Kidult - Có đứa trẻ nào bên trong bạn?

Dù đã bước sang lứa tuổi đầu 2, đầu 3 nhưng bạn vẫn mải mê sưu tầm đồ chơi, đọc truyện tranh thì chắc chắn bạn là một kidult!
Minh Anh
Nguồn: Christopher Robin (2018)

Nguồn: Christopher Robin (2018)

1. Kidult là gì?

Kidult là những người lớn nhưng mang trong mình tâm hồn của trẻ em. Từ này là sự kết hợp của kid (trẻ em) và adult (người lớn).

Tuy là người lớn, kidult có sở thích giống trẻ em như sưu tầm đồ chơi, các món quần áo và phụ kiện nhiều màu sắc.

2. Nguồn gốc của kidult?

Thuật ngữ “kidult” được cậy bút Peter Martin sử dụng lần đầu năm 1985 trên tờ New York Times. Đến năm 1988, nhà nghiên cứu Andrew Calcutt đã khiến kidult được biết tới rộng rãi hơn qua nghiên cứu “Arrested Development: Pop Culture and the Erosion of Adulthood”.

Trong đó, ông miêu tả kidult là những người trưởng thành, có cuộc sống thành đạt nhưng vẫn tiếp tục theo đuổi những sở thích trẻ con. Một trong số đó phải kể tới sách, truyện tranh, đồ chơi.

Ông cũng nhấn mạnh về việc những người lớn này khước từ sự thất bại của chính trị và xã hội. Thay vào đó, họ bám vào văn hóa đại chúng như một bước lùi về tuổi thơ.

3. Vì sao kidult trở nên phổ biến?

Kidult không hẳn là một khái niệm mới khi ta thường bắt gặp kiểu nhân vật này trong văn học, điển hình là Peter Pan, cậu bé không bao giờ lớn.

Kidult hay được nhắc đến cùng với Hội chứng Peter Pan - người lớn hành xử như trẻ con. Từ này thường bị đánh đồng với những người lớn không chững chạc, sống dựa dẫm vào bố mẹ và không chịu trưởng thành. Đây cũng là một kiểu nhân vật hay xuất hiện trong phim.

Theo thời gian, lớp nghĩa của kidult trở nên tích cực hơn khi được gắn với những người lớn mang tâm hồn trẻ em, yêu thích những bộ môn giải trí vốn được làm ra cho những đứa trẻ. Lằn ranh giữa 2 thế giới trẻ em và người lớn dần được xóa nhòa.

Những năm 1980, truyền hình cáp phát triển tại Mỹ, kéo theo những chương trình TV dành cho mọi lứa tuổi. Những phụ huynh trông con rảnh rỗi cũng bắt đầu xem hoạt hình. Các bộ phim hoạt hình phản ánh thế giới quan của người lớn và hướng tới đối tượng khán giả này cũng xuất hiện ngày càng nhiều hơn như The Simpsons. (Theo theconversasion.com)

Không chỉ dừng lại ở trên màn ảnh, những món đồ chơi của trẻ em cũng tiến hóa mang hình hài mới với “art toy” - đồ chơi nghệ thuật. Rất nhiều người nổi tiếng yêu thích bộ môn này như Michael Jackson.

Du nhập vào Hàn Quốc vào năm 2007, tới năm 2017, thị trường kidult bùng nổ (koreaboo.com). Những ngôi sao K-Pop chơi đùa với những màu sắc và phụ kiện thời trang trẻ em trong những video bài hát. Các món đồ chơi được thiết kế và sản xuất hàng loạt nhưng lại dành cho người lớn. Thị trường marketing thổi phồng cơn sốt kidult tại đất nước này.

4. Những kidult có thể bạn cũng biết

Cho tới hiện tại, rất nhiều những nghệ sĩ, những người làm sáng tạo Việt Nam đang tự mình mở ra những studio nghệ thuật chuyên về làm đồ chơi. Bỏ qua những định kiến người lớn và trẻ em, những nghệ sĩ này chấp nhận đứa trẻ bên trong mình, biến nó thành những tác phẩm nghệ thuật và lan tỏa tình thần kidult ra cộng đồng.

Có rất nhiều món đồ chơi không chỉ nằm ở tuổi thơ mà trở thành niềm đam mê tới khi lớn của nhiều người như Lego. Những nghệ sĩ như Huỳnh Khang cũng đã đem thú vui ngày bé này sáng tạo nên các tác phẩm nghệ thuật từ Lego.

Lớn lên cùng truyện tranh, nhiều họa sĩ minh họa như Thỏ Bày Màu, Thăng Fly vẫn mãi mê theo đuổi loại hình nghệ thuật mà thuở bé từng say đắm. Những đứa trẻ ở trong tim vẫn luôn là nguồn cảm hứng, giúp nuôi dưỡng tâm hồn của nhiều nghệ sĩ.

5. Dùng kidult như thế nào?

Tiếng Anh

A: I spent all of my savings to buy the new limited art toy and I have no regret!

B: As a kidult, I completely understand that!

Tiếng Việt

A: Tháng này mình dành hết tiền tiết kiệm để mua món đồ chơi bản giới hạn á bạn ơi. Không hề hồi tiếc luôn!

B: Với tư cách là một đứa kidult, mình hoàn toàn hiểu!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục