Đồ chơi Trung thu truyền thống "chết" khi chúng ta khá giả
Nhắc đến Tết trung thu, chúng ta thường nghĩ ngay đến đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân hay mặt nạ. Trong lễ rước đèn, những đứa trẻ ngày nay thường khoác lên mình những bộ trang phục công chúa hoàng tử đủ màu, mang theo đèn lồng chạy pin vui tai hay những thanh kiếm nhựa lóe sáng.
Tất cả đều mang lại cho các em một đêm Trung thu đáng nhớ. Nhưng trong ký ức của những người thuộc thế hệ 8x hay đầu 9x như tôi, Trung thu đã từng rất khác biệt với những chiếc đèn lồng tự làm và đồ chơi truyền thống.
Bất kể giàu hay nghèo, ai cũng có thể tự làm đèn lồng
Lớn lên trong thời kỳ bao cấp, hoặc chí ít là khi kinh tế đất nước chưa phát triển, chúng tôi hầu hết đều thấm cái cảm giác bố mẹ ông bà chắt chiu từng đồng để đủ ăn, đủ mặc. Vì vậy, việc có đồ chơi trở thành điều xa xỉ với đám trẻ. Thế nhưng “cái khó ló cái khôn”, chúng tôi tìm ra 1001 cách chế tạo đèn lồng từ những nguyên vật liệu có sẵn.
Đơn giản nhất là đèn lồng quả trám. Chỉ cần gấp đôi tờ lịch cũ, cắt các nan cách đều nhau rồi chập 2 đầu lại, cắt thêm cái quai dán ở trên là thành. Ai tỉ mẩn hơn có thể dán thêm cái lõi giấy vệ sinh ở giữa cho chắc chắn. Có một phiên bản khác làm bằng lon nước ngọt, loại này thì khó làm hơn, nhưng bền hơn và gắn thêm được cái nến.
Đèn giấy nhún cũng khá dễ làm. Chỉ cần gấp các nan song song như gấp quạt, cuộn tròn lại và dán vào tấm bìa cứng làm đế. Lồng thêm chiếc quai bằng dây dù hoặc dây thép là bạn đã có chiếc đèn xếp đi rước Trung thu.
Một vật liệu khác được sử dụng phổ biến là ống bơ. Đơn giản nhất chỉ cần đục vài cái lỗ ở đáy, dán cái nến vào, gắn cái dây làm quai là có ngay chiếc đèn lồng đơn giản mà lung linh. Khó hơn thì có đèn xe lon - ai mà có cái đèn này đi rước là cả đám trẻ trong xóm nhìn lác mắt. Chỉ cần kiếm thêm cọng dây kẽm, một chiếc gậy tre và một chút khéo tay là có thể làm được đèn này.
Ở level khó nhất có lẽ là đèn ông sao, và các loại đèn làm bằng khung tre dán giấy. Thường chúng tôi phải nhờ người lớn trợ giúp công đoạn vót và cột nan tre thành cái khung, sau đó mới tự dán giấy vào.
Bên cạnh đèn lồng, không thể không nhắc đến những cây tò he đủ màu - món đồ chơi mà bất cứ đứa trẻ nào được bố mẹ sắm cho cũng reo lên thích thú. Những chiếc mặt nạ giấy bồi chắc chắn, màu sắc tươi sáng với đủ các nhân vật dân gian Việt Nam cũng trở thành một phần không thể thiếu trong tuổi thơ chúng tôi.
Đất nước hội nhập, đèn lồng nhựa “lên ngôi”
Đầu thập niên 2000, Việt Nam bắt đầu bước ra khỏi vùng trũng của thời kỳ nghèo đói. Ở Hà Nội nơi tôi sống, những chiếc đèn lồng nhựa đủ màu sắc, hình thù được bày bán trên khắp các tuyến phố Lương Văn Can, Hàng Mã mỗi mùa thu về.
Đèn lồng nhựa chạy bằng đèn LED - đây chính là điểm khiến nó an toàn và bền hơn so với đèn thắp nến truyền thống. Nó còn phát được những giai điệu nhạc vui tươi, trở thành món đồ chơi hấp dẫn được nhiều bạn nhỏ và phụ huynh ưu tiên.
Mặt nạ Trung thu cũng được cắt bằng mica thay vì giấy bồi như trước kia. Chất liệu này khiến nó vừa gọn nhẹ, vừa tạo được nhiều kiểu dáng phong phú hơn. Nếu như mặt nạ truyền thống đa phần là các nhân vật dân gian như chú Tễu, ông địa hay Chí Phèo - Thị Nở, thì mặt nạ kiểu mới có đủ loại nhân vật từ Đông sang Tây như Tôn Ngộ Không, Thủy thủ Mặt trăng hay Doraemon.
Đồ chơi Trung thu bây giờ cũng không chỉ giới hạn trong đèn lồng và mặt nạ như trước. Các bạn nhỏ có thể thỏa thích đội vương miện, đeo kiếm nhựa hay áo choàng để hóa thân thành nhân vật mình muốn. Những chiếc đèn lồng ống bơ hay lon nước có lẽ chỉ còn tồn tại trong ký ức thế hệ 8x - cuối 9x chúng tôi.
Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy đời sống khá lên nhiều so với trước. Nhưng cùng với đó, đồ chơi truyền thống cũng xuất hiện ít dần.
Nhiều lần đưa em họ hoặc cháu đi rước đèn, tôi để ý chỉ thấy đèn ông sao vẫn còn được ưa chuộng, còn lại hiếm thấy bé nào cầm đèn khung tre. Điều này khiến chúng tôi - thế hệ lớn lên với đồ chơi truyền thống - có chút chạnh lòng.
Tôi hiểu rằng đây là lẽ thường tình trong quá trình hội nhập/toàn cầu hóa. Khi được tiếp xúc với những món đồ mới lạ, con người sẽ tò mò và háo hức hơn. Khi kinh tế khá lên và thời gian ít đi, phụ huynh dĩ nhiên sẽ mua đồ chơi cho con thay vì tự làm. Và khi đồ chơi truyền thống mất dần chỗ đứng trên thị trường, nhiều nghệ nhân tâm huyết cũng không còn sống được với nghề.
Tựu chung lại, việc nhìn thấy đồ chơi Trung thu truyền thống mai một giống như nhìn ký ức tuổi thơ của chính mình biến mất. Nhưng có lẽ chính vì vậy mà chúng tôi có cơ hội nhìn nhận chúng dưới một góc độ khác.
Nỗ lực “hồi sinh” tuổi thơ của một thế hệ
“Cái chết” của đồ chơi Trung thu truyền thống vốn là đề tài được truyền thông khai thác thường xuyên mỗi dịp thu về. Sau một thời gian dài, tín hiệu đáng mừng đã xuất hiện: nhiều đơn vị đã nhận ra tầm quan trọng của việc gìn giữ đồ chơi truyền thống.
Nhiều nhà hàng, quán cafe bắt đầu chú trọng dùng đồ chơi truyền thống khi trang trí Trung thu. Các bảo tàng, trường học tổ chức nhiều workshop hướng dẫn làm đèn lồng, đèn ông sao và mặt nạ giấy bồi. Những buổi workshop này không chỉ thu hút phụ huynh và học sinh, mà còn hấp dẫn không ít người nước ngoài mong muốn tìm hiểu về ngày tết đoàn viên của Việt Nam.
Nhờ vậy mà tôi nhận ra rằng, việc gìn giữ đồ chơi truyền thống không chỉ là trách nhiệm của riêng cá nhân hay đơn vị nào, mà phải là nỗ lực đến từ mỗi người ở thế hệ chúng tôi. Tôi cũng nhận thấy mình có thể “tái sinh” chúng với một vai trò khác.
Khi sang Úc du học năm 2016, tôi đã xung phong làm đèn lồng vỏ lon và khung tre cho buổi lễ Trung thu do hội sinh viên Việt Nam tổ chức. Các bạn quốc tế đến quầy của chúng tôi đều thích thú xếp hàng cầm đèn chụp ảnh. Có bạn còn nói, nếu hội chúng tôi làm nhiều hơn để bán thì chắc chắn bạn sẽ mua về. Đây là lúc tôi thực sự nhận ra sức mạnh của đồ chơi truyền thống: truyền tải một nét văn hóa của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.
Tạm kết
Đến giờ có lẽ đèn lồng ống bơ hay đèn xe lon - những món đồ biểu tượng cho một thời khốn khó đã mãi chìm vào dĩ vãng. Bởi thế hệ thiếu nhi hiện tại đã có quá nhiều lựa chọn phong phú. Còn thế hệ cũ thì đã lớn và phải lo toan bộn bề cuộc sống, không còn đủ thời gian và cả sự kiên nhẫn để ngồi làm một chiếc đèn như vậy.
Nhưng đèn quả trám, đèn xếp giấy, đèn khung tre hay mặt nạ giấy bồi thì vẫn luôn ở đó. Những món đồ chơi truyền thống này vẫn khá dễ làm, và vẫn theo chân bao thế hệ thiếu nhi Việt Nam rước đèn đón chú Cuội chị Hằng. Điều quan trọng là chúng ta có chủ động cho thế hệ con em mình cơ hội được đồng hành cùng chúng hay không.
Và quan trọng hơn cả, dù đồ chơi truyền thống có thể không phát triển mạnh như trước, ta có thể tái sinh chúng với một vai trò mới: trở thành đại sứ văn hóa Việt trong mắt bạn bè quốc tế.