó.
Tất cả đều ở trong một vòng lặp là: phát triển ý tưởng – chạy thử trong thực tế – hiệu chỉnh để tối ưu nếu thấy hiệu quả hoặc mạnh dạn bỏ đi để chuyển hướng nếu không hữu dụng.
Hãy chia sẻ với các nhân viên của bạn về tinh thần này, để tất cả có tâm thế sẵn sàng thử nghiệm những cách vận hành mới, sẵn sàng cho những sai lầm và nhanh chóng xoay chuyển khi khó khăn xảy đến. Đổ lỗi hay nản lòng vì thất bại, đều là những việc vô nghĩa và tốn thời gian.
Ở một khía cạnh tích cực, cuộc khủng hoảng này, bao gồm cả việc cách ly xã hội và những biến động trong môi trường kinh tế, đều là cơ hội để các doanh nghiệp thoát ra khỏi vùng an toàn, tối ưu hoá tư duy, nhìn lại điểm mạnh và điểm yếu của chính mình.
Lãnh đạo cần làm gì để tăng khả năng thích nghi?
Tất cả những việc kể trên, đều xuất phát từ sự vững vàng nội tại của nhà lãnh đạo. Một người lãnh đạo có sức bền sẽ xây dựng được một đội nhóm có phẩm chất tương tự để cùng nhau vượt qua thử thách.
Ngay cả khi đại dịch đi qua, hãy nhớ rằng, khó khăn vẫn luôn tồn tại, sức bền và khả năng ứng biến là thứ giúp lãnh đạo và doanh nghiệp không gục ngã.
1. Luyện tập chánh niệm
Để phát triển khả năng ứng biến này, một gợi ý cho các nhà lãnh đạo là thực hành thiền chánh niệm.
Khi thiền, bạn sẽ học được cách tập trung vào từng khoảnh khắc của hiện tại. Bạn nhận biết và chấp nhận những khó khăn thách thức đang xảy ra. Và từ đó, bạn tỉnh táo lựa chọn cách phản ứng phù hợp và khôn ngoan nhất trong từng hoàn cảnh.
2. Học cách thấu cảm
Hãy lãnh đạo bằng sự thấu hiểu và đồng cảm. Khủng hoảng là lúc cảm xúc và tâm lý của con người rơi vào bất định. Lúc này, hơn ai hết, người lãnh đạo cần thấu hiểu tình hình để lựa chọn cách giải quyết nhân văn và sử dụng lối giao tiếp hiệu quả.
Hãy cho nhân viên của bạn biết rằng, họ không hề cô đơn giữa những khó khăn này, tất cả đều sẽ được đối xử công bằng và công ty luôn cần sự nỗ lực của cả tập thể. Bạn sẽ không thể vượt qua giông bão một mình.
Vì vậy, hãy tương tác, giao tiếp thường xuyên với nhân viên để tạo động lực và tối ưu khả năng của họ, đồng thời điều hướng họ tới mục tiêu chung.
Tầm nhìn rất cần thiết, nhưng đôi khi lại là thứ “giam cầm” các nhà lãnh đạo trong chính những giới hạn tự mình vẽ ra.
Phát triển khả năng ứng biến linh hoạt sẽ chắp cánh cho nhà lãnh đạo để tự do khám phá, đối mặt với mọi khó khăn áp lực. Và trong chính những cuộc khủng hoảng, là lúc khả năng này có cơ hội được tôi luyện và phát huy mạnh mẽ nhất.
Bài viết được thực hiện bởi Tracy, lấy cảm hứng từ bài viết của Gianpiero Petriglieri đăng trên Havard Business Review.
Xem thêm:
[Bài viết] Tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn sống tốt trước COVID-19?
[Bài viết] Cách startup Việt đang biến thách thức thành cơ hội từ COVID-19