Huyền Chip tản mạn về nghề viết và trí tuệ nhân tạo
Mọi người nhớ đến Huyền Chip nhiều nhất là với vai trò một nhà văn, tác giả của những quyển sách bán chạy nhất Việt Nam như “Châu Á là nhà. Đừng khóc!”, “Đừng chết ở châu Phi” – hai tuyển tập trong bộ sách “Xách ba lô lên và đi” và “Giấc mơ Mỹ – Đường đến Stanford”. Ở thời điểm năm 2013, nữ tác giả từng là tâm điểm của truyền thông bởi những nghi án xung quanh tính xác thực trong những chuyến xê dịch của mình.
Ngoài ra, Huyền Chip còn là nhà khoa học máy tính. Thỉnh thoảng, cô tham gia giảng dạy những khoá học như “TensorFlow for Deep Learning Research” (Sử dụng thư viện TensorFlow cho nghiên cứu chuyên sâu) tại đại học Stanford, nơi cô đã tốt nghiệp cử nhân và học tiếp lên thạc sĩ. Chưa dừng lại tại đó, Huyền Chip còn có thời gian làm việc với vai trò Giám đốc sáng tạo tại Cốc Cốc, công cụ tìm kiếm phổ biến thứ hai tại Việt Nam trước khi quay lại Mỹ để tham gia vào khóa thực tập tại Netflix – một nơi nổi tiếng với những phương pháp tuyển dụng và văn hóa doanh nghiệp độc đáo, sáng tạo. Cô cũng là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Free Hugs Vietnam.
“Đây đã là cuộc hẹn thứ tư trong ngày rồi nên hãy thông cảm nếu tôi trả lời hơi chậm nhé,” Huyền Chip vừa đặt ba lô xuống vừa thở dốc. Lời hẹn gặp mặt từ cách đây hai năm cuối cùng đã được thực hiện. Huyền Chip chia sẻ cô đang tranh thủ trở về thăm nhà một vài ngày rồi quay lại Luân Đôn để hoàn thành hai quyển sách bằng Anh ngữ đầu tay. Giữa “không gian nhiệt đới” của Toong, chúng tôi như lạc vào những câu chuyện của cô gái 27 tuổi này.
Bạn có thể tiết lộ về những quyển sách mà mình đang viết được không?
Tôi đang viết hai quyển sách bằng tiếng Anh. Trong đó, một quyển là về công nghệ, được hợp tác với một nhà xuất bản tại Mỹ. Quyển còn lại tạm gọi là “Humans of A.I”, được dành để nói về những cá nhân mà tôi đã có may mắn được có dịp gặp gỡ và trò chuyện. Họ là những người đã có đóng góp tích cực cho lĩnh vực này.
Bạn có thể miêu tả ngắn gọn về lĩnh vực còn khá mới mẻ tại Việt Nam này?
Tôi sẽ nói rằng A.I sẽ giúp bạn làm những công việc mà bạn không thể hoặc không muốn làm. Ví dụ, vốn là một người không biết lái xe, tôi rất hy vọng được sở hữu một chiếc ô tô tự lái. Ngoài ra, A.I còn có thể phân tích dữ liệu và đưa ra các dự đoán về những biến động trên thị trường và thậm chí là dự báo thời tiết.
Trong quyển “Humans of A.I”, bạn dự định sẽ nhắc đến ai và khắc họa họ như thế nào?
Tôi sẽ nói về những nhân vật nổi bật của cộng đồng A.I và tập trung khai thác những khía cạch thực tế về công việc của họ, để mọi người có cái nhìn đúng hơn về công việc này và xóa bỏ quan niệm rằng những người phát triển A.I không là kẻ xấu thì cũng là thiên tài. Nếu có thể, tôi muốn được phỏng vấn Giám đốc nghiên cứu Baidu, anh Andrew Ng, một trong những người đã sáng tạo nên Google Brain, và đồng thời là nhà đồng sáng lập của Coursera. Nhân vật tiếp theo là người đã thành lập MetaMind, một công ty chuyên về A.I hiện đang được tiếp quản bởi Salesforce, anh Richard Socher. Đó là một người gần 30 tuổi, lúc nào cũng lạc quan và yêu đời.
Một cái tên nữa mà tôi đang nghĩ đến là người đầu tiên tổ chức thành công khóa học nghiên cứu chuyên sâu, anh Andrej Karpathy. Hiện nay, cùng với Elon Musk, Andrej đang điều hành bộ phận A.I của Tesla. Thành công khi tuổi đời còn rất trẻ, Andrej khiến cho rất nhiều người cảm thấy ganh tị. Nhưng theo tôi thì anh ấy hoàn toàn xứng đáng được công nhận. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng cần có nhiều phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực A.I hơn nữa. Điều đáng mừng là rất nhiều bạn nữ trong ngành của tôi đang theo học tiến sĩ. Hy vọng rằng trong thời gian sắp tới họ sẽ có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực này.
Bạn có thể chia sẻ quan điểm của mình về loạt phim “Black Mirror” và truyền thông nói chung truyền tải thông tin về A.I được không?
Không phải chỉ riêng A.I mà bất kỳ một phát minh công nghệ mới nào cũng đều được truyền thông khai thác triệt để, nhưng hầu hết đều được truyền tải khá sai lệch. Một số thông tin được thổi phồng lên để thu hút thêm lượng người xem và truy cập cho bài viết. Tuy nhiên, tôi nghĩ có thể một phần là do người viết không có đủ thời gian và kỹ năng chuyên môn để có thể hiểu và phân tích thấu đáo những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực này, khiến cho thông tin được đưa ra không có chiều sâu chứ hoàn toàn không có ý tiêu cực. Cũng vì thế mà tôi quyết định không theo dõi “Black Mirror” ngay sau khi xem xong tập đầu tiên. Đối với tôi, A.I chỉ là một công cụ, tốt hay xấu phụ thuộc vào mục đích của người sử dụng.
Theo bạn, sự phát triển của công nghệ và A.I sẽ tác động như thế nào đến cách làm việc của chúng ta trong tương lai?
Xét về khía cạnh nhân văn, chúng ta đã từng phải đối mặt với rất nhiều cuộc cải cách có liên quan đến công việc, tương lai và chúng ta đều đã học được cách để thích nghi với những sự thay đổi đó. Trong tương lai, tôi chắc chắn là sẽ có khá nhiều ngành nghề được thay thế bằng tự động hóa. Và giáo dục sẽ được cải cách tiến bộ hơn – cắt giảm đi một số môn học cụ thể và đẩy mạnh phát triển những kỹ năng mềm, ví dụ như tư duy phản biện và quan trọng nhất là kỹ năng giao tiếp.
Bạn có thể chia sẻ về cách để có thể trở thành thực tập sinh tại Netflix cũng như những trải nghiệm làm việc ở đây được không?
Netflix vốn nổi tiếng khắp thung lũng Silicon sau khi Reed Hastings, nhà đồng sáng lập kiêm CEO của Netfflix công khai một tập tin về văn hóa làm việc chống lại “bro culture” tại đây – không bóng bàn, không tiệc bơi. Ngoài ra, Netflix cũng ít khi tuyển thực tập sinh và sinh viên vừa mới tốt nghiệp. Họ chỉ tìm những người đã có kinh nghiệm và có khả năng hoạt động độc lập.
Vì thế, tôi nghĩ mình là một trong những trường hợp hiếm khi được nhận vào thực tập tại vị trí hỗ trợ nghiên cứu dữ liệu. Theo kinh nghiệm cá nhân, tuyệt đối không có chuyện “chỉ tay năm ngón” hay cầm tay chỉ việc ở Netflix. Nếu có một dự án nào đó, tôi cứ việc tìm hiểu và thực hiện mà không cần chờ đợi sự chấp thuận từ cấp trên. Việc tuyển dụng cũng vậy. Trên thực tế, đích thân người quản lý đã liên hệ với tôi để đề xuất về vị trí này, chứ không phải bộ phận tuyển dụng.
Vậy tại Cốc Cốc, công việc của bạn là gì?
Năm 2012, tôi gia nhập Cốc Cốc với cương vị là một giám đốc sáng tạo. Khi đó, công ty mẹ vẫn còn rất trẻ và có rất nhiều dự án, sản phẩm cần phát triển. Trách nhiệm của tôi là lên ý tưởng ra mắt sản phẩm và liên hệ với các doanh nghiệp trong nước. Dự án thứ hai mà tôi thực hiện là Trình duyệt Cốc Cốc. Ban đầu đây được xem là một dự án phụ, ít ai nghĩ rằng sẽ có ngày Cốc Cốc trở thành công cụ tìm kiếm phổ biến thứ hai tại Việt Nam với 23 triệu người người dùng.
Bạn thường biên soạn những quyển sách của mình như thế nào? Và bạn có bí kíp nào để có thể suy trì sự tập trung trong khi viết?
Tôi là người hoàn toàn không bị phân tán tư tưởng, kể cả là bạn bè có ngồi kết bên nói chuyện tôi cũng không nghe thấy. Điều này khiến các bạn của tôi khá khó chịu.
Nói về quá trình biên soạn sách, trước kia tôi luôn mang một quyển sổ tay và một cây viết bên mình. Nghe thì có vẻ rất hay ho nhưng mà không được thực tế cho lắm. Phần lớn là do chữ của tôi quá xấu, không tài nào đọc được. Vì thế nên tôi đã chuyển sang ghi chép trên điện thoại. Trong quyển sách đầu tay, tôi đã viết về châu Á. Và mất khoảng một tháng để hoàn thành. Tôi ít khi xem lại và chỉnh sửa quá nhiều vì như vậy sẽ làm mất đi nguồn năng lượng vốn có ban đầu. Nhưng trong lần tái bản sắp tới, tôi cũng đã chỉnh sửa lại đôi chút.
Quyển sách nào đã truyền cảm hứng cho sự nghiệp văn học du ký của bạn ?
Quyển ”On The Road” là nguồn cảm hứng vô tận đối với tôi. Tiếp đó là quyển ”Lord of the Rings”, nếu bạn xem đó là một thể loại du ký. Tôi nghĩ rằng văn phong của J.R.R. Tolkien đầy sức cuốn hút. Tôi thích George Orwell. Ngoài những tác phẩm viễn tưởng mà mọi người thường thấy, ông ấy còn viết rất nhiều luận văn và đó cũng chính là động lực để tôi bắt đầu sự nghiệp viết lách. Ngoài ra, John Steinbeck cũng là một nhà văn tôi mến mộ, đặc biệt là quyển sách du ký có tựa là “Travels with Charlie: In Search of America,” và “Grapes of Wrath”, một câu chuyện phát họa lại chuyến di cư của những người nông dân đến Carlifornia mà tôi tự xếp vào thể loại du ký.
Cũng đã vài năm kể từ cuộc tranh cãi xung quanh quyển sách của bạn, liệu bạn có thể chia sẻ về những gì đã xảy ra và cách nhìn nhận của bạn về chuyện đó tại thời điểm này không?
Tôi từng chia sẻ về việc du lịch qua 25 quốc gia với 700 Đô la Mỹ. Bài viết đó trở nên nổi tiếng và sau đó trở thành quyển sách đầu tay. Nhưng rồi những tranh cãi bắt đầu xuất hiện. Một phần vì họ không tin rằng với hộ chiếu Việt Nam mà tôi có thể đến được nhiều nơi như thế. Rất nhiều ký giả muốn xem hộ chiếu của tôi để xác thực. Nhưng đó là thông tin cá nhân mà tôi không muốn phải công bố. Một phần vì 700 Đô la Mỹ không phải là một số tiền lớn. Nhiều người thậm chí còn xem lại những bài đăng cũ trên blog cá nhân của tôi và nói rằng tôi được tài trợ cho chuyến đi – một kế hoạch mà tôi chưa bao giờ thực hiện được. Nhưng sự thật là tôi đã bắt đầu chuyến đi chỉ với 700 Đô la Mỹ. Và tôi chưa bao giờ nói rằng mình kết thúc chuyến đi mà chỉ tiêu hết vỏn vẹn 700 Đô la Mỹ. Trong sách, tôi đã giải thích chi tiết mọi thứ, kể cả cách tôi kiếm tiền trong chuyến đi đó. Hơn hết là, có nhiều quốc gia mà tôi đến hoàn toàn không yêu cầu visa.
Điều tuyệt với nhất mà người khác từng nói về công việc của bạn là gì?
Tôi từng nhận được email từ một cụ già người Việt 66 tuổi. Ông tâm sự rằng mình đã sống cả đời ở một nơi. Sau khi đọc quyển sách của tôi, ông quyết định thực hiện chuyến đi đầu tiên trong đời mình.
Là người thành lập “Free Hugs Vietnam”, theo bạn, tại sao những cái ôm lại quan trọng? Và làm thế nào mà bạn có thể lan tỏa thông điệp này đến những người xung quanh một cách mạnh mẽ như vậy?
Thời gian đầu đến Hà Nội để học cấp hai, tôi đã rất buồn vì phải xa gia đình. Trong khoảng thời gian đó, tôi sáng lập ra tổ chức này, lấy cảm hứng từ ngày hội Ôm quốc tế và may mắn nhận được sự ủng hộ của các bạn trẻ khác. Có lần, chúng tôi chứng kiến một bà lão bán hàng rong bật khóc vì cảm động sau khi được ôm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người không đồng tình với hành động đó. Họ cho rằng ở tuổi này chúng tôi nên tập trung vào việc học thay vì lãng phí thời gian đi ôm người lạ. Tại trường cũng không mấy ủng hộ ý tưởng này. Chỉ đến khi tổ chức của chúng tôi bắt đầu hỗ trợ những tổ chức phi chính phủ nhằm giúp đỡ trẻ mồ côi thì ý nghĩa của những cái ôm mới dần được thấu hiểu.
Thành tựu khiến bạn tự hào nhất đến tới thời điểm này là gì?
Đó là việc được làm chính mình trong một thế giới mà ai cũng kỳ vọng bạn trở thành một người nào đó.
Người tiếp theo chúng tôi nên trò chuyện là ai?
Các bạn có biết Joe Ruelle không? Anh ấy là một người Canada nói tiếng Việt rất sỏi, hiện đang chịu trách nhiệm phát triển Google Cloud tại thị trường Việt Nam. Tôi tin chắc rằng Joe là người có rất nhiều quan điểm và góc nhìn thú vị. Tiếp đến là anh Hoàng Đức Minh, một trong 30 người trẻ thành công trước tuổi 30 của Forbes, hiện đang sinh sống tại Hà Nội. Anh ấy là người có công rất lớn trong việc xây dựng và kết nối các tổ chức phi chính phủ lại với nhau. Và còn có họa sĩ Thái Mỹ Phương nữa. Nhưng tôi nhớ là bạn đã phỏng vấn cô ấy rồi.
Bài viết được dịch bởi Oanh Tran.