“Lười biếng xã hội” – Tâm lý ỷ lại khi làm việc nhóm
Nhóm càng đông thì từng thành viên càng ỷ lại. Nghịch lý này là do tâm lý "lười biếng xã hội" (social loafing). Việc ỷ lại khi làm việc nhóm bắt nguồn từ đâu?
Ỷ lại số đông khi tham gia làm việc nhóm, đáng buồn thay, lại khá phổ biến từ trường học cho đến nơi công sở. Nếu nhóm bạn được yêu cầu làm một bài thuyết trình, hiệu ứng "social loafing" (tạm dịch: lười biếng xã hội) sẽ khiến cho từng thành viên lơ là hơn hẳn khi họ thực hiện theo cá nhân. Tâm lý này có tên gọi nào không?
Lười biếng xã hội (social loafing) là gì?
Lười biếng xã hội là hiệu ứng tâm lý miêu tả xu hướng một người bỏ ít công sức hơn khi làm việc nhóm. Dù tất cả thành viên đang chung sức cho cùng một mục đích, mỗi cá nhân lại đóng góp ít hơn so với khả năng thật sự mà họ có thể khi thực hiện chúng một mình.
Hiệu ứng này đã chống lại niềm tin “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.
Lười biếng xã hội được phát hiện từ bao giờ?
Trong một thí nghiệm kéo co của Ringelmann vào năm 1913, ông đã yêu cầu những người tham gia kéo sợi dây thừng một mình hoặc cùng một nhóm. Kết quả cho thấy khi họ kéo co cùng nhóm, những người này bỏ ra ít năng suất hơn so với lúc họ phải tự kéo cọng dây thừng.
Thí nghiệm này đã được lặp lại hai lần vào năm 1974 và 2005, đều cho ra kết quả tương tự.
Vì sao “Lười biếng xã hội” lại xảy ra?
Hai nhà tâm lý học Simms và Nichols đã đề ra một cách giải thích hợp lý:
- Thiếu động lực: Nếu những thành viên trong nhóm cảm thấy mình không nhận được gì khi làm công việc này, hay kết quả cuối cùng không quan trọng thì họ sẽ bỏ ra ít công sức hơn trong quá trình làm việc.
- Đề cao năng suất người khác: Nếu có một người “sáng dạ” hay sẵn sàng xông pha, họ sẽ được mặc định là người làm việc tốt hơn. Những thành viên khác tự lùi về sau và để người đó dẫn dắt (thậm chí ôm đồm) tất cả mọi công việc.
- Phân hóa trách nhiệm: Chúng ta cảm thấy có ít trách nhiệm cá nhân hơn khi công việc được chia đều trong một nhóm, vì cho rằng công sức bỏ ra sẽ không gây nhiều ảnh hưởng lên tập thể. Thay vì hao tốn sức lực của mình, tại sao không để người khác lãnh nhận trách nhiệm đó?
- Quy mô nhóm: Một nghịch lý rằng khi số thành viên càng nhiều thì năng suất càng giảm và ngược lại. Theo thuyết tác động xã hội, mỗi cá nhân tạo nên một nguồn ảnh hưởng độc lập. Nếu quy mô nhóm càng tăng thì sự ảnh hưởng của họ càng giảm xuống, đồng nghĩa năng suất làm việc cũng giảm đi.
- Thuyết tiềm năng đánh giá: Vì kết quả được đánh giá dựa trên tập thể thay vì cá nhân, thành viên bị “chìm vào nhóm". Họ cảm thấy năng lực bỏ ra không được ghi nhận độc lập hoặc không được tán thưởng công bằng so với người khác. Trong một số trường hợp ngược lại, cách đánh giá này lại giúp một số người an tâm “làm ít hưởng nhiều" mà không bị phát hiện hoặc chỉ trích.
Có thể khắc phục hành vi ỷ lại khi làm việc nhóm không?
Hiệu ứng “Lười biếng xã hội” khá phổ biến nhưng ta luôn có thể giảm thiểu mức độ của nó để tránh "drama" không cần thiết. Dưới đây là những đề xuất mà bạn có thể áp dụng trong những lần họp nhóm của mình.
1. Phân công việc cụ thể
Tăng tính trách nhiệm của từng thành viên bằng cách cụ thể hóa công việc. Mỗi cá nhân trong nhóm sẽ có nhận thức cao hơn về công việc mà họ đang thực hiện, đồng thời ý thức được nỗ lực họ phải bỏ ra để hoàn thành chúng.
2. Đưa feedback đúng lúc và phù hợp
Theo dõi quá trình làm việc của từng thành viên và nhận xét/đánh giá lẫn nhau để nâng cao hiệu suất. Không những theo kịp tiến độ công việc, đây còn là cơ hội để các thành viên cải thiện lại khả năng làm việc của mình.
3. Giảm thiểu sự hỗ trợ không cần thiết
Giảm sự giúp đỡ đối với những công việc mà thành viên có thể tự hoàn thành, nhất là các công việc không cần hướng dẫn như trả lời email, sắp xếp văn bản, lên lịch hẹn,... Cách này cũng sẽ giúp họ chủ động hoàn tất công việc hơn.
4. Khuyến khích tinh thần nhóm
Tăng động lực bằng cách liên tục nhắc nhở về mục tiêu, thành tích mà cả nhóm muốn hướng đến. Không dừng ở mặt tinh thần, các thành viên cũng có thể thảo luận với nhau và thống nhất các phần thưởng hiện vật phù hợp.