7 Kiểu nghỉ ngơi cho cơ thể nạp năng lượng đúng cách | Vietcetera
Billboard banner
Khảo sát xu hướng xem các nội dung về nghề nghiệpBắt đầu

7 Kiểu nghỉ ngơi cho cơ thể nạp năng lượng đúng cách

Nghỉ ngơi cũng cần phải đúng cách để cơ thể tái tạo năng lượng một cách hiệu quả nhất.
7 Kiểu nghỉ ngơi cho cơ thể nạp năng lượng đúng cách

Nguồn: Thịnh Trần @orkaboi cho Vietcetera

Chúng ta thường cho rằng “nghỉ ngơi” đồng nghĩa với ngủ. Vì vậy mỗi khi căng thẳng, ngủ là việc đầu tiên chúng ta nghĩ đến. Song chắc chắn đã có những lúc, bạn ngủ đủ 8 tiếng nhưng tỉnh dậy vẫn vô cùng mệt mỏi.

Thực tế ngủ và nghỉ ngơi không hoàn toàn giống nhau. Ngủ chỉ là một kiểu nghỉ ngơi về thể chất, nó không thể đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi của những khía cạnh khác như giác quan hay cảm xúc. Kết quả là ta vẫn bị kiệt sức dù ngủ đủ giấc mỗi ngày.

Để giúp cơ thể “nạp năng lượng” đúng cách sau một ngày dài, bạn có thể tham khảo 7 kiểu nghỉ ngơi sau:

1. Nghỉ ngơi thể chất (physical rest)

Trên thực tế, nghỉ ngơi thể chất được chia làm 2 dạng. Việc ngủ thuộc dạng nghỉ ngơi thụ động (passive rest). Còn nghỉ ngơi chủ động (active rest) bao gồm các hoạt động có tính chất phục hồi như yoga, các bài tập căng cơ và liệu pháp massage giúp cải thiện sự tuần hoàn và tính dẻo dai của cơ thể.

Cách thực hành: Bạn không cần dành cả buổi để tập yoga hay đi massage để nghỉ ngơi chủ động. Những bài tập như vươn vai hay duỗi chân hoàn toàn có thể thực hiện trong 3-5 phút ngay tại nhà hoặc công sở, và cũng không cần đến dụng cụ phức tạp.

2. Nghỉ ngơi tinh thần (mental rest)

Trong xã hội bận rộn ngày nay, chúng ta dường như không có khái niệm để thời gian “chết”. Đơn cử như việc xếp hàng vào thang máy cũng khiến ta cảm thấy lãng phí thời gian. Hệ quả là ta cố tìm những việc khác để làm như kiểm tra email, trả lời tin nhắn…trong các khoảng thời gian này.

Nhưng việc này cũng vô hình trung khiến nhịp sinh học bị rối loạn, dẫn đến thâm hụt khoảng nghỉ cho tinh thần. Điều này về lâu dài rất có hại cho sức khỏe và năng suất làm việc của bạn.

Cách thực hành: Dành ra những khoảng nghỉ giữa giờ làm việc trong ngày (có thể tham khảo những phương pháp như Pomodoro). Trong lúc nghỉ, bạn hạn chế đụng đến công việc để não bộ được hoàn toàn nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng. Khi điều kiện cho phép, nhớ tự thưởng cho mình một kỳ nghỉ thật thoải mái.

3. Nghỉ ngơi giác quan (sensory rest)

Thật khó để sống thiếu các thiết bị điện tử ngày nay. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, chúng ta càng dùng chúng nhiều hơn. Song việc này cũng khiến các giác quan, đặc biệt là thị giác của ta bị quá tải, dẫn đến hội chứng mỏi mắt kỹ thuật số hay zoom fatigue.

title10mar2022intext1jpg 10mar2022intext1jpg
Giác quan của chúng ta cần những khoảng nghỉ khỏi các thiết bị điện tử.

Cách thực hành: Tập yoga mắt hoặc áp dụng quy tắc 20-20-20: Sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, nhìn sang một vật cách mắt 20 feet (khoảng 6m) trong ít nhất 20 giây. Cuối mỗi ngày, bạn nên dành ít nhất 30 phút rời bỏ hoàn toàn các thiết bị điện tử để thư giãn các giác quan với phương pháp thiền kết hợp mùi hương và âm thanh.

4. Nghỉ ngơi sáng tạo (creative rest)

Kiểu nghỉ này đặc biệt quan trọng với ai thường xuyên cần những ý tưởng, giải pháp mới trong công việc. Nhưng bạn vẫn nên nghỉ ngơi sáng tạo nếu công việc không cần những yếu tố này. Bởi nó đánh thức sự hiếu kỳ trong bạn và tăng yếu tố mới lạ cho cuộc sống hàng ngày.

Cách thực hành: Đi bộ, đạp xe ngoài trời hoặc ra cafe làm việc để đổi view. Nhưng trong hoàn cảnh bạn không thể ra ngoài (như cách ly), chỉ cần bài trí lại góc làm việc là đủ để mang lại một sự thay đổi nhỏ. Thi thoảng bạn cũng có thể thay đổi view làm việc trong chính nhà mình, ví dụ ra ban công vừa làm việc vừa ngắm cảnh.

5. Nghỉ ngơi cảm xúc (emotional rest)

Chúng ta thường tốn nhiều năng lượng để chạy theo nhu cầu của người khác. Trong công việc, ta phải đối mặt với những vị sếp hoặc khách hàng khó tính. Trong cuộc sống, những vấn đề gia đình có khả năng gây căng thẳng không kém. Những cảm xúc tiêu cực dần chiếm hữu đầu óc, khiến ta có thể “phát nổ” bất cứ lúc nào.

Chính vì vậy, chúng ta cần cho cảm xúc của mình “nghỉ ngơi”. Điều đó nghĩa là dành ra những khoảng thời gian/không gian nhất định để giải tỏa cảm xúc và tạm ngưng việc làm vừa lòng người khác.

title10mar2022intext2jpg 10mar2022intext2jpg
Bạn nên dành ra những khoảng thời gian/không gian để giải tỏa cảm xúc cho chính mình.

Cách thực hành:

  • Giữ một cuốn nhật ký để sắp xếp cảm xúc. Cách này đặc biệt hữu ích nếu vừa trải qua một sự việc khiến bạn có suy nghĩ tiêu cực.
  • Thực hành chánh niệm để tập trung nhìn thấu suy nghĩ của mình.
  • Đấm bao cát để giải tỏa bực bội.
  • Trò chuyện cùng một người bạn cảm thấy tin tưởng để giãi bày cảm xúc của mình.

6. Nghỉ ngơi xã hội (social rest)

Nếu bị thâm hụt khoảng nghỉ cảm xúc, nhiều khả năng bạn cũng cần thời gian để nghỉ ngơi xã hội. Bản chất của việc này là thanh lọc những mối quan hệ mang lại năng lượng tích cực và tiêu cực, từ đó tăng giảm thời gian cho chúng một cách phù hợp.

title10mar2022intext3jpg 10mar2022intext3jpg
Dành thời gian bên những người bạn yêu quý và tin tưởng là cách hữu hiệu để “sạc” thêm năng lượng tích cực.

Cách thực hành:

  • Tham khảo lối sống Gezellig của người Hà Lan. Dành thời gian cùng nấu ăn, đi cafe hoặc du lịch bên những người thương yêu, hạn chế dùng điện thoại để thật sự kết nối và thư giãn. Nếu ở xa nhau, thì một cuộc videocall là đủ để “sạc” thêm năng lượng tích cực.
  • Tránh cả nể những mối quan hệ gượng ép. Nếu có thể, nên hạn chế tương tác hoặc dừng các mối quan hệ này.
  • Dành thời gian cho riêng mình để làm các việc yêu thích. Đôi khi, việc ở một mình cũng quan trọng không kém trong quá trình tái tạo năng lượng.

7. Nghỉ ngơi tâm linh (spiritual rest)

Với đa số chúng ta, mục đích sống không chỉ dừng lại ở ăn no, mặc ấm. Mọi điều chúng ta làm đều thuộc quá trình tìm ra bản dạng của chính mình.

Nghỉ ngơi tâm linh mang lại cho bạn cảm thức thuộc về, tình yêu thương và sự chấp nhận một cách sâu sắc. Những điều này giúp bạn tiến gần hơn đến việc tìm ra lý tưởng sống và các giá trị phù hợp để theo đuổi.

Cách thực hành: Cầu nguyện và tham gia các hoạt động cộng đồng như làm từ thiện, tình nguyện. Ngoài lượng hormone phần thưởng (dopamine) sinh ra, việc tiếp xúc với nhiều hoàn cảnh sống khác nhau cũng giúp bạn mở rộng tầm mắt và trân trọng hơn những gì mình có.

Cần lưu ý gì khác để có một lối sống lành mạnh?

Nghỉ ngơi giúp bạn tái tạo năng lượng, nhưng bạn cần nhớ rằng năng lượng và kỷ luật của chúng ta có hạn. Vì vậy bên cạnh việc nghỉ ngơi, cần rèn luyện các thói quen lành mạnh khác.

Nên lựa chọn những thói quen kép với lợi ích lan tỏa sang nhiều khía cạnh của cuộc sống, giúp bạn phát triển bản thân một cách toàn diện. Bạn có thể tham khảo bài viết 6 Thói quen kép xứng đáng để bạn đầu tư nhất để lên kế hoạch rèn luyện.