08 Thg 02, 2023ChatGPTTóm Lại Là

Google, Baidu và Microsoft cùng nhảy vào cuộc đua A.I.

Sức mạnh của A.I. đã được tăng đáng kể nhờ cơn sốt của người tiêu dùng trong nền kinh tế thị trường.
Long Vũ
Nguồn: Google

Nguồn: Google

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Không lâu sau khi OpenAI phát hành ChatGPT, công cụ làm khuấy đảo dư luận nhiều ngày vừa qua, các ông lớn công nghệ như Google và Baidu cũng nhảy vào cuộc đua. Chưa biết sự phát triển công nghệ sẽ đưa xã hội đến đâu, song "tiếng" của chúng đã khiến chúng ta tưởng tượng rõ ràng hơn về tương lai nơi A.I. trở thành một mặt hàng tiêu dùng phổ thông.

Cụ thể, Google đã đáp trả OpenAI bằng cách ra mắt Bard - một chatbot cung cấp dịch vụ trả lời những truy vấn và đối thoại với người dùng. Sau đó 1 ngày, Microsoft cũng tuyên bố "bắt đầu cuộc đua từ ngày hôm nay" khi giới thiệu công cụ tìm kiếm Bing mới, có tích hợp ChatGPT.

Baidu, hãng tìm kiếm của Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ cho ra mắt dịch vụ mang tên Ernie Bot vào tháng 3 tới. Ernie Bot sẽ được tích hợp với công cụ tìm kiếm, và cũng sẽ tương tác với người dùng qua chat, giống ChatGPT.

2. Vì sao Google phải cho ra đời Bard vội vàng thế?

Hiện nay thì Bard mới được thử nghiệm nội bộ trong một số nhóm giới hạn của Google. Chúng ta chưa biết cụ thể nó có thể làm những gì cho đến khi công ty phát hành chatbot tới công chúng rộng rãi vào một số tuần tới.

Bard cũng được hứa hẹn là sẽ trả lời câu hỏi chính xác hơn và gần với hiện tại hơn nhờ lấy thông tin từ các website, thay vì bị giới hạn ở năm 2021 như ChatGPT.

Google là một người khổng lồ công nghệ phát triển A.I. đã lâu, nhưng họ luôn thận trọng với công nghệ này. CEO Sundar Pichai viết trên blog của mình rằng cần đảm bảo các câu trả lời của Bard đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng, an toàn và có căn cứ đối với thông tin trong thế giới thực.

Nhưng sự thông báo về một sản phẩm chưa hoàn thiện như vậy cho thấy cuộc đua phát triển chatbot đã đi đến hồi gay cấn. Đặc biệt là trong bối cảnh Microsoft đã đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI và đã tích hợp nó vào công cụ tìm kiếm của mình.

3. Trông đợi gì A.I. của Trung Quốc?

Vào 7/2, hãng tìm kiếm Trung Quốc Baidu cũng thông báo là sẽ hoàn tất thử nghiệm nội bộ công cụ Ernie Bot vào tháng 3. Công cụ này được cho là có tính năng tương tự như ChatGPT.

Để hiểu nước đi này có tầm quan trọng đến đâu, thì sau khi bật mí về Ernie Bot, cổ phiếu niêm yết tại Hong Kong của Baidu đã tăng 13,4%.

Ernie Bot đầu tiên sẽ được ra mắt như một ứng dụng độc lập thay vì được tích hợp vào công cụ tìm kiếm. Sự ra đời của công cụ này chắc chắn sẽ được công chúng Trung Quốc quan tâm, do tuy ChatGPT chưa thể hoạt động ở đất nước này, thì người dân đã tìm nhiều cách để sử dụng nó.

4. ChatGPT có phải công nghệ mới nhất của OpenAI?

Trong thực tế, ChatGPT mà chúng ta đều đã được trải nghiệm không phải công nghệ mới nhất của OpenAI. Vào tháng 11 năm 2022, nhóm nghiên cứu của OpenAI được cho một đề bài: Ra mắt một chatbot trong 2 tuần tới. Ban giám đốc đặt tên dịch vụ này là GPT-3.5 trong khi nhóm đã phát triển gần hoàn thiện GPT-4.

Nhưng do ngại bị đối thủ vượt mặt, ban giám đốc đã muốn ra mắt một A.I. chạy trên mô hình ngôn ngữ cũ như GPT-3.5 để nhận phản hồi từ người dùng, từ đó phát triển sản phẩm tốt hơn. Như vậy sản phẩm chúng ta được trải nghiệm chưa phải công nghệ mới nhất.

Sự tăng trưởng quá nhanh của ChatGPT cũng gây ra nhiều sự lo ngại đối với bản thân OpenAI. CEO của công ty này sợ sẽ bị các nhà làm luật để mắt đến, đồng thời ông không muốn các sản phẩm tiếp theo bị người dùng kỳ vọng quá cao.

Nhưng Sam Altman của startup được thành lập vào năm 2015 này cũng có một mục tiêu lớn hơn. Trong cuộc phỏng vấn độc quyền với Forbes vào ngày 3 tháng 2 năm 2023, ông cho rằng trí tuệ nhân tạo tổng quát (artificial general intelligence) sẽ "bẻ gãy chủ nghĩa tư bản."

5. Việt Nam chuẩn bị cho tương lai A.I. như thế nào?

Bên cạnh nhiều nghi kỵ, ngợi ca, và những tranh cãi không đáng có xem A.I. có thông minh bằng con người hay không, hoặc nó có lật đổ con người không, ở Việt Nam, một số trường học đã mua tài khoản ChatGPT để sinh viên làm quen, và sẽ đưa công nghệ này vào chương trình giảng dạy của mình.

Cụ thể, ở VinUni, ông Daniel Ruelle, Giám đốc Chương trình Tiếng Anh và Giao tiếp, chia sẻ rằng việc mọi người sử dụng ChatGPT một cách ồ ạt mà không có sự tìm hiểu kỹ càng thì có thể rất nguy hiểm. Trong khi đó, công cụ này cũng giống chiếc máy tính cầm tay, thứ các nhà trường từng lo lắng nhưng giờ đã "thích nghi" được với công cụ. Vì thế trường đại học này sẽ giúp sinh viên hiểu về công cụ này để sử dụng một cách hiệu quả nhất thay vì cấm đoán.

Trường Funix, một đơn vị trực thuộc tập đoàn FPT cũng đã tích hợp ChatGPT vào hệ thống chat nội bộ để 5000 sinh viên có thể trải nghiệm.

Nhìn chung, sự xuất hiện của các công cụ mới sẽ luôn khiến chúng ta bị đảo lộn cuộc sống. Luôn có những người thích nghi được, và luôn có những người bị bỏ lại phía sau. Khi công dụng của các công cụ này còn chưa thành hình hài cụ thể, là người sử dụng, chúng ta có thể nghĩ đến việc chúng sẽ giúp ta giải quyết các vấn đề đương đại của xã hội loài người như thế nào.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục