26 Thg 10, 2022Lãnh ĐạoNữ Công

Giám đốc Marketing Morico: "Đi làm, muốn gì thì hãy nói ra chứ đừng im lặng"

Với chị Linh, khác biệt giữa một thực tập sinh và một giám đốc là ở thái độ trước những kết quả không mong đợi.
Sovy Han
Nguồn: Linh Cung cho Vietcetera

Nguồn: Linh Cung cho Vietcetera

Sau 6 năm gắn bó với nghề, Cung Thị Thuỳ Linh (Linh Cung) hiện là một giám đốc marketing - vị trí mà chị mơ ước khi còn là một thực tập sinh mới ra trường.

Ở một môi trường cạnh tranh và có tần suất làm việc cao như marketing, học cách vượt qua căng thẳng thôi là chưa đủ. Với chị Linh, còn cần phải học cách chấp nhận những sai lầm, ý kiến phản hồi trái chiều khi dự án có kết quả không mong muốn, cũng như mặc cảm mình không đủ tốt để đảm nhiệm công việc.

Chúng tôi trò chuyện với chị Linh cho lần trở lại của series A Working Woman, để nghe nhiều hơn những chia sẻ về sự nghiệp và cuộc sống của một nữ giám đốc marketing.

Ba giá trị mà chị không bao giờ thoả hiệp trong công việc là gì?

Đó là: an phận ở hiện tại, làm việc không định hướng, và làm việc với nguồn năng lượng tiêu cực. Linh chọn không thỏa hiệp ở cả công việc và cuộc sống hàng ngày nói chung.

Linh luôn tin rằng con người có bản năng tiến về phía trước và có quyền được chọn những điều tích cực để làm động lực. Đây là điều mình đã phải đánh đổi rất nhiều để “thấy” và “học” được.

Con đường sự nghiệp của chị từ những ngày đầu tiên đến hiện tại có những thay đổi gì?

Tính đến nay mình có tổng cộng 6 năm làm việc, chưa tính 1 năm làm thực tập sinh hồi còn là sinh viên năm cuối. May mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác, công ty hiện tại cũng chính là nơi đồng hành với toàn bộ sự nghiệp của mình kể từ khi tốt nghiệp Đại học Ngoại Thương.

Cứ mỗi 2 năm, mình lại lên một vị trí. Khởi đầu là một nhân viên marketing vào năm 2016, rồi đến assistant brand manager, brand manager và là một marketing manager ở thời điểm hiện tại.

Trong quá trình làm việc, mình cũng không ít lần muốn thay đổi môi trường làm việc. Phần vì những áp lực khi dự án làm ra không đạt kỳ vọng, phần vì có thời gian chưa học được cách thích nghi với cách làm việc của đa dạng đồng nghiệp, nhất là khi mình từng là người khá cầu toàn.

Sau khi tâm sự với nhiều đàn chị đi trước, mình nhận thấy môi trường nào cũng sẽ có những vấn đề tương tự. Mình chỉ nên chuyển công việc khi cảm thấy bản thân đã học đủ ở môi trường hiện tại và muốn học hỏi nhiều hơn ở môi trường mới.

Mình đã chọn ở lại để cải thiện những vấn đề bằng cả khả năng. Và cứ thế, 6 năm làm việc đã trôi qua theo cách mà mình không ngờ tới.

Công việc có ý nghĩa thế nào đến cuộc sống của chị?

Linh may mắn được làm thứ mình thích, trong một môi trường công việc đề cao sự hài hòa. Mình xem mỗi dự án là một đứa con tinh thần của mình nhiều hơn là một nhiệm vụ.

Theo mình, cách tốt nhất để tồn tại với 1 nghề áp lực cao như marketing là biến nó thành một phần cuộc sống, không phải là một công cụ để mình đạt được một danh vọng nào đó.

Ngoài ra, lý do Linh gắn bó với công việc còn là do được trao quyền và cơ hội để được phát triển các ý tưởng.

Tuy nhiên, Linh có một quan điểm rất rõ là dù gắn bó đến đâu, cũng không nên toàn tâm cho công việc một cách cực đoan. Dù công ty của Linh không khuyến khích làm việc ngoài giờ, nhưng vì đặc thù ngành marketing có lượng công việc lớn, nên nhiều khi mình vẫn phải tăng ca để xử lý sự cố khẩn cấp.

Tuy nhiên, không phải vì thế mà mình để công việc lấn tới. Sau những lần tăng ca đó, Linh thường chủ động báo với công ty về kế hoạch nghỉ bù. Ngoài ra, mình cũng rủ một số đồng nghiệp đi nghe nhạc, học đàn, tham gia các workshop hoặc đơn giản là một kỳ nghỉ ngắn ở Đà Lạt trước khi quay lại chuỗi làm việc mới.

Chị đến với nghề là duyên hay một trù định trước?

Tính Linh khá trầm, thích làm việc có định hướng nên khi mới vào nghề cũng băn khoăn không biết mình có phù hợp với ngành yêu cầu sáng tạo, thay đổi liên tục như marketing không.

Tuy vậy, mình vẫn thấy ngành marketing thu hút vì lúc đó Linh cũng đang tìm kiếm một công việc có tính sáng tạo, giúp phát triển các ý tưởng. Đây cũng là ngành mà Linh thấy đủ thử thách để giúp bản thân vượt qua “vùng an toàn”.

Một bài học chị rút ra được trong 6 năm làm nghề?

Đó là bài học về vấn đề con người, mà cụ thể là việc giao tiếp. Nguyên nhân xuất phát từ việc mọi người giao tiếp nhưng không thể hiểu được ý nhau, hoặc không thể hiện được hết ý của bản thân.

Linh nghĩ nếu có “kẹt” chỗ nào, mình nên trình bày với cấp trên và xin tư vấn thay vì im lặng. Vì nếu mình không nói thì người ta không giúp được, bản thân cũng bức bối và người xung quanh lại "lãnh" từ mình một nguồn năng lượng tiêu cực.

Bạn bè Linh có nhiều người không thoả mãn về lương hay công việc. Tuy nhiên họ lại không cởi mở và ngại nói ra, mà lại lấy lý do định cư, du học để nghỉ việc.

Do đó, dù bạn là lãnh đạo hay nhân viên, hãy là người chủ động thể hiện thiện chí tháo gỡ. Bằng không, việc này có thể theo bạn, ảnh hưởng đến những thế hệ nhân viên sau.

Chị đã bao giờ thu mình trong công việc chưa?

Rồi chứ. Đó là khi một dự án cũ đầu tư khá lớn, đầy tâm huyết của tụi mình thất bại. Lúc đó, mảng marketing do Linh phụ trách bị đánh giá không tốt. Bản thân Linh vì thế cũng tự đổ hết lỗi cho mình.

Tuy nhiên, mình bình tĩnh lại nhờ sự công nhận của cấp trên, rằng mình đã làm tốt nhất những gì có thể. Linh sau đó cùng team phân tích từ đầu đến cuối dự án để rút kinh nghiệm.

Lời khuyên chị muốn dành cho những tân binh vào nghề?

Nếu bạn là tân binh thì hãy luôn trong tư thế sẵn sàng học hỏi, chủ động đón nhận mọi thử thách, biến thách thức thành cơ hội để rèn luyện, phát triển.

Ngoài ra, bạn hãy cởi mở, chủ động và thẳng thắn trong giao tiếp. Nếu gặp khó khăn hay có mong muốn gì đó, hãy chia sẻ với lãnh đạo hoặc những người bạn tin tưởng có thể hỗ trợ được mình. Đừng im lặng và mong rằng mọi người sẽ hiểu bạn muốn gì nếu bạn không nói ra.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục