Milan Kundera: Từ người lưu vong đến tiểu thuyết gia vĩ đại

Các tiểu thuyết của Kundera đều hướng tới con người, với mong muốn bảo vệ con người trước những xô đẩy của thế giới xung quanh.
Thư Vũ
Nguồn: France 24

Nguồn: France 24

Milan Kundera là một trong những tiểu thuyết gia có sức ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ 20. Ông là tác giả của rất nhiều cuốn sách nổi tiếng với độc giả thế giới cũng như Việt Nam là Đời nhẹ khôn kham (1984), Nghệ thuật tiểu thuyết (1986), Điệu valse giã từ (1972),....

Theo CNN, phong cách văn chương của Milan Kundera cũng đan xen giữa sự dí dỏm, hài hước và những cuộc tranh luận triết học sâu sắc, những mô tả châm biếm về cuộc sống. Các nhà phê bình trên thế giới gọi Milan Kundera là một trường hợp vô cùng đặc biệt của văn học thế giới.

Là người rất tin tưởng vào sức mạnh của tiểu thuyết, ông cho rằng thể loại này nên được công nhận là một loại hình nghệ thuật của riêng nó. Kundera cũng dần trở nên ngày càng kỹ lưỡng và bảo vệ tác phẩm của mình. Đồng thời, các sáng tác của ông được ví như một bản giao hưởng, ở đó có những yêu cầu khắt khe về thanh âm, cấu trúc nhưng lại tạo ra một làn điệu tổng thể mềm mại và đậm tính cá nhân.

Mỗi tiểu thuyết đều cần hướng tới con người

Với Milan Kundera, ông cho rằng: “Tiểu thuyết gia không phải là người hầu của những sử gia.” Trong các tác phẩm của ông, bối cảnh lịch sử chỉ là cái nền để từ đó tìm ra cái tôi trong nhân vật.

Đọc tiểu thuyết của Kundera, sẽ không thấy những gồng mình to tát, nhưng dư âm lại là một cảm giác nặng nề vô cùng. Đây chính là cái được gọi là Đời nhẹ khôn kham - theo tên cuốn tiểu thuyết thành công nhất của ông. Trong đó, cuộc đời con người hiện lên như một kiếp phù du nhẹ bỗng. Để rồi cuối con đường, khi nhìn lại, sự tồn tại trống rỗng, vô nghĩa trên cõi đời khiến ta thấy nặng trĩu.

Trong tác phẩm ​​Những di chúc bị phản bội, Kundera đã thể hiện quan điểm về nghệ thuật viết tiểu thuyết cũng như sự tôn trọng dành cho các tác phẩm nghệ thuật và ý nguyện của người tạo ra chúng.

Ông kịch liệt chỉ trích những hành động coi thường, bóp méo ý nguyện của người sáng tạo nghệ thuật; làm tổn hại đến tác phẩm nghệ thuật của họ bằng cách chỉnh sửa, thêm, xóa, tự ý xuất bản hoặc biểu diễn, áp đặt tác phẩm, thời sự hóa nó, cắt nghĩa nó, biến nó thành chìa khóa để tọc mạch tiểu sử. Bên cạnh đó, ông luôn nhiều lần khẳng định, rằng:

“Nhà tiểu thuyết phải trình bày thế giới đúng như nó là thế: một bí ẩn và một nghịch lý.”

Nếu đã từng đọc Milan Kundera, hẳn chúng ta đều nhận ra những nỗi ám ảnh về lưu vong, với những cuộc hành trình dài, ra đi và trở về trong suốt các tác phẩm của ông.

Đời nhẹ khôn kham là cuộc hành trình của Tomas, Tezera. Sự bất tử là hành trình của Agnés, Rubens. Điệu valse giã từ bắt đầu hành trình của Jakub, còn Vô tri là cuộc trở về bi kịch của Irena và Josef,…Mỗi cuộc đời của các nhân vật in dấu ấn một đoạn đời mà nhà văn trải qua. Đó cũng là một dấu ấn riêng độc đáo trong những sáng tác của Kundera.

Viết về những cuộc đời lưu vong không phải Kundera chỉ đang diễn tả thân phận của mình, mà với ông, kiếp đời lưu vong tiêu biểu nhất cho thân phận con người hiện đại. Bởi những người lưu vong là kết quả của cuộc biến động lịch sử, xã hội, những người lưu vong luôn phải gặp nhiều hoàn cảnh nghiệt ngã, là hiện thân của bất ổn xã hội.

Có thể nói, các tiểu thuyết của Kundera đều hướng tới con người, với mong muốn bảo vệ con người trước những xô đẩy của thế giới xung quanh và trước cả bản năng khiếp nhược trong mỗi người.

Mang âm nhạc vào trong văn chương, viết văn như soạn nhạc

Cha đẻ của Milan Kundera là học trò của nhà soạn nhạc thiên tài Leoš Janáček, cũng chính là người dạy đàn piano cho ông. Cho tới năm 25 tuổi, âm nhạc cuốn hút Kundera nhiều hơn là tiểu thuyết.

Về sau, âm nhạc có sức ảnh hưởng lớn tới sáng tác văn học của ông, không chỉ thông qua những tiểu luận xuất sắc về âm nhạc, mà còn tạo ra kết cấu và tính đa âm, như một bản giao hưởng trong những tiểu thuyết có một không hai của Kundera.

Đưa lý thuyết âm nhạc vào xây dựng tiểu thuyết, Kundera không chỉ muốn cách tân trong việc xây dựng kết cấu tác phẩm mà ở đó ông còn khao khát thể hiện những chủ đề lớn của nội dung.

Đó là những thời đại lịch sử khác nhau, đó có thể là những tính cách khác nhau hoặc những tư tưởng khác nhau… nhịp độ, tiết tấu góp phần thể hiện tình huống, sự kiện hoặc diễn tả biên độ về không thời gian.

Ví dụ tiêu biểu nhất cho cách tiếp cận này của Kundera là Những di chúc bị phản bội. Tác phẩm đã thể hiện cái nhìn uyên bác về nghệ thuật tiểu thuyết trong dòng chảy văn học và tương quan với những nghệ thuật khác mà cụ thể ở đây là âm nhạc. Đồng thời, đấy cũng là một tinh thần kiên định với thái độ tôn trọng với những nghệ sĩ lừng lẫy.

Như một hiệp sĩ rong ruổi dọc lịch sử văn hóa châu Âu, Kundera viết Những di chúc bị phản bội với tư cách là nhà phê bình văn học, nhà phê bình âm nhạc...

Ông dành sự quan tâm đặc biệt với các nhà văn lớn của thế kỷ XX như Franz Kafka, Thomas Mann, Hemingway, Rabelais và những nhà soạn nhạc mà ông ngưỡng mộ với lượng kiến thức gây choáng ngợp.

Cuối cùng, trong suốt sự nghiệp cầm bút của mình, dù xa lánh truyền thông và những ồn ào nơi văn đàn, Milan Kundera vẫn tạo một phong cách, một dấu ấn riêng của tác giả và cũng là điểm khởi đầu cho một tương lai phát triển của tiểu thuyết.

Sự nghiệp đồ sộ, tác phẩm độc đáo, mới mẻ đã khẳng định tầm cỡ của ông. Điều này giống như Proust đã viết: "Mỗi nhà văn buộc phải tạo một ngôn ngữ riêng, cũng như mỗi nghệ sĩ violon phải có được tiếng đàn không thể lộn lẫn."

Ngày 11/7 vừa qua, Milan Kundera được thông báo đã qua đời ở tuổi 94. Salman Rushdie – tác giả người Anh gốc Ấn với những cuốn tiểu thuyết nổi bật, nhận xét về Kundera như "một trong những nhà văn vĩ đại, người đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong trí tưởng tượng của độc giả."

Trải qua nhiều thăng trầm biến động trong lịch sử, chứng kiến sự ra đời và thoái trào của nhiều trào lưu văn học, ông vẫn giữ được vị trí một trong những tiểu thuyết gia xuất sắc nhất của thế giới.

Xin vĩnh biệt Milan Kundera. Cảm ơn ông vì tất cả.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục