Đường cùng - Nhãn quan độc đáo 'mổ xẻ' mặt trái xã hội đương thời

Tác phẩm mang đến cho người xem cái nhìn chân thực về hiện thực cuộc sống Hàn Quốc, qua lăng kính của những con người đáng thương bị vùi dập dưới đáy xã hội. 
Hà Trang
Nguồn: Phim Hopeless (Đường cùng).

Nguồn: Phim Hopeless (Đường cùng).

Hồi tháng 5, Đường cùng (Hopeless) thu hút sự chú ý của người xem lẫn giới phê bình khi xuất hiện ở phần trình chiếu chính hạng mục Nhãn quan độc đáo (Un Sure Regard) tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76. Phim nhận tràng pháo tay nhiệt liệt từ khán giả kéo dài suốt 4 phút.

Sau khi trình chiếu tại Cannes, tác phẩm cũng nhận được lời khen ngợi từ một hãng tin Pháp vì “mang đến trải nghiệm xem phim mới mẻ và bản năng.”

Xem Đường cùng, ta cảm nhận được một bầu không khí ảm đạm, tối tăm bao trùm lên số phận mỗi nhân vật. Mức độ bạo lực của phim được đạo diễn Kim Chang Hoon cố gắng đẩy đến giới hạn, từ bạo lực trong thế giới băng đảng, đến bạo lực gia đình, bạo lực học đường… Và ở một xã hội bí bách như thế, con người cũng bị đẩy vào những trạng thái tâm lý căng thẳng, giống như một quả bom nổ chậm luôn trực chờ bùng nổ.

Khi khởi chiếu tại Việt Nam, phim nhận phản hồi tốt từ công chúng, dù dòng phim nghệ thuật khá kén khán giả. Đặc biệt, hình tượng mới của Song Joong Ki khi từ “trai ngoan” thành “trai hư” (nhưng vẫn là “trai đẹp”) trong Đường cùng được người xem đón đợi.

Ai cũng mơ có cuộc đời hạnh phúc, nhưng …

Đường cùng xoay quanh cuộc đời của chàng trai trẻ Yeon Gyu (Hong Sa Bin), một cậu bé 17 tuổi làm việc không biết mệt mỏi để kiếm tiền, rời Hàn Quốc và thoát khỏi vòng lặp cuộc sống luẩn quẩn. Thế nhưng, đời không như là mơ. Hiện thực nghiệt ngã khiến Yeon Gyu buộc phải tìm đến sự giúp đỡ của Chi Geon (Song Joong Ki), một trùm băng đảng tàn nhẫn, thực dụng. Để có thể bảo toàn mạng sống, Yeon Gyu buộc phải học cách trở nên tàn nhẫn với những con người có số phận đáng thương không kém mình.

Đường cùng là câu chuyện về những con người không có lối thoát trong xã hội. Họ ở tầng lớp thấp kém, không có danh tiếng, địa vị, tài chính và cũng chẳng nhận được sự giúp đỡ của bất cứ ai phía sau. Những con người trong phim phải một mình vật lộn với cuộc sống, với mục đích căn bản nhất là để tồn tại qua ngày.

Với Yeon Gyu, thế giới băng đảng giống như một chiếc hộp diệu kỳ, hứa hẹn mở ra lối thoát cho cuộc sống bế tắc và tăm tối của anh. Thế nhưng, theo thời gian, anh nhận ra đó thực chất lại là cái bẫy, một chiếc hộp pandora ẩn chứa bao tai hoạ khó lường, dẫn anh đến con đường địa ngục của một cuộc sống nhơ nhớp, bạo lực khác.

Từ một chàng trai dùng ước mơ làm lý do để tồn tại, những điều nghiệt ngã cứ lần lượt xuất hiện khiến Yeon Gyu không tài nào tìm thấy được ánh sáng của hy vọng. Giấc mộng được bay đến Hà Lan, được sống một cuộc đời khác bên cạnh những đoá hoa tulip và cối xay gió dường như sẽ mãi xa vời.

Khi ở nhà, Yeon Gyu buộc phải sống cạnh người cha nghiện rượu. Anh bị bạo hành mỗi khi ông say xỉn và không kiểm soát được mình. Còn trong thế giới băng đảng, anh lại phải chứng kiến những trận đòn roi như cơm bữa của nhóm xã hội đen với người dân nghèo tội nghiệp.

Ở một xã hội khắc nghiệt và có sự phân hoá rõ ràng như Hàn Quốc, Yeon Gyu không phải là nạn nhân chịu bất công duy nhất. Còn nhiều người khác giống như anh, thậm chí họ còn chưa từng dám mơ, dám tin, dám tìm kiếm một lối thoát cho bản thân. Với họ, cuộc sống chỉ đơn giản là “buộc phải tồn tại qua ngày để chờ đợi cái chết”.

Từ đầu đến cuối, tác phẩm tràn ngập bầu không khí ảm đạm và buồn bã, đến mức khiến ta phân vân tự hỏi: Liệu cái chết trong Đường cùng có phải là một chuyện xấu xa đáng lên án? Hay đó đơn thuần chỉ là cái kết khả dĩ để chấm dứt những nỗi đau của việc tồn tại?

Làm sao tồn tại trong xã hội khắc nghiệt đến cùng đường?

Tương tác ăn ý của Song Joong Ki và nam diễn viên trẻ Hong Sa Bin khiến mỗi cảnh phim giữa Chi Geon và Yeon Gyu mang đến cho người xem nhiều cảm xúc. Hai người vừa giống như anh em, đồng đội, nhưng cũng vừa giống như một sự cộng sinh đầy thực tế trong cuộc sống tàn khốc.

Ta không thể hiểu được Chi Geon thực sự nghĩ gì khi ra tay giúp đỡ Yeon Gyu, chỉ để đưa cậu đến với một cuộc sống vô vọng khác? Và có lẽ, chính Chi Geon cũng không hiểu được bản thân mình. Anh là người tốt hay kẻ xấu, anh cao cả, rộng lượng hay chỉ đang hẹp hòi, ích kỷ để bảo vệ bản thân?

Trong một xã hội tối tăm, chẳng có lối thoát, đạo đức của con người dường như là một điều gì đó xa xỉ để định nghĩa. Vì dù lựa chọn thế nào, họ cũng chẳng bao giờ được sống là chính mình, được tồn tại như một con người đúng nghĩa.

Ở góc độ cá nhân, tôi tin rằng Chi Geon thực sự đã coi Yeon Gyu như một người em trai. Có lẽ vì anh nhìn thấy trong Yeon Gyu hình ảnh của chính mình khi trước - lạc lối, bơ vơ và phải gồng mình lên khi bị cuộc đời tổn thương. Nhưng ở Chi Geon cũng tồn tại những điều mâu thuẫn và lý trí, buộc anh phải sẵn sàng khắc nghiệt, tàn nhẫn và đối xử phũ phàng với Yeon Gyu, để giúp cả cậu và chính bản thân mình được an toàn trong một thế giới đảo điên, đầy những bấp bênh, chới với.

Phiên bản trần trụi hơn của Parasite (Ký sinh trùng)

Đường cùng khiến ta có thể cảm thấy chút tương đồng với Ký sinh trùng - bộ phim nổi tiếng của điện ảnh Hàn Quốc, lấy bối cảnh đất nước thời hiện đại với màu phim lạnh và âm u như chính cuộc sống của bốn nhân vật chính.

Dưới góc nhìn của đạo diễn tài hoa Bong Joon Ho, các cặp giá trị trong xã hội không có ranh giới rõ ràng. Ở đó, màu đen và màu trắng, cái giàu và cái nghèo, chính nghĩa và sự bất công đều mang tính tương đối. Và đến cuối cùng, không có ai là kẻ thua cuộc hay chiến thắng.

Đường cùng cũng miêu tả điều này nhưng ở một góc nhìn đen tối hơn, khi tất cả những lằn ranh nhập nhằng ấy dường như đều ngả theo chiều bi kịch. Những con người trong Đường cùng đều đang sống ký sinh vào số phận, vào cuộc đời đẩy đưa. Họ thậm chí còn chẳng nhìn thấy thế giới của những người giàu có hào nhoáng và đẹp đẽ ra sao, đơn giản bởi vì, họ đang chìm lấp quá sâu trong đáy giếng của đắng cay và nghèo đói.

Dõi theo hành trình của những nhân vật trong Đường cùng, ta bất chợt nhớ đến một câu nói nổi tiếng ở câu chuyện về Chí Phèo, khi anh cay đắng thốt lên: “Ai cho tao lương thiện?”.

Diễn xuất + bàn tay đạo diễn = tác phẩm trọn vẹn cảm xúc

Sau 6 năm kể từ bộ phim Đảo địa ngục (The Battleship Island - 2017), Song Joong Ki mới trở lại màn ảnh rộng với vai phụ trong Đường cùng và không làm các khán giả chờ đợi anh thất vọng. Tác phẩm đánh dấu tạo hình mới mẻ của nam diễn viên khi trở thành một trùm băng đảng chuyên cho vay nặng lãi, với giọng nói trầm và ánh mắt bí ẩn.

Trước đây, trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Korea Herald, Song Joong Ki từng cho biết anh muốn đào sâu hơn vào dòng phim noir. Vì thế, khi nhận được kịch bản Đường cùng, nam diễn viên đã nhận lời tham gia như một cách vượt ra khỏi vùng an toàn của chính mình và để “đưa câu chuyện thô ráp lên màn ảnh mà không làm thay đổi sức hấp dẫn vốn có”.

Từng ánh mắt, từng cử chỉ của Song Joong Ki đều chứa đầy những giằng xé. Anh giống như một thiên thần lỡ sa chân vào thế giới tội ác, vừa đáng thương mà cũng vừa đáng ghét.

Là tác phẩm điện ảnh đầu tay, nhưng đạo diễn Kim Chang Hoon cho thấy mình am hiểu về cuộc sống của Hàn Quốc, nơi “thìa đất, thìa vàng” dường như đã được định sẵn và ám ảnh mỗi đứa trẻ ngay khi mới sinh ra.

Anh cũng mang đến cho Đường cùng những khung hình ám ảnh với màu sắc u tối, đậm tính bi kịch. Ngoài ra, phim không sử dụng âm nhạc để làm nổi bật nét khô khốc của hiện thực và sự trống rỗng trong tâm hồn con người.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục