Cố đến mấy cũng không thể phát triển nếu bạn có niềm tin và tư duy này

Cùng một mức nỗ lực, nhưng niềm tin khác nhau sẽ cho kết quả khác nhau.
Hoàng Nguyễn
Nguồn: Pexels

Nguồn: Pexels

Cách đây không lâu, một người em đã hỏi mình một câu như thế này:

“Anh Hoàng, anh có tin có cái gọi là giới hạn trên ở mỗi người không? Tức là khả năng phát triển của một người nào đó. Khi sinh ra họ đã có ngưỡng giới hạn rồi, nên dù có cố gắng thế nào cũng không thể qua được cái giới hạn đó, như trong mấy phim kiếm hiệp, người ta hay gọi là ngộ tính ấy.”

Nếu bạn là người được hỏi, bạn sẽ trả lời câu hỏi này như thế nào? Thử bình luận cho mình biết nhé.

Tiềm năng phát triển của một người, từ lâu đã là chủ đề mình quan tâm và dành nhiều thời gian để tìm hiểu về nó.

Quá trình tìm hiểu đã đưa mình đến với các học thuyết khác nhau của các triết gia. Trong đó có hai thuyết đối lập nhau nổi bật nhất, là thuyết tiền định (determinism) và thuyết tự do ý chí (free will). Dù có hay không có tôn giáo, thì theo cách nuôi dạy và sự ảnh hưởng bởi môi trường, chúng ta đều có xu hướng hình thành niềm tin cá nhân về một trong hai thuyết này. Bên nào cũng chứa đựng những mặt tối của nó.

Bản thân mình qua nhiều năm tìm hiểu, chiêm nghiệm và phải liên tục điều chỉnh những niềm tin cá nhân, cho tới bây giờ vẫn chưa dám chắc là đã có câu trả lời chính xác cho điều này.

Thế nhưng tự mình đã xác định một niềm tin mạnh mẽ về tiềm năng phát triển để sống và học tập theo đó, và xin chia sẻ với các bạn trong bài viết này về điều gì có thể kìm chân bạn mãi mãi.

Định mệnh hay tự do ý chí?

Để bắt đầu, mình muốn hỏi bạn câu này:

Bạn có tin rằng mọi sự kiện trong cuộc sống của bạn đã được định sẵn từ trước, và dù bạn có cố gắng thay đổi hiện tại thế nào đi nữa, kết quả cuối cùng vẫn không thay đổi?”

Dù câu trả lời của bạn là có hoặc không thì nó cũng sẽ rơi vào một trong hai thuyết này: thuyết tiền định và thuyết tự do ý chí.

Thuyết tiền định cho rằng mọi sự kiện trong vũ trụ đều đã được xác định trước bởi các yếu tố nhân quả hoặc một quyền lực tối thượng nào đó, khiến cho hành động của con người cũng bị quyết định trước. Điều này dẫn đến việc con người không có khả năng thay đổi hay kiểm soát số phận của mình.

Ngược lại, thuyết tự do ý chí cho rằng con người có khả năng lựa chọn hành động của mình một cách tự do, không bị ràng buộc bởi số phận đã được định trước. Theo quan điểm này, con người có quyền kiểm soát và chịu trách nhiệm về hành động của mình, có khả năng thay đổi và định đoạt tương lai của bản thân.

Hai thuyết này ảnh hưởng lên rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Phổ biến nhất là tôn giáo, khoa học, tâm lý học và văn hóa đại chúng.

Bạn đã từng xem bộ phim Final Destination, có tên tiếng việt là Lưỡi hái tử thần chưa? Nếu chưa thì mình xin tóm tắt nhanh.

Trong phim mỗi tập sẽ luôn có một nhóm người may mắn thoát chết khỏi một sự kiện tai nạn tập thể kinh hoàng như rơi máy bay, sập cầu,… Thường là nhờ một nhân vật trong đó có dự cảm trước. Tuy nhiên sau khi thoát chết, từng người trong nhóm này lại liên tục gặp phải những tai nạn kỳ lạ dẫn tới cái chết bất ngờ. Dù có nỗ lực thế nào thì các nhân vật trong phim đều chỉ có chung một kết cục. Đây là bộ phim đại diện cho thuyết tiền định.

Với thuyết tự do ý chí thì chúng ta có bộ phim nổi tiếng hơn, đó là The Matrix - Ma trận. Hình ảnh Morpheus đưa ra hai viên thuốc xanh và đỏ là một biểu tượng mạnh mẽ cho sự lựa chọn và tự do ý chí.

Khi Neo chọn viên thuốc đỏ, anh ta quyết định rời khỏi thế giới ảo và đối mặt với thực tại, chấp nhận mọi rủi ro và hậu quả của quyết định của mình. Điều này cho thấy rằng anh có quyền tự do quyết định cuộc đời mình và không bị ràng buộc bởi một số phận đã được định sẵn.

Tại sao mình lại nói về niềm tin này?

Bởi vì cách chúng ta tư duy bị ảnh hưởng rất nhiều từ niềm tin cá nhân. Thế nên nếu bạn tin theo thuyết tiền định, bạn có xu hướng tư duy mọi thứ như thành công, thất bại, năng lực, cơ hội đều đã được định sẵn, vì thế mà không cần phải cố gắng.

Ngược lại nếu bạn tin thuyết tự do ý chí, bạn có xu hướng tư duy rằng mỗi hành động và quyết định của mình đều có thể tạo ra sự khác biệt trong tương lai. Bạn tin rằng thành công và thất bại không phải là kết quả của một số phận đã được định đoạt, mà là kết quả của nỗ lực, sự kiên trì và sự lựa chọn cá nhân.

Nhưng nó lại mang lại áp lực thành công sớm, không thành công là do bạn chưa đủ nỗ lực. Bạn cũng sẽ trở nên thiếu thông cảm với những người gặp khó khăn, vì tin rằng họ hoàn toàn có khả năng thay đổi hoàn cảnh của mình nếu như họ đủ cố gắng.

Ngoài ra thì quá tin vào tự do ý chí có thể khiến bạn cảm thấy rằng mình phải kiểm soát mọi thứ, dẫn đến căng thẳng và kiệt sức.

Nếu nghe đến đây mà bạn cảm thấy hoang mang “Tại sao tin vào thuyết gì thì cũng có mặt xấu như vậy?” thì yên tâm. Mình cũng đã từng trải qua khoảng thời gian tương tự, và đã tìm thấy một giải pháp tinh thần qua tìm điểm cân bằng.

Thuyết định mệnh tự do là gì?

Nói theo cách nói của nhà phật thì đó là trung đạo, còn triết học gọi đó là thuyết định mệnh tự do. Thuyết này cho rằng tự do ý chí và tiền định có thể cùng tồn tại mà không mâu thuẫn với nhau. Để hiểu rõ hơn, hãy tưởng tượng hình ảnh này:

Bạn đến một nhà hàng để ăn tối, chọn món ăn trong thực đơn. Ở đây chúng ta thấy là bạn không thể thay đổi thực đơn này, nhưng bạn có thể tự do chọn món ăn từ thực đơn. Quyết định chọn món ăn nào là tự do của bạn, dù thực đơn đã được định sẵn từ trước.

Thuyết định mệnh tự do cho rằng bạn có thể có tự do ý chí trong một khuôn khổ nhất định đã được định sẵn. Điều này có nghĩa là:

  • Bạn có thể tự do lựa chọn trong những giới hạn và hoàn cảnh nhất định.
  • Bạn chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình, dù những lựa chọn này xảy ra trong bối cảnh đã được định sẵn.

Đây cũng là niềm tin mình xác định cho bản thân như đã nói ở đầu tập này. Niềm tin này là gốc rễ để mình xây dựng tư duy phát triển, tư duy đặc biệt quan trọng để phát triển bản thân mà mình sẽ nói tiếp theo đây.

Tư duy phát triển và tư duy cố định

Có 2 loại tư duy đối lập nhau, chi phối lớn đến cuộc sống của bạn.

Những người né tránh vấn đề, thường là vì sợ thất bại, được mô tả là có tư duy cố định.

Những người xem các thử thách như cơ hội thú vị để học hỏi được xem là những người có tư duy phát triển.

Vậy tư duy cố định và tư duy phát triển là gì?

Đây là 2 khái niệm tâm lý học của Carol Dweck, giáo sư tại Đại học Stanford, sau khi bà cùng các đồng sự thực hiện một nghiên cứu trên 2 nhóm học sinh trung học:

  • Nhóm 1 được dạy rằng trí thông minh là một khả năng cố định và không thể thay đổi
  • Nhóm 2 được dạy rằng trí thông minh có thể được phát triển, cải thiện thông qua nỗ lực và học hỏi

Sau một thời gian, các học sinh này được làm các bài kiểm tra. Kết quả:

  • Học sinh nhóm 1 có xu hướng dễ dàng bỏ cuộc khi gặp khó khăn. Thành tích học tập của họ không được cải thiện đáng kể và thậm chí còn có xu hướng giảm khi gặp các bài kiểm tra khó.
  • Học sinh trong nhóm 2 gần như ngược lại hoàn toàn. Họ có xu hướng kiên trì hơn, cải thiện thành tích học tập và đạt kết quả tốt hơn trong các bài kiểm tra.

Thứ mà học sinh nhóm 1 được dạy có tên là tư duy cố định. Còn học sinh nhóm 2 là tư duy phát triển.

Những người có tư duy cố định tin rằng họ sinh ra với một mức độ nhất định về trí tuệ và tài năng, và mức độ này không thể thay đổi qua thời gian.

Còn người có tư duy phát triển thì tin rằng các phẩm chất cơ bản như trí thông minh và tài năng có thể được phát triển thông qua nỗ lực, học hỏi và kiên trì.

Mình cũng rất đồng ý với điều này, những người sinh ra đã thông minh, chưa chắc những thành quả trong cuộc sống của họ cũng cao, như trong một tập podcast mình từng nhắc tới công thức của Inamori Kazuo, một doanh nhân nổi tiếng người Nhật:

Cuộc đời và thành quả của công việc = Tư duy x Nhiệt huyết x Năng lực

Nhiệt huyết và năng lực hay trí thông minh thì không thể bằng 0. Thế nhưng nếu tư duy sai, hay có thể xem là tư duy âm, thì kết quả của công thức này sẽ ra số âm, tức là thất bại.

Giờ hãy thử xem, bạn đang có tư duy nào nhé.

Hãy tự đánh giá bản thân qua các tình huống dưới đây để xem bạn đang có tư duy cố định hay tư duy phát triển.

1. Khi đối mặt với một thử thách mới trong công việc hoặc học tập, bạn thường cảm thấy như thế nào?

A: Muốn tránh né và cảm thấy lo lắng

B: Đón nhận và thấy đây là cơ hội để học hỏi

2. Khi gặp phải khó khăn hoặc trở ngại quá lớn, phản ứng đầu tiên của bạn là gì?

A: Dễ dàng bỏ cuộc và nghĩ rằng mình không đủ khả năng

B: Thử kiên trì và tìm cách vượt qua khó khăn

3. Bạn nghĩ gì về nỗ lực và sự cố gắng trong công việc hay học tập?

A: Nếu đã không giỏi thì nỗ lực là vô ích và không quan trọng

B: Xem nỗ lực là con đường dẫn đến sự thành công

4. Khi nhận được sự chỉ trích hoặc phản hồi tiêu cực, bạn thường làm gì?

A: Phớt lờ và không muốn nghe

B: Lắng nghe và thử xem có điều gì có thể học hỏi đc hay không

5. Khi thấy người khác thành công, bạn cảm thấy như thế nào?

A: Cảm thấy bị đe dọa và ganh tỵ

B: Tìm thấy bài học và cảm hứng từ thành công của họ

Kết quả:

Nếu bạn chọn nhiều đáp án A, bạn có xu hướng tư duy cố định.

Nếu bạn chọn nhiều đáp án B, bạn có xu hướng tư duy phát triển.

Suy nghĩ cuối

Hãy nhớ rằng tư duy của chúng ta có thể thay đổi.

Nếu bạn nhận ra mình có nhiều xu hướng tư duy cố định, đừng quá lo lắng, sau khi đã xác định lại niềm tin cốt lõi mình chia sẻ ở phần trước, chắc hẳn bạn sẽ dần dần thay đổi được tư duy mà thôi.

Thực tế không phải lúc nào chúng ta có thể chia rạch ròi thành có và không có tư duy phát triển như vậy. Đôi khi bạn có tư duy phát triển ở khía cạnh này, nhưng lại cố định ở khía cạnh khác. Chẳng hạn như bạn thấy mình là ngôi sao trong môn Toán, nhưng lại dở tệ trong môn Địa. Bạn phát triển tốt trong chuyên môn công việc, nhưng gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội.

Nhưng dù thế nào, để phát triển chúng ta vẫn cần loại bỏ tư duy cố định và nâng cao tư duy phát triển.

Tài năng hay nỗ lực thì đều quan trọng như nhau. Có tài năng bẩm sinh là một sự may mắn, nhưng có sự nỗ lực để nuôi dưỡng năng lực lại là yếu tố quyết định cho sự phát triển bền vững và thành công lâu dài.

* Bài viết là phiên bản rút gọn của tập podcast "Cố đến mấy cũng không thể phát triển nếu có niềm tin và tư duy này" trên kênh @hoangthoughts. Bạn có thể truy cập để nghe phiên bản đầy đủ, bao gồm nội dung về nguyên nhân chúng ta có tư duy cố định.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục