Đứa trẻ không đến trường

Câu chuyện cổ tích học giỏi để thoát nghèo không phải lúc nào cũng xảy ra trong thế giới thực tế.
Long Vũ
Nguồn: Vũ Hoàng Long

Nguồn: Vũ Hoàng Long

Sau 9 ngày đi làm ở văn phòng Vietcetera thành phố Hồ Chí Minh, nơi mọi thứ tiện nghi đã bủa vây từ gót chân cho đến đỉnh đầu, tôi bắt một chuyến xe và chưa đầy 12 tiếng sau có mặt ở nơi có mặt đất đỏ còn bầu trời xanh biêng biếc. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi ở Tây Nguyên là một ngôi làng ở Kon Tum, nơi người dân chủ yếu kiếm sống bằng canh tác khoai mì (sắn).

Kỳ nghỉ lễ dường như không ảnh hưởng gì tới nhịp sống của người dân nơi đây: người lớn lên rẫy từ sáng sớm, trẻ con đua xe máy độ trên những con đường đất bắt từ triền đồi này đến triền đồi khác. Tâm lý tiết kiệm từng ngày nghỉ có lẽ chỉ xảy ra nơi trẻ em thành phố và người lớn thành phố, những người đã chán ngấy mùi công sở và ca kíp. Cậu bé em trai anh trưởng thôn mường tượng ra sự thèm khát ngày lễ trong ánh mắt thị dân xa xứ chúng tôi, nên cậu bảo gia đình rằng mình sẽ không đi học mà tiếp tục ở nhà thu hoạch khoai mì.

“Năm nay các trường huyện giành giật học sinh” - bố cậu bé nói - “Nên 0.5 tổng điểm 3 môn là đỗ rồi.” Còn cậu thì được những 2.25, nên thấy ô tô là không dám về nhà vì tưởng trên huyện người ta về đón cậu đi học. Tôi hơi ghen tị với cậu bé, người có mọi thứ mà tôi không có thời nhỏ: một tuổi thơ lớn lên cùng thiên nhiên, một con xe máy phong trần, và quyết định đi học trông có vẻ tự chủ.

“Đến trường có phải cách học duy nhất ở đây hay không?” - tôi tự hỏi khi thấy những kiến thức mình có hoàn toàn vô dụng đối với cuộc sống ở làng. Người ta có thể học từ cuộc sống lao động và sản xuất hàng ngày, và từ thiên nhiên nữa đấy chứ! Cậu bé đã có lựa chọn của mình…

Nhưng suy nghĩ như vậy dường như quá đơn giản, khi lựa chọn đi học của một đứa trẻ thành phố và một đứa trẻ vùng sâu vùng xa rõ ràng không chỉ được quyết định bởi việc bạn thi đỗ hay thi trượt. Ở đây, thu hoạch khoai mì là điều ta có thể lựa chọn ngay trước mắt, và nếu so sánh về cả khoảng cách không gian và thời gian so với đi học, thì đi học không hề thuận tiện bằng.

Theo người già trong làng, chỉ mất 1 đến 1 năm rưỡi canh tác để có vụ mùa khoai mì đầu tiên với củ to. Nhưng khoai mì cũng là loại cây bòn đất. Những vụ mùa sau, do đất không còn nhiều dinh dưỡng, củ sẽ nhỏ dần và người dân phải tính tới phương án nuôi trồng thứ khác. Cùng với nẻo đường mà một số đứa trẻ quyết định băng qua để đi học, những chuyến xe hàng chở khoai mì ra vào, để lại nhiều ổ voi và đứt gãy.

Có thể nhiều bạn đọc sẽ suy nghĩ rằng người dân địa phương phải biết nghĩ đến khoản đầu tư lâu dài mà giáo dục là một phương án hợp lý. Nhưng ở tận cùng của con đường học, không ai dám hứa rằng cuộc sống của bạn sẽ thay đổi theo chân trời nào. Câu chuyện cổ tích học giỏi để thoát nghèo không phải lúc nào cũng xảy ra trong thế giới thực tế.

Trong câu chuyện giáo dục có sự tham gia của đồng bào thiểu số và người Kinh đa số, sự học là sự thích nghi với nhịp sống và lẽ thường chủ yếu được quyết định bởi nhóm đa số. Tôi từng nghe các bạn bè trong lĩnh vực dân tộc học kể lại rằng lựa chọn học tiếp hay không của nhiều bạn trẻ không phải người Kinh hoàn toàn không liên quan đến năng lực tri thức. Một số người lựa chọn không học tiếp vì thiếu nguồn lực, một số học tiếp để tăng cơ hội hoà nhập với quan niệm về hạnh phúc và sự đủ đầy giống với những lời hứa về cuộc sống tốt ta vẫn nghe trên báo đài. Trên con đường học đó, họ chịu cảnh phân biệt đối xử vì danh tính của "tha nhân" (The Other).

Đến đây, tôi nghĩ đặc quyền là việc ta có thể nghĩ đến các phương án cho cuộc đời mà không cần phải quá lo lắng về tài nguyên và phí tổn. Thi đỗ tức là học, chứ không phải cân đo đong đếm về số lao động trong gia đình - đó chính là đặc quyền. Bỏ học chỉ vì bạn muốn vậy - đó chính là đặc quyền.

Chuyến đi của tôi rồi sẽ kết thúc, và khi bài viết đến tay độc giả thì tôi đã quay về với cuộc sống nhàm chán của mình, khi chưa được người dân làng thêm mở lòng để kể thêm chuyện. Nhưng tôi sẽ không khỏi suy nghĩ về việc tôi và giai tầng xã hội của mình thực tế là đang hưởng lợi từ vô số người có ít lựa chọn cuộc sống hơn. Ta đang tiêu thụ vô vàn sản phẩm được làm ra từ khoai mì nhưng hiếm khi được nghe về những cuộc đời cụ thể đằng sau chúng. Và rồi khi có duyên gặp gỡ hoàn cảnh của tha nhân, mình chỉ có thể cố gắng hiểu chứ chẳng thể quyết thay điều gì.

Ngày tựu trường, tôi mong muốn đứa trẻ nào cũng có thể đi học, bất kể ở trường lớp hay xã hội, miễn là không phải nghĩ về học hành như một quyết định mạo hiểm. Từ vùng đất này đến vùng đất kia có khoảng cách nhưng cũng luôn có cầu nối, còn việc học giúp ta sống mà thông cảm với cuộc đời nhau hơn.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục