Hơn 40 người Việt trốn khỏi casino tại Campuchia

Tới khi nào thì tình trạng buôn người mới chấm dứt?
Sơn Hoàng
Những người sống sót nghỉ ngơi sau khi vượt biên trên sông. | Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng

Những người sống sót nghỉ ngơi sau khi vượt biên trên sông. | Nguồn: Báo Sài Gòn Giải phóng

1. Chuyện gì đã xảy ra?

Sáng ngày 18/8, người dân tại cửa khẩu Long Bình, An Giang ngỡ ngàng khi thấy hàng chục người từ phía tỉnh Kandal (Campuchia) bơi về phía Việt Nam trên sông Bình Di - biên giới tự nhiên giữa hai nước.

Họ là những lao động bất hợp pháp bị lừa bán sang Campuchia. Cụ thể, 42 người Việt đã lên kế hoạch tháo chạy khỏi một cơ sở casino tại biên giới Campuchia sau khi bị tra tấn và ép buộc lao động không lương.

40 người đã chạy thoát thành công và hiện đang nhận sự giúp đỡ của người dân cũng như lực lượng biên phòng tỉnh An Giang. Một người đã mất tích khi vượt sông, trong khi một người khác bị bảo vệ casino bắt lại.

Các nạn nhân không có tư trang hay giấy tờ tùy thân và tới từ 21 tỉnh thành trên cả nước. Công an tỉnh An Giang đã bắt giữ hai người Việt có liên quan tới vụ việc này.

2. Thủ đoạn của những kẻ buôn người là gì?

Trải qua hai năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhiều người đã lâm vào cảnh thất nghiệp. Nắm bắt tâm lý nôn nóng tìm việc, những kẻ buôn người đã dụ dỗ họ đi xuất khẩu lao động tại Campuchia với những vị trí việc nhẹ mà lương cao.

Chúng hứa hẹn mức lương ít nhất 800-1000 đô mỗi tháng nhưng không yêu cầu kỹ năng gì ở người được tuyển dụng, ngoài việc biết sử dụng máy tính. Công việc ở Campuchia, theo lời những kẻ buôn người, chỉ là soạn thảo văn bản hoặc giúp điều phối các phần mềm trò chơi hay các website cá cược.

Những kẻ buôn người có rất nhiều thủ đoạn để lôi kéo các nạn nhân, bao gồm cả quảng cáo trên mạng xã hội, tiếp cận trực tiếp qua các hội nhóm trên Zalo, hay thậm chí là… tiếp thị qua điện thoại (telemarketing). Nhiều nạn nhân còn bị lừa bởi tin những lời truyền miệng của người thân hay hàng xóm.

3. Vậy “việc nhẹ” mà những kẻ buôn người hứa hẹn là việc gì?

Những “cò buôn” đưa nạn nhân qua biên giới và giao người cho các chủ casino người Trung Quốc tại Campuchia. Công việc của họ tại đây là lôi kéo người Việt Nam tham gia vào các trò chơi trực tuyến, các hoạt động cá cược trên mạng, các sàn giao dịch ảo, hay vay tiền qua ứng dụng.

Đây đều là các nền tảng lừa đảo và chiếm đoạt tiền. Như vậy, sau khi bị lừa, các nạn nhân lại bị ép đi lừa đồng hương của mình.

Họ không được phép ra ngoài khu làm việc và gần như bị giam lỏng. Hàng ngày, họ phải làm từ sáng tới nửa đêm mà không được nhận lương. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu, hoặc tỏ thái độ chống đối, những người quản lý ở đây sẽ đánh đập bằng dùi cui và chích điện các nạn nhân.

Nhiều người đã cố gắng tìm cách chấm dứt công việc và quay về nước, nhưng sau đó ngỡ ngàng khi biết phí để chuộc thân mình khỏi địa ngục là ít nhất 3000 đô. Mặt khác, những cơ sở casino này thường xuyên bán các nạn nhân cho cơ sở khác trong cùng khu vực. Qua mỗi lần bị bán đi, số tiền chuộc lại càng tăng thêm.

4. Nạn buôn người tại biên giới Tây Nam nghiêm trọng như thế nào?

Bộ Ngoại giao cho biết trong thời gian vừa qua, Bộ đã giải cứu hơn 500 công dân về nước an toàn từ khu vực biên giới với Campuchia.

Biên giới Tây Nam luôn là một điểm nóng nhập cảnh bất hợp pháp vào Việt Nam và Campuchia do đường biên giới dài và địa hình đa dạng, phức tạp. Đây không phải lần đầu tiên chúng ta nghe về những nạn nhân buôn người tại khu vực này.

Trong các hội đồng hương của người Việt tại Campuchia hay các hội nhóm Khmer-Việt, nhiều người đã chia sẻ các câu chuyện vượt biên và bị bán vào những cơ sở như trên. Ngoài ra còn có cả những lời kêu cứu của các nạn nhân đang bị hành hạ và bóc lột.

Theo lời kể của người dân khu vực biên giới, vụ việc lần này có số lượng nạn nhân rất lớn nhưng không phải là vụ việc đầu tiên. Trước đó đã nhiều lần dân địa phương và bộ đội biên phòng giải cứu những nhóm nhỏ người Việt bơi qua sông về nước.

5. Campuchia thành tụ điểm buôn người tại Đông Nam Á như thế nào?

Được biết tới với các hoạt động giải trí mại dâm và các tụ điểm cờ bạc ở biên giới, buôn người là một vấn nạn lớn tại Campuchia. Nhiều phụ nữ và trẻ em gái đã bị bán cho các đường dây mại dâm, trong khi các nam thanh niên phải làm việc trong những điều kiện lao động ngặt nghèo.

Sự phát triển của internet làm nảy sinh một hình thức buôn người mới: xuất khẩu lao động bất hợp pháp để lừa đảo qua mạng. Dẫn đầu mô hình này là các băng đảng hay các công ty ma từ Trung Quốc.

Nhờ hàng tỉ đô từ Trung Quốc, các sòng bài tại Campuchia xuất hiện liên tục. Nhưng đi kèm với đó là tình trạng bất ổn và tội phạm xuyên quốc gia leo thang. Vậy nên Campuchia mới có những khu phức hợp khổng lồ do người Trung Quốc quản lý, và tiến hành những hoạt động bất hợp pháp ở bên trong.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục