Giám đốc ENZ Việt Nam: “Làm mẹ giúp tôi thuần thục kỹ năng cân bằng tài chính”
Chị Bành Phạm Ngọc Vân là Giám đốc Cơ quan Giáo dục New Zealand (Education New Zealand – ENZ) tại Việt Nam.
Từ khi gia nhập ENZ vào năm 2018, chị Vân đã đưa thị trường Việt cho du học New Zealand trở thành 1 trong 5 thị trường dẫn đầu về tiềm năng phát triển và số lượng du học sinh.
Khi được hỏi về bí quyết, chị cho rằng nó đến từ sự cân bằng, kết hợp kinh nghiệm từ những vai trò khác nhau của bản thân trong cuộc sống.
Đó là một Ngọc Vân “người của công việc” kiên trì, máu lửa, là một Ngọc Vân “người của ngành giáo dục” đề cao các giá trị con người. Và hơn hết, là một Ngọc Vân "người mẹ" với sự yêu thương và thấu hiểu.
Tất cả được chị chia sẻ ở một chiều tháng 7, nhân buổi phỏng vấn cho The Money Date của Vietcetera.
1. Thứ gì rất đắt mà chị đã mua và thấy đáng tiền?
Với tôi, đó chính là quyết định theo học chương trình Thạc sĩ quốc tế với mức học phí hàng trăm triệu ở tuổi 26. Tôi dùng gần như toàn bộ khoản tiền tiết kiệm đầu tiên trong cuộc đời cho khóa học đó.
Thực ra thì đầu tư cho bản thân luôn là khoản chi đáng “đồng tiền bát gạo”. Tuy nhiên, với một đứa luôn nhận được nhiều học bổng, chưa phải tự chi vào các khoản học phí thì tôi lại thấy nó đắt vô cùng.
Vì thế, ở thời điểm chọn khóa học đó, tôi đã phân vân không biết nên chờ thêm để đợi các cơ hội học bổng hay không. Nhưng sau tất cả cân nhắc, nhất là ở tính thời điểm (tôi đã lập một lộ trình về thời gian học và cơ hội việc làm sau đó), tôi đã quyết định tự chi trả.
Đến giờ tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì đó là quyết định rất đúng thời điểm, giúp các kế hoạch đặt ra được diễn ra trơn tru. Tôi nghiệm ra việc đầu tư không quan trọng ở chỗ mức đầu tư thấp nhất mang lại hiệu quả cao nhất, mà còn ở yếu tố thời điểm chín muồi.
2. Nếu tất cả các công việc đều trả lương giống nhau thì chị sẽ làm nghề gì?
Chắc chắn là làm mẹ.
Tôi vẫn nghĩ các bà mẹ trong xã hội hiện đại luôn phải đảm nhận ít nhất 2 đầu việc: trong gia đình và ngoài xã hội.
Tiếc thay, so với các vị trí công việc ngoài xã hội, đa phần các công việc không tên trong gia đình đều chưa được ghi nhận xứng đáng. Và dĩ nhiên, không có lương.
Tôi nhận ra rằng khi chúng ta cứ mãi lẩn quẩn trong guồng quay kiếm tiền với hy vọng đầu tư thật nhiều cho tương lai các con, thì hiệu quả đầu tư chẳng mấy khi được như mong muốn. Bởi sau tất cả, con còn cần được “đầu tư” bằng tình thương và thời gian của cha mẹ.
Tôi may mắn có được sự thấu hiểu và hỗ trợ của người thân và đồng nghiệp để có thể làm một bà mẹ đa nhiệm - cân bằng cả việc công sở lẫn việc nhà.
Dù vậy, đến nay tôi vẫn đang học cách nhấn nút “ngủ đông” cho công việc vào mỗi buổi tối và cuối tuần, để thật sự hòa mình vào câu chuyện của bọn trẻ, thật sự lắng nghe chúng và cùng chúng lớn lên mỗi ngày.
3. Nếu như được quay về 23 tuổi, chị sẽ cho bản thân lời khuyên về tiền như thế nào?
Ở thế hệ của tôi, người ta thường ít chủ động hơn trong việc hoạch định tài chính lúc còn trẻ. Và đây cũng chính là lời khuyên đầu tiên tôi muốn nhắn nhủ chính mình nếu được trở lại quá khứ.
Ngoài ra, một đặc điểm nữa mà tôi quan sát được là nhiều người ở thế hệ tôi cũng khá bảo thủ về tài chính.
Chúng tôi được dạy tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy. Song, việc tiết kiệm theo tư duy ấy không thiết thực, khi chỉ đơn giản là xuất phát từ mục tiêu phải tiết kiệm chứ chưa có mục tiêu cụ thể nào.
Trở lại thời điểm đó, nếu có thể tận dụng các kênh đầu tư tài chính đa dạng như hôm nay, hẳn những khoản tiết kiệm tôi có được đã được dùng hợp lý, tạo ra nhiều giá trị hơn.
4. Trong một thế giới hoàn hảo, chị sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi?
Tôi sẽ hướng đến đạt được mục tiêu tự do tài chính trễ nhất ở độ tuổi 50. Đây là thời điểm tôi nghĩ phù hợp nhất để tập trung vào những công việc mình thích mà không vướng bận chuyện cơm áo gạo tiền.
Ta thấy xã hội có một lộ trình khuôn mẫu, đó là đến độ tuổi nào đó thì nghỉ hưu. Một số người khác thì nghĩ nghỉ hưu sớm sẽ chứng tỏ sự thành công bản thân. Đối với tôi, tôi muốn mình cứ làm việc đến chừng nào mình muốn và điều kiện sức khỏe cho phép.
Đó là vì tôi quan niệm rằng làm việc cũng là một cách phát triển bản thân và đóng góp hiệu quả cho xã hội.
5. Chị muốn 1 tuần làm bao nhiêu giờ?
Tôi không có khái niệm tuần làm việc bao nhiêu giờ hay quá rạch ròi phân chia thời gian cho công việc và cuộc sống cá nhân. Tôi đặt ra các mục tiêu theo tuần, cho cả công việc chuyên môn và việc gia đình.
Cụ thể trong một ngày, tôi sắp xếp thực hiện các việc này theo khung thời gian phù hợp nhất hoặc năng suất nhất để làm việc đó. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo hiệu quả công việc.
Hiện tại, môi trường làm việc linh hoạt tại ENZ hỗ trợ rất nhiều cho phong cách làm việc của tôi. ENZ xây dựng văn hóa tin cậy và tôn trọng công việc của từng nhân viên, tạo điều kiện tốt nhất để thúc đẩy hiệu quả công việc thay vì quản lý theo từng đầu việc hay thời gian làm việc.
Bản thân New Zealand cũng là đất nước rất xem trọng work-life balance, nên tư duy này cũng tạo ra các ảnh hưởng tích cực đến các nhân viên ENZ.
6. Nghề nghiệp yêu thích hồi nhỏ của chị là gì?
Tôi từng rất yêu thích nghề giáo viên, nhưng một thay đổi về nhận thức lúc còn đi học đã khiến tôi không còn đam mê theo đuổi.
Một lần nọ, tôi chứng kiến một người thầy của mình kể cùng một câu chuyện cho cả lớp đến vài lần. Nghe cùng một câu chuyện cười đến lần thứ hai, tôi đã không còn cảm thấy buồn cười nữa nhưng thầy tôi vẫn cười như lần đầu vì muốn tạo không khí cho học sinh.
Tôi nhận ra nghề giáo nhiều thách thức, lắm lúc phải lặp lại chính mình trong cùng một bài học và trong các lớp học khác nhau. Tôi sợ mình trở thành “thợ dạy” qua năm tháng nếu không liên tục đổi mới và sáng tạo. Suy nghĩ đó dần khiến tôi mang nhiều lo lắng và không còn đam mê dấn thân theo nghề.
Nhưng giáo dục vẫn bén duyên với tôi.
Ban đầu là ở việc dạy thêm cho nhiều lứa học viên về ngôn ngữ, kỹ năng. Tiếp đó là những khách hàng mảng giáo dục khi tôi còn làm công việc truyền thông, marketing. Cuối cùng là vị trí hiện tại.
Nhiều lúc tôi nghĩ, có lẽ người ta hay nói “cái nghề nó vận vào thân” là vậy!
6. Có gì mà tiền không mua được?
Trước đây tôi từng nghĩ tiền không mua được hạnh phúc, nhưng giờ tôi nghiệm ra đó là do mình sử dụng tiền chưa đúng cách, hoặc mình đang tìm một hạnh phúc quá lớn lao.
Hãy thử dùng tiền đầu tư cho những niềm vui nho nhỏ, như một món quà bất ngờ dành cho mẹ, một ly cà phê đúng gu cho cô bạn thân, một bữa ăn tự tưởng thưởng, bạn sẽ thấy chút năng lượng tích cực từ nụ cười của những người xung quanh đem lại cho bạn hạnh phúc.
Nói chung, tôi nghĩ tiền mua được tất cả, chỉ là bạn có đang sử dụng chúng đúng cách hay không, và bạn có đang kỳ vọng quá lớn vào sức mạnh của đồng tiền hay không.
7. Một kỹ năng rất quan trọng trong cuộc sống mà trường học không dạy?
Đó chính là sự quan sát.
Tôi thấy các bạn trẻ ngày nay rất cầu tiến, rất chịu khó lao vào công việc để trải nghiệm và hoàn thiện kỹ năng của mình. Vấn đề ở chỗ, các bạn đôi khi lướt đi nhanh quá, cứ cắm đầu làm mà thiếu đi sự quan sát.
Nói cách khác, đó là việc không hiểu tại sao mình phải làm việc đó, theo cách như thế. Nhiều bạn cũng không hiểu với những người khác, công ty khác thì họ làm việc đó như thế nào?
Kỹ năng quan sát tốt giúp bạn tích lũy kinh nghiệm nhanh hơn và rút ngắn thời gian làm quen với công việc. Ngoài ra, chúng cũng giúp bạn nhận ra các cơ hội, tiềm năng dễ bị bỏ lỡ và kích thích các đột phá trong công việc.
Với áp lực phát triển nhanh như hiện nay, xã hội sẽ đòi hỏi ở các bạn trẻ ngày càng nhiều kỹ năng hơn nữa.
Thế nhưng, không thể nào cùng một lúc trang bị hết tất cả kỹ năng trên ghế nhà trường, lại càng không thể giỏi ngay các kỹ năng đó. Quan sát là bước cơ bản nhất để tự trang bị bất cứ kỹ năng nào bạn cần trong cuộc sống.
Đối với tôi, đó cũng là kỹ năng giá trị nhất với sự nghiệp của mình. Sự quan sát giúp ích cho tôi rất nhiều cho việc hoạch định chiến lược và khai phá cơ hội mới.
8. Chị thích hình thức đầu tư nào nhất? Vì sao?
Tôi khá lười khi đầu tư và thật sự không thể dành nhiều thời gian tìm hiểu các lựa chọn đầu tư.
Nhưng nếu để chọn thì tôi chuộng chứng chỉ quỹ. Công ty quản lý quỹ có thể thay mặt mình đầu tư, và có nhiều sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro của mình trong từng giai đoạn khác nhau.
Quan trọng là vẫn tận dụng được cơ hội sinh lợi từ tiền nhàn rỗi.
9. Bài học đầu tiên về tiền mà chị sẽ dạy con cái là gì?
Đó là sự tôn trọng đồng tiền mình làm ra, và công sức bỏ ra để có được đồng tiền đó. Nói chung, con người trân trọng thứ gì thì họ mới biết cách giữ gìn thứ đó tốt nhất.
Mặt khác, hiểu được những nỗ lực cần thiết để làm ra tiền sẽ giúp các con có cái nhìn đúng đắn hơn về tài chính. Kiếm tiền để phục vụ những mục tiêu mình định ra trong cuộc sống và biết đủ khi cần thiết, thay vì chạy theo trào lưu phải kiếm thật nhiều tiền mà bỏ quên các ưu tiên khác trong cuộc sống.
10. Chị muốn làm việc với một người như thế nào?
Bản thân tôi luôn đánh giá cao những người nhiệt huyết trong công việc. Và tôi may mắn được làm việc trong một tập thể như thế tại ENZ.
Bằng sự nhiệt huyết của mình, ai cũng có thể mạnh dạn giao và được giao những dự án mới, hình thức công việc mới. Từ đó, họ vừa có cơ hội nâng cao năng lực cá nhân một cách đa dạng nhất, vừa được hết mình theo đuổi ý tưởng của mình và cống hiến cho tổ chức.
Ngoài ra, sự nhiệt huyết cũng đảm bảo cho văn hóa làm việc tử tế: sẵn sàng chia sẻ ý kiến, học hỏi qua những va vấp và cởi mở tiếp nhận quan điểm của người khác.