Bao giờ đạt được miễn dịch cộng đồng?
1. Miễn dịch cộng đồng là gì?
Đây là trạng thái khi hầu hết người dân trong một cộng đồng có kháng thể chống lại một loại bệnh truyền nhiễm. Virus không dễ truyền từ người này sang người khác nữa. Nhờ đó, chuỗi lây lan theo hiệu ứng domino của bệnh bị chậm lại hoặc được phá vỡ hoàn toàn.
Giả sử tổ dân phố nhà bạn có 100 người, trong đó có khoảng 90 người đã có miễn dịch với SARS-CoV-2. Mười người còn lại nếu không may nhiễm bệnh thì việc điều trị cũng trở nên dễ dàng hơn vì không còn áp lực lây nhiễm quá cao trong cộng đồng.
Với ý tưởng này, miễn dịch cộng đồng đã trở thành từ khoá mục tiêu trong bản kế hoạch chống COVID-19 của nhiều chính phủ trên thế giới trong suốt 1 năm qua.
Tuỳ vào loại virus mà tỷ lệ miễn dịch cộng đồng yêu cầu dao động từ 60% đến 90% dân số (Theo jhsph.edu).
2. Các cách để đạt được miễn dịch cộng đồng?
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP HCM, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, về cơ bản có hai cách để đạt miễn dịch cộng đồng, bao gồm thông qua quá trình nhiễm trùng tự nhiên hoặc qua tiêm chủng vaccine. (Nguồn: vnexpress.net)
Với trường hợp để nhiễm trùng tự nhiên, vi-rút gần như được “thả cửa” để lây lan. Việc tạo được miễn dịch cộng đồng lúc này phụ thuộc vào khả năng cơ thể của người bệnh tự sản sinh ra kháng thể.
Đây là hướng đi mà Thuỵ Điển đã áp dụng vào khoảng đầu năm 2020, khi dịch bệnh mới bùng nổ. Chính phủ nước này không áp dụng bất kỳ biện pháp hạn chế hay phong tỏa xã hội nào. Việc giãn cách chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện. (Theo abc.net.au)
Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, lịch sử của quốc gia này đánh dấu một cột mốc buồn: Trong 6 tháng đầu năm 2020, họ ghi nhận hơn 51.000 ca tử vong, con số cao nhất trong vòng 150 năm (Theo reuters.com). Trong khi đó, chỉ có 7.3% dân số ở thủ đô Stockholm là đã phát triển các kháng thể cần thiết để chống lại COVID-19 (tính đến cuối tháng 4 cùng năm).
Sự việc cho thấy “giá trị nhân đạo” cần đánh đổi để đạt được miễn dịch cộng đồng tự nhiên là cực đắt. WHO vì vậy đã khẳng định rằng tổ chức chỉ “ủng hộ miễn dịch cộng đồng thông qua tiêm chủng”.
3. Yếu tố nào của vaccine ảnh hưởng đến tỷ lệ miễn dịch cộng đồng?
Các chuyên gia tại Đại học Sydney cho rằng có 3 yếu tố sau ảnh hưởng đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng:
Thứ nhất là tính hiệu quả của vaccine
Trong số các loại vaccine được WHO phê duyệt sử dụng, tỷ lệ hiệu quả trong các thử nghiệm lâm sàng đối với Pfizer và Moderna dao động khoảng 95%. Con số giảm xuống còn 51% đối với Sinovac. Và không có vaccine nào đảm bảo được 100%.
Điều này có nghĩa là một bộ phận dân số được tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus.
Thứ hai là độ phủ của vaccine
Rào cản lớn với các nước đang phát triển đến nay vẫn là nguồn cung vaccine và sự phân bổ không đồng đều. Thống kê của Bloomberg cho thấy có hơn 4.78 tỷ liều vaccine đã được sử dụng trên thế giới, nhưng riêng Trung Quốc chiếm gần 2 tỷ và hơn ¼ còn lại tập trung ở 27 nước giàu nhất.
Mặt khác, ngay cả khi đã có sẵn vaccine, mức độ tiếp cận của nó cũng còn phụ thuộc vào tỷ lệ người dân đủ điều kiện tiêm chủng và đồng ý tiêm chủng.
Thứ ba là thời gian hiệu lực của các kháng thể do vaccine tạo ra
Hiện nay các vaccine phòng COVID-19 chỉ mới được đưa vào sử dụng khoảng một năm nên không có dữ liệu nghiên cứu hiệu quả dài hơn khoảng thời gian này. Tuy nhiên, theo các dữ liệu mới nhất:
- Sau 6 tháng, hiệu quả chung của vaccine Pfizer sau khi tiêm hai mũi giảm giảm còn 84%.
- Cùng khoảng thời gian, vaccine Moderna vẫn đạt hiệu quả chung là 93%.
- Với vaccine AstraZeneca và Sinopharm, hiện vẫn chưa có công bố chính thức về kết quả hiệu lực thực tế.
Tuỳ theo từng loại vaccine trong thời gian tới, việc tiêm thêm liều “tăng cường” (booster) được cho là có thể cần thiết trong vòng 12 tháng kể từ mũi tiêm thứ 2.
4. Bao giờ thì đạt được miễn dịch cộng đồng?
Tháng 8 năm ngoái, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO đã phát biểu rằng “vẫn còn rất xa để hành tinh này chạm tới ngưỡng cần thiết của miễn dịch cộng đồng”. Đến đầu tháng 8 năm nay, chuyên gia dịch tễ của Oxford nhận định, biến chủng Delta đang khiến miễn dịch cộng đồng trở thành một mục tiêu xa vời, có thể là không bao giờ đạt được.
Thực tế cũng cho thấy Anh và Israel nằm trong số các quốc gia đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cao nhất thế giới, nhưng chưa có thông tin chính thức nào cho thấy họ đã chạm đến ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Các quốc gia này đều chứng kiến sự gia tăng của số ca nhiễm liên quan đến chủng Delta.
Ngoài vì sự đột biến của virus làm giảm hiệu quả của vaccine, còn một nguyên nhân khác là việc chính phủ nới lỏng kiểm soát quá nhanh. Tại Israel, đông đảo người dân nước này từ chối tuân thủ các biện pháp hạn chế nhằm ngăn virus lây lan ngay sau tiêm chủng. Họ vẫn tổ chức các sự kiện tập trung đông người như đám cưới, tiệc mừng.
Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh và chính sách phòng chống dịch khác nhau giữa các quốc gia, địa phương, khó có thể kết luận rằng các nhận định trên về miễn dịch cộng đồng được áp dụng cho tất cả.
5. Giả sử vaccine không tạo được miễn dịch cộng đồng như một số chuyên gia nhận định, tại sao vẫn nên tiêm?
Hiện nay, các loại vaccine phòng COVID-19 không đảm bảo 100% khả năng miễn dịch. Tuy nhiên, chúng giúp ngăn chặn nguy cơ bệnh chuyển biến nặng và tử vong.
Bộ Y tế Anh cho biết dù số ca nhiễm ở nước này vẫn tăng đều, nhưng chiến dịch tiêm chủng đã giúp họ ngăn ngừa 84.600 ca khỏi tử vong và 66.900 ca khỏi nhập viện.
6. Chuyện gì xảy ra nếu miễn dịch cộng đồng không phải là giải pháp?
Trong trường hợp này, cây bút chuyên mảng khoa học Liam Mannix của tờ Sydney Morning Herald cho rằng thế giới sẽ chứng kiến ba kịch bản của đại dịch.
Kịch bản đầu tiên được cho là lạc quan nhất, là COVID sẽ dần trở thành một căn bệnh cảm lạnh thông thường, dựa trên thực tế là hiện nay có ít nhất 4 loại virus corona không đáng lo ngại. Tuy nhiên, giáo sư Robert Booy, tại Trung tâm Nghiên cứu và Giám sát Tiêm chủng Quốc gia Australia cho biết, giới chuyên gia không xác nhận viễn cảnh này có xảy ra hay không, bởi COVID còn “quá mới”.
Kịch bản thứ hai là COVID trở thành bệnh theo mùa, tương tự như bệnh cúm. Một số năm có thể nó sẽ ghi nhận biến chủng nguy hiểm hơn.
Viễn cảnh đen tối nhất là các biến chủng COVID mới không ngừng xuất hiện, gây suy yếu lá chắn bảo vệ của vaccine. Bên cạnh đó, nó có thể tái tổ hợp, hoán đổi gene, làm tăng tính đa dạng.
Không có kịch bản nào Mannix đề cập cho thấy COVID-19 sẽ biến mất. Tuy nhiên, giáo sư Fiona Russell, Đại học Melbourne cho rằng thế giới có thể học cách chung sống với COVID, tương tự như với nhiều loại virus khác. Và việc sản xuất thuốc đặc trị cũng là một phương án mà giới khoa học đang không ngừng nghiên cứu và phát triển.
7. Vậy có thể làm gì vào lúc này?
Đúng rằng miễn dịch cộng đồng là trạng thái lý tưởng để chúng ta hướng tới. Nhưng nếu không thể đạt được nó thì chỉ cần “tiến sát đến mục tiêu này, chúng ta vẫn có thể kiểm soát dịch bệnh”, theo nhận định của giáo sư Robert Booy.
Nói cách khác, điều khả thi hơn để chúng ta nuôi hy vọng lúc này là tình trạng các đợt bùng phát chỉ xảy ra trong thời gian ngắn, số ca nhiễm ít và dễ xử lý.
Người dân thì sống chung với COVID theo cách tốt nhất mà họ có thể làm là:
- Tiếp tục đeo khẩu trang khi ở gần những người không sống trong cùng gia đình.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2 mét với người khác.
- Tránh xa đám đông, không tụ tập đông người.
- Rửa tay thường xuyên.
- Tiêm vaccine COVID-19 khi đến lượt.