Maika: Kể chuyện trẻ con từ góc nhìn của con trẻ
Vào đầu năm nay, sau 16 năm vắng bóng, đạo diễn Hàm Trần đã chính thức quay lại liên hoan phim Sundance với bộ phim Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác.
Lấy ý tưởng từ một bộ phim Tiệp Khắc vào thập niên 70 có tên gọi là Maika: Cô Bé Từ Trên Trời Rơi Xuống, hay "Maika phiên bản Việt" đã được chính thức công chiếu tại Việt Nam vào ngày 27/5.
Là một trong hai bộ phim gia đình duy nhất được chọn để trình chiếu tại liên hoan phim Sundance, Maika của đạo diễn Hàm Trần là câu chuyện cảm động về tình bạn đi cùng với những thông điệp chữa lành dành cho những con người đang đối diện với mất mát.
Trong bài Điện ảnh này, cùng ngồi lại với đạo diễn Hàm Trần và nhà sản xuất Jenni Trang Lê để nói về quá trình làm nên bộ phim cùng những thông điệp phía sau Maika.
Chiếc cầu nối giữa hai thế hệ
Maika - Cô Bé Từ Trên Trời Rơi Xuống là một bộ phim của Tiệp Khắc được sản xuất vào năm 1978. Bộ phim xoay quanh cuộc gặp gỡ của cô bé người ngoài hành tinh Maika và một nhóm bạn. Trên những chuyến phiêu lưu đến các vùng đất mới, Maika học được cách cảm nhận cảm xúc con người và ý nghĩa của tình bạn. Cuối phim, cô quay trở về tàu mẹ với lời hứa quay lại.
Vào những năm đầu của thập niên 90, bộ phim du nhập vào Việt Nam và nhanh chóng trở thành một hiện tượng văn hóa. Kiểu tóc “trái dừa” đã được người Việt trìu mến đặt cho cái tên “tóc Maika,” thậm chí, không ít những đứa trẻ được sinh ra vào thời điểm này cũng được bố mẹ đặt tên ở nhà là Maika.
Vào năm 2022, cái tên Maika một lần nữa trở lại dưới hình dạng của một bộ phim điện ảnh. Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác của đạo diễn Hàm Trần chính là một phiên bản tưởng tượng lai của bộ phim đã trở thành một phần không nhỏ trong kí ức tuổi thơ những con người Việt.
Bộ phim bắt đầu khi Hùng (Lại Trường Phú) đang phải đối mặt với nỗi đau mất mẹ (Thanh Hiền) và học cách chung sống với người bố (Ngọc Tưởng) luôn bận bịu với công việc. Trong một cơn mưa sao băng, cậu gặp gỡ Maika (Chu Diệp Anh) và hai đứa trẻ lập tức kết thân. Cùng với Cu Béo (Tin Tin), bộ ba bắt đầu chuyến hành trình giúp Maika trở về với hành tinh của mình.
Xuyên xuốt bộ phim, những chi tiết tri ân đến Maika bản Tiệp Khắc liên tục xuất hiện. Chiếc đai lưng, chiếc áo mưa cùng đôi ủng đỏ của Maika và những bối cảnh tái hiện một phần của bộ phim gốc như một cái gật đầu nhẹ nhàng của người đạo diễn dành cho tuổi thơ của những con người trưởng thành đang ngồi trong rạp chiếu.
Tưởng tượng lại Maika với những giá trị Việt
Trong cuộc phỏng vấn với Vietcetera, đạo diễn Hàm Trần chia sẻ rằng ngay từ khi đọc tóm tắt ý tưởng của bộ phim, anh đã ngay lập tức biết rằng mình phải nhận lời tham gia dự án. Câu chuyện về hành trình đối mặt với nỗi đau mất mẹ của Hùng kết nối đặc biệt với người đạo diễn, khi mà mẹ anh cũng vừa mất một năm trước đó.
Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác là một phiên bản tưởng tượng lại của bộ phim cũ. Đoàn làm phim muốn Việt hóa và lồng ghép những giá trị nguyên bản của người Việt vào câu chuyện,” nhà sản xuất Jenni Trang Lê chia sẻ.
Nếu Maika bản Tiệp Khắc xoay quanh sự hứng khởi dành cho công nghệ hiện đại của thế giới vào thập niên 80, thì Maika bản Việt lại là một câu chuyện chất chứa những giá trị gia đình rất đỗi nhân văn.
Câu thoại “Mãi trong tim dù mình có đi đâu” liên tục vang lên xuyên suốt bộ phim. Đi từ chính cách đạo diễn Hàm Trần đối diện với nỗi đau: “Dù có làm gì, đi đâu, chỉ cần chúng ta nhớ về họ, sự hiện diện của họ vẫn sẽ luôn ở bên chúng ta.” Thông điệp chữa lành của Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác đã vượt xa khỏi khoảng cách thế hệ.
Hãy kể chuyện trẻ con từ góc nhìn của con trẻ
Sự hào hứng đến từ những thứ nhỏ nhặt nhất, như sự say mê tìm tòi, học hỏi, tính tò mò vô tận là những gì khiến trẻ con là trẻ con.
Khi được hỏi về "tính con trẻ" của bộ phim, đạo diễn Hàm Trần tự nhận rằng chúng đến từ tâm hồn “như một đứa trẻ 8 tuổi” của anh. Anh muốn làm một bộ phim mà trong đó, khán giả người lớn có thể cùng phấn khích, cùng hào hứng với những khán giả trẻ. Để có thể làm được điều này, anh nói về việc kể chuyện qua góc nhìn của trẻ con.
Kể chuyện theo góc nhìn của trẻ con, có thể được hiểu là sử dụng những phương tiện để phóng chiếu cách trẻ con nhìn thế giới lên màn ảnh, để khán giả có thể xem bộ phim dưới góc nhìn ấy.
Để làm được điều này, đoàn làm phim được đòi hỏi phải có một đôi mắt nhìn cuộc sống mới. Từ đạo diễn, diễn viên, trang điểm, phục trang, đạo diễn hình ảnh… tất cả đều cùng hướng đến một mục đích chung, nhấn mạnh thế giới quan của trẻ con và thể hiện chúng cho người xem.
Hiệu ứng của cách kể chuyện này có thể thấy được rõ ràng nhất qua các cảnh gây cười của bộ phim. “Cú tát kim chi,” những câu đùa về việc xì hơi,... khi đặt trong bất kì bộ phim nào khác, sẽ ngay lập tức trở nên thô thiển, khó có thể được thực hiện duyên dáng như trong Maika.
Maika sử dụng tỉ lệ khung hình thường được dùng cho các chương trình TV cũ để đưa khán giả người lớn về với những kí ức tuổi thơ. Sau đó, bộ phận hình ảnh đã sử dụng một ống kính với góc nhìn rộng cùng màu sắc phim rực rỡ, mở ra một thế giới đầy háo hứng và tính phiêu lưu, như cách mà một đứa trẻ nhìn vào những gì đang đợi chúng ở phía trước.
Lấy cảm hứng từ bộ phim kinh điển Ở Nhà Một Mình (Home Alone) và phim ngắn Hai con chó, một con mèo, tạo hình và diễn xuất cường điệu của những nhân vật phản diện trong Maika là ý đồ của đạo diễn Hàm Trần nhằm thể hiện những nhân vật “nguy hiểm” nhưng đáng cười hơn đáng sợ.
Chia sẻ về cách kể chuyện này, đạo diễn Hàm Trần nói rằng anh tin vào việc đứa trẻ nào cũng cần có một người hùng của riêng mình. Với anh, kể được câu chuyện bằng góc nhìn của trẻ con là khiến chúng thần tượng và học theo những nhân vật mà câu chuyện muốn tôn vinh.
Thế hệ của đạo diễn Hàm Trần và Jenni được thỏa mãn những niềm vui con trẻ ấy bằng những Maika, Doraemon,... Thì giờ đây với Maika: Cô Bé Đến Từ Hành Tinh Khác, họ đã tạo nên một người hùng mà những đứa trẻ hiện tại có thể tự hào nói rằng: "Họ cũng là người Việt Nam như con."