Ly hôn xanh - Hạnh phúc mong manh trong hôn nhân chóng vánh

Làm sao để ly hôn là giải pháp cuối cùng, chứ không phải điều đầu tiên nghĩ đến khi vợ chồng mâu thuẫn?
Hồng Vân
Nguồn: Cottonbro @ Pexels

Nguồn: Cottonbro @ Pexels

1. Ly hôn xanh là gì?

Ly hôn xanh là thuật ngữ chỉ những cuộc ly hôn diễn ra trong vòng 5 năm sau khi kết hôn, thường phổ biến ở các cặp đôi từ 18-30 tuổi.

Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới, Việt Nam có khoảng 2 triệu lượt đăng ký kết hôn mỗi năm. Tỷ lệ ly hôn là 600.000 cặp, tức cứ 4 cặp kết hôn sẽ có 1 cặp ly hôn. Có tới 70% các cặp ly hôn thuộc độ tuổi dưới 30, và tỷ lệ này có xu hướng tăng lên sau mỗi năm.

2. Nguồn gốc của ly hôn xanh?

Cụm từ có thể được hiểu theo 2 cách: cuộc hôn nhân lụi tàn khi nó còn non và xanh (chưa đạt đến giai đoạn “chín chắn”), hoặc vì nó xảy ra ở người trẻ - thế hệ “đầu xanh” theo cách nói dân gian (như trong câu “kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh”).

Hiện chưa rõ thời điểm chính xác thuật ngữ này bắt đầu xuất hiện, song nhiều khả năng nó bắt nguồn từ đề tài nghiên cứu khoa học “Tình trạng ly hôn của thanh niên trên địa bàn TP HCM” của thạc sĩ Nguyễn Ngọc Tài năm 2010.

Theo thạc sĩ Tài - một chuyên gia tâm lý đến từ Trung tâm Tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP. HCM, nhiều cuộc hôn nhân bị chấm dứt khi nó chưa đáng phải “chết”. Người trong giới chuyên môn gọi chúng là những cuộc “ly hôn xanh”, và thuật ngữ này cũng được giới báo chí, truyền thông sử dụng phổ biến từ đó.

3. Vì sao ly hôn xanh phổ biến?

Có khá nhiều sự kiện khiến cụm từ phổ biến trở lại trong thời gian gần đây. Đầu tiên phải kể đến nghị quyết mới về ly hôn có hiệu lực từ ngày 1/7, theo đó người chồng không có quyền đệ đơn ly hôn khi vợ đang mang thai hay nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Một phóng sự của VTV ngày 7/6 về thực trạng ly hôn nhanh ở người trẻ cũng được chia sẻ rộng rãi. Bên cạnh đó, cặp đôi streamer Xoài Non và Xemesis cũng vừa tuyên bố “đường ai nấy đi” sau cuộc hôn nhân 4 năm, đặc biệt Xoài Non chỉ mới 18 tuổi ở thời điểm kết hôn. Vậy vì sao ngày càng nhiều đôi trẻ “yêu nhanh, cưới vội, sớm ra tòa”?

Hệ quả từ đại dịch COVID-19

Theo New York Times, trong thời kỳ dịch bệnh, việc bị “nhốt” ở nhà cùng nhau gần như 24/7 được cho là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn tăng cao ở nhiều quốc gia. Hiện tượng phổ biến đến nỗi cụm từ “Covidivorce” (kết hợp từ covid và divorce - ly dị) đã ra đời.

Một ví dụ nổi bật là Trung Quốc, nơi các hồ sơ ly hôn tăng tới 25% từ khi nhiều thành phố phong tỏa diện rộng, dẫn đến cuộc khủng hoảng về ly hôn.

Theo Steve Li, một luật sư chuyên về ly hôn tại Thượng Hải, cảm giác bí bách, “đụng mặt” nhau liên tục đã khiến nhiều đôi “ngán” nhau. Một số đôi khác ly hôn vì áp lực công việc, tài chính hay thậm chí vì… hơn thua việc nhà trong mùa dịch.

Góc nhìn cởi mở hơn về ly hôn

Ở các thế hệ trước, xã hội đặt nặng người phụ nữ với lối sống “xuất giá tòng phu” (lấy chồng theo chồng). Tuy nhiên trong xã hội hiện đại, phụ nữ có vị thế cao hơn, tham gia vào rất nhiều công việc nên có xu hướng ít bị ràng buộc bởi mối quan hệ hôn nhân gia đình hơn.

Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Ngô Thị Hường (Đại học Luật Hà Nội), người Việt hiện đại có 3 luồng quan điểm về ly hôn. Quan điểm thứ nhất cho rằng ly hôn là sai trái, gây hệ quả tiêu cực. Quan điểm thứ hai coi ly hôn là bình thường khi hai bên không đem lại niềm vui cho nhau. Quan điểm thứ ba coi ly hôn là cách duy nhất để giải quyết mâu thuẫn.

Như vậy có thể thấy, chúng ta đã nhìn nhận ly hôn với con mắt cởi mở hơn các thế hệ trước. Các mô hình gia đình bố/mẹ đơn thân cũng trở nên phổ biến hơn, giúp người trẻ “giải thoát” tâm lý nhẫn nhịn ở cùng nhau để con cái bớt khổ. Dù ly hôn, họ vẫn chia sẻ trách nhiệm nuôi dạy con một cách văn minh.

Sợi dây kết nối mong manh

Ngoài 2 nguyên nhân trên, có những cặp vợ chồng trẻ ly hôn sớm đơn giản do… vỡ mộng, khi nhận ra đối phương và đời sống hôn nhân có nhiều khác biệt họ chưa từng nghĩ tới. Nhiều đôi trẻ cưới và có con khi chưa đủ tiềm lực kinh tế, hoặc chưa thực sự thấu hiểu đối phương.

Cũng theo Tiến sĩ Ngô Thị Hường, không ít cặp vợ chồng trẻ thiếu kỹ năng giao tiếp hiệu quả. Chẳng hạn khi đi làm về, mỗi người sẽ ôm chiếc điện thoại thay vì ôm bạn đời của mình. Áp lực công việc, cuộc sống… cũng phần nào khiến vợ chồng trẻ có ít thời gian và ít cơ hội “làm mới” các trải nghiệm bên nhau.

Ly hôn không sai, nhưng cần cân nhắc kỹ trước khi làm

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh, một cuộc ly hôn tốn kém cả về thời gian và tài chính, lại tồn tại nhiều rủi ro liên quan đến phân chia tài sản hay quyền nuôi con. Về mặt tinh thần, nó cũng khiến cặp đôi phải chịu tổn thương tâm lý, áp lực từ 2 bên gia đình.

Chuyên gia Nguyễn Thị Minh nhận định, người trẻ không nên coi nhẹ các giá trị của hôn nhân. Trước khi kết hôn họ nên đi tham vấn tiền hôn nhân, thỏa thuận trước các nguyên tắc ứng xử, quan điểm sống, tài chính trong nhà cũng như các kỹ năng làm cha mẹ. Họ cần hiểu rằng cuộc sống hôn nhân sẽ khác nhiều so với khi yêu, và cần được chuẩn bị cho việc đó.

Khi mâu thuẫn xảy ra, cặp đôi nên cân nhắc việc sống ly thân trước khi quyết định ly hôn. Đây là khoảng thời gian giúp cả hai bạn suy nghĩ kỹ hơn, cân nhắc xem ly hôn có phải điều nên làm hay không. Dù là mâu thuẫn vì bất kỳ lý do nào, thì ly hôn nên là giải pháp cuối cùng khi mọi nỗ lực khác đều rơi vào bế tắc, chứ không phải giải pháp đầu tiên.

4. Cách dùng từ ly hôn xanh?

A: Tình hình là tôi với Linh đang tính ly hôn. Tại cưới rồi mới thấy chúng tôi không thực sự hợp nhau.

B: Hai ông bà mới cưới được 2 năm thôi mà nhỉ? Có vấn đề gì thử ngồi lại cùng bàn nhau giải quyết xem, hoặc cùng lắm sống ly thân trước đã, đừng vội ly hôn xanh.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục