Khum - Từ chối nhẹ nhàng thôi

Việc từ chối ai đó có thể rất khó khăn nếu bạn là một người nhiệt tình và không muốn làm mất lòng người khác. Để thuận lợi, thay vì nói không, hãy thử dùng khum xem sao.
Đông Hà
Nguồn: Freepik

Nguồn: Freepik

1. Khum là gì?

Nếu đúng theo từ điển tiếng Việt, khum là uốn cong lên hoặc lõm xuống như hình mui rùa. Ví dụ như hai bàn tay khum lại hứng nước, chiếc xe mui khum.

Còn theo từ điển giới trẻ, khum chỉ đơn giản là cách nói vui của không.

2. Nguồn gốc của khum?

Khum được đăng tải trên page Đài Tiếng Nói Gen Z hồi đầu năm nay. Thực tế thì từ này đã xuất hiện trước đó một thời gian nhưng có phần rải rác, ngẫu hứng.

Khi trào lưu chế ảnh chú chó cheems xuất hiện, người dùng mạng thường thêm âm ‘m’ vào một từ bất kỳ rồi biến đổi các yếu tố khác để nghe hài hước hơn. Ví dụ như ‘chúa hề’ được đọc thành ‘chmúa hmề’, hay ‘em đẹp lắm’ được thêm mắm muối thành ‘ênm đệnp léăm’. Tương tự, ‘không’ được đọc chệch thành ‘khum’.

3. Khum phổ biến khi nào?

Trong cuộc sống hằng ngày, có không ít lần bạn phải từ chối, phủ nhận hoặc nói không trước một tình huống nào đó. Việc này xảy ra thường xuyên đến nỗi, từ không còn lọt top 55 từ phổ biến nhất ở Việt Nam.

Không còn là một trong những từ vựng biến hóa nhất trong ngôn ngữ teen. Vào những năm 2000, khi điện thoại 12 phím bấm bắt đầu phổ biến ở Việt Nam, người trẻ hình thành thói quen trò chuyện qua tin nhắn điện thoại. Vì giới hạn ký tự tin nhắn, không được viết tắt thành ko, 0, hok hoặc k.

Tua nhanh thêm nhiều năm, không khoác lên mình một lớp áo mới: hông, hôn, hơm hoặc hem. Cách phát âm không thành hông vốn là cách nói phổ biến của người dân Nam Bộ (theo từ điển Từ ngữ Nam Bộ). Nhiều người thấy rằng hông nghe rất dễ thương nên lập tức bỏ túi luôn.

Đến nay, ngôn ngữ giới trẻ đã chịu khó đánh bắt xa bờ hơn bằng cách vay mượn yếu tố nước ngoài, hoặc chế lại ngôn ngữ meme để tạo thành mật mã riêng. Khum chỉ là một trong những sản phẩm của “nền văn minh hiện đại”.

Sau khi được công khai rộng rãi, khum nhanh chóng được đón nhận và sử dụng liên tục bởi nhiều page như Hội người lười Việt Nam, Bà tám Kpop, Hà Nội của tôi...

Nhìn chung, mỗi thời kỳ, tiếng lóng thay thế cho từ không lại bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như yếu tố công nghệ, địa lý, văn hóa.

Theo Jonathon Green, một học giả chuyên nghiên cứu về tiếng lóng, sự thay đổi về tiếng lóng có thể bật mí rất nhiều điều về con người. Tiếng lóng thể hiện rằng chúng ta khao khát có được sự khẳng định của xã hội (social affirmation), con người cũng có thể là những kẻ luôn muốn phá vỡ nguyên tắc.

4. Cách sử dụng khum?

Bây giờ nói không thì thường quá, người ta phải thêm khum vào câu cho lạ tai lạ mắt, đồng thời khiến những “người tối cổ” phải đoán già đoán non. Nhưng khum chỉ nên dùng một cách vui vẻ giữa bạn bè với nhau, bởi vì không phải ai cũng thoải mái đón nhận tiếng lóng này đâu.

Cùng xem thử đoạn trò hội thoại vui sau để dùng khum thật hợp lý:

Đầu đinh 1: Ngày mai mày có hẹn gì khum? Đi ăn với tao đi.

Đầu đinh 2: Chắc khum được rồi, mai có thể tao bận, để dịp khác nha?

Đầu đinh 1: Với mày thì “dịp khác” có nghĩa là khum bao giờ!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục