Minari: Dù có khó khăn gì đi nữa, miễn là mình có nhau

Minari như cốc nước tinh khiết, cần uống đúng lúc để cảm nhận được ta khát khao nó đó đến chừng nào. Đây chính xác là "bộ phim mà chúng ta cần ngay lúc này".

Lucas Luân Nguyễn
Minari: Dù có khó khăn gì đi nữa, miễn là mình có nhau

Nguồn: Minari

Nếu trong mỗi con người luôn có sự đấu tranh tuỳ từng hoàn cảnh, thì với những người chọn khăn gói tha hương để đến vùng đất mới, cuộc đời họ đã là sự đấu tranh không ngừng.

Họ luôn bị mắc kẹt giữa vùng đất nơi họ sinh ra và vùng đất nơi họ sinh sống. Họ bối rối giữa nơi họ đã bỏ lại sau lưng với nơi họ vật vã kiếm sống mỗi ngày. Họ không đủ “cách tân" để trở thành một người mới hoàn toàn, và cũng không đủ phũ phàng để gạt bỏ hết con người cũ.

Trong sự đấu tranh không ngừng đó, họ lạc quan, vẫn căng tràn những nhận thức về nhân dạng văn hoá và vẫn vươn lên để sống.

Người lưu vong và điện ảnh Mỹ những năm gần đây

Nếu 2019 có The Farewell của Lulu Wang, thì 2020 mang đến cho chúng ta Minari của đạo diễn Lee Isaac Chung. Cả hai đạo diễn đều là người châu Á, với phim được sản xuất bởi một studio Mỹ (A24). Tuy nhiên, Minari đã làm được điều mà The Farewell không làm được trước đó: lọt vào danh sách đề cử Oscar với 6 đề cử, trong đó có “Phim xuất sắc” và “Đạo diễn xuất sắc” và vinh danh vị thế châu Á sau chiến thắng của Parasite.

Về câu chuyện và cách thể hiện, The Farewell là tách trà đậm, khiến chúng ta cảm thấy vị đắng chát để thốt lên “trà ngon", còn Minari như cốc nước tinh khiết, chỉ cần uống đúng lúc để cảm nhận được ta khát khao cốc nước đó đến chừng nào.

Điểm khác biệt lớn này chính là thứ đã trao cho Minari sự công nhận xứng đáng, theo đúng lời nhà phê bình Glenn Whipp báo Los Angeles Times đã nói: bộ phim mà chúng ta cần ngay lúc này.

The Farewell kể câu chuyện cá nhân mang nặng màu sắc u buồn. Đó là câu chuyện của một gia đình đang phải che giấu căn bệnh ung thư của bà và sự đấu tranh của cô gái Hoa kiều khi kẹt giữa hệ giá trị đạo đức của người phương Tây và người phương Đông về lời nói dối.

Khi trải nghiệm của người lưu vong được hân hoan đón nhận trước đó với tác phẩm thương mại Crazy Rich Asians (Con nhà siêu giàu châu Á) của Jon M. Chu, thì The Farewell chính xác là “con nhà siêu buồn châu Á": một bộ phim đậm đặc câu hỏi “điều gì tạo nên tính châu Á trong chúng ta?”.

Hành trình khám phá bản dạng văn hoá của nhân vật được xây dựng vừa có những nét khó xử của sự chênh lệch hệ tư tưởng, cũng vừa bám lấy những giá trị thuần khiết khiến ta luôn tự hào (và đôi khi trào lộng) về chính cộng đồng của mình. Có lẽ vì thế, The Farewell khó gây ấn tượng với những ai không có chung trải nghiệm với nhân vật Billi (Awkwafina thủ vai). Sự cá nhân được tất cả mọi người khen ngợi của Lulu Wang, có lẽ giảm đi ít nhiều giá trị phổ quát (universal values) của tác phẩm.

Với chính câu hỏi “điều gì tạo nên tính châu Á trong chúng ta?”, Lee Isaac Chung lại không kể câu chuyện nặng về hệ tư tưởng. Minari là nhấn trọng tâm vào một thứ cảm xúc trong sáng hơn là sự bí bách của phức cảm văn hóa.

Dẫu cả Wang và Chung đều lồng yếu tố tự truyện vào trong mỗi nhân vật của phim, tình huống mà các nhân vật mắc phải lại làm bật lên hai tinh thần châu Á khác nhau. Ở Minari, các nhân vật không phải quay về đất nước của mình để đối diện với quá khứ và gốc rễ văn hoá. Họ buộc phải tiến về phía trước. Khó khăn ở chỗ, tương lai sẽ rất xa vời với họ nếu họ không thể tìm và định nghĩa được cùng nhau hai tiếng “gia đình”.

Đi tìm hai tiếng “gia đình” giữa giấc mơ Mỹ lồng lộng

Minari kể về gia đình Hàn kiều gồm 4 thành viên: vợ chồng Jacob và Monica, con gái Anne cùng con trai David. Gia đình chật vật bám lấy hoài bão của Jacob khi anh dắt cả nhà về mảnh đất rộng lớn ở Arkansas để bắt đầu xây nên một nông trại. Đó là nơi Jacob gieo mầm “giấc mơ Mỹ” của chính mình để thoát khỏi nghề soi lỗ huyệt gà đang nuôi sống họ. Khi hôn nhân bắt đầu xảy ra mâu thuẫn, Monica cùng chồng đã đưa Soon-ja, bà ngoại của Anne và David, sang Mỹ để chăm sóc hai đứa bé khi họ lao động để đảm bảo tài chính cho gia đình.

Sự xuất hiện của Soon-ja đã mang đến những tình huống dở khóc dở cười cho cả gia đình. Trọng tâm vẫn là giữa bà và đứa cháu ngoại David. David là đứa trẻ có gốc lưu vong được sinh ra và lớn lên ở các nước văn minh phương Tây (còn gọi là lưu vong thế hệ 2). Cậu học kiểu Tây ở trường, nhưng lại được dạy kiểu Hàn ở nhà. Những gì David hiểu về cội nguồn Á Đông của mình như chồi non trong vô thức.

Chồi non ấy dần nảy sinh xúc tác với bà ngoại Soon-ja, trước tính cách của bà, cách sống của bà và kể cả… mùi của bà. Cậu khó xử khi bà trêu cậu công khai vì tật đái dầm. Cậu giận dữ khi bà không biết nấu ăn, làm bánh mà chỉ bắt cậu uống thuốc truyền thống rất đắng, còn bản thân thì vừa xem đô vật vừa uống Mountain Dew.

Nếu Soon-ja là quá khứ và cội nguồn, thì David trong sáng là hiện tại và mong mỏi giã từ quá khứ. Trong mâu thuẫn của vợ chồng Jacob và Monica, Soon-ja là niềm an ủi và khát khao một gia đình yên ấm của người vợ, còn David lại là hạt mầm tương lai và là ước mơ đổi đời của người chồng. Mối quan hệ bà cháu tạo nên câu chuyện về xung đột văn hoá nhẹ nhàng. Còn mâu thuẫn vợ chồng thì tôn lên đề tài về giấc mơ Mỹ của những người Hàn kiều và những bi kịch theo sau, khi người đàn ông cô đơn cùng cực, áp lực nè nặng vai vì không thể chu cấp cho gia đình một cuộc sống hoàn hảo.

Những mâu thuẫn và xung đột trên tưởng như căng thẳng, nhưng Lee Isaac Chung đã có cách để pha loãng chúng, khiến bộ phim không bị đặc quánh các thủ pháp điện ảnh và tính thông điệp như The Farewell.

Trong Minari, chủ thể luôn được đặt giữa cánh đồng và bầu trời rộng lớn trong những khung hình chan hoà nắng và gió. Chuyển động máy và chuyển động nhân vật chậm rãi, nhẹ nhàng theo phong cách poetic cinema (điện ảnh thi vị) cùng với thủ pháp lấy nét mềm (soft-focus) tạo nên những khung hình phiêu diêu như trong mơ và đậm chất hồi kí - những mảnh kí ức len lỏi trong tiềm thức đạo diễn.

Nhờ vậy, khi các nhân vật đứng giữa cánh đồng, khán giả đều cảm nhận được tâm thế của họ giữa thiên nhiên rộng lớn. Một Jacob đầy hoài bão, với bầu trời là giới hạn của mình. Một David không thể chạy nhảy do bệnh bẩm sinh, mà chỉ có thể bước chậm rãi để đón nhận những điều diệu kỳ trong đôi mắt trẻ thơ. Một bà Soon-ja tuổi đã xế chiều, hiền từ và phẳng lặng như mẹ thiên nhiên đang ấp ôm giấc mơ của cả gia đình.

Minari cho khán giả không gian chiêm nghiệm về hai tiếng “gia đình” mà không cần bất kì lời thoại nào. Đó chính là định nghĩa về “điện ảnh” mà nhiều nhà làm phim mong muốn đạt được: sự kết nối với nhân vật bằng ngôn ngữ của khung hình.

Minari - của để dành của bà cho mái ấm nhỏ thân thương

Bộ phim gieo vào lòng khán giả một hình ảnh biểu tượng khó quên: minari - rau cần nước.

Trong phim, minari là một loại rau của Hàn được bà Soon-ja đem theo từ Hàn Quốc. Theo đạo diễn Lee Isaac Chung, vì công dụng thực tiễn (có thể làm gia vị, làm kim chi và làm cả thuốc) với sức sống mãnh liệt thậm chí trên những mảnh đất khô cằn nhất, hạt giống minari luôn có trong túi của những người Hàn lưu vong. Bà Soon-ja đã gieo một vài mầm hạt minari nơi con suối nhỏ gần nhà mình với hy vọng một ngày nào đó những chúng sẽ lan rộng, sum suê.

Khoảng đất bà trồng minari tách biệt hẳn so với nông trại trong mơ của Jacob, nơi anh khao khát trồng những loại cây giống khác của Hàn nhưng đều thất bại.

Có sự tương phản giữa giấc mơ Mỹ to lớn của Jacob với giấc mơ nhỏ bé của bà ở mảnh đất của hai người. Một nơi thì rộng lớn, đầy gió, đầy nắng, không bóng cây che, trơ trọi giữa bầu trời, luôn cần nguồn nước nhân tạo; còn một nơi thì nhỏ bé, âm thầm sinh sôi giữa những bóng cây của khu rừng nhỏ và luôn có một nguồn nước vừa đủ từ thiên nhiên kề cận.

Không thể không nói đến hình ảnh “nước” trong phim. Gia đình Jacob đã phải vật lộn với nguồn nước sạch để sinh hoạt và chăm sóc cho vựa nông sản. Trong lúc khốn khó, cả gia đình tìm đến con suối nhỏ bà tìm thấy để cứu rỗi những ngày khô cằn nhất.

Từ sự tương phản giữa giấc mơ của Jacob và của Soon-ja, cây minari hiện lên như một biểu tượng của sự âm thầm chăm sóc của những người lớn tuổi trong các gia đình châu Á. Chúng ta hay gọi nôm na là “của để dành”.

Khi biến cố lớn xảy ra, của để dành của bà, một thứ hoa màu nhỏ nhoi, lại tươi tốt và trở thành biểu tượng của tương lai. Sự tương đồng trong biểu tượng minari và những người Hàn kiều, rộng hơn là người lưu vong, là một so sánh tinh tế. Người lưu vong cũng như chính loài cây ấy: mỏng manh nhưng đầy sức sống và luôn lan rộng để thể hiện được khát khao sống của mình.

Minari đưa chúng ta đến thông điệp chốt hạ: dù có khó khăn gì đi chăng nữa, miễn là mình có nhau.

Hai tiếng “gia đình” được Lee Isaac Chung theo đuổi tìm kiếm từ đầu đã có được định nghĩa của nó ở những thước phim cuối cùng, chinh phục khán giả lẫn giới chuyên môn và giành 6 đề cử Oscar. David và Anne ôm chầm lấy Soon-ja, chấp nhận bà ngoại ngay trong lúc bà nghĩ mình là gánh nặng. Monica ấp ôm Jacob ngay thời khắc anh sắp buông bỏ giấc mơ của mình. Đẹp hơn cả, là gia đình cùng làm lại từ điểm khởi đầu, xuất phát từ chính mảnh đất đã ngập tràn cây minari của bà.

Lần này, họ sẽ đi cùng nhau, như minari kia không bao giờ đơn độc dù ở mảnh đất nào đi chăng nữa. Một thông điệp tích cực giữa một năm biến động và quả thật, là bộ phim chúng ta cần ngay lúc này.


Xem phiên bản đầy đủ

Xem nhiều nhất

Cùng chuyên mục