Góc nhìn của Tổng Lãnh Sự Úc - Julianne Cowley

Julianna cũng chia sẻ về dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ diễn ra vào năm 2023, về cam kết của Úc trong công tác đẩy mạnh bình đẳng giới tại Việt Nam, và phong cách lãnh đạo của Julianna đã thay đổi như thế nào trong “năm COVID”.
Valeria Mertsalova
Nguồn: Cơ Nguyễn cho Vietcetera

Nguồn: Cơ Nguyễn cho Vietcetera

Từ tầng thượng khu nhà Tổng lãnh sự Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP. HCM) nhìn xuống, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một quang cảnh rợp bóng những hàng cây. Thấp thoáng giữa màu xanh mát ấy là Dinh Độc Lập tráng lệ. Vậy mà khung cảnh ấy vẫn không đủ sức chinh phục nổi Tổng Lãnh Sự Úc, Julianne Cowley, dù bà đã sinh sống tại Sài Gòn cùng gia đình trong suốt 2 năm qua. Julianne thừa nhận rằng, trái tim bà đã trót dành trọn cho những món ăn hấp dẫn mà bà tìm thấy ngay bên vệ đường, ở gần trước nhà.

Ẩm thực luôn chiếm một vị trí quan trọng trong cả hai nền văn hoá Úc và Việt Nam. Nó cũng là cái duyên đưa Julianna đến với chúng tôi trong cuộc trò chuyện này. Tại đây, Julianna cũng chia sẻ về dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ diễn ra vào năm 2023, về cam kết của Úc trong công tác đẩy mạnh bình đẳng giới tại Việt Nam, và phong cách lãnh đạo của Julianna đã thay đổi như thế nào trong “năm COVID”.

Ngoài tình yêu dành cho ẩm thực ra, theo bà, giữa Việt Nam và Úc còn có những điểm tương đồng nào?

Cũng giống người Việt, người Úc chúng tôi ưa thích sự thẳng thắn. Vì thế cả hai dường như rất hiểu nhau.

Trở lại với tình yêu dành cho ẩm thực, ở Việt Nam, dù bạn có làm việc với nhau nghiêm túc và hiệu quả cách mấy mà chưa ngồi xuống ăn cùng nhau bữa cơm thì cũng chưa thể gọi là thân. Chính sự thân tình ấy mới là điều quan trọng. Đó là lý do vì sao chúng tôi khuyến khích các doanh nghiệp Úc nên hiện diện tại Việt Nam. Sắp tới, Văn phòng Đầu tư và Thương mại của bang Victoria sẽ được ra mắt tại toà nhà Bitexco, còn bang New South Wales cũng vừa thông báo sắp thành lập văn phòng tại TP.HCM.

Ngày hội Quốc Khánh Úc do Tổng Lãnh Sự Úc tổ chức đã trở thành một trong những sự kiện ẩm thực lớn nhất tại Sài Gòn. Bà hãy chia sẻ thêm về chính sách “ngoại giao ẩm thực” này.

Đây là một sự kiện nhằm tôn vinh ẩm thực và văn hoá Úc, được phối hợp tổ chức bởi Chính phủ Australia cùng các nhà sản xuất, nhà phân phối bán lẻ và các nhà hàng. Chúng tôi rất hân hạnh được mang đến TP. HCM cũng như Việt Nam những nguyên liệu xanh, sạch và an toàn từ Úc để chế biến các món ăn và đồ uống hảo hạng.

Dù ở bất cứ đâu, ẩm thực đều mang mọi người đến gần nhau hơn. Úc là một quốc gia có nền văn hoá đa sắc tộc lớn mạnh, vì thế ẩm thực của chúng tôi cũng vô cùng phong phú và đa dạng. Cũng giống như người Việt, người Úc thích được quây quần bên gia đình, bạn bè và láng giềng để cùng thưởng thức những món ăn ngon, mới lạ từ khắp nơi trên thế giới.

Không chỉ dừng lại ở việc quảng bá nguồn nguyên liệu thượng hạng từ Úc, chúng tôi hy vọng sự kiện giới thiệu văn hoá ẩm thực Úc này có thể góp phần kết nối cộng đồng. Tôi cũng rất tự hào khi nhìn thấy các sản phẩm từ Úc có mặt khắp mọi nơi tại TP.HCM nói riêng, và Việt Nam nói chung.

Tại TP.HCM, Ngày Hội Cộng Đồng Quốc Khánh Australia (Australia Day Community Event) do Tổng Lãnh Sự Úc tổ chức là một sự kiện mang tính gia đình của Australia dành cho cộng đồng người Úc, cựu sinh viên Úc cũng như công chúng. Với sự cộng tác của các nhà hàng danh tiếng, các khách sạn 5 sao, các quán cà phê và nhà cung cấp bia, năm ngoái chúng tôi đã phục vụ những món ăn và thức uống đặc sản Úc cho hơn 1.000 vị khách.

Khi đến Việt Nam sinh sống và làm việc, phong cách lãnh đạo của bà đã thay đổi ra sao?

Từ trước khi dịch COVID-19 làm xáo trộn mọi thứ và khiến tôi phải làm việc trong “khủng hoảng”, phong cách lãnh đạo của tôi cũng đã có những thay đổi nhất định. Khi vừa nhận công tác ở đây thì tôi sắp sinh bé thứ ba, chỉ việc đó thôi cũng đủ ảnh hưởng ít nhiều đến công việc rồi. Để có thể vừa đương đầu với đại dịch, vừa chăm lo cho người dân, tổ chức những chuyến bay giải cứu, vừa đảm bảo các doanh nghiệp có đủ nguồn lực để hồi phục nhanh chóng, phong cách lãnh đạo cũng buộc phải thích nghi.

Tôi thấy mình thật may mắn được làm những công việc mình yêu thích và có thể làm việc với nguồn năng lượng tích cực. Hơn nữa, tôi tự hào là một công dân Úc, niềm tự hào ấy càng trở nên lớn hơn khi tôi đang làm việc ở một quốc gia khác. Điều đó cũng thể hiện qua phong cách lãnh đạo của tôi.

Ngày 10/11 vừa qua Tổng Lãnh sự Úc đã tổ chức kỷ niệm Tuần lễ NAIDOC. Bà hãy cho chúng tôi biết thêm về sự kiện này.

Tại Úc, Tuần lễ NAIDOC là một lễ kỷ niệm thường niên về lịch sử, văn hóa và thành tựu của các dân tộc Thổ dân và cư dân eo biển Torres - những cư dân đầu tiên tại châu Úc. Tuần lễ NAIDOC năm nay có chủ đề “Always Was, Always Will Be”, nhằm ghi nhận sự hiện diện và đóng góp to lớn của các dân tộc Thổ dân và cư dân eo biển Torres đối với châu Úc trong suốt hơn 60.000 năm qua.

Sự kiện được Tổng lãnh sự Úc tổ chức đã giới thiệu Pilbara - vùng đất sở hữu vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, di sản văn hoá bản địa phong phú, cùng những nét văn hoá - nghệ thuật ấn tượng. Đây cũng là nơi khai sinh ra Young Indigenous Women’s Pathways: một chương trình hỗ trợ những người dân bản địa trong lĩnh vực nghệ thuật và truyền thông.

Nhà thiết kế thời trang người Úc gốc Việt Betty Tran đã chia sẻ trải nghiệm khó quên của cô khi được làm việc cùng những phụ nữ trẻ tại đây và mang thành quả đạt được đến sàn diễn New York Fashion Week năm 2014.

2023 sẽ đánh dấu 50 năm quan hệ ngoại giao Việt-Úc. Trọng tâm trong những năm sắp tới trong mối quan hệ hai nước là gì?

Trong chuyến thăm chính thức đến Hà Nội, Thủ tướng Australia Scott Morrison và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí tập trung phát triển ba lĩnh vực: tăng cường hợp tác kinh tế; làm sâu sắc hợp tác chiến lược, quốc phòng và an ninh; và xây dựng mối quan hệ đối tác về tri thức và đổi mới sáng tạo.

Chương trình Hợp tác Quốc phòng Australia-Việt Nam ngoài trọng tâm gìn giữ hòa bình còn thúc đẩy hợp tác, trao đổi các vấn đề về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh; đào tạo và giáo dục, bao gồm đào tạo tiếng Anh; hợp tác chống khủng bố; và an ninh hàng hải, bao gồm các chuyến thăm thường niên bằng tàu Hải quân.

Australia rất vinh dự được hỗ trợ máy bay Hercules C-17 vận chuyển hai đơn vị đi thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hoà bình LHQ ở Nam Sudan (UNMISS) cùng lực lượng Bệnh viện dã chiến từ TP.HCM đến Juba.

Việt Nam và Australia có mối quan hệ kinh tế phát triển bền vững. Năm 2019, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước đạt 15.5 tỷ USD. Chính phủ hai nước nhất trí xây dựng chiến lược hợp tác kinh tế tăng cường với mục tiêu trở thành top 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều vào năm 2030. Chiến lược này sẽ giúp hai nước khôi phục lại nền kinh tế sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong mảng giáo dục đào tạo, mối quan hệ trao đổi song phương giữa hai nước tiếp tục lớn mạnh. Sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục ở hai nước ngày càng phát triển, đặc biệt ở cấp đại học. Trong năm 2019 đã có 26.050 học sinh, sinh viên Việt Nam nhập học tại Úc. Bên cạnh đó, suốt từ năm 2014 đến nay đã có 3.612 sinh viên thuộc chương trình New Colombo Plan (NCP) lựa chọn Việt Nam làm điểm đến học tập và trao đổi văn hoá.

Vì sao rất nhiều bạn trẻ Việt chọn du học tại Úc?

Trước hết, các trường đại học tại Úc liên tục dẫn đầu các bảng xếp hạng top 100 Trường Đại học của Times, QS và Shanghai Rankings. Trong bối cảnh thế giới đòi hỏi những khối óc sáng tạo và có tư duy kinh doanh, ngành giáo dục Úc đã đổi mới phương pháp dạy và học ở tất cả các bộ môn, với mục tiêu phát triển tư duy sáng tạo. Người học có được kinh nghiệm thực tiễn của các ngành nghề và phát triển các mối quan hệ nghề nghiệp thông qua các chương trình trải nghiệm và thực tập bắt buộc.

Australia được biết đến là một trong những quốc gia đa dạng và thân thiện nhất thế giới. Hơn 30% dân số Úc được sinh ra ở nước ngoài. Từ năm 2017 đến nay đã có hơn 700,000 học sinh sinh viên đến từ 192 quốc gia đã và đang học tập tại Úc. Cộng đồng người Việt ở Úc cũng rất lớn mạnh với khoảng 300,000 người và tiếng Việt cũng là ngôn ngữ thông dụng thứ 4 ở Úc.

Các bạn trẻ có thể tìm thấy cơ hội tiếp cận với nền giáo dục Úc ngay tại Việt Nam bằng cách nào?

Chúng tôi vinh dự được hỗ trợ các cơ sở giáo dục tại Việt Nam trong công cuộc đào tạo những nhà lãnh đạo tương lai của đất nước. Sự hiện diện trung tâm Vietnam-Australia Centre (VAC) tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh sắp tới sẽ hỗ trợ đắc lực cho chúng tôi trong công tác này.

Bên cạnh đó, các bạn còn có thể tìm đến Aus4Innovation: chương trình hỗ trợ tăng cường hệ thống đổi mới của Việt Nam, nắm bắt các cơ hội liên quan đến Ngành Công Nghiệp 4.0 và giúp định hình chương trình đổi mới của Việt Nam về khoa học và công nghệ.

Chương trình bao gồm bốn hoạt động chính tập trung vào các lĩnh vực Dự báo tầm nhìn số, Hợp tác tài trợ, Hợp tác thương mại khoa học và Phát triển các sáng kiến AI. Cho đến nay đã có 7 thoả thuận được ký kết bởi Tổ chức Nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung của Úc và các cơ quan tại Việt Nam; 60 đơn vị đã được cấp tổng số vốn 1,6 triệu USD Úc cho ba dự án; 263 cơ quan và 661 cá nhân tham dự các sự kiện của chương trình.

Chính phủ Australia còn có các ưu tiên nào khác tại Việt Nam?

Trao quyền cho phụ nữ và các em gái là ưu tiên và là một trong những trọng tâm chính của quan hệ đối tác kinh tế giữa Australia và Việt Nam. Các ưu tiên về bình đẳng giới của Úc tại Việt Nam tập trung vào việc đề cao tiếng nói của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo, thúc đẩy phụ nữ tham gia kinh tế và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và các em gái.

Chúng tôi thấu hiểu tầm quan trọng của công tác này. Theo một nghiên cứu của McKinsey Institute vào năm 2018, nếu Việt Nam đạt bình đẳng giới trong kinh tế, ước tính có thể tăng thêm 40 tỷ USD hàng năm cho GDP của Việt Nam đến năm 2025. Đây là một con số đáng chú ý, và đặc biệt mở ra một cơ hội kinh tế cho Việt Nam trong bối cảnh dịch COVID-19.

Từ năm 2017 đến nay, Australia và Tổ chức UN Women (Phụ nữ LHQ) phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam cải cách Bộ luật Lao động nhằm nâng cao tuổi nghỉ hưu và hệ thống hóa hành vi phân biệt đối xử và quấy rối tại nơi làm việc. Hiệp định Đối tác Chiến lược của Ngân hàng Thế giới và Australia trị giá 30 triệu AUD tại Việt Nam bao gồm hoạt động thúc đẩy vai trò thiết yếu của phụ nữ trong việc phát triển kinh tế của Việt Nam.

Sáng kiến Investing in Women (Đầu tư cho Phụ nữ) của Chính phủ Australia hỗ trợ các doanh nghiệp cải thiện những chính sách và việc thực hiện bình đẳng giới tại nơi làm việc, tăng tác động đầu tư tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ do phụ nữ làm chủ, cũng như nỗ lực thay đổi hành vi và thái độ của xã hội về sự tham gia các hoạt động kinh tế của phụ nữ thông qua các những nghiên cứu tại Việt Nam.

Tổng lãnh sự Úc tại Việt Nam đã tổ chức chuỗi sự kiện với mục đích mừng Ngày Phụ nữ Việt Nam, cũng như thúc đẩy các công tác về bình đẳng giới nêu trên. Với sự hợp tác của Phòng Thương mại Australia tại Việt Nam, chúng tôi đã tổ chức buổi tọa đàm “Đối thoại giới 2020 (Gender Conversations 2020): Thực hành bao hàm giới cho sự thành công của doanh nghiệp”. Sự kiện là nơi để các nhà lãnh đạo doanh nghiệp phản ánh những sáng kiến thiết thực nhằm thúc đẩy những thay đổi văn hóa có lợi cho doanh nghiệp của mình, bằng cách hỗ trợ, bao hàm và trao quyền lãnh đạo cho nhiều phụ nữ hơn.

Tổng lãnh sự Úc đã phối hợp cùng Sáng kiến IW (Investing in Women), Viện Nghiên cứu Xã hội và Phát triển (ISDS) và Tổ chức CARE Việt Nam tổ chức diễn đàn trực tuyến về chủ đề “Nam giới, Nam tính và Bình đẳng giới ở Việt Nam” (“Men, Masculinities, and Gender Equality in Vietnam”). Diễn đàn đã đưa ra một cách tiếp cận mới trong việc khuyến khích nam giới tạo ra thay đổi trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Tham gia phiên thảo luận có các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và đã thu hút được sự quan tâm rộng rãi trong các ban ngành.

Thành công của những sự kiện trên là minh chứng cho những tác động tích cực của nỗ lực và sáng kiến thúc đẩy bình đẳng giới ở Việt Nam, cũng như sự quan tâm của các doanh nghiệp và cộng đồng.

Bài viết được dịch bởi L A M


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục