Lâm Hoàng Trúc: "Vẽ truyện tranh cũng như uống nước ăn cơm!"
Lâm Hoàng Trúc, tác giả Đường Hoa, chia sẻ gì về chặng đường đã biến chị thành một họa sĩ truyện tranh sẵn sàng ngồi hàng giờ chỉ để tỉa một cái cây?
Lâm Hoàng Trúc là họa sĩ truyện tranh hiện đang sinh sống tại Tiền Giang. Chỉ với Đường Hoa (NXB Kim Đồng), chị đã đưa mình vào danh sách những họa sĩ truyện tranh trẻ nổi bật tại Việt Nam bởi tính chiêm nghiệm sâu sắc trong từng chương truyện.
Đen trắng là màu sắc làm nên tác phẩm của Lâm Hoàng Trúc. Không gian đen trắng đơn giản cho chị cơ hội suy nghĩ về bản chất của mọi thứ, khác với không gian của những bức tranh nhiều màu - thứ khiến cảm xúc chị không được ổn định lúc vẽ.
Với Lâm Hoàng Trúc, một tác phẩm hay phải chứa đựng những trải nghiệm thật sự của tác giả. Đường Hoa chất chứa những tình cảm suốt thời đại học và những ngày tháng đi làm. Mùa Hè Bất Tận (tác phẩm mới) là những điều Lâm Hoàng Trúc tự vấn về cuộc đời, tuổi trẻ, gia đình, sự sống và cái chết từ rất nhỏ.
Phong cách của chị ảnh hưởng từ lối kể chuyện từ các bộ phim điện ảnh hàn lâm, kết hợp với sự cường điệu của manga.
1. Bạn đã học hỏi từ những nguồn nào và như thế nào để cải thiện kỹ năng của mình?
Tôi học tư duy thẩm mỹ từ trường đại học.
Có những tư tưởng mà chỉ ở cấp độ hàn lâm, bạn mới được chạm đến. Dù vẫn có những người tài giỏi không cần đến trường vẫn trở thành huyền thoại, nhưng tôi không phải thiên tài.
Tiếp đến, tôi học từ việc đi làm cho hai công ty gia công phim hoạt hình. Một cho Pháp và một cho Nhật.
Ở công ty Pháp, tôi được dạy vẽ bố cục, chuyển động, cấu trúc…bằng tay. Ở công ty Nhật, tôi được dạy vẽ background bằng máy tính, luyện vẽ phối cảnh ở trình độ cực cao.
Nếu ở trường, tôi học lý thuyết thì ở hai công ty đó tôi rèn luyện thực hành. Nhờ hai nơi này tôi mới có đủ kiến thức và kỹ năng để tạo ra tác phẩm cho riêng mình.
Nhìn chung, tôi thấy nên quán triệt về tư tưởng và thành thục về kỹ năng. Cộng với việc thường xuyên sáng tác để trau dồi kinh nghiệm thì mới có thể đảm đương nổi một câu chuyện tối thiểu 200 trang.
2. Bạn là một truyền kỳ về sự kiên nhẫn: sẵn sàng bỏ rất nhiều giờ đồng hồ để tỉa một cái cây. Làm sao để rèn luyện và giữ sự kiên nhẫn ấy trong sáng tác vậy?
Tôi đã làm việc theo khung giờ của công nhân trong nhà máy, có quản đốc và chấm công nghiêm ngặt. Chỉ cần khuôn mình vào kỷ luật khoảng một năm là quen, nên sau khi nghỉ việc tôi cũng không bỏ được lịch làm việc kiểu công nghiệp đó. Giờ đây, chuyện mỗi ngày vẽ từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối là chuyện bình thường, tôi không thấy mệt hay căng thẳng gì.
Điều quan trọng để giữ được sức lao động đó là phải tìm ra phương pháp chuẩn. Ví dụ mỗi bức tranh dù lớn hay nhỏ, dù nhiều hay ít chi tiết, thì cũng phải tuân thủ đúng quy trình vẽ. Như đặt bố cục, tìm phối cảnh…
Thường thì người ta bị mất nhịp làm việc, timeline rối rắm là vì chưa có đủ kiến thức để giải quyết vấn đề trong bức vẽ. Những kiến thức ấy chỉ có thể đạt được qua quá trình học tập. Mình không phải thiên tài thì chỉ có thể ráng mà học thôi.
Điều thứ hai là đừng quá lệ thuộc vào cảm hứng. Cảm hứng không giúp mình làm việc lâu dài được, nó chỉ là chất xúc tác thôi.
Làm thợ gia công nghĩa là bạn phải làm được mọi thứ, vẽ được mọi thứ kịch bản yêu cầu. Bạn không có quyền lựa chọn hay từ chối. Điều đó khiến tinh thần tôi trở nên mạnh mẽ để sẵn sàng đối mặt với những đối tượng khó vẽ, sẵn sàng dành thời gian học vẽ những thứ chưa bao giờ biết đến.
3. Làm sao để biết tác phẩm của mình ‘đủ hay’ để đưa đến công chúng hay chưa?
Cái này thì tôi bó tay. Tác phẩm nào cũng có người khen kẻ chê. Suy nghĩ về chuyện này là việc làm vô ích nhất trên đời.
Tôi chỉ làm cho hết mình thôi. Khen thì mừng, chê thì vẽ cái khác.
4. Mỗi lần mệt đến mức muốn ‘bỏ nghề’, điều gì sẽ lôi bạn dậy?
Tôi chưa bao giờ muốn bỏ nghề, bởi tôi không coi nó là nghề. Sáng tác truyện tranh tồn tại hiển nhiên trong đời tôi, như uống nước ăn cơm vậy.
Nếu trong tương lai có chuyện gì khiến tôi không thể vẽ được nữa, chắc tôi cũng phải tìm một hình thức khác để kể câu chuyện của mình thôi.
5. Bạn đang (hoặc nghĩ mình sẽ) mắc bệnh nghề nghiệp nào?
Tôi không sống ở thế giới này. Mọi người cư xử kỳ quái quá.
Tôi luôn trở thành các nhân vật trong truyện đang viết, thành ra tôi không ăn nhập nổi với cuộc sống đang diễn ra. Cách tôi phớt lờ những người đang chung sống khiến họ cảm thấy tổn thương, nhưng nếu quay về thế giới thực thì tôi không thể hoàn thành câu chuyện được.
6. Lời khuyên sự nghiệp tệ nhất và hay nhất bạn từng nghe?
Lời nói tệ nhất mà tôi LUÔN LUÔN được nghe: “Em đang lãng phí tài năng của mình. Cái này không hợp với em đâu.”
Lời khuyên hay nhất mà tôi khắc cốt ghi tâm: “Bạn có muốn giỏi lên không?”. Không hẳn là một lời khuyên, nhưng tôi chả nhớ là có ai nói với tôi câu nào hay hơn thế không.
7. Bạn sẽ làm gì mỗi khi stress trong công việc?
Tôi tiêu tiền.
Nhưng thường không có tiền để tiêu, nên tôi chưa bao giờ hết stress.
8. Nếu một ngày thức dậy thấy mình là một bà cụ 80 tuổi, việc đầu tiên bạn làm là gì?
Tôi kiểm tra xem tay chân mình còn hoạt động được không và bắt đầu vẽ.
Nếu tay chân không còn hoạt động được nữa, tôi sẽ viết (hoặc thuê ai đó viết giùm) thỉnh nguyện lên chính phủ cho tôi được an tử.
9. Điều gì trong nghệ thuật khiến bạn cảm thấy nổi da gà?
Những thứ khiến tôi phải suy nghĩ nhiều năm và bỗng một ngày, tôi nhận ra được lớp ý nghĩa sâu xa của chi tiết đó.
Tôi khá chậm chạp trong tư duy, nên muốn nổi da gà thì cũng phải rất lâu mới được.
10. Bạn sẽ chọn tác phẩm nào của mình để gửi đến một người lạc lối?
Không gì cả.
Mỗi người đều sẽ đi đến một cái đích của riêng mình. Lạc lối là tiêu chuẩn của người ngoài cuộc.