Golden handcuffs - Phần thưởng xứng đáng hay chiếc còng giữ chân?
1. Golden handcuffs là gì?
Golden handcuffs /ɡəʊldən ˈhændkʌfs/ là các chính sách tăng lương, tặng thưởng (financial incentives) mà các công ty đưa ra đối với một số nhân viên nhất định, đặc biệt là nhân viên cốt cán, để giữ chân họ.
Các khoản thưởng này luôn đi kèm với điều kiện để đảm bảo nhân viên không rời đi trong một khoảng thời gian nhất định. Đây là điều thường thấy trong các các lĩnh vực có tính cạnh tranh cao như tài chính hoặc công nghệ.
Giả sử Lan đã làm tại công ty A được 3 năm và luôn được công nhận nhờ vào khả năng làm việc cũng như tinh thần học hỏi. Tuy nhiên, Lan đã liên hệ với phòng nhân sự về ý định nghỉ việc. Dựa vào đánh giá tích cực về An, công ty A mong muốn giữ cô lại và đưa ra các đề nghị như:
- Có quyền mua cổ phiếu công ty với giá ưu đãi
- Thưởng doanh số hằng tháng trong vòng 2 năm tới, nhưng nếu Lan rời công ty trong khoảng thời gian này thì sẽ phải hoàn trả
- Vé nghỉ dưỡng hạng sang theo chu kỳ 2 lần/năm nếu An ở lại công ty trong vòng 2 năm tới
- Tăng 1 tuần nghỉ phép có lương
2. Nguồn gốc của golden handcuffs
Theo từ điển Merriam-Webster, cụm từ golden handcuffs được bắt đầu sử dụng vào khoảng năm 1976, hơn 15 năm sau khi cụm từ golden handshake xuất hiện. Trong đó golden handshake có nghĩa là thỏa thuận đưa ra từ phía chủ công ty, doanh nghiệp nhằm thuyết phục nhân viên nghỉ hưu sớm.
3. Vì sao golden handcuffs phổ biến?
Có thể nói golden handcuffs trở nên quen thuộc với đại chúng hơn khi các công ty khởi nghiệp bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Để đạt được thành tựu đề ra trong những năm đầu kinh doanh còn nhiều khó khăn và rủi ro, các công ty này sử dụng golden handcuffs như một cách để giữ chân nguồn lực giá trị nhất. Loại golden handcuffs phổ biến ở đây là vốn cổ phần (equity).
Khi nhận thức về golden handcuffs tăng lên, các ảnh hưởng tiêu cực của golden handcuffs cũng được đánh giá một cách rõ ràng hơn. Đó là khi nhân viên cảm thấy bị trói buộc trong chính công việc của mình, nhưng lại không đủ can đảm để rời bỏ vì lí do tài chính.
Mặt trái này thường gắn liền với hiện tượng lạm phát lối sống (lifestyle inflation), chỉ việc chi tiêu tăng lên dưới ảnh hưởng của việc thu nhập tăng. Khi sống theo phong cách xa xỉ đã trở thành thói quen, việc từ bỏ nguồn thu nhập cao trở nên khó khăn, dẫn đến việc nhân viên tiếp tục duy trì công việc ngay cả khi không còn hứng thú.
Tuy nhiên, qua làn sóng làn sóng Đại từ chức (The great resignation) nổ ra vào năm ngoái, có thể thấy hàng loạt người lao động đã phá bỏ "chiếc còng vàng" đó. Nhiều người từ bỏ mức lương trăm ngàn đô mỗi năm để tìm kiếm điều kiện làm việc tốt hơn, hay công việc có ý nghĩa hơn.
Nếu bạn cũng đang cân nhắc nghỉ việc khi đang có mức lương tốt thì có thể thực hiện vài thao tác sau để giảm thiểu việc đi "lệch hướng":
- Xác định giá trị cốt lõi của bản thân và cách mà bạn muốn theo đuổi các giá trị này trong sự nghiệp
- Đánh giá lại mức chi tiêu và lối sống
- Tìm kiếm, nghiên cứu các lựa chọn công việc tiềm năng
Tuy vậy, cũng phải nhìn nhận rằng, việc phá bỏ golden handcuffs là một đặc quyền. Khi tình hình dịch bệnh kéo dài để lại nhiều ảnh hưởng lên vấn đề tài chính, nhiều nhân viên dễ dàng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan với mức độ nặng (golden handcuffs dilemma). Tình trạng này kéo dài dẫn đến sự giảm sút về mặt tinh thần và năng suất làm việc của nhân viên, khiến đôi bên đồng thời bị ảnh hưởng.
4. Cách dùng golden handcuffs
Tiếng Anh
A: This company offers me a great deal of benefits.
B: Cool bro, but be careful as well. Don't let them turn into the golden handcuffs then.
Tiếng Việt
A: Công ty này cho tao nhiều khoản thưởng hấp dẫn quá.
B: Ngon đó, nhưng cũng cẩn thận. Đừng để mấy thứ đó biến thành cái còng cùm tay mày sau này.