Kore-Eda - Bậc thầy của những câu chuyện đời nhỏ bé, nhưng ngân vang

Nhân Monster, bộ phim thắng giải Kịch bản xuất sắc tại LHP Cannes đang được trình chiếu tại Việt Nam, cùng điểm lại những tác phẩm xuất sắc nhất của Hirokazu Kore-eda.
Lâm Lê
Nhà làm phim, đạo diễn Hirokazu Kore-Eda. | Nguồn: AFP/JIJI

Nhà làm phim, đạo diễn Hirokazu Kore-Eda. | Nguồn: AFP/JIJI

Nhân Monster, bộ phim thắng giải Kịch bản xuất sắc tại LHP Cannes đang được trình chiếu tại Việt Nam, cùng điểm lại những tác phẩm xuất sắc nhất của Hirokazu Kore-eda, một đạo diễn “auteur” luôn theo đuổi những bộ phim thuộc thể loại “shomin-geki”, kể những câu chuyện đời bình dị, nhưng ngân vang…

Trong khoảng 3 thập niên trở lại đây, Hirokazu Koreeda là đạo diễn người Nhật Bản sáng tạo cần mẫn nhất, đồng thời cũng là người đạt nhiều thành tựu nghệ thuật nhất của điện ảnh Nhật Bản đương đại.

Kể từ bộ phim dài Maborosi (1995) ngay lập tức gây chú ý khi tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice, Kore-eda đã có không dưới 10 lần có phim tranh giải tại LHP Cannes và mang về những thành tựu cao nhất như Cành cọ vàng (Shoplifters, 2018), Jury Prize - giải thưởng của BGK với Like Father Like Son (2013), Nam diễn viên xuất sắc nhất (hai lần, với Nobody Knows – 2004 và Broker - 2022) và mới đây nhất là Kịch bản xuất sắc nhất với Monster.

'Shomin-Geki' và những câu chuyện đời nhỏ bé

Khác với những đồng nghiệp người Hàn luôn gây sốc và "thao túng" khán giả bằng những cú "plot twist" bay não, những màn bạo lực bạo phát bạo tàn hay đi sâu vào sự tăm tối của lòng người hay xã hội, phim của Kore-eda nhỏ nhẹ, điềm tĩnh nhưng lại cứa vào ta bằng những chi tiết nhói lòng từ những bi kịch hay nỗi đau trong quá khứ cứ gặm nhấm âm ỉ bên trong nhân vật, chờ một dịp nào đó để thổ lộ nỗi niềm.

Phim của Kore-Eda cho dù mô tả những nhân vật vi phạm phát luật, phạm tội, trộm cắp, hay giết người... đi nữa, ta vẫn không thấy họ xấu. Và ông luôn tìm ra cách để lý giải, để biện hộ cho bi kịch, cho những tội lỗi mà họ lỡ nhúng chàm. Không phải ngẫu nhiên mà giới phê bình gọi ông là hậu duệ và người kế thừa di sản của Ozu - bậc thiền sư của điện ảnh Nhật Bản.

Một trong những dấu hiệu để nhận biết điều đó của Kore-Eda là luôn bám sát thể loại 'shomin-geki' mang tính đặc trưng trong điện ảnh Nhật Bản mà Ozu là bậc đại sư. Thể loại này hướng tới việc tìm kiếm những khoảnh khắc nhỏ của đời thường - nhưng có ý nghĩa - thay vì chú trọng vào sự căng thẳng và xung đột kịch tính trong kể chuyện để thu hút khán giả đại chúng.

Late Spring (Xuân Muộn, 1949) của đạo diễn Yasujirō Ozu là một tác phẩm tiêu biểu thuộc 'shomin-geki', một thể loại phim Nhật Bản mô tả chân thực cuộc sống đời thường của tầng lớp lao động và trung lưu hiện đại. Phim kể về một cô con gái đã đến tuổi lấy chồng (do Setsuko Hara đóng) nhưng luôn tìm mọi cách để trì hoãn, vì muốn dành thời gian chăm sóc người cha góa vợ của cô (do Chishû Ryû). Đây là bộ phim đầu tiên trong 'Bộ ba Noriko' nổi tiếng của Ozu, bao gồm Early Summer (Hè Sớm, 1951) và Tokyo Story (Câu chuyện Tokyo, 1953) . Cả ba bộ phim này đều kể những câu chuyện gia đình bình dị đời thường như vậy, và đều do hai diễn viên ruột của ông là Setsuko Hara và Chishû Ryû đóng vai chính, lúc thì đóng vai con gái và bố, hoặc là con dâu và bố chồng.

Ozu từng có một phát ngôn ấn tượng thể hiện cho quan điểm nghệ thuật của ông: “Ở đời cái gì không quan trọng thì làm theo trào lưu, cái gì quan trọng thì làm theo đạo đức, còn trong nghệ thuật thì làm theo mình.”

Những bộ phim đời thường dung dị nhưng chứa đựng nhiều giá trị nhân văn về xã hội hay gia đình Nhật Bản qua nghệ thuật kể chuyện tinh tế, đặc biệt là qua nghệ thuật dàn cảnh và đặt máy quay của Ozu, đã trở thành một bước ngoặt của điện ảnh Nhật Bản, ảnh hưởng đến nhiều nhà làm phim khắp thế giới, mà trong đó có hậu duệ xuất sắc nhất của ông là Kore-eda.

Hai bộ phim xuất sắc nhất của Kore-eda bám sát thể loại 'shomin-geki' là Still Walking (2008) và After the Storm (2017), kể hai câu chuyện gia đình bình dị qua phong cách kể chuyện điềm tĩnh, thanh lịch, nhưng âm ỉ những lớp sóng ngầm bên dưới chờ thời cơ để tuôn trào.

Trong Still Walking, ông kể câu chuyện về một gia đình ám ảnh với một sự mất mát trong quá khứ. Và ngày giỗ của đứa con trai cả, ngày sum họp gia đình, cũng là nơi là nỗi đau này được cào xới trở lại, nên vết thương đó mãi không lành.

Khoảnh khắc nhói lòng được ông thể hiện qua một chi tiết đắt giá: đứa con trai cả, người chết đuối 12 năm trước khi cứu sống một đứa bé hàng xóm nghịch ngợm, là một người con giỏi giang và niềm hy vọng lớn của cả gia đình, đặc biệt là chuyện nối nghiệp ông bố bác sĩ. Trong khi thằng bé được cứu sống ấy, giờ đây trở thành một thằng thanh niên béo, lười biếng và sống không mục đích. Sự oái oăm đó khiến nỗi đau của gia đình họ càng thêm tan nát.

Làm sao để thiết lập không khí day dứt, phiền muộn và cả những mâu thuẫn ngấm ngầm của một gia đình? Hãy tập trung vào cái bàn ăn tối của họ. Và trong Still Walking, Koreeda có lẽ là người kể chuyện điện ảnh xoay quanh một cái bàn ăn tối của gia đình sâu sắc và cảm động nhất mà tôi từng biết.

“Đến cả người trong nhà còn không hiểu được nhau, thì đừng nói người ngoài con ạ” – một nhân vật của Kore-eda đã từng nói như vậy.

Trong After the Storm, sự rạn nứt của một gia đình nhỏ cũng được Kore-eda thể hiện tài tình chỉ trong một buổi tối duy nhất, khi cơn bão buộc họ phải đoàn tụ, nhưng cũng đồng thời phơi bày những xung đột âm ỉ không thể hòa giải.

Hai diễn viên kỳ cựu Kirin Kiri và Hiroshi Abe từng đóng vai bà mẹ và cậu con trai trong Still Walking tiếp tục đóng vai mẹ và con trai trong After the Storm; khiến ta nhớ lại cách sử dụng diễn viên đóng những vai diễn quen thuộc và lặp đi lặp lại trong phim của Ozu. Nhưng ở mỗi phim, cũng giống như Ozu, Kore-eda đều khám phá những sắc thái tình cảm mới trong một mối quan hệ.

Trong After the Storm, người mẹ âm thầm kết nối mối quan hệ đã rạn vỡ giữa cậu con trai và cô con dâu, nhưng bà bất lực vì không thể hàn gắn. Trong cuộc đối thoại sau đó với con trai, một nhà văn có sự nghiệp lông bông và hơi thiếu trách nhiệm vì hão huyền, bà nói:

“Mẹ cứ tự hỏi tại sao đàn ông thường không hài lòng với hiện tại. Họ cứ hoặc là cứ theo đuổi mãi theo hình bóng của những thứ đã mất, còn không thì cứ giữ mãi một giấc mộng hão huyền. Làm sao con có thể tận hưởng cuộc sống này nếu cứ giữ mãi một tâm tưởng như thế”.

Still WalkingAfter the Storm trở thành một cặp phim về gia đình dung dị nhưng để lại những ngân vang lớn vì Kore-eda đã khéo léo phơi bày những tổn thương âm ỉ bên dưới một bề mặt tưởng như phẳng lặng.

Dường như trong phim của ông, nhân vật nào cũng có một nỗi niềm không thể bày tỏ.

Bậc thầy của những bộ phim về “mặt tối xã hội"

Ngoài những bộ phim kể chuyện gia đình bình dị theo thể loại 'shomin-geki', Kore-eda còn là một bậc thầy của những bộ phim về 'social issues' – tức các vấn đề của xã hội đương đại Nhật Bản.

Cho dù kể những đề tài gây sốc đi nữa, như chuyện 'baby boxes' – những đứa trẻ bị bỏ rơi trong Broker (2022) hay bạo hành học đường trong Monster (2023), ông không bao giờ khai thác những khía cạnh ồn ào hay 'drama' mà lặng lẽ truy tìm những nguyên do sâu xa, hoặc lý giải tại sao nhân vật của ông lại hành xử như thế. Đó là lý do mà giới phê bình phương Tây gọi Kore-eda là đạo diễn của dòng phim 'humane realist drama' - một thứ hiện thực nhân đạo gần gũi với con người và chạm được vào trái tim của người xem, bất kể đến từ quốc gia hay thế giới nào.

Khác với hình dung của thế giới về một đất nước Nhật Bản thịnh vượng, phát triển ổn định và phúc lợi xã hội cao; ông thường hướng ống kính của mình đến thân phận của những con người bé nhỏ bị bỏ rơi, bị ghẻ lạnh ngay trong các đô thị hiện đại như Tokyo hay Osaka.

Các bộ phim của ông cũng thường biểu thị sự bất ổn của cuộc sống gia đình hiện đại Nhật Bản và nạn nhân chính là những đứa trẻ không được thừa nhận, bị bố mẹ bỏ rơi, thậm chí bị bạo hành gia đình.

Các bộ phim nổi bật của ông khai thác chủ đề này giành được các giải thưởng điện ảnh quan trọng là Nobody Knows (2004), Shoplifters (2018), Broker (2022) và mới nhất là Monster (2023).

Trong Nobody Knows, dựa theo một câu chuyện có thật xảy ra trong lòng đô thị khổng lồ Tokyo, 4 đứa trẻ bị mẹ bỏ rơi phải sống trong hoàn cảnh đói nghèo trong một căn chung cư giữa Tokyo hiện đại. Trong Shoplifters cũng dựa theo một câu chuyện có thật xảy ra tại Osaka, một gia đình 'rổ rá cạp lại' sống dưới mức nghèo khó, phải hành nghề đi ăn cắp vặt tại các siêu thị nhưng lại cưu mang một bé gái bị bố mẹ bạo hành và bỏ rơi. Cả hai bộ phim đầy chất hiện thực này đều được Kore-eda lấy cảm hứng từ các câu chuyện có thật tại Nhật Bản. Trong cả hai bộ phim này đều có những chi tiết hiện thực để lại sự tàn phá cảm xúc của khán giả.

Như trong Nobody Knows, khi đứa em út qua đời vì bị đói, cậu anh cả Akira (do diễn viên nhí Yûya Yagira, 14 tuổi đóng và đoạt giải Nam diễn viên xuất sắc tại Cannes 2004) phải nhét xác cô bé vào một chiếc vali và mang ra bên ngoài để chôn, cũng giống như cách mà em bước vào căn hộ này mà không ai biết. Còn trong Shoplifters, khi bà ngoại qua đời, cả gia đình Osamu phải đào huyệt ngay trong căn nhà ổ chuột của họ và chôn bà ngay dưới nền nhà vì không có tiền mai táng.

Trả lời phỏng vấn tờ The New York Times về những bộ phim khai thác mặt tối của xã hội Nhật Bản hiện đại, đạo diễn Kore-eda nói rằng ông không muốn xây dựng những nhân vật hay làm những bộ phim mà khán giả dễ dàng tìm thấy sự hy vọng.

“Nhiều khán giả khi xem phim mong muốn nhìn thấy các nhân vật trưởng thành và trở nên mạnh mẽ hơn khi bộ phim kết thúc. Nhưng tôi không muốn làm những bộ phim như vậy, bởi chúng là những lời nói dối. Và tôi không muốn là kẻ nói dối” – ông nói.

Monster, bộ phim mới nhất của Kore-eda, dù được phát triển từ kịch bản của nhà biên kịch Yûji Sakamoto với một phong cách kể chuyện khác biệt và nhiều kịch tính hơn (ảnh hưởng từ 'Rashomon-style narrative' của một huyền thoại khác là Kurosawa) nhưng cuối cùng, ta vẫn nhận ra Kore-eda qua trái tim từ bi của ông về trẻ em.

Cũng giống như các bộ phim gần đây, Monster kể một câu chuyện về những tình thế oái oăm và mong manh, dễ tổn thương của con người trong một xã hội quá nhiều khuôn phép và định kiến. Mà ở đó, những đứa trẻ con - lại là những nhân vật phải gánh chịu nỗi đau nhiều nhất.

Thêm một điều nữa, Kore-eda là một trong vài đạo diễn giỏi nhất khi làm việc với diễn viên trẻ con. Hầu như phim nào của ông cũng có nhân vật trẻ con. Và chúng diễn như không, như từ cuộc sống bước vào phim, mang theo cả sự hồn nhiên và tổn thương của mình.

Để rồi khi hình ảnh cuối cùng của hai đứa trẻ đang chạy nhảy trên thiên đường của chúng khép lại cùng với tiếng piano dịu dàng của nhà soạn nhạc tài ba Ryuichi Sakamoto vang lên cùng lời tưởng niệm dành cho ông, không ít khán giả đã rơi nước mắt vì xúc động.

Điện ảnh của Kore-eda vừa điềm tĩnh dịu dàng nhưng lại vừa tàn phá cảm xúc là vậy!


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục