Hồi phục sau đại dịch COVID-19: Kinh nghiệm từ đảo quốc Đài Loan
Sau đại dịch, Đài Loan có tiềm năng rất lớn trong việc trở thành quốc gia hàng đầu tại châu Á về quyền lực mềm, dẫn đầu về tiến bộ xã hội, công nghệ đổi mới và kiểm soát dịch bệnh.
Từ năm 2020 đến nay, thế giới đã trải qua nhiều biến động và khó khăn do đại dịch COVID-19. Cùng với Hàn Quốc, Úc, New Zealand, và Việt Nam, Đài Loan là một trong số các quốc gia đạt thành tựu đáng kể trong công tác kiểm soát dịch bệnh, và hiện đã sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới.
Vào tháng 07/2021, Đài Loan đã thành công kiểm soát làn sóng bùng phát dịch thứ 3 do biến chủng Delta, đưa cuộc sống của người dân trở lại trạng thái bình thường. Thành tích kiểm soát đại dịch trong 2 năm qua của Đài Loan đã thu hút đáng kể sự chú ý từ cộng đồng quốc tế, đặc biệt khi thế giới hiện đang trong trạng thái vừa ứng phó với tác động của đại dịch, vừa chuẩn bị cho sự phục hồi trong tương lai.
Nỗ lực kiểm soát đại dịch thành công của Đài Loan
Nhìn chung, trong thời gian ứng phó với đại dịch, Đài Loan vẫn duy trì các hoạt động kinh doanh và cuộc sống bình thường. Dù có tới 23,5 triệu dân và đã trải qua làn sóng bùng phát dịch thứ 3 do biến thể Delta, Đài Loan vẫn giữ được số ca tử vong do đại dịch COVID-19 dưới mức 1.000 ở thời điểm bài viết.
Câu hỏi được đặt ra là: Đài Loan đã áp dụng những biện pháp nào để kiểm soát tình hình dịch bệnh? Có 3 yếu tố chính đóng góp cho thành công này: hành động sớm, chủ động hợp tác quốc tế, và ứng dụng công nghệ.
Tương tự như Việt Nam, Đài Loan đã thực hiện đóng cửa biên giới đối với hoạt động du lịch quốc tế vào tháng 03/2020, nhằm ngăn chặn sự lây lan các ca dương tính. Đến nay, Đài Loan vẫn tiếp tục áp dụng các biện pháp cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh từ nước ngoài và bệnh nhân COVID-19 trong nước.
Nhờ hành động sớm và kịp thời, số ca nhiễm bệnh ghi nhận tại Đài Loan đã giảm đáng kể. Khác với nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp phong tỏa tùy mức độ để ứng phó với đại dịch, trong suốt 20 tháng qua, Đài Loan vẫn có thể duy trì hoạt động của các loại hình dịch vụ trong nước như quán cà phê, quán bar, hay phòng hòa nhạc.
Bên cạnh đó, biện pháp hiệu quả nhất mà Đài Loan áp dụng trong công tác kiểm soát đại dịch, đặc biệt trong đợt bùng dịch vào tháng 05/2021, là ứng dụng công nghệ truy vết (track & trace).
Loại hình công nghệ này đã trở thành chủ đề gây tranh cãi trên toàn thế giới, khi người dân và các nhà hoạch định chính sách đều phải cân nhắc giữa quyền tự do dân sự và đảm bảo an toàn công cộng. Tuy nhiên, thay vì sử dụng ứng dụng truy vết trên thiết bị di động, Đài Loan đã áp dụng các phương pháp đơn giản hơn và vẫn đem lại hiệu quả: cho phép đăng nhập bằng mã QR tại các khu vực công cộng như nhà hàng và quán cà phê.
Trước đó, trong đại dịch, chính phủ đã triển khai các ứng dụng tích hợp nhiều chức năng, ban đầu để giúp người dân thuận lợi mua khẩu trang khi nguồn cung khan hiếm, và sau đó để đăng ký tiêm chủng. Ngoài ra, người dân cũng được cập nhật đầy đủ thông tin và hướng dẫn hàng ngày thông qua các công cụ truyền thông xã hội.
Không chỉ quan tâm đến đời sống của người dân trong nước, trong thời gian đầu đại dịch, Đài Loan cũng đã gửi tặng hơn 50 triệu khẩu trang y tế tới các quốc gia đang có nhu cầu tăng cao. Trong số đó, có hàng triệu chiếc khẩu trang được người dân trong nước tự nguyện ủng hộ.
Sau những đóng góp cho thế giới, Đài Loan cũng nhận được sự trợ giúp đáng kể trong công tác phòng chống dịch. Khi việc đảm bảo nguồn cung vắc-xin ngày càng khó khăn, Đài Loan đã lần lượt được tài trợ hơn 8 triệu liều vắc-xin từ nhiều quốc gia khác trên thế giới, và đến nay đã có hơn 1/3 dân số Đài Loan được tiêm phòng.
Các tiến bộ xã hội
Về mặt chính trị - xã hội, trong thập kỷ vừa qua, Đài Loan đã trải qua một cuộc chuyển đổi thế hệ quan trọng. Sau cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp đầu tiên vào năm 1996, xã hội Đài Loan hiện đã hoàn toàn chấp nhận nền dân chủ, sự đa dạng, và tư duy cầu tiến.
Chưa đầy 30 năm sau cột mốc bầu cử quan trọng, Đài Loan hiện được cả thế giới công nhận là quốc gia dẫn đầu về sự tiến bộ, chính sách khoan hồng, và sự đa dạng. Một trong những minh chứng cho sự công nhận này là việc Đài Loan lọt vào bảng xếp hạng đánh giá mức độ bình đẳng giới: cụ thể là hạng 6 thế giới và hạng nhất tại châu Á.
Năm 2019, Đài Loan trở thành quốc gia đầu tiên tại châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Đảo quốc sau đó đã tổ chức cuộc diễu hành LGBT Pride lớn nhất châu lục, cho thấy xã hội Đài Loan đã trở nên cởi mở và sẵn sàng chấp nhận sự đa dạng văn hóa.
Ngoài ra, Đài Loan còn sở hữu hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân, môi trường khởi nghiệp và kinh doanh thân thiện, cùng với đó là các sáng kiến về năng lượng tái tạo. Trên thực tế, Đài Loan là thị trường dẫn đầu tại châu Á về phát triển năng lượng gió ngoài khơi (offshore wind).
Đây đều là những dấu hiệu chuyển biến tích cực, cho thấy Đài Loan hiện đang trong quá trình nâng tầm ảnh hưởng của mình trên phạm vi toàn cầu.
Chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế trong tương lai
Chính phủ Đài Loan hiện đang kiểm soát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trong nước, nên vẫn chưa mở cửa đón khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, khi hoạt động du lịch được tái khởi động sau đại dịch, Đài Loan chắc chắn sẽ trở thành một điểm đến không thể bỏ lỡ.
Đài Loan không nằm trên cung đường thuận lợi cho “du khách ba-lô” như Thái Lan - Campuchia - Lào - Việt Nam, và cũng không sở hữu đường bay được thiết kế sang trọng và cao cấp như Singapore, Tokyo, Thượng Hải, hay Hồng Kông. Dù vậy, khách du lịch cũng không nên vì thế mà bỏ lỡ cơ hội khám phá những nét đặc trưng của đảo quốc Đài Loan.
Trước tiên, du khách có thể ghé thăm thành phố Đài Bắc sôi nổi và đầy sức sống. Hàng quán và các món ăn đường phố tại đây luôn có nét hấp dẫn đặc biệt, cùng khu vực chợ đêm luôn tấp nập. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều bảo tàng mới lạ và các hoạt động văn hóa nghệ thuật được tổ chức thường xuyên.
Đài Loan cũng nổi tiếng với nhiều quán bar và quán cà phê độc đáo, ít người biết đến; cũng như các tuyến đường mòn trên hẻm núi ở ngay khu vực ngoại ô. Cách Đài Bắc không xa là thị trấn cổ Jiufen (Cửu Phần) - nơi được cho là nguồn cảm hứng tạo nên bộ phim hoạt hình Spirited Away nổi tiếng.
Không chỉ khám phá đô thị nhộn nhịp, du khách cũng có thể tham quan các kỳ quan thiên nhiên tại Đài Loan như Hẻm núi Taroko, những bãi biển cát trắng tại Kenting (Khẩn Đinh), Vườn Quốc gia Yushan (Ngọc Sơn), Dãy núi Alishan (A Lý Sơn), và quần đảo Penghu (Bành Hồ).
Dù chỉ là một đảo quốc nhỏ — dài 400 km theo chiều Bắc-Nam và rộng 150 km theo chiều Đông-Tây — Đài Loan có đầy đủ tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Bất kỳ ai từng tới Đài Loan đều ấn tượng với khung cảnh và trải nghiệm mà nơi đây mang lại, và đảo quốc sẽ sớm trở thành một địa điểm lý tưởng trên bản đồ du lịch thế giới.
Bài viết được biên dịch bởi Thảo Vân