Hiểu đúng về tục kéo vợ
“Kéo vợ” - truyền thống hay hủ tục?
Những ngày gần đây, người ta truyền tay nhau đoạn clip quay cảnh một thanh niên đang “kéo” một cô gái trẻ. Cô gái vùng vẫy khóc lóc vì không thể giằng mình khỏi tay anh thanh niên, trước sự chứng kiến của rất nhiều người.
Vụ giằng co kết thúc khi có sự vào cuộc của một công an địa phương. Dù chỉ xem thước phim rất ngắn và chưa biết nội tình ra sao, nhiều cư dân mạng đã lên tiếng bức xúc, cho rằng đây là hủ tục cần phải bị xoá bỏ trong thế giới văn minh.
Thực tế, “kéo vợ” là một thực hành văn hoá có ý nghĩa phức tạp hơn nhiều so với những gì người ngoài cuộc, đặc biệt là người Kinh, chứng kiến hoặc nghe kể lại. Và cũng bởi phong tục này thường bị hiểu sai, ở một số địa phương, cán bộ văn hoá đã phải vận động người dân không sử dụng mạng xã hội để phát tán những clip không có bối cảnh, dẫn đến những cách hiểu không đúng về phong tục này.
Theo hai nhà nhân học Hoàng Cầm và Trường Giang, kéo vợ (hei pux), trong ngôn ngữ H’mông, là cái lý (cêr liv) đã tồn tại lâu đời trong văn hoá của người Mông các tỉnh phía Bắc. Nhìn từ quan điểm người trong cuộc, phong tục này có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống hôn nhân của người địa phương.
Vào ngày hội xuân, các chàng trai, cô gái người Mông đến tuổi trưởng thành sẽ cùng nhau dự hội, đi chợ phiên. Họ mặc những trang phục mới nhất, đẹp nhất để giao lưu, tìm người mình yêu, mình mong đợi. Sau khi lựa chọn, chàng trai Mông sẽ tổ chức kéo vợ vào một ngày nhất định.
Một đoàn kéo vợ có ít nhất 3-5 người khỏe mạnh. Họ cần biết cách để không làm đau cô gái trong cuộc giằng co với gia đình nhà gái hoặc bản thân cô gái để đưa về nhà. Dù biết đó là người mình yêu, cô gái vẫn tỏ ra sợ hãi chống cự, thậm chí nhờ người xung quanh can thiệp. Điều này hoàn toàn dễ hiểu vì quan niệm “các cô gái không bao giờ tự bước vào nhà chồng”.
Việc chàng trai kéo cô gái về nhà không hề có sự cưỡng ép tới từ người đàn ông. Từ lúc cô gái bị kéo về nhà trai cho đến hôn nhân là một quá trình thương thảo, lựa chọn và có sự chủ động thuộc về người phụ nữ.
Em gái hoặc chị gái của chàng trai sẽ ngủ chung với cô gái trong 3 đêm. Thông qua trò chuyện, cô sẽ hiểu hơn về nếp sống gia đình nhà trai. Sau thời gian đó, cô gái hoàn toàn có thể từ chối cuộc hôn nhân. Cô sẽ đợi những lần kéo khác cho đến khi tìm được người mình thương.
“Kéo vợ” quan trọng ở chỗ nó nâng cao vị thế của người phụ nữ trong quan hệ gia đình và xã hội. Vị thế xã hội của người phụ nữ ngày càng cao dựa theo số lần họ được kéo, theo quan niệm của dân địa phương.
“Miền núi tiến kịp miền xuôi” - định kiến và sự đứt gãy văn hoá
Những định kiến về tục kéo vợ đầu tiên xuất phát từ cách nhìn của người ngoài văn hóa Mông. Do chỉ nhìn được mặt nổi của hiện tượng này, họ cảm nhận được một sự không trùng khớp với lẽ thường văn hóa của mình, và dần sinh ra ác cảm với văn hóa không quen thuộc.
Nhưng quan trọng hơn, định kiến biến thành một vấn đề hệ thống vì nó liên tục bị diễn giải lệch lạc bởi truyền thông và giáo dục trong một khoảng thời gian dài. Mỗi lần nghĩ đến tục kéo vợ, chúng ta chỉ nhớ tới tác phẩm Vợ chồng A Phủ, được viết bởi một tác giả người Kinh.
Luồng dư luận coi kéo vợ là hủ tục “kém văn minh”, chịu ảnh hưởng từ niềm tin “miền núi tiến kịp miền xuôi” vốn xuất hiện trên băng rôn khẩu ngữ tuyên truyền hàng chục năm nay. Câu nói này ẩn ý, những gì thuộc về miền núi lạc hậu, và nên đi theo các giá trị của người miền xuôi.
Theo nghiên cứu “Thiểu số cần tiến kịp đa số” của nhóm tác giả Phạm Quỳnh Phương, Hoàng Cầm, Lê Quang Bình, Nguyễn Công Thảo, Mai Thanh Sơn, nếp sống hàng ngày của người dân tộc thiểu số thường có xu hướng bị ảnh hưởng bởi sự phán xét từ nhóm người “văn minh hơn”.
Buộc trâu bò dưới gầm sàn (mất vệ sinh), làm nương (phá rừng), phương thức sản xuất nông nghiệp (sơ khai), ma chay cúng vía (mê tín dị đoan), cướp vợ (phân biệt giới), v.v. Người đánh giá, giống như những người bình luận dưới clip vừa rồi, sẽ trả lời rằng họ đâu có định kiến, mà quan sát thấy vậy thì nói đúng sự thật thôi.
Họ không biết rằng cái sự thật mình quan sát được đã luôn bị hiểu và diễn giải theo thiên kiến cá nhân của mình. Ở đây, thiên kiến đó còn được bồi đắp lâu năm thông qua hệ thống thông tin và giáo dục, xuất phát từ nhóm mạnh và hướng tới phán xét nhóm yếu.
Sự đứt gãy xảy ra khi chính người bản địa cũng tin rằng những gì xấu xí truyền thông nói về mình là sự thật. Nhiều người không còn tự hào bởi văn hoá của mình, nhiều người lợi dụng sự hiểu sai để cố tình làm sai.
Nhiều tiêu cực xảy ra trong thực hành văn hoá có thể tồn tại. Nhưng ta nên hiểu đó là những phiên bản biến tướng, có vỏ nhưng rỗng ruột, chứ không phải bản thân bản sắc văn hoá có lỗi.
Hãy tôn trọng quyền tự quyết văn hoá
Tất nhiên, văn hoá, truyền thống và phong tục không phải thứ tồn tại trường tồn, bất biến, mà liên tục thay đổi theo thời gian. Nhưng là người không thuộc nền văn hoá bản địa, chúng ta cần tôn trọng quyền tự quyết của người trong cuộc tới văn hoá của họ.
Người dân tộc thiểu số có quyền gìn giữ một nét văn hoá người ngoài không đồng cảm, hoặc loại bỏ một thứ văn hoá người ngoài coi là đẹp. Lí do là bởi họ mới là những người chèo lái sự vận động xã hội của cộng đồng mình.
Với nhãn quan tôn trọng văn hoá bản địa và ủng hộ đa văn hoá, nhóm dân tộc đa số có thể tránh được hai cái bẫy sau:
Thứ nhất, cho rằng cái hay, cái tốt của văn hoá mình là cái hay, cái tốt của tất cả mọi người, từ đó bắt ép các dân tộc không cùng chung hệ giá trị phải đi theo mình. Tư tưởng này được gọi là thuyết vị tộc (ethnocentrism) - nghĩa là việc lấy giá trị của dân tộc mình làm tiêu chuẩn cho các nơi khác.
Thứ hai, cho rằng phong tục nào của nhóm thiểu số cũng là đẹp, là tinh hoa văn hoá, dẫn đến việc miễn cưỡng người dân phải giữ phong tục, dù cộng đồng của họ muốn thay đổi. Tư tưởng này cũng là một phiên bản của thuyết vị tộc. Nó có tính chất chiếm dụng văn hoá (cultural appropriation), lấy cái đẹp của người khác làm cái đẹp của mình.
Vì thế khi xem đoạn clip đang nổi vừa rồi, hãy nghĩ về những giá trị ngầm ẩn của thực hành văn hoá và tôn trọng sự lên tiếng của người trong cuộc. Tôn trọng quyền tự quyết văn hoá xuất phát từ việc nỗ lực thấu hiểu văn hoá.
Kết
Tôn trọng quyền tự quyết văn hoá còn có nghĩa là thể hiện sự đoàn kết với những nhóm ít đặc quyền, đặc lợi xã hội hơn mình. Khi đọc lại bài viết, tôi nhận ra rằng mỗi lần tôi xưng “chúng ta”, thực tế tôi chỉ hướng đến nhóm đối tượng người Kinh vẫn còn cảm thấy xa lạ với một phong tục họ không hiểu.
Và đáng tiếc, sự không hiểu ấy thuộc về một nhóm đa số. Nên chút nỗ lực kêu gọi sự tôn trọng và thấu hiểu này có lẽ cũng chỉ chạm tới được độc giả người Kinh giống như tôi.