Luyện thi ở lò và một thời để nhớ
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2023 đã kết thúc, cùng với đó là chặng đường ôn thi và chạy nước rút của các sĩ tử. Tới thời điểm này, các bạn có thể chính thức nghỉ ngơi và tạm thời buông bỏ sách vở sau một thời gian dài ôn luyện. Dù kết quả có thể nào đi chăng nữa, xin chúc mừng các bạn vì đã hoàn thành kỳ thi.
Sau này, khi mọi thứ đã qua đi, thứ mà ta nhớ nhất có lẽ không phải là chuyện thi được mấy điểm, mà chính là hành trình ôn tập và luyện thi trước đó. Các bạn trẻ ngày nay, với sự trợ giúp của internet và các công nghệ mới, có thể tự ôn tập theo nhiều cách khác nhau. Với những bạn đã đỗ bằng các hình thức xét tuyển trước khi thi, thì quá trình ôn và thi THPT quốc gia có lẽ chỉ là một thủ tục cần hoàn thành.
Đó là điều xa xỉ mà những thế hệ đi trước không có được. Vào cuối những năm 90 hay những năm đầu thế kỷ này, thi đại học thực sự là một cuộc chiến, và những lò luyện thi là nơi chúng ta nhìn rõ nhất những chiến binh trên con đường đại học gian nan. Đó là một hình thức ôn luyện đặc trưng của nền giáo dục cũ, một hình thức mà những bạn trẻ ngày nay - những người xem Kaito Kid hay Phương Mỹ Chi để đoán đề văn và ôn toán qua livestream - sẽ khó mà hình dung được.
Đổ mồ hôi, sôi nước mắt trong lò luyện
Chúng ta đều biết rằng hình thức thi hiện nay là xét tốt nghiệp và đại học qua cùng một kỳ thi. Tuy nhiên, trong quá khứ, từng có một kỳ thi tốt nghiệp riêng và một kỳ thi đại học riêng. Không những vậy, mỗi trường đại học sẽ tổ chức một kỳ thi khác nhau với đề thi khác nhau. Do đó, các sĩ tử khi xưa muốn thi trường nào thì sẽ phải tới trung tâm ôn luyện của các giảng viên ở trường đó.
Một sự khác biệt quan trọng nữa là ở hình thức thi tập trung. Khác với việc các địa phương tự tổ chức thi như hiện nay, trong quá khứ, thí sinh phải lên tận trường nơi họ muốn ứng tuyển để làm bài.
Điều đó có nghĩa là các lò luyện sẽ là nơi quy tụ của sĩ tử ở nhiều địa phương khác nhau. Những kỷ niệm ôn luyện đại học của thế hệ trước vì thế không chỉ có chuyện học, chuyện ôn, mà với nhiều người còn là hành trình thuê trọ trước đó hàng tháng trời và cân đo đong đếm từng đồng chi tiêu để chờ tới ngày hái quả.
Các lò thường xuất hiện quanh những trường đại học lớn, và ta có thể vẽ ra một bản đồ các lò luyện với mức phân hóa rõ ràng. Như ở Hà Nội, những ai thi sư phạm hay ngoại ngữ sẽ ôn ở các lò xung quanh Đại học Sư phạm hay Đại học Ngoại ngữ tại đường Xuân Thủy. Ai thi Nhân Văn, Tự Nhiên thì quanh quẩn khu vực Nguyễn Trãi. Còn với những thí sinh các ngành kỹ thuật, đường Tạ Quang Bửu nơi có Đại học Bách Khoa là điểm đến quen thuộc.
Ở thời huy hoàng của mô hình này, dễ phải có tới trên dưới 200 lò luyện ở tại Hà Nội, tương tự là ở Sài Gòn. Chỉ riêng quanh khu vực Tạ Quang Bửu đã có gần 90 cơ sở luyện thi. Sức nóng của các lò luyện có thể thấy ngay từ đầu những con đường này. Những biển hiệu, biển dán chữ, hay những tấm bảng viết tay ghi thông tin của giáo viên ôn luyện và thời gian dạy học xuất hiện trên tường, treo trên cây, hay dựng ở ven hè.
“Nóng” cũng là từ khóa phù hợp để mô tả không gian và không khí của các cơ sở luyện thi - không phải tự nhiên mà người ta gọi nó là “lò.” Vài trăm người nhồi nhét vào một căn phòng rộng cùng lắm là hơn trăm mét vuông với vài cái quạt trần mà tiếng kêu ù ù của nó hòa lẫn vào tiếng giảng đều đều của giáo viên.
Ngoài phòng học, mùa hè nóng đổ lửa. Trong phòng học, cả thầy lẫn trò nhễ nhại mồ hôi, từng học sinh căng mình ra ghi chép theo lời giảng. Và ai cũng nóng ruột, trong lòng bồn chồn những băn khoăn về kỳ thi sắp tới và về tương lai.
Lò luyện và những kỷ niệm học đường
Nếu chỉ bám vào cái nóng của thời tiết và của việc ôn luyện, thì những lò luyện thi chẳng khác gì các lò rèn hay lò luyện kim đan. Nhưng đó không phải là những kỷ niệm duy nhất để nhớ về khi nhắc tới những lò luyện cũ.
Bởi cơ sở luyện thi nào cũng trong tình trạng quá tải, nên nếu như không tới sớm, khả năng cao là bạn sẽ phải đứng tít tận ngoài cửa mà nghe giảng. Nếu muốn có chỗ đẹp ở những bàn đầu, bạn phải tới sớm khoảng 15 phút, đúng giờ hay sát giờ mới tới thì sẽ chỉ còn những chỗ từ giữa phòng trở xuống. Vì thế, kỹ năng kết bạn là rất quan trọng, bởi bạn sẽ có người không chỉ để mượn vở chép bài hay hỏi han, mà còn để… giữ chỗ ngồi hộ.
Những tình bạn nơi lò luyện cũng là một mối quan hệ đặc biệt, bởi đó là nơi tụ họp của học sinh từ vô vàn ngôi trường khác nhau, thậm chí là ở các địa phương khác nhau. Cũng từ đó đã nảy sinh ra những mối “tình lò,” hay là những người nhất quyết đi học ở một trung tâm này chứ không phải chỗ khác vì… crush luyện thi ở đó.
Điều này cũng là dễ hiểu, bởi việc ôn tập sẽ dễ dàng hơn và đỡ mệt nhọc hơn khi có bạn bè. Không chỉ là việc cùng giúp đỡ nhau học, mà những người bạn nơi lò luyện có thể cùng bạn than thở về chuyện học, chuyện thi, hay là cùng bạn tranh thủ la cà ở các hàng ăn trước khi vào lớp học. Thời ấy, internet chưa phổ cập và không phải ai cũng có điện thoại, nên tình bạn nơi lò luyện là những mối quan hệ ngắn ngủi và rất đỗi ngẫu nhiên, nhưng cũng không kém phần đẹp đẽ.
Nói vậy không có nghĩa là ai cũng sẽ ôn thi theo kiểu “có hội, có phường” như vậy. Đối với nhiều thí sinh, quá trình ôn thi cũng là quá trình bắt đầu tự lập và trưởng thành. Đó là câu chuyện của những sĩ tử từ những huyện ở các tỉnh khác đổ về đô thị trung tâm. Những cô cậu mới lớn phải một thân một mình ở nơi đô thị, tả tơi đi tìm nhà và tìm chỗ học.
Ai may mắn thì có người thân lên ở cùng, hoặc nếu có người thân sống ở thành phố luôn thì càng tiện. Với một số người, người nhà của họ chỉ lên trong khoảng thời gian đầu để hỗ trợ tìm nhà và chỉ dẫn những điều cơ bản, còn sau đó là tự lực cánh sinh. Và còn vô vàn người khác một thân một mình lên thành phố, tự lập ngay từ những ngày đầu tiên. Vì thế, thời gian ôn luyện không chỉ là thời gian học để thành danh, mà với nhiều người, còn là những ngày sống để thành nhân.
Luyện thi, xưa và nay
Ta có thể thấy rằng, mô hình luyện lò mô tả ở trên là mô hình đặc thù của hệ thống giáo dục và thi cử khi xưa. Nói cách khác, chỉ trong hệ thống đó mới tồn tại kiểu luyện thi đó. Minh chứng cho điều này là việc các lò luyện thi đại học từng nổi tiếng một thời nay đã trở nên vắng vẻ hơn rất nhiều trước những lần đổi mới giáo dục trong những năm gần đây.
Một yếu tố khác khiến cho mô hình này không còn phù hợp trong thời đại ngày nay là sự phát triển của internet và công nghệ. Trước kia, các lò luyện là cần thiết không chỉ bởi mô hình giáo dục, mà còn bởi vì nếu không học ở đó thì chẳng còn chỗ nào khác để mà học cả. Sách tham khảo khi ấy không nhiều, và cũng chẳng có internet để cho mọi người tìm đề hay tìm cộng đồng ôn tập. Những thứ đó chỉ có ở lò luyện.
Ngày nay, các bạn học sinh có nhiều cơ hội và công cụ hơn trước. Các bạn có thể tự ôn tập ở nhà, cần gì đã có Google và ChatGPT ứng cứu. Nếu muốn tham khảo thêm kiến thức, vô vàn kênh livestream sẵn sàng với tất cả các bộ môn. Thậm chí ở nước ngoài, có cả những ứng dụng điện thoại cho phép bạn chụp ảnh câu hỏi toán học để lấy câu trả lời. Ở Việt Nam, cũng đã có ứng dụng gia sư trực tuyến giải đáp những thắc mắc của học sinh.
Bên cạnh đó, thi đại học ngày nay không còn áp lực như trước. Việc gộp hai kỳ thi vào làm một và tự tổ chức tại địa phương giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí và công sức cho các sĩ tử. Đồng thời, có nhiều hình thức xét tuyển mới, nên nếu có sự chuẩn bị từ sớm, các bạn học sinh chỉ cần kiếm đủ điểm tốt nghiệp.
Có bạn sẽ nói rằng, thực ra mô hình lò luyện không biến mất, mà chỉ thu hẹp quy mô hay chuyển sang các dạng thức khác. Ta có thể lấy ví dụ về các lò luyện vào các trường chuyên cấp ba, hay là những lò IELTS, lò SAT, hay là các lò luyện thi đánh giá năng lực hoặc đánh giá tư duy. Điều này hoàn toàn đúng, dù cho sự chuyển đổi giữa các mô hình của các thời kỳ khác nhau khiến cho khái niệm “lò luyện thi” ít nhiều thay đổi theo.
Và cũng có người sẽ bảo rằng, các lò luyện theo đúng nghĩa đã chết. Họ sẽ ăn mừng cái chết đó bởi đối với họ, nó tượng trưng cho một giai đoạn nhồi nhét kiến thức, học kiểu chộp giật với những tiêu cực trong việc luyện thi.
Điều này cũng không sai, nhưng có lẽ ở thời điểm hiện tại ta không nên nghĩ quá nhiều về những sự tiêu cực ấy. Bởi suy cho cùng, đó cũng chỉ là những kỷ niệm của một thời xa lắm mà bố mẹ hay cô chú của ta thuộc về.