Hẹn hò để “chữa lành” chấn thương thơ ấu: Nên hay không?

Theo tiến sĩ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ “thân mật” là gì ngoài những tiếp xúc thể chất. Nó còn là sự tôn trọng, thấu hiểu và biết thương lẫn nhau.
Hiền Lê
Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Khooa Nguyễn cho Vietcetera

Chúng ta đều cần được ăn, được uống, được che chắn dưới một mái ấm để chống chọi thời tiết khắc nghiệt. Đây là các nhu cầu sinh tồn tối thiểu, cần được đáp ứng để chúng ta sống sót. Vậy tình yêu có phải một nhu cầu như thế? Không có tình yêu thì chúng ta có tồn tại được không?

Không ít người trải qua đổ vỡ trong tình cảm, hôn nhân, hay lớn lên trong gia đình mất chức năng đã tự hỏi mình như vậy. Nhưng trên thực tế, dù quá khứ có gặp nhiều tổn thương về tình cảm, chúng ta vẫn có thể vượt qua nó với liệu trình tư vấn hợp lý. Điều này là cần thiết để phát triển các mối quan hệ bền vững sau này.

Những câu hỏi trên sẽ được giải đáp trong cuộc trò chuyện của host Hùng Võ và tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga - khách mời của EduStation tập 29. Tiến sĩ Tố Nga tốt nghiệp Đại học Minnesota (Mỹ) với hai chuyên ngành: Trị liệu cặp đôi và gia đình và Đo lường Định lượng trong tâm lý và giáo dục. Hiện cô điều hành 2 cơ sở tư vấn và trị liệu tâm lý, đồng thời là giảng viên chương trình Tâm lý học tại Đại học Fulbright.

Vì sao con người ta cần phải yêu?

Theo tháp nhu cầu của Maslow, tình yêu và các mối quan hệ thân thiết ngoài phạm vi gia đình thuộc tầng thứ 3 (nhu cầu xã hội). Cùng với nhu cầu sinh lý & an toàn ở 2 tầng dưới, đây là 3 tầng nhu cầu mang tính chất “sống còn” của con người. Bởi nếu nhu cầu sinh lý & an toàn khiến ta sung sướng khi được đáp ứng, thì nhu cầu xã hội mang lại cảm giác đủ đầy, hạnh phúc.

Thậm chí nếu không có tình yêu, con người có thể diệt vong. Bởi con người khá “yếu đuối” và phát triển chậm hơn các động vật khác. Chẳng hạn một con ngựa con sinh ra vài ngày là có thể tự chạy, còn đứa bé sinh ra phải đến 9 tháng sau mới lò dò biết đi. Vì thế mà con người phải sống theo cộng đồng để nương tựa lẫn nhau mà sinh tồn, nối dõi. Và để nương tựa vào nhau thì phải có tình yêu và sự kết nối giữa người với người.

Để chứng minh nhận định này, tiến sĩ Tố Nga lấy ví dụ về thời dịch COVID-19. Khi đó, có những thành phần vô ý thức không đeo khẩu trang, tụ tập bất chấp lệnh giãn cách. Để rồi khi họ thành F0 thì cả gia đình họ lây nhiễm, cả khu vực họ sống bị phong tỏa. Đây là ví dụ điển hình cho thấy, nếu sống bất cần, ko biết quan tâm/yêu thương lẫn nhau thì con người sẽ diệt vong.

Kiểu gắn bó ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ của bạn?

Vậy là dù trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng vẫn cần tình yêu thương để tồn tại. Nhưng khi không học được cách “yêu thương” từ bé, thì ta sẽ kết nối với người khác khi trưởng thành thế nào? Liệu ta có kết nối được đúng cách hay không?

Đó chính là những vấn đề xoay quanh kiểu gắn bó (attachment style). Đây là học thuyết của nhà tâm lý John Bowlby, trong đó kiểu gắn bó ta hình thành với bố mẹ/người chăm sóc thời nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cách ta gắn bó với người thương sau này. Có 4 kiểu gắn bó cơ bản:

  • Gắn bó an toàn: Không gặp trở ngại khi thể hiện tình cảm, truyền đạt mong muốn với đối phương.
  • Gắn bó lo âu: Có xu hướng kiểm soát, bám đuổi, khao khát thân mật nhưng lại lo âu về sự vững chắc của mối quan hệ.
  • Gắn bó né tránh: Sợ sự thân mật, coi trọng sự độc lập của bản thân song gặp khó khăn khi thể hiện cảm xúc.
  • Gắn bó lo âu - né tránh: Sợ gần gũi và thân mật, nhưng cũng lo sợ về mức độ chung thủy của đối phương.

Có tới 3 trong số 4 kiểu gắn bó này là không an toàn, thường hình thành ở người lớn lên trong gia đình mất chức năng, bị bỏ mặc hay ngược đãi về cảm xúc. Chẳng hạn trong gia đình có một đứa con được bố mẹ chú ý hơn, những đứa còn lại vô tình bị “bỏ rơi” về cảm xúc. Chúng vẫn được lo cho ăn ngủ, song không được bố mẹ âu yếm, thể hiện tình cảm.

Những đứa trẻ ấy lớn lên với một khoảng trống (void) trong tâm trí. Vì vậy chúng có xu hướng tìm người khác để lấp đầy chỗ trống đó, để khiến mình trở nên có giá trị trong mắt người khác. Song trên thực tế không ai lấp đầy được chỗ trống đó. Bởi mọi mối quan hệ đều cần nỗ lực đến từ 2 phía, nếu chỉ trông chờ người khác thương mình mà mình không thương lại họ, thì mối quan hệ này cũng khó mà kéo dài.

Tiến sĩ Tố Nga khẳng định, không ai trách bạn vì thiếu thốn tình yêu thương khi còn nhỏ. Và cũng khó mà trách được thế hệ ông bà bố mẹ ta, bởi họ đã làm hết sức có thể để nuôi lớn chúng ta với nguồn lực hạn chế.

Nhưng bạn cần ý thức được rằng mình có trách nhiệm giải quyết các vấn đề tâm lý liên quan. Và bạn đời nên đóng vai trò hỗ trợ bạn trong quá trình bạn xử lý nó, chứ không phải trở thành cành cây cho bạn bám vào.

Thế nào là một mối quan hệ thân mật?

Khi nhắc đến thuật ngữ tiếng Anh của nó (intimate relationship), không ít người sẽ cho rằng intimate đồng nghĩa với quan hệ tình dục. Theo cách nghĩ của họ, khi bạn và người ấy sẵn sàng "lên giường" cùng nhau, hai bạn đã có mối quan hệ đủ thân mật.

Cách nghĩ này không sai, nhưng nó chưa đầy đủ. Bởi không phải ai “mây mưa” cũng thực sự thấu hiểu nhau (như những người lao động tình dục, họ hoàn toàn không biết gì về người đang ở trên giường cùng mình).

“Thân mật” còn là sự tôn trọng, thấu hiểu và biết thương lẫn nhau. Bạn hiểu rõ quá khứ của người ấy, hiểu vì sao họ hành xử như vậy để thông cảm và hỗ trợ họ xử lý các vấn đề tâm lý. Bạn không ngần ngại va chạm, hay yếu đuối trước mặt đối phương để họ thấu hiểu, và sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ từ họ.

Đó là sự thân mật chúng ta nên hướng tới trong bất kỳ mối quan hệ thân thiết nào, chứ không chỉ trong tình yêu. Và để “nhìn thấu” đối phương tốt hơn, cặp đôi có thể nhờ sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý, bởi họ đã được đào tạo bài bản khía cạnh này.

Tiến sĩ Tố Nga cũng chỉ ra rằng, hiện nay có không ít sách best-seller dạy ta cách làm đối phương thích mình, cách khiến họ cảm thấy không thể sống thiếu mình. Song chúng hầu hết dạy ta cách thay đổi bề ngoài (quần áo, tóc tai hay cách ăn nói) mà không thay đổi được bản chất những vấn đề bên trong. Chưa kể, đây là cách nhanh nhất để người ta thao túng lẫn nhau, và rồi lại khổ vì luôn kỳ vọng đối phương phải lấp đầy lỗ hổng trong mình.

Và nếu bạn đang “mắc kẹt” trong một mối quan hệ (ví dụ bạn đang gặp nhiều vấn đề, nhưng vẫn trân trọng đối phương), thì hãy thử những cách “mở khóa” khác thay vì cố chấp với những cách cũ. Nói một cách dễ hiểu, nếu bạn mở mãi một cánh cửa mà nó vẫn kẹt, bạn cần tìm ra cánh cửa khác hoặc những con đường khác để thoát ra.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục