Freelancer sống rủi ro trong "nền kinh tế tạm bợ"
Freelancer - Lao động tự do hay chiến binh?
Những ai thuộc thế hệ Z mới chập chững bước vào thị trường lao động, hẳn đã quen gọi mình là “freelancer.” Tâm, một hoạ sĩ minh hoạ trẻ, tưởng tượng về khái niệm này thông qua đặc điểm nổi bật nhất của công việc cô đang làm - sự tự do.
Tâm không cần phải lên văn phòng, và cũng không phải cam kết về thời gian làm việc hàng ngày. Tiền công của cô dựa trên sản phẩm. Cô trả sản phẩm cho công ty, và họ trả cô tiền theo những sản phẩm cô có thể giao. Mọi giao dịch đều thông qua trung gian của email và tài khoản ngân hàng.
Tâm hài lòng về mối quan hệ “đối tác” giữa cô và công ty. Cụ thể hơn, cô không phải nhân viên làm việc dưới trướng một chủ lao động, vì thế cô có thể tự do dàn trải sức của mình cho nhiều việc khác. Tâm nói mình lên ý tưởng cho bức minh hoạ vào đầu ngày, sau đó đi học, rồi bắt đầu vẽ vào cuối ngày, thời gian cô có thể tập trung nhất.
Có lẽ Tâm khó mà tưởng tượng, nghĩa sớm nhất của từ “freelancer,” theo từ điển Merriam-Webster, ám chỉ chiến binh đánh thuê cho bất cứ phe phái nào trả cho y đủ tiền. Tính chất tự do của công việc này nằm ở chỗ ta có thể chết chẳng vì lý tưởng nào, mà chỉ vì đồng lương đủ sống.
Đối với Vân, một họa sĩ minh hoạ trẻ khác tôi có dịp phỏng vấn, làm freelancer tức là tham gia vào một cuộc chiến khắc nghiệt. Sau khi bán bộ tranh đầu tiên, cô đủ tiền để mua một bộ hoạ cụ số chuyên nghiệp. Vân mong muốn nhận thêm những công việc tương tự. Nhưng tương lai chẳng cho cô công việc nào có thù lao tương xứng với những gì cô đã đầu tư.
Và với bản chất của mối quan hệ “đối tác” giữa Vân và các công ty cô từng làm việc, họ không có nghĩa vụ phải chi trả bảo hiểm xã hội và y tế, tiền tăng ca hoặc lương tối thiểu cho Vân. Những lúc không có thu nhập, cô sống phụ thuộc vào trợ cấp của bố mẹ.
Tâm và Vân là hai nhân vật điển hình trong tổng 30% người lao động tại các nước đang phát triển lựa chọn công việc tự do. Giới học thuật gọi họ với khái niệm hàn lâm hơn - “gig worker.” Khái niệm này không chỉ bao hàm công việc trong lĩnh vực sáng tạo như những gì Tâm và Vân đang làm.
Nó ám chỉ tất cả những ai làm công việc tạm bợ, không có cam kết thời gian và không bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động. Người giúp việc, công nhân vệ sinh, xe ôm công nghệ, hay thậm chí kỹ sư cơ khí, cũng có thể là gig worker.
Gig Economy - Nền kinh tế tạm bợ
Gig worker là nhân công cơ bản nhất trong “Nền kinh tế tạm bợ” (Gig Economy). Hai khái niệm này chia sẻ chung một yếu tố - “gig.” Nó chỉ mọi công việc thời vụ, không cam kết lâu dài như phía trên đã mô tả. Gig và job đều có thể dịch ra tiếng Việt là “công việc,” nhưng chúng khác nhau về bản chất của quan hệ lao động.
Khi có một job, ta bán sức lao động cho người chủ. Công cụ lao động (máy tính, xe cộ,...) được sở hữu bởi công ty, xí nghiệp. Với gig, quan hệ chủ-tớ biến thành quan hệ đối tác (partnership), công cụ lao động cũng được sở hữu trực tiếp bởi người lao động. Là một designer, ta sở hữu Wacom, là một người viết, ta sở hữu bàn phím, để khi nhảy việc, ta không rơi vào trạng thái bị động vì thiếu “cần câu cơm.”
Với xu hướng phổ biến của gig từ sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, khái niệm “nền kinh tế tạm bợ” ra đời, với động năng phát triển dựa vào những công việc tạm bợ như trên. Nền kinh tế tạm bợ thể hiện sự ưu việt của nó đối với nền kinh tế nghề nghiệp truyền thống.
Nó tận dụng được sức mạnh của những nền tảng số để loại bỏ văn phòng và cho phép lao động làm việc từ xa. Tốc độ loại thải nhân sự cao khiến các mô hình mới liên tục được thử nghiệm. Giá dịch vụ cũng rẻ dần đi khiến khách hàng hài lòng, vì các công ty không còn chịu gánh nặng sở hữu cơ sở vật chất, mà họ đơn thuần chỉ là trung gian kết nối giữa cung và cầu.
Nền kinh tế tạm bợ đã thay đổi cách chúng ta hiểu về người lao động. Như triết gia Byung-Chul Han nhận định, khái niệm “người lao động” (labourer) của chủ nghĩa tư bản truyền thống đã biến thành “người bao thầu” (entrepreneur) với khả năng kiểm soát toàn bộ quy trình làm việc mà không phụ thuộc nhiều vào người khác như trước đây.
Thứ tinh thần khởi nghiệp (entrepreneurship) đầy tự do này có vẻ như là động năng phát triển mới của thời đại chúng ta. Song Byung-Chul Han cảnh báo, xu hướng này là một cái bẫy.
Thời đại đổi thay, rủi ro còn đó
Thuật ngữ “Nền kinh tế tạm bợ” mới xuất hiện gần đây khiến ta liên tưởng đây là một hiện tượng đương đại. Nhưng tính chất “tạm bợ” của một số loại hình lao động đã nảy sinh từ khi đất nước ta du nhập nền kinh tế thị trường nhiều thành phần sau chính sách Đổi Mới năm 1986.
Từ cảnh bị kiềm toả giao thương, Đổi Mới mở ra một bầu trời cơ hội cho những người có chí làm ăn. Khi cá nhân và doanh nghiệp tư được tham gia vào nền kinh tế, thị trường lao động trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Nhiều lĩnh vực sản xuất mới ra đời, cùng tinh thần cạnh tranh giữa các đơn vị kinh doanh, khiến người ta sẵn sàng gia nhập thị trường lao động, dù công việc họ chọn không còn mang tính ổn định như công việc nhà nước phân cho ở thời kỳ trước.
Bác Trường, 56 tuổi, một kỹ sư cơ khí mới về hưu, hồi tưởng về gig đầu tiên mình nhận trong cuộc đời. Năm bác tốt nghiệp đại học cũng là năm đầu tiên nhà nước không còn phân việc cho sinh viên mới ra trường. Nhận thấy ngành chế biến nguyên vật liệu xây dựng đang “phất,” bác bán bản vẽ máy nghiền quặng cho các xưởng sản xuất nhỏ.
Và trong lần đầu nhận được gig, bác đã liều mình nhận tự tay đóng cỗ máy do mình vẽ ra. Không hợp đồng ràng buộc, chỉ thoả thuận bằng lời, song bác vẫn vay gia đình mấy chỉ vàng để mua nguyên liệu làm máy. Khi cỗ máy đã gần hoàn thiện, khách hàng của bác Trường… biến mất. Bác ngậm ngùi để cỗ máy hoen gỉ dần, và gần đây đã bán nó cho đồng nát với giá 700 ngàn đồng.
Rủi ro luôn đi kèm với tính tạm bợ, thiếu thoả thuận rõ ràng. Điểm khác biệt giữa rủi ro của bác Trường và của những gig worker hiện đại, là một bên xảy ra hy hữu, còn một bên xảy ra một cách hệ thống. Điển hình là trường hợp của các xe ôm công nghệ: đời sống bấp bênh là bản chất của công việc này.
Anh Minh, tài xế xe ôm công nghệ 40 tuổi, bị bom hàng ngay trước khi tôi thực hiện cuộc phỏng vấn trên cuốc xe của anh. Với dịch vụ ship COD, anh Minh phải ứng 1 triệu đồng để mua một chiếc váy giao cho khách. Và vị khách này cũng biến mất, giống vị khách trước đây của bác Trường vậy.
Doanh thu ngày hôm đó của anh Minh rơi vào mức 800 ngàn đồng, tức là anh đã âm tiền. Anh rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: khuya rồi nên không thể hoàn trả lại hàng cho shop để lấy tiền, sáng hôm sau không biết có thể hoàn được nữa không. Nhìn qua chiếc màn hình cảm ứng bị nứt một cạnh viền của anh, tôi thấy cuộc gọi thứ 11 đã được phát đi và không có ai nghe máy.
Có thể nói, các tập đoàn công nghệ đã “nắm đằng chuôi” khi coi người lao động trên nền tảng của mình là “đối tác.” Họ không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì nếu lái xe bị “bom hàng,” tai nạn giao thông, hay có hỏng hóc xe cộ. Họ lợi dụng mong muốn tự do của người lao động để kiếm lời trên diện rộng.
Những rủi ro nghề nghiệp như anh Minh gặp phải là một trong hàng nghìn vụ việc vẫn xảy ra hàng ngày. Sự thiếu đảm bảo về điều kiện làm việc là thứ gig worker phải chấp nhận.
“Hãy bảo vệ tôi khỏi điều tôi muốn” - Tự do
Đó là lời tựa của cuốn Psychopolitics, được Byung-Chul Han trích lại từ nghệ sĩ Jenny Holzer. Tự do, với Han, dường như là trái cấm ai cũng muốn thưởng thức. Nhưng cái giá của sự tự do trong thị trường lao động cao hơn lợi ích mà tự do đem lại.
Ngày nay, chiếc văn phòng hay công xưởng truyền thống bị coi như biểu hiện của sự tha hoá. Con người không còn tự do làm chủ sức lao động và nhịp sinh học của mình, mà bị kiểm soát tuyệt đối bởi máy chấm công và camera theo dõi.
Chúng ta không còn coi công việc như một phần tự nhiên của đời sống nữa, mà tách nó ra khỏi đời sống và biến nó thành món hàng có thể trao đi bán lại.
Nhưng khi chiếc văn phòng vật lý, cùng những thứ xoay quanh nó như sếp, hợp đồng, và các loại thủ tục hành chính… biến mất, chẳng có vấn đề nào được giải quyết cả. Sự tự do trong nền kinh tế tạm bợ dường như là một ảo tưởng. Ta vẫn có sếp và văn phòng, chỉ có điều, chúng đều tồn tại vô hình.
Sinh ra trong thời đại internet, nền kinh tế tạm bợ vận hành dựa trên sự điều phối của những nền tảng số. Chúng có thể là những ứng dụng đặt xe, thuê nhà, và thương mại điện tử, nhưng chỉ làm trung gian kết nối giữa người mua và người bán. Chúng có thể là những mạng xã hội luôn đắm chìm trong cơn đói thông tin, yêu cầu các nhà sáng tạo nội dung phải sản xuất càng nhiều càng tốt.
Nền tảng số là chiếc văn phòng ta không thể bước vào, nhưng có thể truy cập thông qua thiết bị điện tử. Và khi ta có thể mang thiết bị đi muôn nơi, chiếc văn phòng cũng theo ta đi muôn nẻo. Còn với đặc thù kết nối cung với cầu chính xác nhất có thể của nền kinh tế tạm bợ, sếp của công nhân thời đại mới là bản thân dòng tiền, được thể hiện qua lượt view, KPI, và lợi nhuận nói chung.
Ngay cả một người quản lý làm việc cho hệ thống, người có vị trí nghề nghiệp vững chắc và chịu ít rủi ro lao động nhất, cũng làm việc dựa trên sự chi phối của dữ liệu và dòng tiền.
Trong nền kinh tế truyền thống, người công nhân bức bối với điều kiện lao động tồi tệ có thể đình công, đập phá máy móc và đối đầu trực tiếp với giới chủ để đòi quyền lợi.
Nhưng khi sự tự do lên ngôi và sếp biến thành đối tác, người ta chỉ có thể ngậm ngùi tắt app, và vô số người lao động khác sẽ chiếm vị trí người trước bỏ lại. Thật khó nhằn khi đứng trước hai lựa chọn: thất nghiệp hoặc bị trả công rẻ mạt.
Hướng đến một xã hội “lười biếng”
Cái bẫy của sự tự do trong nền kinh tế tạm bợ là nó cho gig worker tưởng rằng mình tự nguyện làm việc. Mình có thể đi làm khi mở app và nghỉ làm khi đóng app, có thể mặc áo vàng bên trong và áo xanh bên ngoài để làm song song nhiều việc, có thể vẽ tranh và viết lách ngoài quán cafe thay vì ấn vân tay vào máy chấm công mỗi 8h sáng hàng ngày…
Sự tự nguyện ấy không còn giữ được ánh nghĩa chính xác của nó khi ta buộc phải làm nhiều hơn nữa để duy trì mức thu nhập hiện có, trong khi tương lai không thể đảm bảo trước điều gì.
Nhưng sự phát triển của công nghệ cũng cho phép chúng ta hy vọng vào một tương lai nơi công việc không phải toàn bộ cuộc sống. Cái đích chúng ta nên hướng đến không phải “tôi được làm việc tự do nhưng vẫn không đủ sống” mà nên là “làm việc ít, hiệu quả cao.” Chúng ta cần hướng đến một xã hội “lười biếng.”
Lười biếng ở đây không có nghĩa là chúng ta ngừng lao động. Thực tế, lý tưởng của hầu hết các chế độ chính trị đều hướng tới việc con người có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để làm đúng việc họ thích với tinh thần phấn khởi. Quan trọng hơn, ta có thời gian để chăm sóc những người không có khả năng lao động, từ đó không ai bị bỏ lại phía sau.
Để hiện thực hoá điều này, nhiệm vụ của các nền tảng số không nên là loại thải lao động nhanh hơn, mà nên là phân chia công việc đủ hiệu quả để thu nhập của các thành phần dân số không chênh lệch quá nhiều. Khi tất cả có đủ cơm ăn, áo mặc với đồng lương cơ bản, thì câu chuyện về sự tự do tìm công việc mình thích mới khả thi để được bàn đến.
*Tên của các nhân vật trong bài viết không phải tên thật.