Liệu "Số hoá" có thể vực dậy ngành công nghiệp thời trang?

Không còn những show diễn và sự kiện dành riêng cho người trong giới thời trang, ngành thời trang buộc phải tìm cho mình những giải pháp thay thế. Một trong những giải pháp ấy là “digital fashion” – số hóa thời trang.

Sil Vũ
Liệu "Số hoá" có thể vực dậy ngành công nghiệp thời trang?

Liệu "Số hoá" có thể vực dậy ngành công nghiệp thời trang?

Trong thời gian vừa qua, đã có nhiều thảo luận về cách ngành thời trang đang đối mặt với dịch bệnh COVID-19. Là ngành công nghiệp trị giá 2.300 tỷ euro, thời trang tiếp cận người dùng qua những show diễn, triển lãm và các cửa hàng.

Nhưng cùng lúc này, một định nghĩa mới về xa xỉ phẩm đang dần hình thành, khi tinh thần đang được đề cao hơn vật chất. Không còn những show diễn và sự kiện dành riêng cho người trong giới thời trang, ngành thời trang buộc phải tìm cho mình những giải pháp thay thế. Một trong những giải pháp ấy là “digital fashion” – số hóa thời trang.

Ứng dụng, trò chơi và công nghệ thực tế ảo

Theo Vogue Business, lượng tải về những ứng dụng hỗ trợ trải nghiệm số với thời trang đã tăng mạnh. Thời lượng sử dụng Forma — ứng dụng cho phép người dùng mặc thử trang phục sử dụng ảnh cá nhân — đã tăng 50%. Riêng tại Ý, lượng tải về của Drest — ứng dụng tương tác trang phục thời trang cho nhân vật ảo — đã tăng 400% chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 4.

Những ứng dụng trò chơi nhập vai như Animal Crossing, League of Legends hay The Sims cũng đã nỗ lực trong việc xây dựng hình ảnh cho các nhân vật của mình, đồng thời hợp tác với các hãng thời trang lớn để lồng ghép sản phẩm thời trang của mình vào kho trang phục.

Gucci là thương hiệu thời trang cao cấp đã tiên phong kết hợp công nghệ vào ứng dụng của mình. Một vài tháng trước, Gucci tái thiết lập ứng dụng của mình với công nghệ “thực tế ảo” (augmented reality) để người dùng có thể trải nghiệm quần áo hay nội thất ngay tại nhà, đồng thời tạo ra một cộng đồng ảo cho khách hàng của Gucci.

Tuần lễ thời trang trực tuyến

Nhanh chóng phản ứng trước dịch bệnh, làng thời trang Trung Quốc đã công bố việc số hoá Tuần lễ thời trang Thượng Hải vào cuối tháng 2, chỉ 2 tuần sau khi công bố hoãn lịch. Tuần lễ thời trang đã diễn ra trực tuyến trên ứng dụng T-Malls và Taobao.

Với sự đa dạng trong hình thức trình diễn, tuần lễ thời trang Thượng Hải đã nhận sự tham dự của hơn 100 nhãn hàng–con số vượt xa các tuần lễ trước đây.

Tuần lễ thời trang Moscow đã diễn ra dưới hình thức tương tự, và trong vài tháng nữa, London và Helsinki cũng sẽ tiếp bước.

Tuy nhiên, giải pháp số hoá các show diễn thời trang lại dấy lên nhiều vấn đề mới. Việc không thể nhìn tận mắt cũng như trải nghiệm trực tiếp tại showroom sẽ tạo ra khó khăn cho các buyer. Chất lượng video và tốc độ đường truyền cũng gây cản trở trong việc đánh giá chi tiết và chất lượng thật của sản phẩm.

Giới báo chí cũng gặp không ít khó khăn trong việc gặp gỡ và trao đổi với nhà thiết kế và cũng gặp nhiều rào cản về ngôn ngữ khi các show diễn chỉ trình chiếu bằng một thứ tiếng.

Nhưng thử thách lớn nhất vẫn nằm ở các thương hiệu thời trang khi họ vốn không dồi dào nguồn lực và kinh nghiệm về công nghệ. Thực tế, các show diễn trực tuyến lại tốn kém nhiều chi phí hơn khi các thương hiệu phải sử dụng nguồn lực bên ngoài để xây dựng các nền tảng ảo hay 3D, đồng thời tìm ra những phương thức quản lý sự kiện mới.

Để tận dụng hiệu quả nhất phương thức mới này, các thương hiệu không nên thay thế hoàn toàn các show diễn truyền thống bằng những show trực tuyến. Thay vào đó, có thể xem đây là một phương pháp mới để kết nối những thị trường mà họ chưa thể với tới. Nhờ vào internet và công nghệ số, giờ đây hàng ngàn người đã có thể tham dự những sự kiện mà trước đây chỉ có vài trăm người tham dự.

Đồng thời, tính năng tương tác trực tiếp với người xem trong thời gian thực cũng là một lợi thế giúp các thương hiệu xây dựng một cộng đồng người theo dõi lớn hơn. Sự tương tác này cũng giúp họ nhanh chóng thu thập các phản hồi từ phía người dùng, góp phần hỗ trợ nhãn hàng trong quá trình làm việc với buyer.

Tóm lại, những show diễn trực tuyến nên được khai thác như một trải nghiệm tương tác với khách hàng, hơn là một sự kiện thời trang truyền thống tập trung vào các nhà bán lẻ và kênh truyền thông trong ngành.

Công nghệ 3D và nội dung mới cho thời trang

Trong khi ngành bán lẻ và thời trang truyền thống đang phải gánh chịu hậu quả từ dịch bệnh, thời điểm này là cơ hội tốt để thời trang thử nghiệm với nhiều phương thức mới. Với xu hướng số hoá thời trang, nhiều đơn vị thời trang số ra đời. Điển hình là The Fabricant–công ty chuyên tạo ra những trải nghiệm thời trang chỉ sử dụng công nghệ 3D và thực tế ảo.

Trong dự án hợp tác với Napapijri gần đây, The Fabricant đã tạo ra những sản phẩm mẫu cho bộ sưu tập SS 20 thay vì những mẫu thực tế như truyền thống và một campaign quảng cáo mà không cần một người mẫu, nhiếp ảnh gia hay một bộ quần áo thực tế nào.

Nhà bán lẻ thời trang Selfridges cũng đã thực hiện một dự án tương tự với DIGI-GAL. Trong dự án này, những trang phục của Rick Owens, Maison Margiela, Ann Demeulemeester,… được DIGI-GAL nghiên cứu và tái hiện lại trên nền tảng 3D. Kết quả là một video siêu thực, không những tiết kiệm nguyên nhiên liệu mà còn phá vỡ những rào cản vật lý, cho người nghệ sĩ cơ hội để thực sự thỏa sức tận dụng trí tưởng tượng của mình.

Công nghệ 3D và thực tế ảo cũng sẽ thúc đẩy phát triển của truyền thông. Việc tiếp cận những nội dung 3D hoặc dưới dạng ảnh động/video sẽ gây khó khăn cho báo giấy truyền thống, mặt khác tạo ra lợi thế cho các đầu báo số và các kênh như YouTube. Các bảo tàng và triển lãm cũng sẽ cân nhắc đầu tư vào những trải nghiệm thực tế ảo để bắt kịp với các xu hướng này.

Showroom trực tuyến

Với sự hạn chế trong việc di chuyển, ngành thời trang cũng đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự phát triển của các showroom trực tuyến. Tuy việc số hoá những showroom và tradeshow không phải là bước đi mới, song trước đây, phương pháp này chỉ được coi như một nhánh nhỏ bên lề trong ngành kinh doanh thời trang, bởi việc trực tiếp nhìn thấy và cảm nhận các thiết kế vẫn được ưu tiên hàng đầu.

ORDRE — showroom trực tuyến sử dụng công nghệ thực tế ảo

Showroom trực tuyến đã được tuần lễ thời trang Paris vừa qua áp dụng. DFO – công ty đại diện những showroom thời trang quốc tế tại Trung Quốc đã nhanh chóng chuyển sang phương thức này và hỗ trợ 95% giao dịch từ các buyer của nước này do họ không thể trực tiếp tham dự. Việc số hóa quy trình mua của các nhà bán lẻ khi được kết hợp thành công với những show diễn trực tuyến kể trên sẽ mang lại nhiều lợi thế cho các thương hiệu và buyer bởi họ không cần phải tốn kém thời gian và chi phí di chuyển giữa những quốc gia vào các tuần lễ thời trang.

Kết

Digital fashion chắc chắn đang đưa ra những phương án đáng cân nhắc. Song vẫn không thể phủ nhận tầm quan trọng của thời trang truyền thống, bởi nó kết nối sâu sắc với cuộc sống hằng ngày của người dùng. Nhìn vào tương lai, sự phát triển của digital fashion chắc chắn sẽ tạo ra những tiềm năng lớn cho ngành thời trang, với những nhánh mới của thời trang tồn tại song song với những trải nghiệm truyền thống.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục