Google có nguy cơ “mất ngôi” với người dùng gen Z?
1. Chuyện gì đang xảy ra?
Năm 2004, từ điển Merriam-Webster chính thức thêm “google” vào danh mục, với ý nghĩa “tìm thông tin trên internet”. Điều này là bởi thời điểm đó, Google là cái tên “gối đầu giường” của người dùng internet khi muốn tìm kiếm thông tin. Thế nhưng 20 năm sau, mọi chuyện đã khác.
Theo nghiên cứu của Mark Shmulik, một chuyên gia phân tích internet đến từ Bernstein Research, google không còn được thế hệ gen Z và gen Alpha sử dụng như một động từ. “Họ chỉ “search” thông tin chứ không còn “google” thông tin như chúng ta ngày xưa”, chuyên gia Shmulik chia sẻ trong một buổi họp của Bernstein Research cùng các nhà đầu tư.
2. Vậy gen Z tìm kiếm thông tin bằng gì?
Từ giữa năm 2022, dữ liệu từ nghiên cứu của Google đã cho thấy, khoảng 40% người dùng gen Z có xu hướng dùng TikTok và Instagram khi tìm thông tin về khách sạn, nhà hàng hoặc các điểm vui chơi. Hoặc họ sẽ đi theo gợi ý của các KOL nổi tiếng (bằng cách lên trực tiếp website hoặc app của nhãn hàng được KOL giới thiệu) thay vì tìm kiếm trên Google.
Nếu tìm kiếm thông tin cho bài học hay công việc, các công cụ AI như ChatGPT hiện được gen Z ưu tiên bởi tính năng tích hợp vừa tìm kiếm, vừa tổng hợp dữ liệu liên quan thành những thông tin chắt lọc kỹ càng, tiết kiệm thời gian cho người dùng. Reddit cũng là nơi được gen Z thường xuyên tìm lời khuyên cho công việc, mối quan hệ hay các vấn đề khác trong cuộc sống.
Theo chuyên gia Shmulik, lý do Google “mất ngôi” với gen Z bởi đây là thế hệ đầu tiên lớn lên cùng internet. Thay vì chỉ dùng máy tính bàn vào mạng như các thế hệ trước, họ có smartphone, ipad và nhiều công cụ khác. Các ứng dụng vì vậy cũng được tích hợp thêm chức năng tìm kiếm, khiến gen Z không còn “mặn mà” với Google.
3. Điều này có ảnh hưởng đến vị thế của Google?
Theo nghiên cứu của Axios, Google hiện vẫn là lựa chọn tìm kiếm hàng đầu của 46% người dùng internet ở tuổi 18-24. Dù vậy, việc bị “mất ngôi” với gen Z và gen Alpha cũng trở thành mối lo ngại đáng kể với Google.
Câu chuyện này có phần giống với trường hợp của Yahoo - trang web từng là công cụ tìm kiếm số 1 của dân mạng cho đến khi Google ra đời năm 1998. Bản thân từ “yahoo” cũng một thời được sử dụng như động từ, điển hình trong chiến dịch quảng cáo Do you Yahoo? năm 1998 của hãng.
Đáng nói là bản thân Google cũng không quá vui ở thời điểm được Merriam-Webster đưa vào từ điển năm 2004. Lý do là bởi khi thuật ngữ google trở nên quá phổ biến, công ty sẽ khó đăng ký bản quyền cho nó. Thế nhưng ở thời kỳ văn hóa mạng phát triển như hiện tại, việc bị “mất ngôi” với gen Z và gen Alpha trở thành mối lo ngại đáng kể với Google.
Phó chủ tịch cấp cao Google là Prabhakar Raghavan từng chia sẻ trong diễn đàn Fortune Brainstorm Tech rằng, công ty đang có kế hoạch cải thiện thanh tìm kiếm và chức năng bản đồ (Maps) để thu hút người dùng trẻ tuổi. Theo đó, chức năng tìm kiếm và dịch văn bản bằng camera đã được tích hợp, và chức năng bản đồ sẽ được tinh chỉnh theo khu vực để tối ưu hóa cho người dùng.