Indochine 2.0 qua ống kính của những người trẻ yêu nhiếp ảnh

Bối cảnh Việt Nam thời Đông Dương luôn là nguồn cảm hứng của những bộ phim điện ảnh kinh điển. Vậy còn ở hiện tại? Cùng khám phá “Đông Dương mới” qua lăng kính của bốn người trẻ yêu nhiếp ảnh.

Oanh Tran
Indochine 2.0 qua ống kính của những người trẻ yêu nhiếp ảnh

Indochina là một khái nghiệm địa lý bắt đầu xuất hiện vào đầu thế kỷ IXI, nhằm chỉ khu vực nằm giữa hai quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ. Khi thực dân Pháp bắt đầu quá trình khai thác các nước thuộc địa Đông Dương, họ dùng khái niệm Đông Dương thuộc Pháp (French Indochines) để chỉ các quốc gia do mình cai trị, trong đó có Việt Nam, Campuchia, và Lào.

Giai đoạn lịch sử kéo dài 6 thập kỷ này tuy mang đầy đau thương, nhưng cũng chính từ đây mà nền nghệ thuật nước nhà được dịp tiếp nhận những giá trị mới, từ văn thơ đến kịch nghệ. Những giá trị này đã, đang và mãi luôn là nguồn cảm hứng bất tận đối với lớp nghệ sĩ kế nhiệm.

Với mong muốn hòa nhập vào dòng chảy văn hóa địa phương, Wink Hotel – chuỗi khách sạn tiên phong trong phân khúc sang trọng tầm trung, đã tổ chức cuộc thi ảnh nghiệp dư dành cho các bạn trẻ, mang chủ đề “Indochine 2.0”.


Sau khi “Indochine 2.0” khép lại với buổi triển lãm những tác phẩm đoạt giải tại Toong Coworking Space, Vietcetera đã tìm đến 4 thí sinh có ảnh lọt vào vòng chung kết của cuộc thi để được nghe chia sẻ về góc nhìn của mỗi người đối với đề tài này.

Cùng ngắm nhìn và lắng nghe câu chuyện “Indochine 2.0” của 4 “tay máy trẻ” qua bài viết dưới đây.

Nhật Hạ

Nhật Hạ là một cô gái nhẹ nhàng thích quan sát mọi thứ xung quanh. Hạ đến với nhiếp ảnh đơn thuần để ghi lại những khoảnh khắc cô trân trọng và chia sẻ đến những tâm hồn đồng điệu. Vậy nên mỗi bức ảnh của Hạ đều mang một chút riêng tư, kèm theo những câu chuyện nhỏ phía sau. “Mình thích mỗi bức ảnh của mình đều có câu chuyện để truyền cảm hứng cho người khác,” cô chia sẻ.

Ảnh của Hạ đôi khi là hoa lá, một khoảng trời bao la hay những bức chân dung làm toát lên vẻ đẹp mà cô chợt nhận ra ở người nào đó vừa trò chuyện. Chúng luôn có tông màu ấm, sáng, nhẹ nhàng, mang đậm nét tính cách của Hạ.

Indochine 2.0 theo Hạ là “hiện tại, với những chất liệu mộc mạc, chân thực”. Vậy nên cô đã chọn miêu tả hình ảnh “Đông Dương mới” qua một buổi cà phê cùng bạn bè, qua bữa ăn ngon mà cô và những người bạn có dịp thưởng thức ở một quán ăn nhỏ tại Đà Lạt. “Để bạn bè quốc tế thấy được cuộc sống ở Việt Nam hiện tại là thế nào,” Hạ nói, “qua con người, đường phố và cả những bữa ăn.”

“Bức hình mình chọn với chủ để Indochine 2.0 là một trong những chuyến đi chơi của mình và những người bạn. Bức ảnh mang cho mình cảm giác rất bình yên, cũng như Việt Nam là một vùng đất bình yên vậy.”

Quốc Trung

Có nhiều cơ hội đi đây đó, Quốc Trung bắt đầu tập tành nhiếp ảnh để ghi lại những khoảnh khắc trong những chuyến đi. Phần lớn những ảnh chụp của anh đều mang chủ đề đường phố và phong cảnh. Qua những chủ đề đó “nhiếp ảnh dạy cho mình quan sát nhiều hơn và nắm bắt từng khoảnh khắc,” Trung chia sẻ. “Mình thích cảm giác bắt được những khoảnh khắc đẹp tự nhiên mà không có sự tính toán trước, rất hào hứng và hạnh phúc.”

Phần lớn những bức ảnh của Trung đều tập trung khai thác vẻ đẹp của ánh sáng. Anh khám phá những sắc thái khác nhau của ánh sáng và thể hiện lên bức ảnh của mình. Anh quan niệm “một bức ảnh có bố cục không tốt, mẫu có thể không đẹp nhưng nếu ánh sáng đẹp thì cũng đã là một tác phẩm hoàn thiện.”

Với góc nhìn thực tế và chững chạc, Trung đã định nghĩa “Indochine 2.0” bằng bức ảnh ba anh tài xế của một dịch vụ tham quan thành phố bằng Vespa đang nghỉ ngơi cạnh nhau nhưng mỗi người lại bận rộn với chiếc điện thoại của mình. Hình ảnh chiếc Vespa cổ điển tồn tại song song với những thiết bị điện tử hiện đại, cạnh con đường giao thông tấp nập gợi lên hình ảnh một “Đông Dương mới” sôi động nhưng vẫn lưu luyến những giá trị cũ bên cạnh những cái mới.

Anh Tuấn

Anh Tuấn tập tành nhiếp ảnh như một sở thích, và cũng để anh chia sẻ góc nhìn của mình về con người và thiên nhiên. “Đó là những con phố, ngôi chùa, hay những nơi mình hay lui tới,” Tuấn chia sẻ. Vậy nên nội dung chính trong những bức ảnh của anh thường chứa đựng những khoảnh khắc rất tự nhiên của mọi thứ xung quanh, lưu trữ lại nhịp sống của những nơi anh từng đến.

Những chủ đề thân thuộc ấy luôn được Tuấn khai thác dưới ánh sáng tự nhiên, nên những khung hình của anh không bao giờ thiếu đi sự tươi sáng. Chính nhờ đó mà những chủ thể trong những bức ảnh của Tuấn luôn rất rõ ràng và nổi bật.

Dưới góc nhìn sâu sắc đầy tính hoài niệm, Tuấn đã chọn bức ảnh chụp một ngôi chùa Hoa có tên Miếu Nhị Phủ. “Đông Đương mới” là sự gìn giữ những giá trị cũ. “Ngôi chùa đã có lịch sử hơn 500 năm, và mang đậm nét văn hóa người Hoa,” Tuấn nói thêm.

Bức ảnh đã ghi lại nét thanh tịnh, uy nghiêm của ngôi chùa với những vòng nhang nghi ngút khói, tạo ra một hiệu ứng sáng vô cùng đẹp dưới tia sáng mặt trời.

Hồ Kim

Song song với con đường đại học, nhiếp ảnh là một định hướng mà Kim quyết định theo đuổi từ cuối những năm cấp ba. Với sự nghiêm túc ấy, từ sớm cô đã tập trung xây dựng hình ảnh và phong cách nhiếp ảnh riêng của mình qua một chủ đề nhất định xoay quanh vẻ đẹp người phụ nữ.

“Mỗi người phụ nữ đều sở hữu một nét đẹp riêng, hiện hữu ở vẻ ngoài hay ẩn trong khí chất,” Kim chia sẻ. Và với mỗi nét đẹp, cá tính khác nhau, Kim lại có những góc chụp, hay cách phối hợp màu sắc tổng thể khác để bộc lộ vẻ đẹp theo nhiều khía cạnh. Mỗi bộ ảnh của Kim đều được lên ý tưởng chỉnh chu trước khi bấm máy. Kim luôn quan niệm “để có được một bức ảnh đẹp phải có sự chuẩn bị”. Nhờ vậy, thành phẩm của cô chưa bao giờ làm người xem thất vọng.

Trong cuộc thi ảnh “Indochine 2.0” nguồn cảm hứng của Kim vẫn xoay quanh người phụ nữ. Người phụ nữ của một “Đông Dương mới” theo Kim, “là sự dung hòa của vẻ đẹp mới và cũ”. Ý tưởng cho bức ảnh bắt nguồn từ nét đẹp tao nhã của những cô gái Sài Gòn xưa trong tà áo dài mọi nơi, mọi lúc. Kim đã thổi vào bức ảnh hơi thở hiện đại qua cô mẫu với mái tóc ngắn ngang vai năng động, nhưng lại trở nên dịu dàng trong tà áo dài lụa cách tân. Đặc biệt hơn hết, những đường nét trên gương mặt cô gái mang nét thanh lịch rất Việt Nam nhưng vẫn sáng lên vẻ đẹp thông minh của người phụ nữ hiện đại.

Bên cạnh sự thu hút về mặt nội dung, màu sắc cũng là một yếu tố thành công của bộ ảnh. Gam màu trầm của ngôi chùa cổ giúp tôn lên chất lụa xanh ngọc với những họa tiết ẩn hiện dưới ánh sáng tự nhiên đầy tinh tế của chiếc áo dài. Ánh nắng chói chang vào buổi trưa tưởng như quá gắt để chụp ảnh, lại làm sáng lên khuôn mặt và nét đẹp của cô người mẫu.

Xem thêm:

[Bài viết] Điểm mặt năm nghệ sĩ nổi bật trong làng nhiếp ảnh Việt

[Bài viết] Nghề Lạ – Food photographer và food stylist: Học lỏm từ Deto Concept


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục