Kẻ tệ nhất thế gian: Tuổi trẻ bốc đồng nhưng sống trọn từng khoảnh khắc

Bộ phim lãng mạn, bi, hài và đen tối này khiến ta vừa bật cười, vừa điểm trúng tim đen vì đúng quá, giống quá.
Lâm Lê
Phim Kẻ tệ nhất thế gian.

Phim Kẻ tệ nhất thế gian.

The Worst Person in the World (Kẻ tệ nhất thế gian) đến từ nền điện ảnh Na Uy đã chinh phục giới phê bình khi tranh giải Cành cọ vàng tại Cannes năm 2021. Phim được vinh danh bởi chất nguyên bản và cấu trúc khác lạ. Phim cũng thể hiện nguồn năng lượng tươi trẻ được đạo diễn Joachim Trier thổi qua từng khung hình.

Gọi nó là một bộ phim rom-com (lãng mạn hài) hay “anti rom-com” đều đúng. Bởi ở đó, ta bắt gặp những câu chuyện tình lãng mạn thường thấy. Nhưng đồng thời, ta cũng thấy nó không giống bất cứ bộ phim lãng mạn hài nào ta từng xem.

Bộ phim quá khác lạ, hoàn toàn phá vỡ những motif quen thuộc của thể loại rất dễ sa vào cliché. Ta thấy nó quá thực, thậm chí là trần trụi khi mô tả về những con người trẻ tuổi đầy bất an và chấp chới trong hành trình trưởng thành.

Có lẽ đây là lý do bộ phim đến từ Bắc Âu không chỉ được đề cử Oscar năm 2022 Phim quốc tế xuất sắc mà còn được đề cử cho hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc.

12++ chương đời của một cô gái trẻ bốc đồng

Kẻ tệ nhất thế gian là bộ phim cuối cùng trong bộ ba (mang tính ngẫu hứng nhiều hơn là dự định từ trước) có tên là Olso Trilogy của biên kịch, đạo diễn Joachim Trier và đồng biên kịch Eskil Vogt.

Bối cảnh thành phố Olso của Bắc Âu tươi sáng và đầy sức sống hiện lên xuyên suốt bộ phim. Nó làm phông nền cho một câu chuyện tuổi trẻ của các nhân vật, đặc biệt là nữ chính Julie.

Bộ phim có một cấu trúc khá thú vị như một cuốn tiểu thuyết chương hồi. 12 chương chính cộng với hai phần mở đầu và kết thúc qua giọng dẫn chuyện của một giọng nữ, dẫn dắt chúng ta bước vào khám phá thế giới nội tâm của một cô gái trẻ sắp bước vào tuổi 30.

Julie là một cô gái thông minh, xinh đẹp và một sinh viên y khoa ưu tú, nhưng cô luôn bị mất tập trung, phân tán tư tưởng bởi những thông tin cuồng loạn trên chiếc điện thoại smartphone và đôi lúc không biết mình muốn gì.

Julie học y khoa được vài năm thì bỏ ngang vì không muốn làm phẫu thuật. Cô cho rằng đó chỉ là việc thủ công như một người làm thợ mộc vậy. Cô muốn khám phá tâm hồn, như cách cô nói với mẹ mình và được bà ủng hộ, “Niềm đam mê của con thuộc về những thứ bên trong, như suy nghĩ hay cảm xúc”.

Nhưng rồi cô cũng chán khám phá tâm hồn, chuyển qua đam mê thị giác và làm nhiếp ảnh để khám phá vẻ đẹp cuộc sống xung quanh. Cô tiêu nốt khoản vay sinh viên vào máy ảnh và ống kính. Hết tiền và không còn gì để bám víu, cô quyết định làm việc bán thời gian trong một hiệu sách và mơ ước theo đuổi nghiệp viết lách.

Không chỉ bất an và thiếu quyết đoán trước sự nghiệp tương lai, Julie cũng thay bồ xoành xoạch như thay áo. Mọi chuyện thay đổi khi cô gặp Aksel (Anders Danielsen Lie), một nhà văn, họa sỹ truyện tranh lớn hơn cô 15 tuổi.

Bị cuốn vào thế giới của người đàn ông trung niên, Julie có vẻ cũng nỗ lực để hòa hợp. Nhưng áp lực có con để có thể ổn định cuộc sống theo mô hình gia đình khiến cô một lần nữa muốn chạy trốn thực tại.

Rồi trong một bữa tiệc, cô gặp Eivind (Herbert Nordrum), một anh chàng pha chế cocktail vui vẻ và nhiều năng lượng. Cả hai bị cuốn vào nhau và cùng chơi những trò rồ dại của tuổi trẻ như phả khói thuốc vào miệng nhau, hay ngửi nách nhau.

Mối quan hệ với hai người đàn ông, một chín chắn trưởng thành, một trẻ trung tự do cũng là hành trình để Julie khám phá bản thân mình. Bởi đôi lúc, cô không biết mình muốn gì ở cuộc đời này. Cô có sự an toàn, chín chắn, sâu sắc với Aksel, nhưng cô thích sự phóng túng tự do khi ở bên Eivind.

Khi mối quan hệ đang ở bên bờ vực khủng hoảng, cô nói với Aksel rằng, “Em yêu anh, và em cũng không yêu anh”. Và khi Aksel cố giải thích cho cô thông suốt thì Julie đáp lại rằng, “Em đang cố để nói lên cảm giác của em trong khi anh lại đi phân tích nó”.

Còn khi ở bên Eivind, sự bốc đồng và vô lo của chàng trai không chịu trưởng thành này cũng khiến cô chán nản và buông lời tổn thương anh ta: “Thư giãn chính là đặc tính của anh, thế nên anh vẫn có thể làm nghề phục vụ ở quán cà phê cho dù đã 50 tuổi.”

Bộ phim cuốn ta đi với một nhịp điệu nhanh, đôi khi cuồng loạn và nhiều năng lượng tuổi trẻ như thế. Nhưng ẩn đằng sau chúng, vẫn là những trăn trở, dằn vặt của một “tuổi trẻ băn khoăn” trước sự nghiệp tương lai hay một mối quan hệ bền vững.

“Người trẻ bây giờ thật khác lạ, chịu áp lực tới mức đáng thương” – một người bạn lớn tuổi đã nói như thế với Julie trong một buổi tiệc khi lắng nghe cô giãi bày những bất an của mình.

Mối quan hệ với hai người đàn ông, một chín chắn trưởng thành, một trẻ trung tự do cũng là hành trình để Julie khám phá bản thân mình, kẻ đôi lúc không biết mình muốn gì ở cuộc đời này. Và cứ thế Julie, càng bất an, băn khoăn hơn trước những lựa chọn của mình.

Đạo diễn tài ba và nữ chính xuất sắc

Đạo diễn Joachim Trier không chỉ kể về một mối quan hệ tay ba đơn thuần, mà còn đưa ra một cái nhìn thấu hiểu về các mối quan hệ. Ông bày ra những sai lầm trong lựa chọn, về những mâu thuẫn trong cuộc sống đôi lứa khi cảm xúc đi qua và thực tại phải đối mặt. Và cả sự tổn thương khi một mối quan hệ bên bờ vực tan vỡ vì khác biệt và không thể dung hòa.

Sáng tạo, hài hước, hấp dẫn và đôi khi như lên đồng (hoặc… chơi đồ), Joachim Trier đã kể lại câu chuyện tình tay ba và hành trình khám phá bản thân với sự phóng túng cuồng say nhưng đôi khi thật tinh tế. Bộ phim như một bản nghiên cứu tâm lý sâu sắc về tuổi trẻ.

Một trong những cảnh xuất sắc nhất của bộ phim là cảnh Julie tưởng tượng cả thành phố và cư dân của nó đứng im bất động như bị nhấn công tắc “pause”. Cô được phép băng qua thành phố để đến với mối tình cuồng nhiệt và khám phá sự thăng hoa trong cảm xúc của mình.

Đó là một phân đoạn được dàn dựng cực kỳ dụng công và có lẽ chưa bao giờ thấy xuất hiện trên màn ảnh, trong hàng ngàn bộ phim điện ảnh mà tôi từng xem. Một cảnh xuất sắc và hài hước khác, mô tả nhóm bạn của Julie và Eivind “phê” nấm thức thần và gặp ảo giác.

Cả hai cảnh này vừa là sáng tạo mang đậm dấu ấn cá nhân của đạo diễn, nhưng chúng được thực hiện hoàn toàn có ý đồ để phục vụ cho hành trình khám phá bản thân của cô gái bốc đồng Julie. Và đó cũng là cơ hội cho nữ diễn viên Renate Reinsve (sinh năm 1987 tại Na Uy) tỏa sáng với một vai diễn giúp cô bộc lộ tài năng diễn xuất của mình.

Reinsve khiến người xem đồng cảm với từng khoảnh khắc trong cuộc đời của nhân vật. Đặc biệt là khoảnh khắc cô tổn thương và nhận ra mình bốc đồng như thế nào khi tâm sự với Aksel: “Em có cảm giác là em chưa bao giờ suy xét kỹ về mọi việc, từ việc này đến việc khác”.

Linh hồn của bộ phim không ai khác ngoài Julie (Renate Reinsve đóng). Nữ diễn viên tỏa sáng trong bộ phim đến mức ta có thể gọi cô là một hiện tượng kiểu “a star is born”. Trước rất nhiều đối thủ kỳ cựu, Renate Reinsve đã chiến thắng giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Cannes năm 2021 vì vai diễn mang tính đột phá này.

Một tuyên ngôn về nghệ thuật

Kẻ tệ nhất thế gian còn là một bộ phim xuất sắc khi mở ra các chủ đề nhạy cảm của thời đại chúng ta. Nó bao trùm từ chủ đề về giới đến #metoo, từ quan điểm nghệ thuật cho đến niềm khao khát được sống, được trải nghiệm từng khoảnh khắc thay vì được nhớ đến thông qua tác phẩmnghệ thuật.

Nhờ cấu trúc bộ phim theo kiểu “chương hồi”, đạo diễn có thể “chèn” các chủ đề nhỏ này qua các chương mà không phá vỡ chủ đề chính của bộ phim.

Ví dụ như trong một cuộc tranh luận về giới, về cái nhìn thiếu thông cảm của đàn ông đối với phụ nữ, Julie đã đáp trả rằng, “Nếu đàn ông có kinh nguyệt thì chắc họ cũng đi kêu gào khắp nơi”.

Trong một bài viết dưới dạng tiểu luận là “Khẩu giao trong thời đại #metoo” (cũng là tên một “chương” trong bộ phim này), Julie viết rằng: “Liệu bạn có thể vừa là một nhà nữ quyền vừa thích được khẩu dâm qua đường miệng không? Cô ta thú nhận rằng được bạn tình tống của quý vào cuống họng và thít chặt đầu đến ngạt thở. Nó khiến cô được kích thích về mặt cảm giác.”

Cách viết thẳng thắn này của Julie được Aksel ủng hộ hoàn toàn vì cô dám nói thẳng quan điểm của mình và khuyến khích cô đăng bài viết này lên mạng xã hội. Aksel sau đó, chia sẻ quan điểm của mình về nghệ thuật: “Tôi nghĩ nghệ thuật giống như một dạng trị liệu, nơi tôi được phép bộc lộ và được giải quyết mọi ý nghĩ không được chấp nhận, mọi cơn thôi thúc đen tối nhất”.

Cuộc sống là phép cộng của những khoảnh khắc

Kẻ tệ nhất thế gian với tôi là một bộ phim tràn ngập năng lượng và cảm động về tuổi trẻ, đặc biệt là những người mới từ giã tuổi 20 và bước sang tuổi 30 với một tương lai vừa rộng mở vừa đầy thách thức ở trước mặt.

Cuộc sống là phép cộng của những khoảnh khắc và tìm thấy tiếng nói của chính mình ở tuổi trưởng thành này thực sự không dễ dàng. Một quyết định sai lầm sẽ khiến ta phải trả một cái giá rất đắt và bẻ ngoặt cuộc đời sang một hướng khác. Nhưng ai trong chúng ta mà không từng sai lầm, hoặc mắc sai lầm hết lần này đến lần khác?

Kẻ tệ nhất thế gia là bộ phim lãng mạn thuần khiết và nguyên bản, như một số bộ phim Bắc Âu khác mà tôi xem và luôn ngạc nhiên vì sự khác biệt ở chúng.

Bộ phim này thuộc số ít nhưng tinh túy của điện ảnh thế giới về việc đi tìm ý nghĩa và mục đích sống ở cuộc đời. Những nhân vật trong các bộ phim này, như Julie chẳng hạn, không ngừng thử và sai, trả giá liên tục.

Julie từng tự thú nhận rằng, “kẻ duy nhất tệ hơn tất cả những kẻ ngu ngốc nhất trên đời này chính là bản thân ta”. Nhưng đôi khi nhận ra mình ngốc và “tệ nhất thế gian” cũng là một món quà quý giá của trải nghiệm sống trên đời này, vì ta được tin tưởng và sống trọn vẹn cho chính khoảnh khắc đó.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục