Liệu nỗi sợ và chấn thương tâm lý có thể giúp bạn sống tốt hơn?

Theo Mark Manson, đây là hai yếu tố tác động mạnh đến cách bạn nhìn nhận ý thức và mục đích cuộc sống. Hiểu rõ về chúng sẽ giúp bạn xác định điều gì thật sự quan trọng trên đời.
Mark Manson
Nguồn: Jansel Ferma @ Pexels

Nguồn: Jansel Ferma @ Pexels

Được chuyển ngữ từ bài viết “4 Fascinating Psychological Theories That Explain Your Whole Life”, đăng tải trên blog cá nhân của tác giả Mark Manson.


Chào mừng các bạn đến với cuộc phiêu lưu hấp dẫn vào mê cung tâm hồn con người. Chúng ta sẽ dấn thân qua hầm mộ của nhận thức, rừng rậm của tiềm thức và xuyên qua đại dương vô biên của hành vi con người. Trong suốt hành trình đó, ta sẽ có một vài lý thuyết tâm lý làm kim chỉ nam dẫn đường.

Tâm lý học không chỉ là mớ lý thuyết hàn lâm khô khan trong những cuốn giáo trình bụi bặm dành cho các giáo sư. Nó còn là quá trình tìm hiểu những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi con người, là việc “giải mã” những bí ẩn khiến chúng ta chú ý. Tựu chung lại, nó là hành trình khám phá những gì tạo nên con người chúng ta.

Sau đây là những lý thuyết giúp chúng ta làm điều đó. Hãy chuẩn bị sẵn sàng, bởi phần đầu của hành trình không chỉ hấp dẫn mà còn có chút đáng sợ.

Thuyết quản lý nỗi sợ (terror management theory)

Nói một cách ngắn gọn, lý thuyết này là sự nhận thức về cái chết của chính chúng ta, và là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy hành vi con người.

Không như chó, khỉ hay chuột, con người độc đáo ở chỗ có khả năng nhận thức được rằng một ngày nào đó, chúng ta sẽ chết. Và thành thật mà nói, cảm giác đó khá đáng sợ.

Vậy chúng ta làm gì khi nhận ra sự thật đáng sợ ấy? Chúng ta tạo ra các hệ thống văn hóa có ý nghĩa và giá trị, giúp ta cảm thấy mình là một phần của điều gì đó lớn lao hơn chính mình.

Những hệ thống văn hóa này mang nhiều hình thức khác nhau, như tôn giáo, hệ tư tưởng chính trị hay các chuẩn mực xã hội. Chúng mang lại ý thức về mục đích và tầm quan trọng, đồng thời khiến ta tin rằng cuộc sống có ý nghĩa vượt ngoài sự tồn tại cá nhân của chúng ta.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, khi hệ thống văn hóa này bị đe dọa hoặc thách thức, nó có thể gây khủng hoảng hiện sinh sâu sắc. Lúc này, lớp vỏ mong manh ta dựng lên nhằm bảo vệ bản thân khỏi thực tế về cái chết tan vỡ. Chúng ta buộc phải đối mặt với sự thật rằng, cuộc sống là hữu hạn và có khi là vô nghĩa.

Đây là lúc mọi việc có thể trở nên thực sự thú vị hoặc đáng sợ, tùy thuộc vào cách bạn nhìn nhận. Để đối phó với nỗi kinh hoàng này, con người sẽ thực hiện nhiều chiến lược phòng thủ khác nhau, chẳng hạn cố thủ hơn với niềm tin của mình và chế giễu những người không có cùng tư tưởng. Thậm chí có người sẵn sàng dùng đến bạo lực để bảo vệ thế giới quan của họ.

Nói cách khác, khi ý thức về ý nghĩa và mục đích sống của ta bị đe dọa, ta sẽ cứng nhắc hơn trong suy nghĩ và hành vi. Chúng ta trở nên thiếu khoan dung với những điều khác biệt, và dễ có xu hướng gây hấn hay bạo lực.

Nhưng trước khi tuyên bố con người là sinh vật bạo lực và hư vô, bạn lưu ý rằng có những cách tích cực hơn để đối phó với nhận thức về cái chết. Một số người thấy việc nuôi dưỡng lòng biết ơn và trân trọng khoảnh khắc hiện tại giúp họ gắn kết hơn với thế giới xung quanh. Số khác lại thấy thoải mái khi biết rằng, hành động của họ tác động tích cực tới thế hệ tương lai.

Mấu chốt của lý thuyết này nằm ở chỗ, nghe qua thì nó vô cùng âm u và buồn bã. Nhưng chính nó cũng làm sáng tỏ vô số cách con người tìm kiếm ý nghĩa và mục đích trong một thế giới tưởng chừng ảm đạm và vô nghĩa. Một khi hiểu cách mình đối mặt với sự thật về cái chết, ta sẽ có các chiến lược tích cực hơn để xử lý khủng hoảng hiện sinh - vốn là một phần không thể tránh khỏi của việc “làm người”.

Trên thực tế, chỉ cần giữ tâm niệm memento mori (tạm dịch: hãy nhớ rằng bạn sẽ chết), ta có thể xây dựng mối quan hệ lý tưởng với cái chết của bản thân. Chính trong khi suy ngẫm về cái chết một cách có ý thức, ta mới nhìn nhận được mọi việc theo quan điểm của chính mình.

Thuyết phát triển hậu chấn thương (post-traumatic growth theory)

Chấn thương tâm lý rất tệ - điều này có lẽ ai cũng đã biết. Nó đau đớn, khó chịu và có thể để lại những vết sẹo tinh thần suốt đời.

Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, không phải chấn thương nào cũng hoàn toàn tồi tệ. Trên thực tế, không ít người thực sự trưởng thành và thay đổi sau một biến cố đau thương. Điều này nghe có vẻ phản trực giác, song ngày càng có nhiều nghiên cứu tâm lý học chứng minh nó đúng.

Theo lý thuyết phát triển hậu chấn thương, những người trải qua biến cố thực sự có thể hồi phục một cách mạnh mẽ và kiên cường hơn trước. Họ có thể trân trọng cuộc sống hơn, có ý thức sâu sắc hơn về mục đích tồn tại hoặc mong muốn kết nối với người khác.

Đến đây tôi cần làm rõ rằng, nói như vậy không có nghĩa chấn thương tâm lý là thứ bạn nên tìm kiếm và trải nghiệm, và không phải lúc nào nó cũng tốt cho bạn. Nhưng ngay cả trong những khoảnh khắc đen tối nhất của cuộc đời, bạn vẫn có tiềm năng phát triển và thay đổi.

Vậy cơ chế này hoạt động như thế nào? Nó không phải một quá trình đơn giản - thực tế nó có thể lộn xộn, khó lường và đôi khi đau đớn. Nhưng đây là một số “thành phần chính” bắt gặp ở hầu hết các chấn thương tâm lý:

Đầu tiên là sự gián đoạn. Chấn thương thường khiến bạn không còn tự mãn, và phải nhìn nhận lại những quan niệm và ưu tiên trong đời. Nó là lời cảnh tỉnh buộc bạn phải đối mặt với sự thực đau lòng về cái chết, và đánh giá lại xem điều gì thực sự quan trọng trong cuộc sống.

Thứ hai là kiến tạo ý nghĩa. Người trải qua biến cố thường tìm cách hiểu về trải nghiệm của họ, và lồng ghép nó vào câu chuyện cuộc đời. Họ có thể tìm thấy những ý nghĩa và mục đích khác để sống, hoặc cảm nhận được sự kết nối với người khác mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Thứ ba là sự kiên cường. Người trải qua chấn thương tâm lý thường có khả năng phục hồi phi thường sau nghịch cảnh. Họ có thể biến nỗi đau của mình thành sức mạnh và sự kiên cường. Họ cũng tự tin hơn về năng lực bản thân và khả năng vượt qua thử thách của chính mình.

Cần lưu ý không phải chấn thương nào cũng dẫn tới phát triển. Không phải ai gặp biến cố cũng trưởng thành và biến đổi.

Nhưng mong bạn hãy ghi nhớ rằng, bạn vẫn có thể tìm thấy ánh sáng trong những đường hầm tối tăm nhất. Đó là minh chứng cho sức mạnh tinh thần của con người trong việc vượt qua nghịch cảnh và tìm ra ý nghĩa cuộc đời, ngay cả khi phải đối mặt với nỗi đau sâu sắc.

Gửi tới những ai đang trải qua chấn thương tâm lý: Xin hãy hiểu rằng bạn không cô đơn, và một khi vượt qua nó, bạn sẽ có tiềm năng trưởng thành và thay đổi. Điều đó không dễ dàng, nhưng hoàn toàn khả thi. Nó cũng là điều đáng để bạn bám víu trong thời điểm khó khăn này.

Còn tiếp…


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục